“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

Sau 3 đêm lưu trú ở Tp.HCM trong chuyến đi du lịch hồi tháng 8/2023, anh Micheal Irwin, quốc tịch Australia bày tỏ ấn tượng với Tp.HCM về ẩm thực và các công trình kiến trúc. Tuy nhiên, anh không có cơ hội trải nghiệm các hoạt động về đêm của Tp.HCM vì “sau 22h như đường phố vắng vẻ” nên du khách thường chọn đi ngủ sớm.

Hay anh Pablo von Braun, doanh nhân người Đức cũng cho rằng, Tp.HCM không có gì để vui chơi vào ban đêm nên “phần lớn chúng tôi chọn ăn uống, thưởng thức các sản vật địa phương”.

Theo chị Marites Sabino đến từ Philippines thì người dân ở trung tâm Tp.HCM nói tiếng Anh tốt và các dịch vụ, sản phẩm trên đường phố hay trong các chợ đêm rẻ hơn so với những thành phố khác ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, du khách này nêu thực tế là “quy mô chợ đêm ở Tp.HCM quá nhỏ so với chợ đêm ở các thành phố của Thái Lan”.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

Tp.HCM hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế đêm

“Nhiều lần đến Thái Lan, tôi vẫn chưa đi hết các khu chợ đêm bởi số chợ nhiều, mặt hàng phong phú. Trong khi Tp.HCM có ít chợ đêm, hàng hóa cũng không đặc sắc và đa dạng nên tôi ít mua sắm”, chị Marites nói.

Cũng so sánh Tp.HCM với các thành phố của Thái Lan khi đi du lịch, anh Trương Trọng Phú, ngụ quận Phú Nhuận, Tp.HCM cho rằng, Tp.HCM hiện chỉ có tour khám phá trung tâm thành phố (city tour), trải nghiệm xe buýt hai tầng, đi thuyền ăn tối trên sông Sài Gòn hoặc đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc, vui chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đêm Bùi Viện, phố đêm chợ Bến Thành hay thưởng thức múa rối nước.

Các dịch vụ tại những khu phố đêm cũng đa số chỉ mở cửa đến 22h là quá sớm so với khái niệm “kinh tế đêm”. “Do đó, nếu không thay đổi tư duy làm du lịch, phát triển kinh tế đêm, e rằng chúng ta sẽ khó có thể chiếm được thiện cảm của du khách thế giới”, anh Trương Trọng Phú chia sẻ thêm.

Hơn 15 năm kinh doanh dịch vụ nhà hàng, anh Hoàng Quốc Bình, ngụ quận 1 muốn đóng góp công sức để phát triển nghành kinh tế đêm bằng những hoạt động giải trí về đêm. Thế nhưng, anh Bình băn khoăn vì định hướng phát triển kinh tế đêm, nhưng đến nay, vẫn chưa có một quy chế rõ ràng nào nên không doanh nghiệp, cá nhân nào dám đầu tư.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND Tp.HCM hồi giữa tháng 7/2023, người đứng đầu chính quyền quận 1 và ngành du lịch Tp.HCM cùng nhận được câu hỏi về kinh tế đêm.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh

Trả lời trước HĐND Tp.HCM, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh khẳng định, hiện nay địa phương có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch. Quận 1 cũng định hướng phát triển theo hướng kinh tế thương mại, dịch vụ và du lịch ở mức cao và đã phối hợp Sở Du lịch thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch… nhằm phát triển du lịch nhưng không gây áp lực lên hạ tầng.

Theo ông Thanh, sắp tới, quận 1 sẽ hoàn thiện đề án quản lý khu vực trung tâm, đề án quản lý kinh tế đêm. Đây là những đề án quan trọng nên quận 1 sẽ kích hoạt điều hành hoạt động kinh tế ban đêm, góp phần phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa

Trong khi đó, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa khẳng định, ngành du lịch thành phố xác định kinh tế đêm là hướng chính tập trung phát triển của ngành nhằm gia tăng chi tiêu của du khách. Một số quận, huyện đã được lãnh đạo Tp.HCM chỉ đạo thực hiện đề án hình thành các tuyến phố đi bộ gắn với các hoạt động văn hoá - thể thao, mua sắm để phục vụ phát triển du lịch.

