Tìm thêm nhạc của Mão, tôi mới biết chàng trai này đang hàng đêm dẫn dắt, lôi cuốn hàng nghìn người vào thế giới của cậu – nơi những giấc ngủ chập chờn trong làn điệu sáo trúc vảng vất âm hưởng quê hương.

Cứ thế, tiếng sáo ma mị của Mão truyền cảm hứng cho tôi. Sau “Xuân về trên bản H’mong”, tôi nghe thêm vài bản nhạc cũ: “Tây Lương nữ quốc”, “Ánh trăng nói hộ lòng em”, “Gặp mẹ trong mưa”… Thậm chí những bản nhạc thị trường mới như “Em gái mưa”, “Thất tình”, Mão cover cũng rất hay.

Đưa ống hút tre Việt Nam ra thế giới, 8X kiếm hàng tỉ đồng mỗi tháng

Cho đến một ngày, tôi đi tìm cậu…

Tiếp tôi tại cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm sáo trúc Mão mèo trên đường Thanh Xuân (Hà Nội) là ông Nguyễn Văn Khang – bố của Mão. Ông Khang nói, Mão mèo tên thật là Nguyễn Văn Mão, người Tân Kỳ (Nghệ An). Sở dĩ có biệt danh Mão mèo là vì Mão sinh năm 1987, tuổi con Mèo.

Khi nói về Mão – cậu con trai thứ 2 trong gia đình có 3 anh chị em, ông Khang không giấu nổi vẻ tự hào của một người bố có đứa con trai tự đi lên bằng đôi chân chính mình và giờ là doanh nhân thành đạt, nghệ nhân quốc gia, Chủ nhiệm câu lạc bộ sáo trúc Việt Nam với số hội viên lên đến gần 100.000 người.

Theo lời kể của ông Khang, Mão đã có sở thích đặc biệt với cây sáo từ năm 8 tuổi. Dưới sự dẫn dắt của cha – một người yêu sáo và tự học kiểu truyền khẩu - Mão bắt đầu đam mê thứ nhạc cụ dân tộc này. Tiếng sáo cứ thế theo cậu suốt những năm tháng tuổi trẻ.

Sau nhiều năm miệt mài, Mão đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý như Kỷ lục Guiness Việt Nam (2013), Thương hiệu Hội nhập quốc tế (2016), Top 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam (2016), Nghệ nhân bàn tay Vàng (2017- Hội nghệ nhân Việt Nam), Thương hiệu ASIAN (2017- Malaysia), Thương hiệu xuất sắc toàn quốc (2017)… Năm 2018, Mão được CEO Youtobe- Susan Wojciki trao giải Nút bạc dành cho những người nhận được nhiều lượt theo dõi nhất trên Youtube.

Tôi nhìn một lượt những bằng khen, kỷ niệm chương được Mão bày cẩn thận trong tủ kính trước khi tạm biệt ông Khang để đến thăm xưởng sản xuất sáo trúc Mão mèo cách đó không xa.

Xưởng sản xuất của Mão là căn nhà 2 gian nằm sâu trong một con ngõ ở khu Phùng Khoang (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Chia sẻ với chúng tôi, Mão cho biết ngoài những kiến thức được truyền thụ từ cha, Mão chưa từng theo học một trường lớp dạy nhạc lý nào. Nhưng cậu tự mày mò và chơi được hàng nghìn bản nhạc theo cách mò mẫm thẩm âm và tự thổi.

Và không chỉ thổi sáo, Mão bắt đầu nghĩ đến việc tự mình tạo ra một cây sáo với những bước nhạc phù hợp sở thích và quãng hơi của mình.

Kể về những ngày đầu làm sáo, Mão cho biết, trước đây chỉ tự làm sáo cho vui, nên âm thanh tạo ra không chuẩn, “cứ cố gắng đo cho khoảng cách các lỗ bằng nhau. Sau cha chỉ mới biết tỉ lệ chính xác”. Từ vài cây sáo ban đầu ra đời để phục vụ bản thân và tặng bạn bè, Mão bắt đầu làm ra để bán với giá 50.000 đồng/cây và cậu bắt đầu khởi nghiệp từ đó.

Mão chỉ cho chúng tôi xem một vài vết thương sâu trên tay như một kỷ niệm nhớ đời. Bởi lẽ dao làm sáo phải là dao trổ loại dùng trong y tế, nhỏ nhưng sắc ngọt.

Từ những ngày đầu chỉ bán được một cây sáo/ngày, đến giờ thương hiệu sáo trúc Mão Mèo đã bao gồm hệ thống 30 cửa hàng trên cả nước với doanh thu 1 tỷ đồng/tháng, lúc cao điểm lên tới 3 tỷ đồng/tháng. Không chỉ cung ứng cho người hâm mộ trong nước, sáo trúc Mão mèo đã được xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài.

Nghệ nhân sáo trúc

Nói về nghề chơi, Mão cho biết tuy lắm công phu, gian lao, thoạt nhìn cây sáo trúc đơn giản vậy nhưng ẩn chứa trên trong nó là cả thế giới âm nhạc bí ẩn.

Hiện giờ, Mão đang sản xuất khoảng hơn 30 loại sáo khác nhau, với giá từ vài trăm nghìn cho đên vài triệu đồng một cây. Sáo có nhiều loại to nhỏ khác nhau, mang tên gọi khác nhau như: Sáo Đô, sáo Mi, sáo La… Cái thì dùng cho nhạc nhẹ, cái khác dung cho nhạc dân tộc da diết hoặc ngâm thơ.

