Dấu mốc 7 năm ngày bỏ phiếu trưng cầu dân ý rời Liên minh châu Âu (EU) của Vương quốc Anh (23/6/2016 - 23/6/2023) đã trôi qua một cách lặng lẽ. Brexit đang mờ dần khỏi mặt trận chính trị, không được nhắc đến bởi các chính trị gia không muốn đụng đến nó, và bị công chúng – với tâm trí hướng nhiều hơn đến cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước – bỏ qua.

Nhưng Brexit là yếu tố đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí và khiến lạm phát “trông tệ hơn” ở Anh so với ở các nước châu Âu khác, ông Charlie Bean, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), nhận xét trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông địa phương.

Thủ tướng Anh David Cameron (ở giữa) từ chức sau kết quả trưng cầu dân ý gây sốc về Brexit năm 2016.
Kể từ đó đến năm 2022, trong 6 năm nước Anh mất 4 Thủ tướng. Ảnh The Telegraph

Khi được hỏi tại sao, vị chuyên gia giải thích rằng thị trường lao động ở Anh đang “bị siết chặt hơn nhiều” so với ở các phần khác của lục địa châu Âu. “Brexit khiến các công ty ở Anh khó thu hút thêm lao động mà họ cần trong thời gian ngắn từ nước ngoài”, ông nói.

Tình trạng thiếu lao động tạo ra áp lực lạm phát khi các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhiều hơn bằng cách đưa ra mức lương cao hơn, điều này từ đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung.

“Vương quốc Anh đang trên đà suy thoái dài hạn, với việc Brexit làm suy giảm thương mại và tăng trưởng kinh tế”, nữ nghị sĩ Mhairi Black của Đảng Dân tộc Scotland (SNP) cho biết trong một thông cáo gửi tới báo chí hồi tháng này.

“Từ đó, nó gây tổn hại cho hệ thống y tế công và các ngành công nghiệp chủ chốt do thiếu hụt nhân sự, đồng thời đẩy chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng lên cao – làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vốn đang khiến Vương quốc Anh quay cuồng”.

Anh có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất (G7), và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo “xứ sở sương mù” sẽ là nền kinh tế hàng đầu duy nhất suy giảm trong năm nay. Mặc dù Brexit không phải là lý do duy nhất đằng sau sự kém hiệu quả của nền kinh tế Anh, nhưng nó là một yếu tố quan trọng.

Bà Theresa May (áo xanh navy) thay thế ông David Cameron làm Thủ tướng Anh và kích hoạt quá trình đàm phán phức tạp và hỗn loạn để Anh rời khỏi EU (Brexit). Ảnh Atlantic Council

Theo nhiều cách, những “cơn gió ngược” kinh tế ở Anh không giống như những “cơn gió ngược” hoành hành ở Mỹ và các nơi khác trên lục địa châu Âu do tác động kéo dài của đại dịch và xung đột ở Ukraine: Lạm phát gia tăng, chi phí năng lượng leo thang và thị trường lao động thắt chặt. Nhưng Vương quốc Anh có thêm một “gót chân Achilles” – điều mà nước này tự gây ra: Brexit.

“Nền kinh tế Vương quốc Anh vốn đã dễ bị tổn thương vì sự không chắc chắn sau Brexit. Đầu tư nước ngoài bị đình trệ sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, trong khi thương mại với EU – đối tác thương mại lớn nhất của nước này – sụt giảm sau khi Anh chính thức rời khỏi khối vào đầu năm 2020”, ông David Henig, giám đốc dự án chính sách thương mại của Vương quốc Anh tại Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu, cho biết.

“Anh từ một thành viên của khối thương mại lớn nhất thế giới đã trở thành một kẻ ngoài cuộc”, ông Henig nói.

Các quốc gia liên kết với nhau để thúc đẩy thương mại, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường và đẩy lùi các mối đe dọa. Họ ký các hiệp ước và tham gia các nhóm quốc tế, và mỗi lần như vậy, họ từ bỏ một chút chủ quyền của mình với tư cách là các quốc gia độc lập.

Những điều này chính là những gì đã xảy ra khi hình thành Liên minh châu Âu (EU), một khu vực thương mại tự do và lực lượng chính trị toàn cầu được cấu thành từ các quốc gia châu Âu đơn lẻ.

