Chiều cuối tuần, Hà Nội se lạnh, tôi có hẹn với điều dưỡng Thu Giang (công tác tại Bệnh viện Việt Đức) khi cô vừa kết thúc thời gian cách ly sau chuyến tăng cường cho Tp.Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19.
Trở về sau 30 ngày vào “điểm nóng”, Giang cùng đồng nghiệp đã cùng nhau đi qua những ngày tháng ý nghĩa nhất trong cuộc chiến chống đại dịch.
Kể về thời gian làm việc trong khu vực điều trị bệnh nhân nặng, Thu Giang không giấu được những giọt nước mắt. Mỗi câu chuyện là những mảnh ghép chân thực đầy xúc động về những “chiến binh” chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân mắc Covid-19 trong cơn thập tử nhất sinh.
Áp lực công việc lớn, mỗi ngày nhìn bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng trước sự cố gắng của đội ngũ thầy thuốc, bác sĩ mà trái tim Giang như bị bóp nghẹt.
Trung tuần tháng 9/2021, khi số ca mắc Covid-19 tại Tp.Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao, Bệnh viện Việt Đức tiếp tục chi viện cho Tp.Hồ Chí Minh.
Trong đợt xuất quân lần 2 này, Thu Giang và 200 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên thuộc nhiều chuyên khoa của bệnh viện được tăng cường vào Thành phố mang tên Bác để hỗ trợ chống dịch Covid-19.
“Chúng em vào thay thế cho đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện đã vào Tp.Hồ Chí Minh chống dịch từ đầu tháng 8/2021. Tâm thế của chúng em là đi hẹn ngày hết dịch mới trở về. Tuy nhiên, sau một tháng tăng cường cho Bệnh viện Dã chiến số 13, tình hình dịch bệnh ở trong đó không còn căng thẳng, chúng em được trở lại Hà Nội”, Giang chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, tại Bệnh viện dã chiến số 13, nhiều bác sĩ, điều dưỡng trẻ tình nguyện tạm xa gia đình để tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Các bác sĩ hàng ngày hỗ trợ thăm khám, chăm sóc, động viên tinh thần đã giúp nhiều bệnh nhân Covid-19 sớm bình phục.
Cũng giống như hàng trăm, hàng nghìn đồng nghiệp khác, tạm gác những công việc đang dở dang, gửi lại con nhỏ cho ông bà ngoại chăm sóc, Thu Giang đã lên tuyến đầu chống dịch sau 2 lần “lỗi hẹn”. Theo lịch phân công công tác trước đó, Giang từng 2 lần có tên trong danh sách tăng cường vào Tp. Hồ Chí chống dịch.
Ban đầu vào tâm dịch, Giang cũng khá hoang mang, cô không lo sợ đối đầu với dịch bệnh mà chưa hình dung được cụ thể công việc của mình. Mặc dù khi ở bệnh viện, Giang và đồng nghiệp được tập dượt rất kỹ lưỡng nhưng khi vào thực tế cũng có chút bối rối.
Thế rồi, nhờ sự tận tình chỉ bảo của thành viên trong “Đội Sao đỏ” của Bệnh viện Dã chiến 13, Giang cũng bắt nhịp với công việc khá nhanh. “Đội Sao đỏ” cũng luôn giám sát chặt quy trình đảm bảo an toàn cho các điều dưỡng, từ cách đeo khẩu trang, sát khuẩn, thay đồ bảo hộ làm sao bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm…
“Em và mọi người được mọi người quan tâm lắm. Ăn, ở với điều kiện rất tốt, đủ sức khỏe để yên tâm chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Ở trong bệnh viện, anh chị em hay động viên nhau: “Vất vả như thế nào cũng phải trụ vững, cố gắng cứu sống bệnh nhân”, Giang nhớ lại.
Thời điểm Giang tăng cường cho tuyến đầu, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 lớn, bệnh viện dã chiến rơi vào tình trạng quá tải. Khu ICU gần như không có giường trống, các bác sĩ khoa kế bên thường xuyên “dò hỏi”, “đặt chỗ” để chuyển bệnh nhân nặng sang điều trị.
“Mỗi khi điện thoại về nhà “ở hai đầu nỗi nhớ” Hà Nội- Tp.HCM nghe con nói: “Con nhớ mẹ lắm, mẹ đi cứu thương cẩn thận nhé, mẹ đi an toàn nhé, mẹ mau về với em nhé” em thấy mình được tiếp thêm sức mạnh”.
