Xu hướng phát triển dựa trên nền tảng Blockchain trong những năm vừa qua đã thu hút sự quan tâm rất mạnh mẽ của giới đầu tư công nghệ, đặc biệt là các bạn trẻ mang trong mình hoài bão khởi nghiệp.

Ở thị trường Việt Nam, bước đầu đã xuất hiện những nhân tố trẻ để lại dấu ấn thành công nhất định, khẳng định thương hiệu công nghệ trên thị trường. Trong số đó, Nguyễn Thế Vinh được xem là một trong những CEO trẻ tiềm năng với việc đồng xây dựng Coin98 Finance, hệ sinh thái DeFi - giao thoa giữa tài chính và công nghệ, cung cấp hạ tầng cho giao dịch tiền số, sở hữu ví điện tử Coin98 Wallet với hơn 5 triệu người dùng trên toàn cầu. Ngoài ra, Nguyễn Thế Vinh còn được biết đến với 3 lần liên tiếp kêu gọi vốn thành công, nhận được sự tham gia của nhiều quỹ lớn trên thế giới.

NĐT: Việc trở thành CEO kể từ khi mới 27 tuổi chắc hẳn là một trải nghiệm không dễ dàng? Anh từng gặp những khó khăn gì khi khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ vốn nhiều rủi ro?

Nguyễn Thế Vinh: Thật ra “khởi nghiệp” ở mọi ngành nghề đều là câu chuyện không hề dễ dàng, nhiều rủi ro và là quá trình “vượt lên chính mình” để có thể dẫn dắt doanh nghiệp. Và những khó khăn đó lại càng nhân lên bội phần khi bạn là một trong những người tiên phong ở ngành đầy tiềm năng và thử thách như Blockchain.

Thú thật, khi startup trong mảng Blockchain cách đây 5 năm muốn tìm người thầy để dẫn dắt hay người bạn đồng hành giàu kinh nghiệm là gần như không thể vì ai cũng mới lấy đâu ra người dạy mình.

Tuy nhiên, mình có may mắn có cơ hội gắn bó cùng Lê Thanh - Founder C98 vì cả 2 có chung một mong muốn là không chỉ xây dựng doanh nghiệp bền vững, đi lâu dài trong ngành mà còn là mang về vị thế cho Việt Nam, ghi dấu với bạn bè công nghệ quốc tế. Và may mắn đến đây Coin98 đã phần nào làm được việc này với hơn 5 triệu người dùng trên toàn cầu, nằm trong Top 5 các ứng dụng ví Blockchain.

NĐT: Được vinh danh trong danh sách Forbes Under 30 châu Á với lĩnh vực tài chính và quỹ đầu tư mạo hiểm, vậy cơ duyên nào dẫn anh đến với lĩnh vực Blockchain và crypto?

Nguyễn Thế Vinh: Trong cả công nghệ lẫn đầu tư thì Blockchain là mảng rất mới. Nó đi kèm những rủi ro và mọi người cũng dần hiểu và chấp nhận nó.

Từ đầu, mình đã hiểu rằng, Blockchain như một vùng đất mới, nên tiềm năng tăng trưởng luôn đi kèm với những rủi ro trong quá trình khai phá. Nhưng nếu có thể chinh phục thì cả thành công và thất bại đều mang đến cơ hội tăng trưởng. Nếu may mắn thành công thì đây sẽ là đòn bẩy tạo cơ hội nhiều hơn so với những ngành nghề khác.

Năm 2017, mình bắt đầu tìm hiểu về tiền mã hóa đúng lúc thị trường đang đi lên. Sau 2 năm làm việc tại FPT Software, mình quyết định xin nghỉ để bước ra khỏi vùng an toàn mà “làm cái gì đó ra trò".

