PHÙNG SƠN

Cho rằng giết “đồng môn” là để giải thoát cho nạn nhân khỏi con đường “quỷ ám”, kẻ chủ mưu Phạm Thị Thiên Hà không thừa nhận mình giết người. Hà cho rằng, bị cáo đã dùng các phương pháp phục hồi sự sống cho các nạn nhân nhưng “số tận” nên không ai qua khỏi. Tuy nhiên, sau khi được HĐXX phân tích rõ những sai trái trong việc tu đạo, giết người, Hà hy vọng mình sẽ được giảm án. Khi được nói lời sau cùng, bị cáo này xin lỗi cha, mẹ và người thân gia đình nạn nhân.

Hiện trường vụ án.

Hơn 1 năm sau khi phát hiện thi thể ông Trần Đức L. (SN 1969, quê tỉnh Nghệ An) và anh Trần Trí T. (SN 1990, ngụ TP.HCM) được giấu trong thùng bê tông, vụ án chấn động này được đưa ra xét xử.

Các bị cáo hầu tòa gồm: Phạm Thị Thiên Hà (SN 1988, ngụ TP.HCM), Lê Ngọc Phương Thảo (SN 1990, quê tỉnh Tiền Giang), Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (SN 1979) và Trịnh Thị Hồng Hoa (SN 1953 cùng ngụ TP.HCM).

Vì số người muốn vào phòng xử án quá đông nên chỉ những ai có giấy triệu tập của tòa mới được tham dự.

Nhà báo, PV cũng phải xuất trình đầy đủ giấy tờ và được bố trí theo dõi diễn biến phiên tòa ở 1 phòng riêng thông qua màn hình ti vi.

Cũng giống như những phiên toà hình sự khác, không khí căng thẳng bao trùm cả bên trong lẫn ngoài phòng xử. Những giọt nước mắt, sự uất hận thể hiện rõ trên khuôn mặt của người thân, gia đình các nạn nhân trong vụ án.

Đến toà từ rất sớm, người thân của ông Trần Đức L. ôm di ảnh ngồi cạnh cửa ra vào. Chẳng ai nói với ai nhưng ánh mắt của họ luôn hướng về chiếc xe chở tội phạm đang đậu giữa sảnh.

Con gái ông L. cho biết, ông L. là người hiền lành nhưng không ngờ trước khi chết lại bị đánh đập, thậm chí bị nhóm bị cáo sát hại trong đau đớn.

Cơ quan công an đang khám nghiệm hiện trường

“Theo cáo trạng gia đình tôi có được, khi bố tôi nhảy từ trên lầu xuống vẫn còn kêu cứu được. Lúc đó, Hà là người tỉnh táo nhất nhưng đã không có biện pháp cấp cứu, để T. đánh bố tôi. Kể cả Hà cũng đánh bố tôi… dẫn đến bố tôi bị chết. Khi bố tôi chết, tất cả các bị cáo đều không báo cho gia đình tôi mà còn xâm phạm thi thể bố tôi. Nhất định, những người này phải chịu bản án cao nhất, không ai có thể nghĩ ra việc giết người rồi phi tang như vậy”, chị này nói.

Mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ ở các khâu, nhưng phải đến gần 9h ngày 25/6, phiên tòa mới chính thức diễn ra, sau khi chủ tọa phiên tòa làm việc với nhóm nhà báo, phóng viên lần cuối về việc ghi nhận thông tin, hình ảnh diễn biến phiên xét xử.

Khối bê tông còn nguyên xác người.

Khi HĐXX vào làm việc, chủ tọa phiên tòa cho gọi Phạm Thị Thiên Hà (kẻ chủ mưu giết người) lên để xét hỏi. Câu đầu tiên HĐXX hỏi bị cáo Hà là vì sao lại tu luyện giáo phái, vì sao giáo phái lại có tên là “tịnh cốc”?.