Ngày nào cũng vậy, Giang và các đồng nghiệp cũng gần như quá tải với công việc. “Tuần đầu tiên, em cũng bị stress bởi quá nhiều bệnh nhân nặng, diễn biến bệnh nhanh, có bệnh nhân vừa chăm sóc, sau đó đã ngừng thở rồi. Chứng kiến bệnh nhân ra đi mà mình thì bất lực, thương lắm!
Là bệnh nhân Covid-19 nên họ không có người thân bên cạnh, nhập viện cũng chỉ có vài vật dụng cá nhân đi kèm. Khi họ mất đi, phía gia đình cũng chỉ nhận được cuộc điện thoại thông báo từ phía bệnh viện”, Giang chia sẻ.
Ám ảnh lớn nhất của Giang khi “vào tâm dịch” chính là việc chứng kiến những tình cảm, cử chỉ yêu thương mà những người đang “bên kia sườn dốc cuộc đời” dành cho nhau hay cảnh tượng những bệnh nhân lặng lẽ rời xa cõi tạm không có người thân bên cạnh.
Giang nhớ như in hình ảnh đôi vợ chồng già cùng điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 13. Ông nằm điều trị bên khu thở oxy tầng cao (đã cai được oxy-PV) còn bà nằm điều trị bên khu ICU. Bà bất tỉnh, phải thở máy, phải dùng thuốc an thần, giãn cơ, thuốc vận mạch để kéo dài sự sống.
Hàng ngày, ông đi từ khu N7 sang thăm bà, đọc kinh cho bà nghe 2 lần. Nhìn cử chỉ ông quan tâm, chăm sóc bà ai cũng xúc động. Bà nằm ở ICU hơn 1 tuần, rồi bệnh trở nặng, tiên lượng xấu.
“Hôm đó vào cuối tuần, tình trạng bà cụ chuyển xấu, mọi người gọi điện cho ông sang thăm bà lần cuối. Nhìn thấy bà trút hơi thở cuối cùng, ông như chết lặng, không nói thành lời, tay run run vuốt má bà. Cả buồng bệnh lặng như tờ, ai cũng thương cho hoàn cảnh của ông. Bác sĩ, điều dưỡng cũng chỉ biết quay mặt, lặng khóc”, Giang bồi hồi nhớ lại.
Sau khi bà cụ qua đời, ông có chia sẻ với Giang và các đồng nghiệp rằng muốn được ra viện để tiễn bà đoạn cuối. Thế nhưng, vì ông vẫn chưa khỏi bệnh nên mọi người động viện ông yên tâm ở lại điều trị bệnh. Nghe vậy, ông khóc nhiều lắm! Ông nói: “Bà đi thế này, ai lo? .. ông gạt nước mắt gặng hỏi các điều dưỡng. Ông bảo rằng, nhà ông nghèo lắm, con cái thì không có. Sau này khỏi bệnh, thân già côi cút, ông cũng chẳng thiết sống nữa.
“Ba hôm sau, bất ngờ ông nhận kết quả âm tính, ông được về nhà, ông qua chào bọn em. Tinh thần ông lúc đó khá hơn, ông nói: “Ông kịp về nhận tro cốt của bà rồi”, nghe câu nói ấy mà em cảm nhận nỗi đau chạm đến tim”, Giang mắt đỏ hoe kể.
Cũng trong chuyến công tác đặc biệt lần này, Giang không thể nào quên hình ảnh người mẹ luôn túc trực bên con trai mỗi ngày. Người mẹ ấy có con trai tên Hưng (25 tuổi) diễn biến nặng phải lọc máu, thở máy, nằm bất tỉnh nhân sự.
Hai mẹ con đều mắc Covid-19. Mẹ ở thể nhẹ nên hàng ngày vẫn tranh thủ qua thăm con, tập vận động tay chân; vệ sinh cá nhân cho con. Bệnh tình trở nặng, bệnh viện dã chiến không có trang thiết bị kỹ thuật cao nên Hưng phải chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy điều trị còn người mẹ thì vẫn ở lại bệnh viện dã chiến.
“Mỗi lần sang thăm, cô ấy đều lay lay vào người Hưng vỗ về: “Con ơi, mau khỏe để trở về nhà. Con tỉnh dậy nhìn mẹ đi, mẹ đây mà”. Thế nhưng, cậu ấy vẫn bất tỉnh. Ánh mắt người mẹ nhìn bác sĩ như muốn cầu cứu, xót xa lắm. Ánh mắt của người mẹ ấy vẫn luôn ám ảnh em trong suốt chuyến công tác đặc biệt”, Giang nói.