“Ngành du lịch sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương xây dựng các mô hình, sản phẩm để nâng cao hiệu quả cho hoạt động kinh tế đêm và chú trọng xây dựng quy chế nhằm đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường, các quy định về gia hạn thời gian hoạt động của các cơ sở kinh doanh tại các khu vực thí điểm kinh tế ban đêm…”, bà Hoa cho hay.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

Phát triển kinh tế đêm là chủ đề không mới, đã được xác định chiến lược từ Bộ VH-TT&DL và UBND Tp.HCM từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 của Chính phủ.

Theo đề án phát triển du lịch đêm đến năm 2025 của Bộ VH-TT&DL thì Tp.HCM là một trong ba địa phương được yêu cầu hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.

Còn chiến lược phát triển du lịch Tp.HCM đến năm 2030 cũng xác định sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm là một trong ba sản phẩm du lịch thu hút du khách nhất, bên cạnh sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch gắn với ẩm thực.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, các sản phẩm du lịch về đêm, khách du lịch nội địa đã đóng góp 15% vào GDP ngành du lịch Tp.HCM. Nhưng sau 2 năm kết thúc giãn cách xã hội tại Tp.HCM, sự hồi phục của kinh tế đêm để tăng sức hấp dẫn cho Tp.HCM trở thành điểm đến du lịch quốc tế vẫn còn mờ nhạt.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt cho rằng, ban ngày khách chủ yếu đi theo chương trình, chỉ buổi tối mới có thời gian để khám phá văn hóa, ẩm thực và các hoạt động khác.

“Trong chương trình tour, quỹ thời gian buổi tối rất nhiều để khách tự do khám phá, trải nghiệm. Tuy nhiên, chúng ta không có nhiều sản phẩm ban đêm để trải nghiệm nên đa phần khách thường rủ nhau đi ăn uống”, ông Mỹ nêu thực tế.

Theo ông Mỹ, như tại Đài Loan (Trung Quốc) có hàng trăm chợ đêm. Khách du lịch tới đây 4 ngày phải đi 4 chợ đêm vì các chợ đêm ở đây được xây dựng không giống nhau. Mỗi khu chợ đêm ở Đài Loan mang một phong cách riêng, không cái nào giống cái nào, đều có điểm nhấn để thu hút du khách.

Ngành du lịch Tp.HCM đã lên kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế đêm hiệu quả

Trong khi đó, Tp.HCM là một trong những điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và ngoài nước nhưng không có khu chợ đêm đúng nghĩa, có chăng chỉ vài ba khu phố ẩm thực để thu hút thực khách đến ăn uống.

Theo TS. Trương Hoàng Phương - thành viên Ban Nghiên cứu sản phẩm du lịch, Hiệp hội Du lịch Tp.HCM, khi khách du lịch đến một điểm nào đó thì ngoài thời gian tham quan ban ngày, quỹ thời gian họ còn lại ban đêm rất lớn. Do đó phải suy nghĩ cần làm gì để tạo sản phẩm cho du khách.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

TS. Trương Hoàng Phương - thành viên Ban Nghiên cứu sản phẩm du lịch, Hiệp hội Du lịch Tp.HCM

Du lịch hồi phục cũng là lúc phải định hình lại sản phẩm, mở rộng và xây dựng thêm những dịch vụ mới lạ, hấp dẫn để lôi kéo khách tới và nâng cao giá trị chi tiêu của khách.

Việc cần làm gì để tạo sản phẩm cho du khách về đêm đã được các đơn vị lữ hành tại Tp.HCM đặt ra từ rất lâu, nhưng tới giờ gần như không có nhiều thay đổi. Chẳng hạn dịch vụ ẩm thực cũng chưa tạo được sự khác biệt giữa ăn uống ban ngày và ăn uống ban đêm.