Đối với người dân Vương quốc Anh, tư cách thành viên EU chưa bao giờ là một sự phù hợp dễ dàng. Trong một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6/2016, người Anh đã gây chấn động thế giới khi bỏ phiếu rời khỏi khối liên minh sau 4 thập kỷ là thành viên.

Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) vào năm 1973 và sau đó là EU vào những năm 1990. Nhưng nước này chưa bao giờ hoàn toàn chấp nhận tính hợp pháp của việc châu Âu kiểm soát các thể chế của Anh theo cách mà các thành viên EU khác đã làm. Ví dụ, London đã từ chối tham gia Khu vực Schengen – nơi các biện pháp kiểm soát biên giới nội bộ bị loại bỏ, hoặc Khu vực đồng tiền chung (Eurozone).

Ông Boris Johnson giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019, trở thành Thủ tướng Anh tiếp theo, với lời hứa “Hoàn thành Brexit”. Ảnh PA Media

Chủ nghĩa hoài nghi về đồng Euro ở Anh càng được khuếch đại bởi hoạt động kém hiệu quả của các nền kinh tế châu Âu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và một số động thái sau đó, khiến một số người Anh cho rằng tư cách thành viên EU là “nguy hiểm”.

Nhiều người Anh cũng nhìn nhận tư cách thành viên EU là một nguồn nhập cư không được kiểm soát. Mặc dù Anh không tham gia Khối Schengen, nhưng quy chế của EU vẫn yêu cầu các thành viên tiếp nhận số lượng người di cư không giới hạn từ các nước thành viên EU khác.

Ngoài ra còn có vô số lý do khác thúc đẩy người Anh chọn rời EU. Cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016 cho kết quả 52% ủng hộ, 48% phản đối Brexit. Cuộc bỏ phiếu Brexit đã làm rung chuyển thị trường tài chính, khiến đồng Bảng Anh lao dốc trước viễn cảnh nhiều năm không chắc chắn về cách thức Brexit sẽ hoạt động.

Những công dân trẻ tuổi và cư dân của London đã bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU. Người dân ở Scotland cũng vậy. Nhưng tất cả vẫn là chưa đủ.

Thủ tướng Anh lúc đó là David Cameron đã từ chức sau kết quả trưng cầu dân ý gây sốc nói trên, và được thay thế bởi bà Theresa May, người đã kích hoạt quá trình đàm phán phức tạp và hỗn loạn để Anh rời khỏi khối.

Cuộc tranh cãi không kết thúc cho đến khi một Thủ tướng khác, ông Boris Johnson, giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019 với lời hứa “Hoàn thành Brexit”.

Thủ tướng Anh đương nhiệm Rishi Sunak (trái) phác thảo chi tiết về Khuôn khổ Windsor ký kết với EU nhằm vượt qua các rào cản thương mại ở Bắc Ireland sau Brexit, tháng 3.2023. Ảnh Sky News

Sau Brexit, Vương quốc Anh và EU bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng và đặt ra thời hạn mới là tháng 12/2020 để hủy bỏ các thỏa thuận trong các lĩnh vực đa dạng như hạn ngạch đánh bắt cá, dịch vụ tài chính và tiêu chuẩn an toàn.

Cuối cùng, Vương quốc Anh chính thức kết thúc tư cách thành viên EU của mình vào ngày 31/1/2020.

Các nhà vận động Brexit đã sử dụng những lo lắng về nhập cư để tạo ra phản ứng dữ dội của chủ nghĩa dân túy chống lại giới tinh hoa chính trị của châu Âu, vượt qua những lo ngại về hậu quả từ Brexit đối với thương mại và nền kinh tế Vương quốc Anh.

Họ lập luận rằng EU đang biến thành một siêu quốc gia ngày càng ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của Anh. Họ nói rằng Anh có ảnh hưởng toàn cầu mà không cần khối này, và có thể tự đàm phán các hiệp ước thương mại tốt hơn.

Câu hỏi đặt ra là liệu Vương quốc Anh có thể đạt được thỏa thuận thương mại với châu Âu để duy trì quyền tiếp cận ưu đãi đối với Thị trường Đơn nhất miễn thuế gồm 450 triệu dân của EU – xương sống kinh tế của khối thương mại lớn nhất thế giới – hay không?

Brexit đã gây tổn hại cho nền kinh tế Anh và để lại sự chia rẽ sâu sắc trong người dân Anh. Thủ tướng Đức khi đó là bà Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU khác muốn ngăn chặn sự chia rẽ của khối hơn nữa, nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh phải chịu chi phí của Brexit.