Là ông chủ sản xuất sáo trúc nhưng Mão vẫn không lơ là những khán giả yêu thích âm nhạc của mình. Cậu vẫn miệt mài chơi sáo rồi tự ghi âm ghi hình up lên Youtube để phục vụ người hâm mộ. Sáo tự viết cuốn sách dạy tự học thổi sáo và dạy miễn phí trên kênh Youtube. Câu lạc bộ sáo trúc Việt Nam từ chỗ lẻ tẻ ban đầu giờ đã thu hút đến gần 100.000 hội viên có chung niềm đam mê với thứ nhạc cụ đồng quê này.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, Mão bảo, nhiều năm gắn bó với cây sáo trúc đã gặp nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đáng tự hào, nhưng có lẽ cảm động nhất là câu chuyện sau:

“Tôi từng nhận được tin nhắn từ một cậu thanh niên có cha bị ung thư giai đoạn cuối. Bố cậu ấy đã nghe tôi chơi sáo nhiều năm, trước khi mất chỉ có yêu cầu được gặp tôi. Tôi đã đến bệnh viện, tặng chú ấy cây sáo, thổi sáo và trò chuyện với chú ấy suốt 5 tiếng đồng hồ. Chú rất vui và sau cuộc gặp đó, gia đình đưa chú về nhà…”

Nguyễn Văn Mão không chỉ được biết đến là một nghệ nhân sáo trúc, ông chủ kinh doanh nhạc cụ mà còn được biết đến là Giám đốc công ty cung ứng sản phẩm ống hút thân thiện môi trường. Công việc này giúp Mão mang về doanh thu gần 10 tỷ đồng/tháng.

Sau khi thành công với cây sáo trúc từ năm 2013, đến năm 2017, Mão bắt đầu có ý định dùng ống hút tre để thay thế ống hút nhựa, vừa sạch sẽ vừa thân thiện với môi trường. “Đến năm 2018, khi có phong trào tẩy chay ống hút nhựa và ở châu Âu đã cấm sử dụng ống hút nhựa, tôi nghĩ ý tưởng của mình có thể thành hiện thực”, Mão chia sẻ.

Anh bỏ ra 5 tháng đi tìm nguyên liệu ở khắp các tỉnh, thành phố và thuê người dân bản địa khai thác, sau đó đưa tre Việt Nam về phơi trong vòng 20 ngày sẽ có màu vàng khô tự nhiên, dùng máy đánh bóng lớp bên ngoài cho sạch bụi, tiếp tới đưa vào máy cắt thành từng đoạn; chiều dài ống hút tùy thuộc vào từng đơn hàng, từ 15 – 25cm; rồi tiến hành mài hai đầu của ống hút để không sắc nhọn.

Khi xong các công đoạn, sản phẩm được đưa vào luộc (có bỏ muối) khoảng 1 giờ đồng hồ, để ráo nước và đưa vào máy sấy 1 giờ ở nhiệt độ 120 độ C. Sau khi khô ráo, sản phẩm được đóng gói. Để tạo ra sự mới mẻ cho sản phẩm Việt, anh Mão còn đầu tư máy khắc chữ nhỏ nhất rất tinh xảo lên ống hút theo yêu cầu của khách hàng.

Tiên phong đưa ống hút bằng tre ra nước ngoài nên thời gian đầu Mão khá khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường. Tuy nhiên, nhờ bạn bè và người hâm mộ đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, Mão đã nhận được một số đơn hàng đầu tiên, với số lượng 1.000 – 2.000 chiếc ở Hung-ga-ri, Đức và một số quốc gia châu Âu.

Đến giờ, theo chia sẻ của Mão, sản phẩm mang tên “ống hút Việt” đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và được xuất đi khoảng 30 nước trên thế giới. Với số lượng bán buôn hơn 6 triệu ống hút mỗi tháng và đơn giá bán buôn 1.200 đồng/ống, công việc này mang lại nguồn doanh thu khoảng 7-8 tỷ đồng.

Thành công ở nước ngoài nhưng Mão chia sẻ, anh lại gặp khó khăn khi đem sản phẩm này tiếp cận thị trường trong nước. Bởi so với ống hút nhựa đang được sử dụng đại trà ở Việt Nam với giá quá rẻ thì ống hút tre không thể cạnh tranh nổi về giá. Thậm chí đến cả những người nông dân trồng tre nơi Mão thu mua nguyên liệu cũng cười anh và hỏi “Mua ống hút tre làm gì? Sao không mua ống hút nhựa cho nhanh?”.

Tuy nhiên, Mão cho biết, khá nhiều quán giải khát cao cấp và các resort đã sử dụng ống hút tre Mão mèo và anh hi vọng sản phẩm thân thiện môi trường này sẽ có ngày thay thế hoàn toàn được ống hút nhựa độc hại với sức khoẻ con người và là gánh nặng cho môi trường sống.

Chia tay Mão bằng một bản sáo trúc dập dìu, chúng tôi ra về mà trong lòng cảm thấy lâng lâng vì cảm xúc lạc quan. Xưa nay hễ nói đến hai từ “nghệ nhân” là người ta thường nghĩ đến những giá trị gì đó rất xưa cũ, đang chênh vênh trên lằn ranh giữa sự tồn tại và mai một, như nghệ nhân hát xẩm, nghệ nhân tranh Đông Hồ, nghệ nhân làm tò he…

Và, giống như những lĩnh vực nói trên, hoặc là chèo cổ, tuồng cổ đều đang mất dần khán giả, những cây sáo trúc Việt có lẽ sẽ chỉ được xuất hiện trong những dàn nhạc dân tộc, trong những buổi biểu diễn kén khán giả, nếu như không được những người như Mão quần chúng hoá nó, xã hội hoá nó, và nâng nó lên cao hơn…