Trong đám tang của 8 học sinh bị dòng sông Đà cướp đi sinh mạng hôm 21/3 vừa qua, người ta nhắc nhiều về ông “Hiển cá” - người đàn ông đã tìm được 3/8 đứa trẻ, đưa chúng về với vòng tay gia đình trong buổi chiều định mệnh ấy...

“Lòng chảo nước xoáy” sông Đà - nơi nhấn chìm 8 học sinh xấu số

Sông Đà hay còn gọi là sông Bờ, sông Đen là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng - dòng sông mẹ của đồng bằng Bắc Bộ. Sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với tổng chiều dài hơn 910 km, có tên gọi Lý Tiên Giang. Đoạn sông Đà chảy vào Việt Nam dài 543 km.

Vụ đuối nước thương tâm cướp đi tính mạng của 8 cháu học sinh xảy ra vào chiều định mệnh 21/3 nằm ở bãi cát Thịnh Minh, phường Thịnh Lang thuộc sông Đà (TP. Hòa Bình). Bãi sông này vốn là bãi cát thoải, rất đẹp được ví như biển Hòa Bình, mùa hè người tắm rất đông. Thế nhưng ít ai biết rằng ngay bên cạnh bãi cát đó là một hõm nước xoáy có vách dựng đứng, đây cũng là nơi được gọi là “lòng chảo nước xoáy” của sông Đà.

Gặp gỡ người gác đền sông Đà

Đám tang của 8 cháu học sinh trên con phố Hoàng Văn Thụ (Phường Hữu Nghị, TP. Hòa Bình) sáng 22/3, người ta nhắc nhiều về ông Hiển, người đã tìm vớt 3/8 thi thể trong vụ đuối nước hôm đó. Người đàn ông này được người dân ví như "người gác đền" của khúc sông. Cứ mỗi lần có người đuối nước người ta lại gọi ông, và lần này cũng không ngoại lệ.

Tìm đến gặp người này, trước mặt chúng tôi là một người đàn ông vạm vỡ, trạc 50 tuổi và cao 1,8m. Ông cởi mở, hào sảng, đáng tin và đúng “chất” của người dân vùng sông nước.

Hiển

“Người gác đền” sông Đà tên Nguyễn Ngọc Hiển (SN 1969, quê gốc tại Hải Hậu, Nam Định). Năm 7 tuổi, ông cùng bố mẹ chuyển lên Hòa Bình sinh sống, nhà ngay cạnh bãi sông. Từ hồi tấm bé, khả năng lặn của ông Hiển đã khiến các thủy thủ phải kính nể một phần. Ông có thể lặn xuống đáy sà lan lấy đồ vật mà không gặp bất kì khó khăn nào.

Lớn lên, cuộc sống gắn liền với sông nước vì thế khả năng bơi lặn càng lâu càng sành sỏi. Không chỉ bơi lội giỏi, ông Hiển còn có tài câu cá. Cũng chính vì thế, ông được người dân gọi với biệt danh vô cùng thân thuộc - “Hiển cá”.

Gặp gỡ con sông Đà, ông Hiển nhận ra con sông này hung dữ hơn nhiều so với vẻ êm đềm lặng lờ mà người ta vẫn thường nhìn thấy. Nói về đoạn sông xảy ra vụ đuối nước thương tâm chiều 21/3, ông Hiển cho biết, khúc sông Đà này dòng nước xoáy rất khó chịu so với nhiều đoạn sông khác, bên trên là mặt nước phẳng lặng nhưng phía dưới là cả một vòng xoáy nước ghê hồn.

ông hiển

Do khai thác cát từ nhiều năm trước, nên khúc sông chỗ 8 học sinh bị đuối nước có một lòng chảo rộng chừng 2.000m2, chỗ sâu nhất 10m, nước xoáy thành cột thẳng đứng và xoáy liên tục. Cũng chính vì vách dựng đứng bất ngờ và nước xoáy, không ít trường hợp đã vô tình bước chân vào vùng nước này rồi bị hụt dẫn đến đuối, bị cuốn ra xa khỏi bờ.