“Khách ăn buổi tối, đáng lẽ phải ngồi lâu hơn, có cơ hội sử dụng tiền nhiều hơn thì hiện nay chúng ta chỉ có thể đưa họ vào những nhà hàng, quán ăn bình thường. Đó là một sự lãng phí”, ông Phương băn khoăn.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Công ty Images Travel

Hay ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Công ty Images Travel nhận xét, Tp.HCM thiếu không gian đô thị để đáp ứng cho từng thị trường khách cụ thể. Đơn cử như dòng khách châu Âu thường có sở thích sau khi ăn tối sẽ được trải nghiệm ở những con phố có màu sắc địa phương với kiến trúc cổ kính.

“Tp.HCM có khu Nguyễn Huệ, khu Bùi Viện, nhưng không đủ. Vì khu Nguyễn Huệ quá hoành tráng và hiện đại, trong khi khu Bùi Viện thì hợp với giới trẻ, thích ăn uống hơn khám phá văn hóa. Hiện nay, Tp.HCM có một số khu vực ở quận 5 hay dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có một số kiến trúc cổ kính nhưng lại thiếu dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khám phá của khách”, ông Toản so sánh.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu – Điều phối viên chương trình Phát triển Đô thị bền vững, Trường Đại học Việt Đức đánh giá, kinh tế đêm về cơ bản là các hoạt động hướng đến nhóm khách du lịch và khách kinh doanh có khả năng chi trả cao lẫn nhu cầu cao về dịch vụ. Thời gian sử dụng tập trung vào buổi tối, ban đêm, ngoài giờ hành chính.

Để quy hoạch kinh tế đêm, chuyên gia này cho rằng, cần mở rộng hơn và tập trung vào 3 nhóm vấn đề đang cần giải quyết.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu – Điều phối viên chương trình Phát triển Đô thị bền vững, Trường Đại học Việt Đức

Thứ nhất là hạ tầng không gian công cộng còn tương đối thiếu vì kinh tế đêm là nơi có thể chia sẻ không gian công cộng miễn phí hoặc chi phí không đáng kể để làm dịch vụ.

“Thứ hai là khí hậu nước ta là nhiệt đới nên các hoạt động kinh doanh dịch vụ ban ngày khiến khách khá ngại nên hầu hết thích mua sắm buổi tối”, ông Hiếu chỉ ra.

Thứ ba là kinh tế đêm có thể khai thác nhu cầu lao động, trên thực tế có nhiều nhóm lao động cần làm thêm mà kỹ năng của họ không phát huy được trong khu vực chính thức thì kinh tế đêm giúp giải phóng nguồn lực, tạo thêm thu nhập tốt hơn.

Cụ thể hơn cho Tp.HCM, chuyên gia bình luận, nếu xét riêng các loại hình giải trí tương đối về khuya như vũ trường, bar club… thì đây là những vướng mắc, xung đột tại các đô thị về mặt an ninh trật tự, về cư dân địa phương hay không gian.

Du khách nước ngoài khi đến Tp.HCM chưa tìm thấy dịch vụ kinh tế đêm như mong muốn

“Ở phố Bùi Viện, đa số người dân nơi đây đã chọn kinh tế đêm là nguồn sống chính nên người dân chấp nhận sự ồn ào và rủi ro về an ninh trật tự để đổi lại thu nhập. Tuy nhiên, nếu chúng ta mở rộng ra khu vực khác thì có thể người dân lại không ủng hộ”, ông Hiếu cảnh báo.

Vì thế, nếu không kiểm soát tốt thì sẽ rất khó bởi sự không đồng thuận của người dân địa phương lẫn năng lực quản lý. Và khi chưa được đầu tư và tổ chức được các đơn vị quản lý an ninh trật tự, vệ sinh môi trường mà mở ra các không gian kinh tế đêm sẽ không đạt hiệu quả.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế

Còn TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế đề nghị, Tp.HCM nên làm thí điểm và có một số chính sách hỗ trợ cho kinh tế đêm.