Hà khai rằng, từ nhỏ bị cáo sống với gia đình và từng đi du học Nhật Bản. Năm 2016, Thiên Hà về nước vừa làm phiên dịch tiếng Nhật, vừa buôn bán. Hai năm sau, Thiên Hà từ bỏ cuộc sống bình thường và bắt đầu hành trình du mục, ẩn dật.

Bị cáo Hà.

Hà khai, bản thân tự lên mạng, các trang web của Trung Quốc nghiên cứu tu luyện. Hà muốn có 1 giáo phái riêng do chính mình sáng lập, từ đó, Hà quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình và thu nạp thêm nhiều “đồng môn” cùng mình “tu luyện” giáo phái. Hà cũng được chính mẹ đẻ là Trịnh Thị Hồng Hoa giúp đỡ và cùng tu luyện nên bị cáo ngày càng quyết tâm.

Hà cho biết, chiếc xe đang bị cơ quan chức năng tạm giữ đã theo nhóm bị cáo rất lâu. Hà tự lái xe và di chuyển khắp các tỉnh Nha Trang, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... để "tu luyện". Hành trình “tu luyện” gặp khó khăn khi chính quyền phát hiện cản trở nên Hà nghĩ ra cách thuê nhà dân, khách sạn để tập tu.

Trong các bút lục và kết luận điều tra thể hiện, nhóm của Hà đã “tịnh cốc, tu luyện” nhưng cho những người trong nhóm uống rượu và hút thuốc lá? Bị cáo Hà trả lời đó là áp dụng phương pháp tu luyện tìm hiểu trên mạng.

“Khi tu luyện "tịnh cốc" không được ăn cơm nên tôi đưa ra việc uống rượu để đảm bảo sự sống cho những người tu luyện”, bị cáo dõng dạc khai trước tòa.

HĐXX hỏi Hà vì sao giết nạn nhân L., Hà cho rằng, trong quá trình tu luyện phương pháp “tịnh cốc”, L. đã không chấp hành đúng luật của nhóm, có ý định bỏ trốn, nhảy xuống đất và sau đó bị thương. Hà cùng một số thành viên khác đưa L. vào trong phòng nhưng nạn nhân la hét nên Hà đã tát L. 2 cái và trói nạn nhân lại.

Trả lời câu hỏi vì sao phải đổ bê tông vào xác nạn nhân, Hà trả lời: “Đó là để bảo quản xác”. Hà khai rằng, theo bị cáo nghiên cứu trên mạng, những người đã chết vài ngày vẫn có thể sống lại được nếu thực hiện phương pháp phục hồi sự sống. Nạn nhân L. đã chết, bốc mùi rồi nhưng bị cáo vẫn cố làm phương pháp hồi phục cho sống lại nhưng không thành nên mới bảo quản xác!?.

Về cái chết của anh Trần Trí T., Hà cho rằng bản thân làm vậy là đúng, vì T. đã bị “nhập quỷ”, không lối thoát nên chỉ có cái chết mới mang lại sự bình yên cho T. và những người khác trong nhóm tu.

Theo lời khai trước tòa, Hà khẳng định nạn nhân T. lén đi ăn, có ý định quan hệ tình dục với 2 người trong nhóm... Hà sợ sẽ bị nạn nhân T. đe dọa. Những người trong nhóm đều là nữ nên không thể phản kháng lại sự đe dọa của T..

Căn nhà nơi phát hiện vụ án.

Sau khi T. lấy trộm vàng của bà Hoa thì Hà quyết định giết T.. Hà khai, đã tính toán rất kỹ lưỡng và Hà chính là người trực tiếp ra tay. Bị cáo khai nhận, đã bàn với Huyên, Thảo mua bê tông, thùng nhựa về nhưng khẳng định không phải phi tang xác mà là để bảo quản.