Điều dưỡng Thu Giang cho biết, cô công tác tại khoa Hồi sức Tim mạch lồng ngực nên khi tăng cường vào Bệnh viện Dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Tp.Hồ Chí Minh), cô được phân kíp trực tại khu N4- Chăm sóc Tích cực (ICU).
Nữ điều dưỡng chia sẻ, công việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng rất vất vả, chỉ cần sơ suất nhỏ trong vận hành máy thở, theo dõi nồng độ bão hòa oxy trong máu… là ảnh hưởng ngay đến tính mạng bệnh nhân. Thế nên, tại bệnh viện dã chiến, các bác sĩ và điều dưỡng chia ca túc trực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị, theo dõi sức khỏe bệnh nhân 24/24 giờ.
Một ngày được chia thành 4 ca trực, ca ngày 5 tiếng, ca tối kéo dài 8 tiếng. Ở khu ICU, nồng độ virus SARS-CoV-2 cao, là môi trường nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trong ca trực 5 giờ đồng hồ, bác sĩ, điều dưỡng phải tập trung cao độ, đảm bảo mỗi khâu có thể “khớp lệnh” nhịp nhàng, đảm bảo việc điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân được tốt nhất.
Đối với những bệnh nhân có bệnh nền, nhân viên y tế luôn phải theo dõi sát sao, kịp thời phát hiện khi chuyển nặng để chuyển lên tuyến trên, đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân.
Nữ điều diều dưỡng bộc bạch: “Đa phần bệnh nhân ICU đều ở thể nặng, không tiếp xúc được, phải thở máy nên tất cả các khâu từ vệ sinh cá nhân, ăn uống, làm thủ thuật… đều một tay do điều dưỡng đảm nhiệm”.
Ca trực kéo dài lại phải mặc đồ bảo hộ PPE kín, trong khi đó, phòng chỉ mở quạt máy để giảm nồng độ virus trong không khí nên có không ít đồng nghiệp đã bị ngất, nổi ban đỏ, phồng rộp… khắp người. Khi phủ kín bảo hộ, Giang cũng hay bị khó thở, đau đầu nhưng phải tự nhủ cố gắng, vững tâm để làm việc.
Kể về ca trực, Giang chia sẻ, những khi làm ca sáng hoặc ca tối thì đỡ vất vả vì thời tiết dịu hơn, không quá nóng. Hôm nào trực ca 2 (từ 12h đến 17h), cảm giác như “ngồi trên đống lửa”.
Thời tiết nóng nực, cường độ làm việc cao, mặc bộ đồ bảo hộ cấp 4 trong nhiều tiếng đồng hồ, anh em đồng nghiệp nhìn thấy nhau cũng không còn sức để nói chuyện, có chăng là cử chỉ khẽ gật đầu chào nhau.
Giang chia sẻ: “Em làm bên hồi sức, thường xuyên tiếp xúc ICU nên thích nghi cũng dễ dàng hơn. Nhiều anh chị công tác ở các khoa khác khi vào tăng cường cũng gặp không ít khó khăn. Họ khá lúng túng khi phải xử lý các tình huống phát sinh.
Thông thường, khi trực ca 2, điều dưỡng sẽ phải làm rất nhiều thủ thuật, nào là mở khí quản, chọc dẫn lưu màng phổi, làm ven... Tất cả các thao tác phải chuẩn xác, nhanh lẹ”.
“Vào đây giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, thời tiết nắng nóng, không điều hòa, chỉ có quạt thông gió, nên mất nước, kiệt sức là bình thường. Chúng em phải nỗ lực gấp 200-300% so với bình thường để vượt qua khó khăn.
Trên ti-vi, nhiều phóng sự nói về bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, những trường hợp bị sốc, ngất xỉu hay gặp “sự cố” thường rơi vào ca 2 đó, nhà báo ạ”, Giang nói về những hy sinh thầm lặng của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng.
Giang cũng chia sẻ thêm, mỗi bác sĩ, điều dưỡng… được tăng cường cho tuyến đầu chống dịch một mốc thời gian nhất định là “đảo quân”. Tuy nhiên, giữa lúc “đỉnh dịch”, có những đồng nghiệp của cô đã tình nguyện ở lại Bệnh viện Dã chiến 13 để chăm sóc bệnh nhân lên tới 70 ngày liên tục.
Thời điểm Thu Giang và đồng nghiệp tăng cường cho Bệnh viện Dã chiến 13 vẫn còn nhiều ca bệnh nặng. Chỉ riêng khu ICU có 42 bệnh nhân thở máy và điều dưỡng phải chăm sóc toàn diện.