“Trước hết, cần nghiên cứu thị trường, nhu cầu của khách du lịch và tiềm năng cụ thể mỗi địa phương để triển khai thí điểm tại một số quận, huyện trước khi triển khai rộng rãi. Hơn nữa, cần có kế hoạch và sự chỉ đạo thống nhất để xây dựng và tạo “hệ sinh thái kinh tế ban đêm” đồng bộ cả về luật pháp, mạng lưới quản lý dịch vụ an toàn và cơ sở hạ tầng”, ông Phong tính toán.

Khi Tp.HCM có thể hình thành và phát triển các khu kinh tế ban đêm chuyên biệt, được quy hoạch dài hạn và đầu tư bài bản, đầy đủ điện, nước, kết nối giao thông tiện lợi thì các sản phẩm của khu kinh tế ban đêm sẽ đa dạng, chất lượng và an toàn xã hội.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

Đồng thời, cần thành lập những cơ quan và phát triển đội ngũ các nhà quản lý chuyên nghiệp quản lý các doanh nghiệp và dịch vụ hoạt động về đêm.

“Nếu làm tốt, chắc chắn các khu kinh tế ban đêm sẽ vừa là động lực kinh tế, vừa là động lực văn hóa, giúp tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách”, chuyên gia mong chờ.

Góc nhìn khác, PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhận định, hiện nay tại các khu vực đông đúc về đêm tại Tp.HCM và nhiều địa phương khác mới chỉ xuất hiện các hình thức kinh doanh do các tiểu thương mở ra chứ chưa thể là một hoạt động kinh tế hoàn chỉnh.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân

Do đó, việc sử dụng thuật ngữ kinh tế đêm ở thời điểm này cho Tp.HCM là chưa thực sự chính xác. Thay vào đó, từ các mô hình tương tự trên thế giới, có thể gọi là nền kinh tế 24h thì phù hợp hơn.

“Nếu có hướng đến thì chúng ta nên hướng đến việc chuyển đổi thành nền kinh tế 24h chứ không phải là kinh tế, lại càng không phải là kinh tế đêm. Theo đó có 3 nguyên tắc là nền kinh tế toàn diện, xuyên suốt và phải thống nhất đảm bảo tính kế hoạch”, ông Quân đề xuất.

Ông Quân cũng nêu quan điểm, việc Tp.HCM dành nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế đêm là phù hợp trong bối cảnh có nhiều thách thức như hiện nay. Tuy vậy, việc định hướng và lựa chọn phương thức triển khai phù hợp sẽ đóng vai trò quyết định cho kinh tế đêm nói riêng, du lịch Tp.HCM nói chung.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

Theo ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, cần có chương trình “trải thảm đỏ” để mời các nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch đêm.

“Trên thực tế, sau đại dịch Covid-19, nhiều địa phương đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình thí điểm phục vụ du khách vào ban đêm, bước đầu có những dấu hiệu tích cực. Đối với các nhà đầu tư khi tham gia phát triển du lịch kinh tế đêm cũng cần có sự khuyến khích, động viên và đồng thời phải có những chính sách cụ thể để giúp họ”, ông Chính nói.

Các địa phương nên có chương trình “trải thảm đỏ” để mời các nhà đầu tư bằng cách có chương trình ưu đãi, miễn hoặc giảm thuế đất vì các chương trình du lịch đêm sẽ phải sử dụng các không gian tương đối lớn hoặc các địa phương cũng nên tạo thuận lợi trong việc đăng ký thủ tục các điều kiện. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các sản phẩm du lịch về đêm hơn.

