Vòng nước rút (runoff) bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022 đang tái hiện cuộc đua cách đây 5 năm, với việc Tổng thống sắp mãn nhiệm Emmanuel Macron một lần nữa gặp ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen. Tuy nhiên, về cơ bản, tình hình nay đã khác so với năm 2017 nên kết quả rất khó đoán định.

Pháp là cường quốc quân sự lớn ở châu Âu, là cường quốc hạt nhân duy nhất trong EU và cũng là nước EU duy nhất giữ ghế thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC).

Do đó, kết quả bầu cử Tổng thống không những định hình đường hướng phát triển của nước Pháp trong 5 năm tới, mà còn có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi khi Mỹ, NATO và EU đang vật lộn để kiềm chế tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ông Macron đã đánh bại bà Le Pen một cách dễ dàng cách đây 5 năm để trở thành Nguyên thủ Quốc gia trẻ tuổi nhất của nước Pháp kể từ thời Napoléon. Nhưng các chuyên gia cho rằng, trận tái đấu lần này sẽ chứng kiến sự bám đuổi sít sao hơn nhiều so với vòng bầu cử năm 2017.

Ông Macron không còn là một người mới nổi trên trường chính trị Pháp, và hiện đang tái tranh cử để giữ ghế với những khen chê lẫn lộn đối với nhiệm kỳ Tổng thống vừa qua.

Về đối ngoại, sau khi bà Angela Merkel giã từ chính trường, kết thúc 16 năm tại vị Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần như được coi là người đảm đương vị trí đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU), hãng tin AFP nhận định.

Pháp là nền kinh tế lớn thứ hai và là nhân tố chủ chốt trong quá trình hoạch định chính sách của EU, đồng thời hiện là Chủ tịch luân phiên của Liên minh.

Kế hoạch đầy tham vọng của ông Macron nhằm tăng cường quyền tự chủ và sức mạnh địa chính trị của EU đã khiến ông được tôn trọng ở cả trong và ngoài nước. Và cuộc xung đột ở Ukraine là lúc ông thể hiện mình.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022, vị chủ nhân Điện Élysée đã nhiều lần điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm nỗ lực chấm dứt giao tranh. Mặc dù những nỗ lực này không mang lại kết quả khả quan nhưng cũng giúp ông Macron khẳng định vai trò đầu tàu của mình.

Đứng trước sự bế tắc trong nỗ lực hòa giải, Macron tuyên bố ông sẽ tiếp tục duy trì khả năng nối lại đối thoại với ông Putin nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, bất chấp sự chỉ trích và sức ép từ nhiều nước đồng minh châu Âu.

Về đối nội, những thành tích kinh tế ông Macron đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua được coi như chiếc chìa khoá giúp ông giữ được chiếc ghế Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.

Chính quyền Tổng thống Macron đã nỗ lực cải thiện tình hình đất nước thông qua việc tăng thêm sức mua cho dân, giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua, cải cách thị trường lao động và làm đẹp hình ảnh nước Pháp trong con mắt doanh nhân nước ngoài.

Tuy nhiên, nhiều kế hoạch cải cách vẫn bế tắc và mục đích tự chủ về năng lượng còn xa vời. Ngoài ra, một phần công luận Pháp cũng bất mãn vì những bất bình đẳng trong xã hội.

Bên cạnh đó, nhiệm kỳ của ông Macron cũng gặp nhiều khó khăn, với các thách thức như phong trào “Áo vàng” (Gilets Jaunes), một trong những cuộc biểu tình kéo dài nhất trong nhiều thập kỷ của Pháp liên quan đến các cải cách lớn về thuế và thị trường lao động, và đại dịch Covid-19.

Mặc dù ông Macron đã đề ra những biện pháp rất hiệu quả để cứu nguy nền kinh tế và cả những biện pháp xã hội để giúp đỡ người dân vượt qua cơn hoạn nạn, nhưng cuộc khủng hoảng sức khỏe - y tế toàn cầu này đã khiến thâm hụt ngân sách của Pháp tăng lên 9,2% GDP và nợ công tăng vọt lên hơn 155% vào năm 2020.

Ngoài ra, chính sách mang dấu ấn của ông Macron trong cuộc khủng hoảng Covid-19 - yêu cầu mọi người xuất trình “hộ chiếu vắc-xin” để có thể tham gia các hoạt động sống bình thường - đã giúp tăng tỉ lệ tiêm chủng của nước Pháp, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy sự bất bình, phản đối trong một bộ phận thiểu số.

Là con gái út của ông Jean-Marie Le Pen, nhà sáng lập và lãnh đạo lâu năm của Đảng Mặt trận Quốc gia (FN), Marine Le Pen dấn thân vào chính trường từ khi còn trẻ.