Mình đã thực sự bước vào thế giới crypto đúng thời điểm quan trọng. Cuối năm 2017, mình cùng một số bạn bè xây dựng một cộng đồng nghiên cứu tiền mã hóa có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Mình đồng hành cùng nhóm được 2 năm và rời đi năm 2019 khi không còn chung tầm nhìn. Đó cũng là lúc mình được Lê Thanh nhắn mời về với Coin98.

Mình và Thanh vốn là bạn bè biết và chơi với nhau từ trước. Tình cờ, tương tự như mình, Thanh cũng dấn thân vào con đường crypto với tâm thế của một người khám phá. Sau khi gia nhập cùng Thanh, cả hai cùng tái cấu trúc Coin98 trở thành hệ sinh thái Coin98 Finance.

Công ty được cấu trúc lại hoàn toàn thành Coin98 Finance và tạo thành 3 chân kiềng: Lab là phát triển công nghệ; Ventures là đầu tư và Network bao gồm các hoạt động xây dựng cộng đồng và chia sẻ kiến thức. Đến nay, cả 3 mảng được định hướng phát triển đều nhau.

NĐT: Đầu tư về tài chính là một lĩnh vực có sự thay đổi nhanh chóng, nhiều thử thách và rủi ro, vậy yêu cầu đặt ra cho những người theo đuổi lĩnh vực này là gì?

Nguyễn Thế Vinh: Thật ra mình không phải một nhà đầu tư tài chính, mình đầu tư vào tiềm năng của công nghệ Blockchain. Cần nhớ, đầu tư tiền mã hóa chỉ là một trong những mảng ứng dụng rất nhỏ của Blockchain. Trong tương lai, Blockchain còn có thể làm được nhiều hơn thế, giúp ích đời sống của con người, tăng hiệu suất công việc…

Hiện tại, tiền mã hóa vẫn là một trong những ứng dụng đầu tiên của Blockchain. Khó đoán trước tương lai nhưng có thể sau này, khi Blockchain đã phổ biến, tiềm năng tăng trưởng của đầu tư tiền mã hóa sẽ không còn như hiện nay.

Tuy vậy, đầu tư tiền mã hóa tương tự những hình thức đầu tư khác khi kiến thức, sự hiểu biết quyết định lớn đến thành công, bên cạnh may mắn. Đầu tư tài chính luôn đi kèm rủi ro. Rủi ro có thể đến từ khách quan (các diễn biến vĩ mô) và từ chủ quan (bản thân không biết tự đánh giá và trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ). Ở dạng rủi ro thứ hai, người tham gia lĩnh vực cần trang bị kiến thức, hiểu biết, networking, các kỹ năng phụ trợ trước khi quyết định tham gia. Càng có nhiều kiến thức, phần phụ thuộc vào may mắn càng thấp.

NĐT: Theo anh, việc nghiên cứu đầu tư vào thị trường tiền điện tử hiện nay so với những lĩnh vực tiền tệ khác có những ưu điểm và nhược điểm gì? Trong tương lai, liệu rằng crypto có trở thành một hình thức tiền tệ mới hay không? Nếu có làm thế nào để đảm bảo việc đảm bảo giá trị của đồng tiền khi giao dịch?

Nguyễn Thế Vinh: Blockchain và Crypto có nhiều thứ thú vị hơn để thảo luận. Ví dụ như ứng dụng về DeFi (tài chính tập trung) hay NFT đang thu hút được hàng chục triệu người trên thế giới quan tâm và nghiên cứu.

Các tập đoàn lớn trong các mảng tài chính, giải trí (SM Entertainment, WeMade - Hàn Quốc…) đều đã đặt một chân vào ngành rồi vì những tiềm năng to lớn của nó. Blockchain giúp mọi thứ minh bạch, tiện lợi và an toàn hơn nên đây là xu thế tất yếu.

Khẳng định, tiền mã hóa sẽ không thể thay thế bản chất tiền tệ fiat truyền thống. Tiền do ngân hàng quốc gia các nước phát hành được bảo chứng bằng giá trị của nền kinh tế quốc gia ấy. Tiền pháp định có thể xuất hiện dưới nhiều hình thái. Trong đó tiền giấy và tiền online là hai hình thái đó. Trong tương lai, công nghệ Blockchain có thể tạo ra một hình thái mới cho tiền pháp định là tiền mã hóa ổn định (stablecoin).

Nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ và các nước Bắc Âu đã và đang nghiên cứu tiền hình thái này. Điều này phản ánh phần nào đây có thể là xu hướng trong tương lai.

NĐT: Năm 2021, Coin98 nằm trong top các dự án Việt Nam được nhiều nhà đầu tư lớn hỗ trợ. Theo dự đoán của các nhà đầu tư, năm 2022 sẽ là năm bùng nổ của các dự án gaming. Thực tế là NFT/Gaming tiếp tục giữ phong độ khi dẫn đầu với 30.8% thị phần bao gồm 19 dự án là trò chơi. Vậy theo anh trong nửa cuối năm 2022, gaming có tiếp tục giữ vị trí đầu bảng thu hút các nhà đầu tư nữa hay không khi có quá nhiều dự án gaming ra đời nhưng tỷ suất hoàn vốn không hấp dẫn? Anh đánh giá như thế nào về việc các nhà đầu tư hiện nay đang đổ dồn tiền vào các công ty khởi nghiệp tiền điện tử mới?

Nguyễn Thế Vinh: Các dự án thật sự chất lượng được kỳ vọng sẽ ra mắt vào nửa cuối năm nay. Đây được xem là làn gió mới cho thị trường crypto. Trong bull market có nhiều startup nhận được đầu tư lớn. Tuy vậy họ cần thời gian để phát triển và ra mắt sản phẩm. Nửa cuối 2022 sẽ là thời điểm vàng để hàng loạt “trái ngọt” được “trồng” từ bull market ra mắt thị trường.

Bên cạnh đó, The Merge (Ethereum) hay Sui, Aptos của đội ngũ tách ra từ dự án Diem (Facebook) cũng được kỳ vọng mang đến làn gió mới cho thị trường. Trong đó, Aptos và Sui đang được đánh giá là giải pháp hiệu quả giúp giải quyết các vấn đề về hạ tầng, số lượng giao dịch và khả năng mở rộng của Blockchain.

Có thể thấy, nguồn vốn toàn cầu đang chảy vào thị trường crypto tập trung vào cơ sở hạ tầng. Đây là khoản đầu tư dài hạn bởi đội ngũ dự án rất cần thời gian để sử dụng vốn, phát triển sản phẩm. Mức độ lành mạnh của dòng vốn là rất tốt, phù hợp cho những dự án cần thời gian để hoàn thiện chỉn chu sản phẩm.

Trong khi đó, các lĩnh vực liên quan đến người dùng cuối là thế mạnh của Việt Nam như NFT, Gaming, Metaverse được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng mới nếu có ứng dụng được người dùng đón nhận. Thế nhưng, khó khăn vẫn là việc tìm kiếm người dùng cũng như xây dựng một nền kinh tế bền vững và lâu dài. Trong thị trường uptrend, người dùng sẽ dễ dàng hơn khi quyết định tham gia đầu tư và trải nghiệm. Trong downtrend, những quyết định này được đưa ra khá thận trọng.

Về việc các nhà đầu tư đổ dồn vốn vào đầu tư các công ty khởi nghiệp tiền mã hóa mới thì mình không bất ngờ nhưng cũng lo lắng về những rủi ro. Ở giai đoạn đầu, nhà đầu tư thường bị cuốn hút bởi các hidden gem (dự án tiềm năng với hiệu suất lợi nhuận cao) tự nghiên cứu được hoặc do bạn bè giới thiệu. Đổi lại, rủi ro mà họ phải chịu nếu các công ty khởi nghiệp không được như kỳ vọng cao hơn. Cần có cách kiểm soát rủi ro tốt như tìm hiểu sâu về đội ngũ, công nghệ, tính năng… của công ty khởi nghiệp cùng khả năng quản lý vốn.

Đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở bất kỳ đâu trên thế giới đều được xem là loại hình đầu tư mạo hiểm đi kèm rủi ro cao nên cách tốt nhất vẫn là luôn quản lý sự kỳ vọng của bản thân và đầu tư vào kiến thức. Suy cho cùng chỉ có kiến thức mới là thứ bền vững có thể giúp các nhà đầu tư tồn tại và phát triển.

NĐT: Hiện nay ở Việt Nam, nhận thức về công nghệ Blockchain vẫn còn chưa toàn diện, điều này thể hiện qua việc nhiều cơ quan doanh nghiệp nhìn nhận Blockchain chỉ để phục vụ các hoạt động tài chính mà không thấy những ứng dụng rộng rãi của nó trong thương mại, quản trị doanh nghiệp. Vậy giải pháp nào có thể giúp cải thiện góc độ nhìn nhận của mọi người với công nghệ này?

Nguyễn Thế Vinh: Để cộng đồng nhìn nhận đúng hơn về sự đa dạng của các ứng dụng mà Blockchain có thể làm được thì phải tồn tại những ứng dụng như vậy đã. Cá nhân mình cho rằng việc đầu tư vào thế hệ các lập trình viên có chuyên môn sâu về Blockchain sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Từ các nhu cầu rất cơ bản trong cuộc sống hàng ngày, các lập trình viên sẽ tạo ra các ứng dụng đại chúng bằng Blockchain. Nếu những ứng dụng này giải quyết hiệu quả nhu cầu hơn những mô hình truyền thống, mình tin chắc các doanh nghiệp sẽ chọn lựa.

NĐT: Chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, được quan tâm hàng đầu hiện nay, vậy những công ty như Coin98 Finance theo anh đánh giá nếu phát triển sẽ đóng góp thế nào cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là lĩnh vực tài chính ngân hàng?

Nguyễn Thế Vinh: Blockchain là một trong những ngành công nghệ vẫn đang rất mới và đang phát triển rất nhanh trên thế giới. Là một trong những startup còn non trẻ tập hợp những con tim khối óc của các kỹ sư Việt Nam, Coin98 cần cố gắng nhiều hơn để sánh vai với những công ty công nghệ khác cùng ngành trên thế giới, qua đó giới thiệu công nghệ của kỹ sư Việt Nam ra thế giới.

Coin98 và những công ty khởi nghiệp khác ý thức mình cần học hỏi, nghiên cứu và thử nghiệm những công nghệ mới, trong đó có Blockchain. Từ hàng trăm, hàng nghìn công ty thử nghiệm cái mới, có thể chỉ còn tồn tại lại một vài cái tên. Nhưng, nếu không bắt tay vào làm, sẽ chẳng có thành công nào cả.

NĐT: Anh suy nghĩ như thế nào về chính sách, hành lang pháp lý của Việt Nam đối với các nền tảng công nghệ trên? Anh có đề xuất gì về những chính sách của Nhà nước để khơi nguồn đổi mới sáng tạo, mở rộng hành lang pháp lý cho việc ứng dụng/đầu tư tiền số, tài chính số?

Nguyễn Thế Vinh: Không riêng Việt Nam, hiện chưa có quốc gia nào có chính sách và hành lang hoàn thiện cho Blockchain cũng như tiền mã hoá. Riêng với công nghệ Blockchain hiện trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào cấm công nghệ này cả.

Công ty Blockchain bản chất vẫn là một công ty công nghệ. Vì vậy các chính sách áp dụng cho một công ty công nghệ và công ty Blockchain hiện nay là không quá khác biệt.

Riêng với tiền mã hoá, hiện nay các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ hay gần nhất trong khu vực có Thái Lan hay Indonesia cũng đang bắt đầu xây dựng chính sách cho công nghệ mới này. Đây cũng là một trong những trường hợp mà chúng ta có thể tham khảo và học hỏi qua đó chọn ra cách tiếp cận phù hợp với đất nước. 