Thực tế, Brexit đã dựng lên các rào cản thương mại đối với các doanh nghiệp Vương quốc Anh và các công ty nước ngoài sử dụng Anh làm “bàn đạp” để tiến vào châu Âu. Nó đè nặng lên xuất nhập khẩu, làm giảm đầu tư và góp phần gây ra tình trạng thiếu lao động. Tất cả những điều này đã làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát của Anh, gây tổn hại cho người lao động và cộng đồng doanh nghiệp.

Một số người ủng hộ hiện cũng đã nhận ra rằng Brexit đã thất bại và bắt đầu thừa nhận điều đó. Ông Alex Hickman, một cố vấn kinh doanh tại Văn phòng Thủ tướng Anh dưới thời ông Johnson, gần đây đã viết: “Những người ủng hộ rời EU trong chúng tôi phải thừa nhận rằng Brexit không hiệu quả… Hầu hết mọi người đều không rõ Brexit thực sự dùng để làm gì”.

7 năm trước, các nhà vận động ủng hộ Brexit đã hứa hẹn rằng việc rời khỏi EU sẽ làm cho đất nước giàu có hơn và tự do hơn.

“Chúng ta sẽ có nhiều tiền hơn, nhiều quyền kiểm soát hơn và có nhiều tiếng nói hơn về số phận của mình nếu chúng ta bỏ phiếu rời EU”, chính trị gia và nhà vận động Brexit Michael Gove viết trên tờ Telegraph năm 2016.

Những lời hứa tương tự đã được đưa ra bởi một chính trị gia ủng hộ Brexit khác là Jacob Rees-Mogg: “Cơ hội cho nước Anh bên ngoài Liên minh châu Âu là rất lớn”.

Brexit gây ra tác động đáng kể đến xuất khẩu thủy sản có vỏ của Anh, làm tăng thêm chi phí và thủ tục giấy tờ. Ảnh NY Times

“Chúng ta sẽ là một quốc gia tự do hơn, giàu có hơn và thành công hơn bên ngoài EU”, ông Rees-Mogg cũng viết trên tờ Telegraph trước cuộc bỏ phiếu năm 2016.

7 năm sau, lạm phát ở Anh được ước tính duy trì ở mức 8,7% trong tháng 5/2023 – bằng với mức của tháng trước đó. Nhưng thông tin về lạm phát đi ngang không mang lại sự nhẹ nhõm nào cho hàng triệu người ở Anh khi họ phải đối mặt với tình trạng “bữa no bữa đói”.

Trong một báo cáo công bố hồi cuối tháng 6, Quỹ Joseph Rowntree – một tổ chức chống đói nghèo có trụ sở tại Anh, cho biết khoảng 5,7 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp ở nước này không đủ tiền mua thực phẩm.

Gọi đây là “bình thường mới khủng khiếp” trong báo cáo mới nhất về cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí ở Anh, Quỹ Joseph Rowntree cho biết, lạm phát lương thực đặc biệt cao kết hợp với sự hỗ trợ không đầy đủ của chính phủ đang khiến mọi người đưa ra những lựa chọn khó khăn về tần suất ăn và loại thực phẩm họ mua.

Tổng số hộ gia đình có thu nhập thấp bị đói hoặc phải bỏ bữa là 5,7 triệu (48%), và số hộ gia đình không đủ tiền tiếp cận các nhu cầu khác như nước tắm, phương tiện đi lại và đồ vệ sinh cá nhân là 6,5 triệu (56%).

“Trong năm qua, mọi người đã nói với chúng tôi về việc không đủ tiền mua bữa ăn nóng sốt, dầu gội đầu hoặc tắm nước ấm. Chúng tôi đang chứng kiến những khó khăn ở mức độ này vẫn tồn tại, và nó đã trở thành một điều bình thường mới khủng khiếp”, bà Rachelle Earwaker, chuyên gia kinh tế cấp cao của Quỹ Joseph Rowntree, cho biết.

“Tình trạng giá cả cao hơn sẽ vẫn tiếp diễn và các khoản thanh toán chi phí sinh hoạt, ngay cả cho những nhu cầu thiết yếu nhất, sẽ vẫn là vấn đề nghẹt thở đối với những người cần chúng nhất”, vị chuyên gia nói.