Hà còn khẳng định rằng bị cáo T. chết là “ý trời”. “Trước khi giết nạn nhân T., tôi tự khấn ở trong lòng ‘nếu ông trời đồng ý, đánh chết T. thì hãy đổ mưa’. Sau khi bị cáo khấn như vậy xong thì trời đổ mưa nên kế hoạch giết T. đã được thực hiện.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi bị cáo Hà, HĐXX cho gọi Trịnh Thị Hồng Hoa. Do sức khoẻ của bị cáo này không đứng và đi lại bình thường được nên HĐXX cho ngồi tại chỗ để trả lời.

Bị cáo Hoa không thể đi lại phải có người dìu, dắt.

Trước khi hỏi, HĐXX công bố lời khai của Hoa tại cơ quan điều tra. HĐXX hỏi có phải Hoa đã khai nhận, được Hà phân công niệm kinh pháp để kiềm chế “quỷ dữ” trong người nạn nhân T. không?

Bị cáo Hoa thừa nhận có nghe Hà nói “cần phải giết con quỷ dữ” nên Hoa mới niệm kinh pháp. “Tôi chắp tay để niệm kinh pháp trong lúc trời đang mưa. Tôi niệm kinh pháp được một lúc lâu thì nghe nói T. chết rồi tôi mới ngừng”, bị cáo Hoa khai.

Cũng trong quá trình xét hỏi, Hà cho rằng bản thân mình đã hoàn thành nghĩa vụ của 1 Trưởng nhóm, chăm sóc rất tốt cho các thành viên khác, nhưng L. và T. lại không tôn trọng. Trước khi “tịnh cốc”, Hà đã giải thích rất rõ cho những người tu luyện đây là giai đoạn rất khó khăn, có thể dẫn đến cái chết, nên khi những nạn nhân gặp sự cố, Hà cho đó là điều bình thường.

Ngoài ra, HĐXX hỏi bị cáo Huyên tham gia quá trình giết nạn nhân T. như thế nào, Huyên trả lời: “Tại căn nhà số 90 ở huyện Bàu Bàng, T. có những biểu hiện rất "kỳ". T. hay nhìn vào phòng tôi và những người khác đang ngủ. Ngoài ra tôi thấy nhiều lần cô Hoa vào phòng tắm đã cởi hết đồ ra mà T. xông vào…”.

Bị cáo Tâm Huyên.

“Sau khi theo Hà “tu luyện”, tôi đã tôn Hà làm “sư phụ” để học theo. Khi phát hiện T. biến chất, có ý định xấu với những thành viên nữ trong nhóm, Hà bàn bạc về việc giết T.. Do tuyệt đối nghe theo những gì Hà sắp đặt, tôi cho rằng bản thân chỉ làm theo “sư phụ” nên đồng ý với việc VKS truy tố về tội Giết người”.

Bị cáo Thảo nói tại tòa.

Tại phiên xử, Huyên khai những lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra là đúng nhưng bị cáo không thừa nhận đã cầm sợi dây thòng lọng để tham gia giết nạn nhân T.. Huyên cũng khai trước tòa rằng, trước khi giết nạn nhân T., Huyên có tham gia bàn bạc với nhóm, dưới sự chỉ đạo của Phạm Thị Thiên Hà.

Tuy nhiên, khi giết T., Huyên chỉ đứng ngoài cửa để phòng ngừa bất trắc. Trả lời về việc vì sao có trình độ, hiểu biết lại nghe theo Hà làm những việc này, Huyên trả lời khi đã tin một ai thì phải nghe theo người đó. Đó cũng là cách bị cáo thể hiện sự biết ơn của mình đối với Hà.

Khối bê tông trong bồn nhựa được đập ra.

Trong quá trình tranh luận, HĐXX cho hỏi người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, mẹ nạn nhân T. cho rằng: “T. đi khỏi nhà được khoảng 10 tháng, không liên lạc với gia đình và gia đình cũng không liên lạc được với T.. Chỉ đến khi có công an đến nhà hỏi tôi để nhận diện chiếc xe máy và chiều cao của con tôi, tôi mới biết chuyện”.