NĐT: Là người có 3 lần kêu gọi thành công vốn đầu tư với giá trị thương vụ lên tới hàng triệu USD, rất mong anh có thể bật mí kinh nghiệm kêu gọi vốn đầu tư của bản thân?

Nguyễn Thế Vinh: Có lẽ Coin98 khá may mắn khi được sự tin tưởng và đồng hành của các Quỹ uy tín hàng đầu Thế giới. Tuy nhiên sự may mắn này được xây dựng từ 5 năm trước khi Coin98 vượt qua được mùa đông 2018, từng bước mò mẫm, học hỏi và luôn tự hỏi bản thân rằng làm sao có thể phục vụ cho hàng chục triệu người dùng ngoài kia.

Chắc nhờ sự kiên trì cũng như quyết tâm của mình nên Coin98 đã tìm ra hướng xây dựng sản phẩm, cộng đồng tương đối phù hợp và được thị trường chấp nhận.

NĐT: Hiện nay có rất nhiều startup trẻ Việt Nam xây dựng các dự án về tài chính công nghệ gặp khó khăn trong việc kêu gọi vốn đầu tư, thậm chí lo sợ thất bại vì không kêu gọi vốn đầu tư. Theo anh, anh đánh giá như nào về tình trạng này và lời khuyên cho các startup trẻ này là gì?

Nguyễn Thế Vinh: Mình cho rằng chỉ có thể tập trung vào sản phẩm thì các khó khăn về đầu tư có thể được giải quyết. Bạn không nhận được đầu tư là vì dự án chưa đủ tin tưởng, không đủ để cạnh tranh, chưa đáp ứng được khẩu vị của nhà đầu tư…

Tất cả điều này đều có thể cải thiện được thông qua quá trình học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Chỉ cần đội ngũ luôn cố gắng, cầu thị học hỏi và liên tục phát triển thì mình tin là những vấn đề gọi vốn không phải là vấn đề lớn.

NĐT: Mục tiêu trong năm tới của Việt Nam là đào tạo và hỗ trợ hơn 8000 người trẻ khởi nghiệp, vậy việc quan trọng trong định hướng người trẻ trong lĩnh vực Blockchain, tiền số là gì, thưa anh?

Nguyễn Thế Vinh: Dù được đánh giá là tiềm năng nhưng lĩnh vực Blockchain vẫn đang thiếu những sản phẩm đáp ứng nhu cầu đại chúng. Do đó cơ hội trong lĩnh vực Blockchain mình nghĩ vẫn còn rất nhiều và các bạn trẻ Việt Nam nếu tận dụng tốt hoàn toàn có thể xây dựng được những công ty công nghệ mới tầm thế giới xuất phát từ đây.

Hướng đi cụ thể thì chưa một ai dám khẳng định mình đã đến đích trong Blockchain nhưng cá nhân mình nghĩ thử nghiệm, tiếp thu, học hỏi và làm tốt hơn là hướng đi hiệu quả hiện tại. Nhưng trong khả năng nguồn lực nhất định, các startup cần cân nhắc xem độ “lì đòn” của mình đến đâu sau nhiều lần thất bại.

NĐT: Cuối cùng, anh có lời nhắn gửi nào muốn dành cho thế hệ trẻ nói chung và những bạn trẻ đang khởi nghiệp nói riêng không?

Nguyễn Thế Vinh: Nếu so với những anh tài trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam thì bản thân mình không đủ trình độ để đưa ra lời khuyên. Những gì mình có thể nhắn gửi là chia sẻ những kinh nghiệm mà bản thân đã trải qua. Trong đó, việc khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Kết quả có thể tốt hoặc xấu nhưng hành trình và ý chí không bỏ cuộc là thứ khiến chúng ta nhớ mãi về tuổi trẻ của mình.

NĐT: Xin chân thành cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 05/09/2022 | 09:00