“Chúng tôi cũng mong rằng Chính phủ tạo những điều kiện thuận lợi về thuế, nhất là miễn giảm thế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp tham gia du lịch đêm, chắc chắn sẽ giúp cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và thực hiện các sản phẩm du lịch ban đêm”, ông Chính cho hay.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

TS. Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Tp.HCM chia sẻ, trong bối cảnh ngành du lịch hồi phục phát triển, muốn thu hút khách du lịch phải mở tour với những sản phẩm mới, hấp dẫn hoặc làm mới sản phẩm hiện có.

Giá cả tại các khu chợ đêm phải hợp lý, tuyệt đối không chặt chém; không chèo kéo khách, không có hàng rong, vé số, các mặt hàng phải phong phú, đa dạng, sản phẩm phải mới lạ, đặc trưng; khu vực ẩm thực phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sạch đẹp.

“Chúng ta đang hướng đến thành phố thông minh, vì thế chợ đêm không chỉ là ẩm thực, quần áo, hàng lưu niệm... mà cũng rất cần các mặt hàng công nghệ cao, mang tính sáng tạo của người dân, có đăng ký bản quyền, giá thành hợp lý, là cơ hội để quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao”, ông Thắng nhấn mạnh.

Việc thiết kế khu chợ đêm rất quan trọng, sao cho vừa bắt mắt vừa thông thoáng, không gian sạch đẹp, an ninh và tạo những điểm nhấn riêng của một thành phố năng động; đồng thời phải kết hợp khu vui chơi, ca nhạc, trò chơi dân gian và đảm bảo yếu tố tiện lợi.

Chính quyền, nhà quản lý phải luôn kết nối với tiểu thương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cũng như có những chính sách hỗ trợ thiết thực về vay vốn, giảm thuế, phí...

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vietravel đánh giá, những sản phẩm du lịch đêm hiện có vẫn quá ít so với một đô thị lớn và tiềm năng như Tp.HCM.

Đại diện công ty du lịch có trụ sở tại Tp.HCM cho rằng, kế hoạch phát triển du lịch đêm phụ thuộc nhiều vào chính sách của thành phố và các địa phương vì “liên quan nhiều đến cơ sở hạ tầng, cơ chế hoạt động ban đêm, sản phẩm và dịch vụ cung ứng, an ninh an toàn cho du khách”. Ở góc độ khai thác lữ hành, công ty mong muốn có thêm nhiều chính sách đột phá cho lĩnh vực này.

Theo bà Hoàng, phát triển du lịch đêm tại Tp.HCM cần có sự đầu tư có kế hoạch chi tiết vào ba nhóm sản phẩm. Nhóm một là những sản phẩm du lịch gắn với khám phá nét văn hóa cộng đồng đô thị về đêm, tập trung ở các tuyến phố. Nhóm hai thuộc về các sản phẩm du lịch đường thủy. Nhóm ba là các chương trình nghệ thuật.

“Hoạt động về đêm và giải trí nghệ thuật là sản phẩm rất quan trọng để níu chân du khách. Do vậy, những show diễn nghệ thuật phải vừa có chiều sâu văn hóa, lịch sử nhưng cũng vừa có độ hoành tráng và mới mẻ thì mới tạo ra khác biệt cho kinh tế đêm”, bà Hoàng nhận định.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

Bà Phan Yến Ly, chuyên gia du lịch phân tích: “Du lịch ban ngày của chúng ta chưa thật sự hấp dẫn nên cần thêm các hoạt động du lịch về đêm nhằm tạo thêm giá trị gia tăng, thêm sản phẩm cho du khách. Do đó, xây dựng và phát triển đề án du lịch đêm, phát triển kinh tế đêm là cần thiết”.

Để kinh tế đêm đạt được như kỳ vọng, bà Ly mong muốn có những giải pháp cụ thể một cách hiệu quả với cách làm căn cơ, bài bản. Mô hình kinh tế đêm bền vững, đúng chuẩn phải bao gồm nhiều hoạt động như vui chơi, mua sắm, trải nghiệm ẩm thực, văn hóa nghệ thuật.