“Hôm đó, lúc 3 rưỡi chiều, khi tôi đang nằm nghỉ ở nhà thì có người gọi điện đến. Đầu dây bên kia có nói “Chú ra ngay đây đi, có nhiều cháu học sinh bị đuối nước lắm”. Lúc đó, tôi bật người dậy rồi lập tức chạy xe ra bờ sông.

Lúc ra, tôi thấy anh em cứu hộ và dân đang tìm kiếm, một cháu nổi trên mặt nước đã được vớt vào. Thấy tôi, mọi người đều dừng việc tìm kiếm lại mà chuyển sang hỗ trợ, những lần trước đây cũng chỉ mình tôi có thể lặn để tìm thi thể, họ biết và quá quen với điều đó”, ông Hiển kể lại.

chú hiển

Với kinh nghiệm dày dạn, ông Hiển sẽ hỏi nhanh mọi người sự việc như thế nào, bắt đầu tắm từ đâu. Khi nắm được tình hình thì ông sẽ bắt đầu xem luồng nước chảy rồi xác định người bị chìm ở điểm nào.

Ông Hiển cho biết, hôm 21/3 hõm nước sâu hơn 10m, vách dựng đứng và xoáy nhẹ. Dù rất sâu nhưng nước trong vắt, có thể nhìn thấy những thi thể nằm dưới đáy màu trắng mờ, nổi lên trên nền cát. Xác định được điểm, ông Hiển lặn xuống rồi đi bộ dưới sông rồi bắt đầu tìm.

Hơi lặn đầu tiên chưa đầy một phút ở độ sâu 5m, ông Hiển vội ngoi lên do áp lực mạnh gây khó chịu. Sau vài phút trấn tĩnh, ông lặn tiếp nhiều lần, vớt được ba thi thể đưa lên bờ.

“Bơi ra được vài mét, tôi thấy nhiều thi thể nằm úp, cách nhau vài chục mét dưới đáy sông. Tìm khoảng 5 phút thì tôi thấy cháu bé đầu tiên, lặn xuống, tôi thấy chìm sấp gần sát đáy, khi vớt lên thì có máu chảy ra từ mồm, mũi, biết không thể cứu được nữa. Trong khoảng gần 1 giờ đồng hồ, tôi vớt được 3 cháu, các thi thể cách nhau độ 70 mét. Nếu không đủ tỉnh táo thì kể cả người bơi giỏi khi bị rơi vào lòng chảo này cũng khó thoát nạn", ông Hiển nói.

Vì còn bận công việc, sau khi làm hết khả năng, ông Hiển đã rời khỏi hiện trường. 4 nạn nhân còn lại bị chìm ở khu vực nước khó xác định, lực lượng chức năng đã phải cào đáy để rà soát và trục vớt.

“Chưa bao giờ, người dân nơi đây chứng kiến vụ đuối nước thương tâm và mất mát lớn như vậy. Lúc đi tìm tôi chỉ mong tìm được các cháu. Nhìn thấy mọi người đứng trên bờ ôm nhau khóc, cảnh tượng đấy thực sự rất đau lòng, hơn nữa, các cháu cùng ở một khu phố đau đớn lắm”, ông Hiển xót xa kể lại.

“Hiển tôi lội sông cứu người vì lương tâm chứ chẳng vì cái gì khác”

hiển

Sinh ra trong một gia đình có 6 anh em, từ nhỏ, ông Hiển đã được bố cho chơi với sông nước, chính vì vậy, việc ông thường xuyên ra sông cứu người gia đình chẳng ai cấm cản.

“Các cụ vẫn có câu “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo” nên gia đình tôi lúc nào cũng tự hào vì cả 6 anh em ai cũng biết bơi lội, thậm chí bơi giỏi”, ông Hiển tự hào nói.

