“Đốn tim” hàng triệu khán giả với tài năng vẽ “cục rối” và khả năng ghi nhớ qua thử thách truy tìm mảnh ghép trong chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam, ít ai biết, chàng sinh viên Kiến trúc này từng có một tuổi thơ “sợ” vẽ tranh, “ám ảnh” với môn Mỹ thuật.

Cái tên Lê Sơn Tùng (SN 1998) dường như đã không còn quá xa lạ với những người trẻ yêu hội họa, bởi, trước đây, chàng trai gốc Đồng Nai đã từng làm “dậy sóng” cộng đồng designer trên mạng xã hội, với những bức tranh sáng tạo độc đáo.

Mặc dù là sinh viên năm 4 ngành Kiến trúc, trường đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh, và sở hữu tài năng đặc biệt về hội họa, nhưng ít ai biết, chàng trai 21 tuổi này lại có một tuổi thơ khá “sợ” bài tập môn Mỹ thuật.

Thậm chí, chính Sơn Tùng thừa nhận: “Hội họa đối với tôi hồi tiểu học giống như một “người dưng xa lạ”, tôi cực kỳ không thích vẽ. Và sợ vẽ… Đa số mọi bài vẽ của tôi ở trên lớp đều do chị gái vẽ thay. Sau mỗi buổi học Mỹ thuật ở trường, tôi đều về nhà, nhờ chị gái làm phần bài tập của mình…

Cứ như vậy cho đến khoảng thời gian lên trung học, khi chị gái có nhiều bài tập hơn, chị không giúp tôi nữa nên bảo tôi hãy tự vẽ. Sau một chút ngập ngừng, tôi cũng phải tự hoàn thành bài tập Mỹ thuật của mình, rồi dần dần, tự cảm thấy thích vẽ từ lúc nào không hay”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, bố mẹ quanh năm mưa nắng, dãi dầu, bận rộn với những rẫy cao su và trái cây, đối với Tùng, có một người chị gái luôn quan tâm, chăm sóc và đồng hành, có lẽ là điều tuyệt vời nhất.

Chị gái Lê Bùi Thanh Trúc chỉ lớn hơn Sơn Tùng 2 tuổi nên hai chị em khá thân thiết, thuở nhỏ hay bày trò trêu chọc, còn khi lớn lên, lại hay dành thời gian tâm sự và chia sẻ những điều to nhỏ trong cuộc sống. Có lẽ vì vậy, đối với chàng 9X này, chị gái có một “tầm ảnh hưởng” không hề nhỏ.

Chính chị gái của Sơn Tùng cũng khá bất ngờ khi biết mình là người “truyền cảm hứng” cho cậu em trai: “Thật ra, tôi cũng không biết mình lại có ảnh hưởng đến đam mê vẽ của Tùng cho đến khi Tùng trả lời trong buổi gặp mặt fan Siêu trí tuệ Việt Nam mới đây. Lúc đó nghe xong, tôi cũng ngạc nhiên lắm. Phải công nhận, hồi nhỏ Tùng hay nhờ tôi vẽ thay.

Với một cậu bé nhỏ hơn chị gái 2 tuổi, thì lúc đó khả năng vẽ của tôi so với cậu bé chắc là kỳ diệu lắm… Bản thân tôi tuy không phải người thích vẽ, nhưng có lẽ do tính cách, đã làm gì đều cố gắng làm thật tốt nên các bài vẽ cũng rất được trau chuốt, chắc là Tùng cũng thấy đẹp và thích”.

Khoảng thời gian cậu học trò bước chân lên cấp II, cũng là lúc “tự lực cánh sinh” với môn học không mấy mặn mà, rồi bắt đầu “học cách yêu” môn Mỹ thuật và say mê theo từng nét vẽ. Quãng thời gian trung học cũng là lúc Sơn Tùng được đi thi vẽ các cấp và đạt được một số giải thưởng nho nhỏ.

Đã từng vẽ rất nhiều nhân vật nổi tiếng, lột tả thần thái không lẫn vào đâu được, nhưng Sơn Tùng lại tỏ ra khá khó khăn với những bức vẽ dành cho chị gái. “Tôi cũng không biết phải giải thích thế nào, nhưng tác phẩm cảm thấy khó thể hiện nhất lại chính là vẽ chị Trúc”, Tùng hơi đỏ mặt, đưa tay gãi nhẹ sau gáy, có lẽ là chút lúng túng khi nhắc đến chuyện này.

Đó là lý do khiến cô chị Lê Bùi Thanh Trúc bật cười khi nhắc đến cậu em trai: “Tùng có thể dành thời gian cả ngày ngồi tập trung vẽ, chủ yếu vẽ chân dung người nổi tiếng, mà phải đẹp mới chịu vẽ. Dạo đó, tôi có “năn nỉ” Tùng vẽ cho mình nhưng Tùng không chịu, kêu không vẽ được… Chắc là vẽ người nhà khó hơn chăng?! Tự dưng ngồi nghĩ lại mấy kỷ niệm nho nhỏ ấy, cảm giác bồi hồi ghê!”.