Chuyên gia chỉ ra, Tp.HCM có 2 khu vực có thể phát triển mô hình kinh tế đêm mang nét riêng là bến Bạch Đằng (quận 1) và khu Chợ Lớn (các quận 5, 6 và 11).

Ở bến Bạch Đằng, cần tập trung xây dựng mô hình “trên bến dưới thuyền”, kết nối các trục đường trung tâm. Để hình thành tổ hợp, cần đầu tư thêm các dịch vụ ẩm thực, mua sắm, biểu diễn nghệ thuật hằng đêm, các sản phẩm du lịch đường sông về đêm.

Còn khu vực Chợ Lớn, cần đẩy mạnh các loại hình ẩm thực, mua sắm, nghệ thuật gắn với cộng đồng cư dân bản địa, lấy khu vực chợ Bình Tây làm điểm chính mua sắm về đêm. Nếu được đầu tư, tổ chức tốt, khu vực Chợ Lớn sẽ giúp giảm tải lượng khách cho khu vực trung tâm.

“Bật đèn” cho kinh tế đêm Thành phố Hồ Chí Minh

Tp.HCM hội đủ điều kiện và chất liệu để phát triển kinh tế đêm. Nếu Tp.HCM không đi đầu phát triển thì khó có tỉnh, thành nào làm được thành công. Tuy nhiên, cần hiểu đúng giá trị thì mới tạo ra động lực phát triển cho Tp.HCM được. Kinh tế đêm tạo ra thu nhập cho rất nhiều thành phần trong xã hội. Nó hội tự từ ăn uống, quà tặng, dịch vụ, vui chơi giải trí, sản xuất, hàng quán,... Hầu hết các cơ sở kinh doanh đều có thể hoạt động về đêm nếu có lượng khách nhất định. Nếu không nhất quyết quan điểm thì sẽ xảy ra vấn đề con gà hay cái trứng có trước.

Muốn phát triển 1 nền kinh tế nào đó khi có nhu cầu thì phải lập tức có cơ sở để đáp ứng ngay. Vì thế Tp.HCM cần có những môi trường kinh doanh được quy hoạch cụ thể, rõ ràng đó là tiền đề tốt nhất của việc quy tụ các cơ sở kinh doanh về. Cần có sự đa dạng trong ngành kinh tế đêm từ sản xuất, dịch vụ, thương mại, hàng quán,...và cả gánh hàng rong. Nhưng cơ sở vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa là cái mà Tp.HCM đang thiếu cần bổ sung để tạo nên sức hấp dẫn của Tp.HCM.

Mặc khác sự quy hoạch, phân khu “chợ” với những chức năng khác nhau, khu giờ có thể xen kẻ khác nhau nhằm tạo nên sự đa dạng dịch vụ cho du khách chọn lựa. Vừa đa dạng nhưng số lượng tập trung nhiều sẽ giúp du khách có thêm nhiều cơ hội đển chọn được hàng hóa tốt nhất. Những môi trường cụ thể cần được kiểm soát từ chất lượng phục vụ bởi cơ quan chức năng với mục đích tạo sự an toàn, an tâm trong lòng du khách. Ở một khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tụ hội cùng tạo nên uy tín chung cho môi trường kinh doanh đấy.

Thứ nữa, Tp.HCM cần làm là truyền thông, hỗ trợ cho cộng đồng dân cư phát triển kinh tế đêm theo quy hoạch tổng thể. Đây là nhiệm vụ cần được nêu ra và nắm giữ vai trò quan trọng nhằm giúp đỡ cho sự phát triển của cộng đồng địa phương cũng như sinh kế cho nhiều tầng lớp trong xã hội. Việc phát triển đêm là cần thiết, nếu xác nhận đúng vai trò thì chúng ta sẽ có phương pháp thúc đẩy đúng đắn.

THẠC SỸ NGUYỄN TRẦN HOÀNG PHƯƠNG (Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội; Tổng thư ký Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Golden Smile Travel)

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 07/10/2023 | 14:00