Điều dưỡng sẽ hoàn toàn đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân. Từ những công việc cần đến chuyên môn như: Hỗ trợ vận động, xoa bóp đến phục vụ ăn uống bữa chính, bữa phụ cho đến những việc nhỏ nhất như: vệ sinh, tắm rửa, đánh răng, gội đầu…
Bắt đầu ca trực, mỗi điều dưỡng sẽ tiếp nhận bệnh nhân của ca trước, cập nhật tình trạng của bệnh nhân xem đang có vấn đề gì hay không. Tiếp đến, các điều dưỡng sẽ vệ sinh cá nhân, hút đờm, thay dịch truyền cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, điều dưỡng sẽ phải lĩnh thuốc từ khoa Dược, sau đó bác sĩ in phơi thuốc để điều dưỡng phân loại thuốc cho bệnh nhân, sau đó theo dõi bệnh nhân. Trong ca trực, nếu bác sĩ có y lệnh làm thủ thuật thì các điều dưỡng luôn là trợ thủ đắc lực.
Mỗi bệnh nhân gây mê thở máy phải dùng rất nhiều thuốc. Trung bình mỗi bệnh nhân phải “ôm” 6 loại máy (máy truyền dịch, máy thở, máy bơm tiêm điện, máy monitor…).
Không những thế, đa phần bệnh nhân mắc tiểu đường nên các điều dưỡng phải căn giờ để thử đường giấy, cho bệnh nhân ăn, uống sữa, đảm bảo đúng quy trình, đúng giờ…
Trong một ca trực cũng có nhiều tình huống phát sinh; việc theo dõi và xử lý kịp thời khi bệnh nhân có biểu hiện bất thường về sức khỏe là vô cùng quan trọng. Nếu bệnh nhân tiến triển nặng, điều dưỡng kịp thời báo bác sĩ để xử lý tình huống. Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân chuyển nặng được chuyển lên tuyến trên điều trị, vượt qua nguy kịch.
“Nhiều đêm túc trực bên bệnh nhân Covid-19, cố gắng chăm chút mọi bề, tôi chỉ hy vọng có thêm nhiều ca bệnh bình phục, trở về với gia đình”.
Nói về những khó khăn khi tăng cường cho tuyến đầu, Giang khẽ mỉm cười: “Khó khăn thì có nhiều nhưng cũng chẳng là gì so với những đau đớn mà bệnh nhân phải trải qua. Cái khổ của chúng em chính là việc khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ mà đồng nghiệp vẫn ví von là “cực hình”, không thể diễn tả được”.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, Thu Giang không nhớ hết bao đêm mình và đồng đội phải ép tim cứu bệnh nhân. "Khi vào đây chúng em xác định có nhiều khó khăn nhưng đến nơi rồi mới thấy áp lực công việc nặng nề hơn tưởng tượng rất nhiều. Rất đông bệnh nhân nặng, diễn biến nhanh cần phải cứu chữa. Có nhiều bệnh nhân được cứu chữa, chăm sóc bao nhiêu ngày rồi nhưng họ vẫn ra đi", Giang bùi ngùi nhớ lại.
Nghe Thu Giang tâm sự về nghề, tôi chợt nhớ đến lời Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục từng phát biểu với báo giới: “Y học là nghệ thuật chữa bệnh, điều dưỡng là nghệ thuật chăm sóc người ốm. Bác sĩ khám chẩn đoán và chữa bệnh. Điều dưỡng khám, xác định nhu cầu và chăm sóc hỗ trợ người bệnh. Điều đưỡng không phải là nghề trợ giúp bác sĩ mà là nghề trợ giúp người bệnh. Thiên chức nghề điều dưỡng là chăm sóc người bệnh. Công việc của điều dưỡng có phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với thực hiện chỉ định bác sĩ”.
Quả thật, chăm sóc người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân mắc Covid-19 là cả một nghệ thuật! Nó là nghệ thuật từ trái tim và tấm lòng "lương y như từ mẫu".
Ngày trở lại Hà Nội, Giang vỡ òa cảm xúc khi sắp được gặp lại người thân. Nữ điều dưỡng sẽ không quên những ngày cùng đồng nghiệp đồng cam cộng khổ vì bệnh nhân. Giang cũng luôn ghi nhớ có hậu phương vững chắc để cô yên tâm hoàn thành sứ mệnh chăm sóc người bệnh.
H.L