NĐT: Thưa ông, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bến Tre đã có kế hoạch thế nào trong việc phục hồi và phát triển kinh tế?
Ông Nguyễn Trúc Sơn: Sau đại dịch Covid-19, nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nhanh chóng phát triển số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tỉnh Bến Tre đã đặt ra mục tiêu tận dụng cơ hội thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng; giữ vững ổn định kinh tế, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá giai đoạn 2021-2025 trong tình hình mới, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo. Phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt 8-8,5% và bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8,5-9,5%.
NĐT: Với những khó khăn chung của doanh nghiệp sau đại dịch, tỉnh có những chính sách gì nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế?
Ông Nguyễn Trúc Sơn: Để hỗ doanh nghiệp phục hồi, phát triển hiệu quả, Bến Tre đã lên kế hoạch triển khai thực hiện một loạt các giải pháp như: miễn giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ về tín dụng; miễn giảm chi phí hồ sơ thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình mới; hỗ trợ, kết nối kịp thời, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa và lao động…
Ngoài ra, chúng tôi cố gắng nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cùng các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp hỗ trợ kịp thời…
Tỉnh Bến Tre cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công, phấn đấu đến cuối năm giải ngân ít nhất 100% kế hoạch vốn ngân sách (không bao nguồn vốn ODA) năm 2022; Tập trung triển khai một số công trình trọng điểm.
Đối với lĩnh vực đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các dự án điện gió với tổng công suất trên 150 MW; triển khai các dự án đô thị trọng điểm.
NĐT: Bến Tre có Kế hoạch về phát triển mới 5.000 doanh nghiệp và xây dựng 100 doanh nghiệp dẫn đầu tỉnh, ông có thể chia sẻ những giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu này?
Ông Nguyễn Trúc Sơn: Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tỉnh Bến Tre đã ban hành khung tiêu chí xác định doanh nghiệp dẫn đầu. Theo đó, việc xác định doanh nghiệp dẫn đầu dựa trên 04 tiêu chí chính: Quy mô hoạt động (dựa trên doanh thu và lao động tối thiểu), An sinh xã hội (đánh giá dựa trên số lao động có tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp). Đóng góp ngân sách địa phương (đánh giá dựa trên số tiền nộp thuế Nhà nước hàng năm). Hiệu quả hoạt động (đánh giá dựa trên lợi nhuận trước thuế) và phân theo 02 lĩnh vực (Lĩnh vực 1: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, công nghiệp; Lĩnh vực 2: Thương mại, dịch vụ).
Ngoài 4 nhóm tiêu chí trên, doanh nghiệp có thêm 7 tiêu chí bổ sung hỗ trợ xếp hạng gồm hạch toán độc lập và có tư cách pháp nhân riêng, tuân thủ tốt chính sách pháp luật Nhà nước, tham gia tốt các hoạt động địa phương phát động, giữ vị trí doanh nghiệp dẫn đầu trong nhiều năm liên tục, doanh nghiêp khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.NĐT: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI chú trọng đến việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Để làm được điều này, tỉnh Bến Tre đã có chính sách gì để thu hút được cộng đồng doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Trúc Sơn: Tỉnh Bến Tre tập trung triển khai đồng loạt nhiều giải pháp cải thiện tình hình kinh tế - xã hội, trong đó cần đẩy mạnh các giải pháp thu hút các hoạt động đầu tư để thu hút đầu tư.
Trước hết, chúng tôi chú trọng và làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, rà soát, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi sớm triển khai thực hiện các dự án mới hoặc đầu tư mở rộng, tạo hiệu ứng lan tỏa, có tác động tích cực đến việc thu hút các nhà đầu tư mới. Để làm tốt công tác này, tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư một cách kịp thời.
Tiếp đến, tỉnh chú trọng tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách thiết thực và sát sườn hơn, tạo niềm tin nơi các nhà đầu tư. Với tiềm năng, thế mạnh vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp, Bến Tre đang tập trung mời gọi đầu tư vào các dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu, các dự án phát triển vùng nguyên liệu theo chuẩn hữu cơ, dự án chế biến - sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa và trái cây gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.
NĐT: Các địa phương xác định việc thu hút đầu tư các “Sếu đầu đàn” sẽ là tiền đề tốt để thúc đẩy kinh tế, tỉnh Bến Tre đã làm việc này thế nào?
Ông Nguyễn Trúc Sơn: Bến Tre xác định, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo hướng trực tiếp mời gọi các nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn lớn, các tổng công ty hàng đầu, có uy tín và có thương hiệu đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế như: du lịch biển, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, cảng biển.
Ngoài những điều trên, tỉnh Bến Tre cũng tiếp tục tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, chú trọng thực hiện tốt công tác đối ngoại, đặc biệt là hoạt động đối ngoại kinh tế; tận dụng tốt cơ hội các hiệp định thương mại tạo đà để thúc đẩy giao thương và xuất khẩu của tỉnh. Bến Tre cũng tăng cường quảng bá thương hiệu, liên kết, xúc tiến để thu hút vốn ODA, NGO, FDI.
NĐT: Trong những Hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp, nhà đầu tư của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đã có không ít những trăn trở về những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, về pháp luật…. Để giải quyết những điều đó, tỉnh Bến Tre đã và đang có giải pháp gì?
Ông Nguyễn Trúc Sơn: Để hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cách doanh nghiệp, nhất là vướng mắc về pháp luật có liên quan đến đầu tư, tạo điều kiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh Bến Tre cũng, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức. Với mong muốn tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhà đầu tư, Bến Tre tổ chức 04 diễn đàn đối thoại doanh nghiệp hàng năm; tổ chức “Cà phê doanh nghiệp” định kỳ hàng tháng; tổ chức “Bàn tròn khởi nghiệp” định kỳ hàng tháng để tạo diễn đàn chia sẻ, giao lưu và định hướng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các kết nối, tư vấn; các huyện/thành phố đều có nhiều mô hình đối thoại và gặp gỡ với doanh nghiệp. Qua đó, hầu hết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được chỉ đạo xử lý nhanh; nhiều chủ trương, chính sách mới được kịp thời chia sẻ và thông tin đến với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc chia sẻ!
NGUOIDUATIN.VN |