Khách mua sắm tại Brick Lane, London, Anh. Ảnh Vrbo

Tổ chức từ thiện này cho biết, mức độ lạm phát thực phẩm bất thường cũng đang buộc nhiều người Anh mua thực phẩm ít tươi và ít tốt cho sức khỏe hơn, và chuyển sang dùng những thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn hoặc ít dinh dưỡng hơn.

“Chúng tôi biết rằng nghèo đói đã có tác động sâu sắc đến sức khỏe người dân và tình trạng tuổi thọ giảm đối với một số nhóm dân số. Đồng thời, khó khăn ở quy mô này sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiều hơn đối với Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) trong những năm tới”, bà Earwaker cho biết.

Theo dữ liệu từ Quỹ Joseph Rowntree, 1,7 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp đã truy cập NHS vì lo ngại về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần, trong khi 1,6 triệu hộ muốn tiếp cận các dịch vụ nhưng không thể do áp lực chi phí hoặc các vấn đề khác như thời gian chờ đợi lâu.

Chính Brexit là yếu tố đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí và khiến lạm phát “trông tệ hơn” ở Anh so với ở các nước châu Âu khác, ông Charlie Bean, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), nhận xét trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông địa phương.

Khó khăn kinh tế đã khiến tâm lý công chúng Anh đối với Brexit thay đổi, nảy sinh một từ mới là Bregret (Brexit Regret – hối hận về Brexit). Trong cuộc thăm dò mới nhất của YouGov được công bố hồi đầu tháng 6, 53% người được hỏi cho rằng Vương quốc Anh đã sai lầm khi rời EU, so với 32% vẫn tin rằng đó là quyết định đúng đắn.

Made with Flourish

Cuộc thăm dò của Ipsos hồi tháng 1 thì cho thấy, 45% dân số cho rằng Brexit đã khiến cuộc sống hàng ngày của họ trở nên tồi tệ hơn, so với chỉ 11% cho rằng Brexit đã cải thiện cuộc sống của họ.

Còn một cuộc thăm dò do Focaldata và UnHerd thực hiện vào cuối năm ngoái cho thấy, trong số khoảng 10.000 người được hỏi trên toàn quốc, 54% “hoàn toàn đồng ý” hoặc “hơi đồng ý” với tuyên bố rằng “Anh đã sai khi rời khỏi EU”.

Ông Anand Menon, giám đốc sáng kiến “Vương quốc Anh trong một châu Âu đang thay đổi” và là giáo sư về chính trị châu Âu và các vấn đề đối ngoại tại King’s College London, nói với Đài CNBC rằng có 2 thay đổi chính trong thái độ của công chúng đối với Brexit.

“Thứ nhất, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả các cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit, hiện cho rằng chính phủ đã xử lý Brexit không tốt – nghĩa là họ coi đây là một thất bại của chính phủ”, ông Menon nói. “Thứ hai, ngày càng nhiều người từng bỏ phiếu ủng hộ Brexit và cả những người không ủng hộ đang coi Brexit là yếu tố có tác động tiêu cực đến nền kinh tế”.

Ông Menon lưu ý rằng trớ trêu thay, Brexit bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Anh vào đầu năm 2020 ngay sau khi thỏa thuận “ly hôn” với EU chính thức có hiệu lực, nhưng tác động của nó đã bị che mờ bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Các ngành công nghiệp từ trồng trọt và đánh bắt cá, đến sản xuất ô tô và dược phẩm, là những ví dụ tốt nhất phản ánh những khó khăn mà người dân và doanh nghiệp Anh phải đối mặt do hậu quả trực tiếp của Brexit trong vài năm qua.

Những lời hứa về lợi ích hậu Brexit đã không thành hiện thực. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo chính trị của Anh thừa nhận “nỗi đau” mà Brexit đang gây ra một cách cởi mở hơn, và tìm cách cải thiện thỏa thuận thương mại với EU. Nếu không, tình trạng bất ổn kinh tế của Anh theo thời gian sẽ trở nên trầm trọng hơn hiện nay.

Các nhà phê bình cho rằng việc Anh gia nhập CPTPP vẫn khó bù đắp thiệt hại kinh tế do nước này rời khỏi EU - khối thương mại và nền kinh tế tập thể lớn nhất thế giới. Ảnh The Australian

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 3, 27/06/2023 | 07:00