HĐXX hỏi người nhà nạn nhân T. có ý kiến gì về các bị cáo không? Mẹ nạn nhân T. trả lời: “Tôi biết là họ đang khai man. Tôi nghĩ là con tôi chưa chết. Tôi không biết chôn cất con tôi như thế nào. Nhà đòn (mai táng) cũng không cho tôi xem thi thể con tôi”.

HĐXX hỏi tại sao biết T. chưa chết và chứng minh điều đó trước tòa thì người phụ nữ này nói rằng: “Tôi nhìn qua hình thì đầu con tôi không phải như vậy? Đầu con tôi vuông hơn, to ngang và dài hơn, không giống như trong ảnh chụp tử thi. Tôi nghĩ họ không giết con tôi. Tôi cũng không yêu cầu bồi thường”.

Đến cuối phiên tòa, HĐXX cho gọi người thân của Hà là ông C. (bố bị cáo). Mọi ánh mắt đều đổ dồn về người đàn ông có thân hình nhỏ nhắn. Ông C. nói ông rất lấy làm tiếc về việc làm của vợ cũ (bị cáo Hoa, 2 người đã ly hôn - PV) và con gái.

Trong vụ án này, ông cũng nhận một phần trách nhiệm về mình vì đã không quyết liệt khuyên bảo vợ cũ và con gái. Ông cho rằng, nếu quyết liệt khuyên can hơn nữa khi cả hai đi “tu luyện” thì sự việc đáng tiếc này có thể đã không xảy ra…

Hiện trường vụ án.

Ông C. nói rằng, Hà là đứa con ngoan, học giỏi, từng đi du học tại Nhật Bản. Sau đó, Hà về nước rồi làm phiên dịch tiếng Nhật và mở quán cà phê rất đông khách. Sau này, con ông bắt đầu tiếp xúc với nhiều người rồi từ bỏ tất cả...

“Khi phát hiện con gái sa đà vào việc tu luyện, tôi đã nhiều lần khuyên can nhưng không có kết quả”, ông C. nói trong nước mắt. Ông C. nói lời xin lỗi và chia sẻ mất mát, đau thương đối với gia đình 2 nạn nhân.

"Tôi xin hứa sẽ hỗ trợ một phần để bù đắp những tổn thất về mặt tinh thần cho gia đình bị hại. Qua đó, phần nào bù đắp nỗi đau thương mất mát mà con tôi đã gây ra”, ông C. hướng về gia đình bị hại chia sẻ.

Đại diện VKSND tỉnh Bình Dương khẳng định, bị cáo Hà là chủ mưu, cầm đầu, có nhiều tình tiết tăng nặng định khung, có tính chất côn đồ. Tại cơ quan điều tra thì bị cáo thành khẩn, đến khi hầu tòa lại không ăn năn hối cải. Vì vậy, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Thiên Hà mức án tử hình.

Bị cáo Lê Ngọc Phương Thảo giữ vai trò thứ hai trong vụ án. Bị cáo che giấu tội phạm và cùng Hà phi tang xác của T. và L.. VKS xét thấy bị cáo còn có thể cải tạo được nhưng cần phải cách ly xã hội một thời gian dài. Cơ quan công tố đề nghị HĐXX phạt Thảo 22-23 năm tù về tội Giết người và Che giấu tội phạm.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm Huyên có vai trò nguy hiểm thứ ba, không tố giác tội phạm. Do đó, đại diện VKS đề nghị phạt Huyên 19-21 năm tù về tội Giết người và Không tố giác tội phạm.

Bị cáo cao tuổi nhất là Trịnh Thị Hồng Hoa có vai trò thấp nhất trong vụ án, nên VKS đề nghị phạt Hoa từ 13-15 năm tù về tội Giết người và Không tố giác tội phạm.

P.S