Cha bà là một nhân vật có tiếng - và gây tranh cãi - trong chính trường Pháp với tư cách nhà lãnh đạo của một đảng cực hữu bị coi là mang nặng tư tưởng phân biệt chủng tộc và bài Do Thái.

Việc là con gái của một nhân vật như vậy mang lại cả lợi thế và chướng ngại vật cho người phụ nữ đầy tham vọng này.

Sau 2 thất bại trong cuộc chạy đua vào Điện Élysée, bà Marine Le Pen đang hy vọng rằng, ở lần tranh cử thứ ba này, vận may sẽ mỉm cười với mình.

Ứng cử Tổng thống năm 2022, bà Le Pen vẫn giữ ưu tiên hàng đầu là "ngăn chặn nhập cư tràn lan" và "xóa bỏ các hệ tư tưởng Hồi giáo", nhưng đã thực hiện một số thay đổi giúp chiến dịch tranh cử trở nên chính thống hơn.

Bà đã thành công trong việc làm dịu hình ảnh, ngôn ngữ của mình và tập trung nhiều hơn vào các vấn đề “sát sườn” với người dân Pháp như chi phí sinh hoạt tăng cao.

Trong những tuần trước khi vòng bầu cử thứ nhất diễn ra, bà Le Pen thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông rồi giải thích cho cử tri về cách bà sẽ giúp họ đối phó với tình trạng lạm phát và giá nhiên liệu đang gia tăng.

Trong bài phát biểu hôm 10/4, bà cam kết sẽ trở thành Tổng thống của "tất cả người Pháp" nếu bà chiến thắng vòng hai.

Sự thay đổi chiến lược này dường như đã phát huy tác dụng, thể hiện qua các cuộc thăm dò ý kiến và việc tỉ lệ phiếu bầu dành cho bà trong vòng 1 vừa qua tốt hơn 5 năm trước.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bà Le Pen rất có thể gặp phải một số rào cản liên quan đến cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine.

Được coi là có quan hệ lâu dài với Nga và công khai ngưỡng mộ Tổng thống Vladimir Putin, bà đã đến thăm ông Putin trước thềm cuộc bầu cử năm 2017.

Lần này, sau sự gây hấn của Nga đối với nước láng giềng Đông Âu, bà buộc phải thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp tình hình mới.

Mặc dù lên án chiến sự ở Ukraine, bà Le Pen vẫn ủng hộ nối lại quan hệ hữu nghị giữa NATO và Nga sau khi chiến dịch của Moscow ở Ukraine kết thúc.

Theo bà, một "mối quan hệ hợp tác chiến lược" như vậy sẽ có lợi cho nước Pháp, châu Âu và thậm chí cả Mỹ, để ngăn Nga thiết lập một liên minh mạnh mẽ hơn với các cường quốc khác.

Bà Le Pen cũng xác nhận, nếu bà giành chiến thắng trong vòng bầu cử nước rút tới đây, bà sẽ kéo nước Pháp ra khỏi Bộ chỉ huy Quân sự của NATO để khôi phục chủ quyền của Pháp về các vấn đề an ninh quốc tế. Bà cho rằng nước Pháp nên bước đi trên một con đường độc lập hơn với liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt.

Một động thái như vậy sẽ khiến NATO lo ngại và đặt ra một “thách thức lớn đối với cấu trúc an ninh của phương Tây thời hậu Chiến tranh Lạnh”, hãng tin Reuters bình luận.

Ở cấp độ châu lục, bà Le Pen, mặc dù không còn hô hào rút Pháp khỏi Liên minh châu Âu (EU) và khối đồng tiền chung Euro (Eurozone), nhưng đã xác nhận sẽ giảm cường độ ủng hộ và đóng góp của Pháp cho EU.

Nền tảng chiến dịch của bà Le Pen cũng có những đề xuất mâu thuẫn với các nguyên tắc di chuyển tự do của EU. Đã xuất hiện những cáo buộc rằng thực chất kế hoạch của bà chính là “Frexit”, mặc dù không chính thức đề cập đến từ này.

Nhà phân tích Eric Maurice tại Quỹ Robert Schuman Foundation cho rằng, với quan điểm hoài nghi không hề che giấu về các nghĩa vụ và cam kết của Pháp trong EU, nếu bà Le Pen giành chiến thắng, đây sẽ là vấn đề chính trị rất lớn với châu Âu.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, khi được hỏi về lập trường ngoại giao của mình, bà Le Pen đáp: “Hãy gạt bỏ những định kiến truyền thống mà quý vị có về tôi”.

Theo phân tích của cơ quan thăm dò Ifop-Fiducial cho các đài truyền hình Pháp TF1 và LCI, vòng bầu cử đầu tiên của năm 2022 diễn ra hôm 10/4 cho thấy sự thờ ơ của cử tri, với tỉ lệ tham gia ước tính là 73,3%, thấp nhất trong vòng 20 năm.

Đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, với số phiếu bầu trong vòng 1 tương ứng là 27,9% và 23,2% đã đủ điều kiện để đi tiếp và đối đầu với nhau trong vòng bầu cử nước rút ngày 24/4 tới đây.

Đứng ở vị trí thứ 3 là nhà lãnh đạo cực tả Jean-Luc Melenchon, với 22% số phiếu bầu. Ông nhận được sự ủng hộ khi đã hơi muộn màng nên đã lỡ hẹn với Điện Élysée.

Tuy nhiên, lá phiếu của những người ủng hộ ông Melenchon có thể mang tính quyết định đối với kết quả của vòng runoff, theo nhận định của các chuyên gia.

Ông Melenchon đã nói với những người ủng hộ ông rằng "chúng ta không được bỏ một phiếu nào cho bà Le Pen", nhưng cũng không công khai ủng hộ ông Macron.

Các ứng cử viên khác, sau khi thừa nhận thất bại trong vòng 1, đã nhanh chóng lựa chọn bên cho mình trong số 2 người dẫn đầu.

Ở vị trí thứ 4, với 7,1% số phiếu bầu, ứng cử viên Eric Zemmour đã kêu gọi những người ủng hộ mình bỏ phiếu cho bà Le Pen.

Các ứng cử viên từ các đảng trung tả và trung hữu truyền thống, Đảng Xã hội và Đảng Cộng hòa, tuyên bố ủng hộ ông Macron.

Cựu Tổng thống cánh tả Francois Hollande và cựu Tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy cũng kêu gọi cử tri ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Macron trong cuộc chạy đua tái tranh cử để giữ ghế.

Theo một phân tích của tờ Financial Times, bà Le Pen đã thu hút được nhiều phiếu bầu từ các vùng nông thôn ngoại ô các thành phố. Việc bà tập trung vào chi phí sinh hoạt trong các chiến dịch của mình đã tạo được tiếng vang với những người nghèo, những người bị ảnh hưởng bởi chi phí gia tăng và quá trình toàn cầu hóa.

Cuộc thăm dò của Ifop-Fiducial được công bố hôm 10/4 cho thấy ông Macron sẽ giành chiến thắng trong vòng runoff trước bà Le Pen, với tỉ lệ tương ứng là 51% và 49%, một khoảng cách quá hẹp để đảm bảo chiến thắng cuối cùng.

Những cơ quan thăm dò ý kiến khác đưa ra tỉ lệ ủng hộ ông Macron lớn hơn một chút, lên tới 54%. Nhưng các con số dự đoán trên đều thấp hơn nhiều so với con số của năm 2017, khi ông Macron đánh bại bà Le Pen với 66,1% số phiếu bầu.

Một nghiên cứu của cơ quan thăm dò Ipsos-Sopra Steria đã tiết lộ độ tuổi của các cử tri ủng hộ các ứng cử viên Tổng thống Pháp tiềm năng năm 2022, trang The Guardian cho biết.

Cụ thể, Tổng thống đương nhiệm Macron giành được sự ủng hộ lớn nhất từ những cử tri lớn tuổi nhất, từ 70 tuổi trở lên. Ứng cử viên cực tả Jean-Luc Melenchon, người về thứ 3 trong vòng bầu cử thứ nhất, được các cử tri độ tuổi 24-34 yêu mến. Còn ứng cử viên cực hữu Le Pen có sức hút đối với những cử tri 50-59 tuổi.

"Sự bất mãn rộng rãi với ông Macron (đặc biệt là trong giới trẻ) có nghĩa là kết quả cuối cùng là không chắc chắn và không thể đoán trước được. Bà Le Pen sẽ tiếp tục khai thác điều này, và do đó, khả năng lật ngược tình thế là hoàn toàn có thể xảy ra", nhà bình luận các vấn đề châu Âu của CNN, Dominic Thomas, nhận định.

Từ chiến dịch tranh cử của ông Macron và bà Le Pen có thể hình dung 2 phiên bản rất khác nhau cho tương lai của nước Pháp.

Ông Macron hứa hẹn sẽ tiếp tục vươn lên dẫn đầu với một nước Pháp toàn cầu hóa, tập trung vào thị trường tự do với tư cách là đầu tàu của một EU hùng mạnh.

Trong khi đó, bà Le Pen muốn thay đổi hoàn toàn hiện trạng bằng các chính sách kinh tế bảo hộ và cải tổ mối quan hệ của Paris với cả các đồng minh và các đối thủ của mình.

Kết quả cuối cùng, giống như một trận cầu đỉnh cao giữa hai “kỳ phùng địch thủ”, chỉ có thể biết được vào phút chót.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 23/04/2022 | 16:34