Chuyển lên Hòa Bình sinh sống, vì nhà cạnh sông nên ông Hiển hay ra sông bơi lội. Cứu nhiều người đuối sông quá nên ông Hiển cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã cứu được bao nhiêu người. Bây giờ, sống ở đây, cứ có người đuối nước thì người ta lại nhớ ngay gọi ông “Hiển cá”.

Lâu dần thành quen, ông Hiển coi đó là công việc của mình, ông làm mà không đòi hỏi một khoản thù lao nào cả, ông nói: "Mỗi lần tìm được người, cứu được người còn sống mình vui lắm chứ, chỉ sợ mình ra không kịp, không cứu kịp. Mình làm vì lương tâm của mình chứ chẳng vì cái gì khác”. Làm cái nghề không công này, ông Hiển cho biết rất nhiều kỷ niệm. Ngày còn bé ông còn bị ám ảnh, nhưng riết rồi thành quen.

“Thời còn bé, đi vớt củi ở sông, có lần tôi nhìn nhầm xác người là khúc gỗ. Lúc vớt lên, thấy đấy là xác người cũng sợ quá rồi vứt hết củi chạy lên bờ. Khi mình đi bộ dưới đáy sông sợ nhất là khi chân bị mắc vào lưới, nếu không gỡ được thì rất dễ bị đuối vì hết hơi”, ông Hiển nói.

Ông Hiển cho biết, kỷ niệm đáng nhớ nhất và sợ nhất của ông cũng chính là khi đưa đoàn của cơ quan sông Đà đi du lịch đền Bờ.

“Lúc đấy đoàn đi vào ngày 16 tháng Giêng nên nước sông rất lạnh và có sương mù. Thuyền của đoàn di chuyển trên sông vào buổi đêm rất nguy hiểm nên phải men theo đường núi đi. Đang đi thì tôi cảm nhận được thuyền đi vào vách núi. Vừa dặn đội lái phải thật cẩn thận thì lúc đấy tàu bị khựng lại và không di chuyển được nữa.

Quan sát kỹ một lúc thì tôi hô lên: “Chân vịt cuốn vào lưới rồi” và một lúc sau, tàu chết máy. Tôi liền lặn xuống nước, nước sông vừa sâu vừa lạnh. Khi soi đèn thì thấy lưới quấn kín hết chân vịt, phải mất 1 tiếng ngâm mình dưới nước mới có thể gỡ được hết số lưới mắc kẹt. Lúc gỡ xong mới hết lo, cảm nhận được sự nguy hiểm của người trên thuyền và cả bản thân đã được cứu sống”, ông Hiển nhớ lại.

Với bề dày kinh nghiệm hơn 40 năm sông nước, ông “Hiển cá” luôn căn dặn người dân phải tự ý thức được sự nguy hiểm của khúc sông, nếu muốn ra tắm thì phải có kiến thức và kỹ năng đầy đủ, hoặc ít nhất là phải trang bị áo phao.

chú hiển

Ông Hiển chia sẻ rằng, đuối nước biết cách cứu thì vẫn cứu được. Nếu đuối nước cả giờ đồng hồ nhưng nạn nhân không uống nước, nước không vào phổi, chỉ ngạt khí và chết lâm sàng thì có thể cứu chữa.

“Trong trường hợp nạn nhân uống nước nhưng chưa xảy ra tình trạng xuất huyết ở mồm, mũi, người sơ cứu cần cầm chân dốc ngược để nước chảy ra khỏi phổi nạn nhân, như vậy cũng có khả năng cứu được", ông Hiển chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện ông Hiển đang làm công việc lái xe đưa đón công nhân, thời gian rảnh rỗi không nhiều. Năm nay đã 50 tuổi, sắp tới, khi về hưu, ông Hiển có dự định thành lập một đội cứu hộ, cứu nạn tình nguyện, thường trực trên bãi sông Đà để có thể ứng cứu kịp thời, tránh xảy ra những vụ đuối nước không đáng có.