Được biết đến với khả năng vẽ “cục rối” và trí nhớ “siêu đẳng” trong chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam, Sơn Tùng được nhiều khán giả mến mộ. Chàng trai gốc Đồng Nai chia sẻ: “Tôi chính thức biết đến thể loại vẽ rối (scribble) vào khoảng thời gian vừa bước chân vào đại học. Trước đó, tôi cũng từng vẽ theo những phong cách tương tự, thường vẽ không theo nguyên tắc gì, vẽ theo những gì mình cảm nhận.

Cũng chính trong khoảng thời gian đó, trong lúc tìm kiếm hình ảnh mẫu, tôi vô tình bắt gặp một bức tranh của họa sĩ Vince Low và ngay lập tức bị thu hút.

Tôi dành thời gian tìm hiểu về tranh hoạ sĩ minh hoạ người Malaysia này, được biết, ông nổi tiếng trong giới nhờ phong cách minh hoạ bằng các nét bút giống như vẽ nguệch ngoạc của mình...”.

Cảm hứng đến bất chợt, chàng sinh viên năm nhất khi đó như bắt được một bông hoa vừa ý giữa đồng cỏ bạt ngàn, liền cảm thấy hợp ý và quyết định sẽ học theo. Những ngày đầu, Sơn Tùng đã dùng những bức tranh mẫu của họa sĩ Vince Low để luyện tập, dần dần, chàng sinh viên dường như có thể truyền tải được mọi hình ảnh qua các nét rối.

“Trong thời gian tìm hình ảnh với nét vẽ rối để tham khảo, tôi yêu thêm những bức ký họa của họa sỹ Erick Centeno Oblitas (Italy). Và đây chính xác là hai họa sĩ, tôi xem như thần tượng của thể loại vẽ rối mà mình đang theo đuổi”, đôi mắt lấp lánh của chàng sinh viên 21 tuổi như vẫn đang hướng về một chân trời đầy khát vọng.

Chia sẻ thêm về chặng đường tìm kiếm cảm xúc sáng tác, Sơn Tùng bật mí: “Thực ra, cái tên “cục rối” là tôi tự đặt riêng cho mình thôi. Bên cạnh thể loại “cục rối”, tôi cũng đã từng vẽ màu nước, chì màu, chì than,… nhưng dần dần, đã không dùng chúng nữa.

Tôi có cảm giác, khi mình vẽ “cục rối” thì trí tưởng tượng bay bổng hơn, tôi cảm thấy hoàn toàn tự do và giải phóng bản thân khi đặt bút. Có lẽ vì thế, mà tôi ngày càng say mê vẽ “cục rối” nhiều hơn”.

Để theo đuổi đam mê với “cục rối”, Tùng từng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn tiếp cận và học hỏi cách vẽ: “Tôi thật sự không biết phải bắt đầu như thế nào, bởi, không có một ai hướng dẫn phải vẽ ra sao. Khó khăn lớn nhất khi vẽ “cục rối” là căn được tỷ lệ kích thước thật lên trên khổ giấy tôi vẽ. Nhiều lúc, tôi hí hoáy một hồi nhưng không giống hay thậm chí dị hơn.

Chưa kể, khi tôi chia sẻ một vài bức vẽ đầu tiên mới tập tành lên mạng xã hội, có những người không hợp mắt với những nét nguệch ngoạc, nên vào “ném đá”, bình luận kiểu: “Vẽ không ra vẽ”; “vẽ thì vẽ đàng hoàng, không vẽ thì thôi”; “vẽ bẩn quá”;… khiến tôi cũng có chút hơi hoang mang”.

Chàng sinh viên năm 4 còn tiết lộ: “Chi phí dụng cụ giấy bút cho vẽ “cục rối” cũng khá tốn, bởi, bút vẽ cũng không rẻ, lại khá dễ hư ngòi nữa, nên phải thay bút mới liên tục.

Thực sự, đã có lúc, tôi phải nhịn một phần cơm của mình để dành tiền mua bút vẽ”. Có lẽ chàng trai trẻ đã quá say mê những nét rối, đến mức sẵn sàng nhịn ăn một vài bữa để có thể vẽ những điều mình muốn.

“Đối với tôi, dường như tất cả thế giới xung quanh mình chính là nguồn cảm hứng để vẽ “cục rối”. Đặc biệt, mỗi lần hoàn thành một bức tranh nào đó, tôi “khoe” với gia đình, người thân và bạn bè, thấy mọi người xung quanh yêu thích, đó cũng là động lực khiến tôi càng đam mê hơn…”, Sơn Tùng bật cười thích thú, chia sẻ về cảm hứng đề tài của mình.

Đôi khi học hành căng thẳng hay gặp những chuyện mệt mỏi trong cuộc sống, Sơn Tùng thường tìm đến “cục rối”, bởi, theo cậu, chính “cục rối” mang lại cảm giác thư giãn và thoải mái.

Chàng trai Đồng Nai cũng cho biết, với cách vẽ “cục rối”, thì thể loại tranh phong cảnh là “làm khó” nhất, vì những hình ảnh đồi núi, mây trời, cây cối,… nếu vẽ bằng chì hoặc màu nước sẽ thể hiện tốt hơn, còn sử dụng nét rối có thể sẽ khá phức tạp.

Đó là chia sẻ của chính Sơn Tùng, khi được hỏi về những dự định trong tương lai: “Trước mắt, tôi sẽ hoàn thành chương trình học tập của bản thân, có thể đi du học. Tôi cũng nghĩ đến chuyện, sau này, tự mở một cuộc triển lãm tranh toàn quốc với sự tham gia của nhiều họa sĩ trong và ngoài nước để cùng giao lưu, học hỏi.

Còn mục tiêu xa hơn mà tôi mong muốn, chính là tạo ra một thương hiệu riêng cho cá nhân với vẽ “cục rối”, mở một vài shop quần áo liên quan đến “cục rối”, để cả Việt Nam biết đến, thậm chí cả châu Á hay trên toàn thế giới.

Mặc dù sau thời gian tập luyện dài đến bây giờ, tôi có thể vẽ được nhưng vẫn chưa thực sự đặc sắc và tuyệt vời như những thần tượng của mình. Chắc chắn, tôi sẽ tìm thấy “chìa khóa” cho lối đi độc đáo của bản thân mình”.

Cái tên Lê Sơn Tùng đã từng được biết đến khá rộng rãi trong cộng đồng người trẻ từ cách đây vài năm, bởi khả năng vẽ tranh nét rối cực điêu luyện và có hồn. Tuy nhiên, phần trình diễn của chàng sinh viên 9X trong chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam vẫn thực sự khiến những người chứng kiến phải “nổi da gà” vì quá xuất sắc.

Tài năng biến hóa với “cục rối” của Sơn Tùng không khỏi khiến người xem gật gù chiêm ngưỡng, nhưng đến với chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam, chàng sinh viên không phô diễn tài năng hội họa, mà tham gia thử thách trí nhớ mang tên “khôi phục mảnh vỡ”.

Thử thách đòi hỏi người khiêu chiến có trí nhớ cực “khủng”, có sự liên kết và kết nối với các bức tranh “cục rối” trong từng chi tiết nhỏ nhất. Trên sân khấu, xuất hiện 80 bức vẽ “cục rối” khổ A4 hoàn toàn khác nhau của Sơn Tùng, mỗi bức vẽ được cắt thành các mảnh ghép 3x3 cm, tạo thành 5.040 mảnh ghép riêng biệt, Tùng phải ghi nhớ trong khoảng thời gian nhất định và ghép đúng vị trí, số thứ tự mà không nhìn tranh.

Vượt qua thử thách, chàng sinh viên Kiến trúc vẫn không khỏi bất ngờ khi được vị giám khảo khoa học PGS.TS Trần Thành Nam đánh giá khá cao. “Khi hoàn thành phần thi, tôi cũng có chút tiếc nuối vì mình đã không làm tốt được kết quả như mình mong muốn, là đạt 3/3, và cũng thật bất ngờ khi giám khảo khoa học đã chấm điểm 9, mặc dù tôi chỉ đúng được 2/3”, Tùng nhớ lại.

Vượt qua thử thách, chàng sinh viên Kiến trúc vẫn không khỏi bất ngờ khi được vị giám khảo khoa học PGS.TS Trần Thành Nam đánh giá khá cao. “Khi hoàn thành phần thi, tôi cũng có chút tiếc nuối vì mình đã không làm tốt được kết quả như mình mong muốn, là đạt 3/3, và cũng thật bất ngờ khi giám khảo khoa học đã chấm điểm 9, mặc dù tôi chỉ đúng được 2/3”, Tùng nhớ lại.

Là một chàng trai đã hâm mộ chương trình Siêu trí tuệ từ lâu, Sơn Tùng bày tỏ: “Tôi đến với Siêu trí tuệ Việt Nam, muốn chứng tỏ nước ngoài có siêu trí tuệ thì Việt Nam cũng có. Và tôi cũng muốn thử thách bản thân.

Tham gia chương trình, tôi may mắn trở thành một trong những thành viên đầu tiên của biệt đội Siêu trí tuệ, nhưng thực sự vẫn chưa là gì so với tất cả mọi người, xung quanh mình còn quá nhiều người có khả năng đặc biệt trên mọi lĩnh vực khác nhau. Đây cũng là động lực cho tôi tiếp tục cố gắng và không ngừng học tập, rèn luyện để ngày càng hoàn thiện bản thân…”.

Sơn Tùng có thể dành nguyên ngày để sáng tác những bức vẽ “cục rối”, đó cũng được xem là một phương pháp xả stress, nhưng vốn là một chàng trai sống tình cảm, Tùng không quên dành thời gian cho gia đình, đi dạo hoặc thưởng thức đồ ăn cùng chị gái, cùng bạn bè,...

Thời trang cũng là lĩnh vực Sơn Tùng quan tâm và yêu thích. Chàng trai với gương mặt khá góc cạnh từng diễn thời trang trong trường và Fashion Week trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.Hồ Chí Minh.