Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 1/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.

Nhằm triển khai sâu rộng, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Bộ Chính trị trong thời gian tới, Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã lắng nghe chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

NĐT: Thưa Chủ tịch, trong thời gian qua, thực hiện các văn bản, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được những kết quả như thế nào, đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị 56/CT-TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cuờng sự lãnh đạo của đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam; Kết luận số 19 ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư về Tổng kết thực hiện chỉ thị số 56?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Thực hiện các văn bản, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trước khi có Chỉ thị 56 tổ chức Hội Luật gia được thành lập ở 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hơn 20 cơ quan, tổ chức ở Trung ương (tổ chức hội ở huyện, quận, xã, phường chưa có nhiều); số hội viên trong cả nước có khoảng 20.000 người; hoạt động của các cấp hội hướng chủ yếu trong việc thực hiện nhiệm vụ tham gia công tác đối ngoại nhân dân và bước đầu tham gia vào công tác xây dựng pháp luật nhưng cũng chưa được nhiều.

Từ sau khi có Chỉ thị 56 đến nay, tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc.

Về Xây dựng, củng cố tổ chức Hội và phát triển hội viên, đến nay đã có 63/63 Hội Luật gia cấp tỉnh, tổng số hội viên Hội Luật gia trên cả nước là 67.640 người. Cùng với việc phát triển về số lượng, việc nâng cao chất lượng hội viên cũng đã được Hội Luật gia Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Về tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của các cấp Hội Luật gia được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát yêu cầu thực tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Hội đã chủ trì xây dựng và trình Quốc hội khóa XII thông qua Luật Trọng tài thương mại và trình Quốc hội khóa XIII thông qua Luật trưng cầu ý dân. Việc hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn nhiệm vụ lập pháp do Quốc hội giao đã chứng minh năng lực của Hội Luật gia Việt Nam và khả năng huy động các nguồn lực vào việc trình sáng kiến xây dựng pháp luật và chủ trì soạn thảo các văn bản pháp luật.

Tham gia xây dựng Hiến pháp năm 2013, Hội đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Chế định tư pháp trong Hiến pháp Việt Nam và một số nước, kinh nghiệm xây dựng và thực thi”; tổ chức Hội thảo khoa học “Chia sẻ báo cáo khảo sát thu thập ý kiến của các tổ chức xã hội góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”; tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến của giới luật gia về Báo cáo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và đã có những ý kiến đóng góp thiết thực vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia tích cực vào hoạt động thẩm định nhiều dự án luật quan trọng như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Luật sư, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án… góp phần bảo đảm chất lượng hiệu quả hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tôn trọng, chấp hành pháp luật.

Nội dung tuyên truyền trước hết là Hiến pháp và các văn bản Luật đã có hiệu lực và được nhiều người quan tâm như các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Đất đai, các Bộ Luật: Dân sự, Hình sự, Hôn nhân và Gia đình, Luật biển Việt Nam…

Thực hiện việc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần cùng hệ thống chính trị đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân.

Từ năm 2013 đến nay, Hội Luật gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” (giai đoạn 2013-2016 và giai đoạn 2017 - 2021).

Qua kết quả thực hiện Đề án cho thấy, xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý là chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước. Việc thực hiện chủ trương này đã và sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các cơ quan Nhà nước trong việc nâng cao ý thức pháp luật cho Nhân dân.

Hội đã Ký kết các Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với: Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt nam.

Về tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, trong những năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội đổi mới phương thức hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hướng về cơ sở, đặc biệt chú ý đến các đối tượng chính sách, những người nghèo và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các đối tượng này tiếp cận nhiều hơn với các văn bản pháp luật và nâng cao hiểu biết pháp luật, chấp hành pháp luật ngày một tốt hơn, bằng các hoạt động sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả, công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý của các cấp Hội Luật gia Việt Nam trong đời sống xã hội nói chung và trong công tác trợ giúp pháp lý nói riêng ngày càng được khẳng định và đạt được nhiều kết quả.

Các công tác hòa giải ở cơ sở và các thiết chế hòa giải khác cũng như công tác cải cách tư pháp cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng…

Công tác Đối ngoại nhân dân và hợp tác quốc tế được tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu và đạt được nhiều kết quả trong nhiều mặt như mở rộng, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước; hội nhập quốc tế; tham gia đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; vận động và tranh thủ nguồn lực quốc tế để góp phần phát triển kinh tế - xã hội; thông tin, truyền thông về đối ngoại nhân dân.

Trong đó, hoạt động đã để lại dấu ấn nổi bật là tham gia đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam…

NĐT: Như Chủ tịch vừa nêu, việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước nhất là Chỉ thị số 56, Kết luận số 19 đã đạt được nhiều kết quả. Vậy, vì sao Bộ Chính trị lại phải ban hành một Chỉ thị mới?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Có thể nói, sau 20 năm thực hiện Chỉ thị 56, Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả như đã nêu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết, Chỉ thị 56 đã được Kết luận 19-KL/TW và Thông báo kết luận số 50 của Ban Bí thư điều chỉnh, bổ sung một số nội dung mới.

Một số nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị 56 đã được hoàn thành (như nhiệm vụ chủ động tham gia với Bộ Tư pháp thực hiện việc quản lý hoạt động của luật sư và trọng tài viên.v.v...).

Bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và thế giới thời gian tới có những yêu cầu, thách thức mới; mối quan hệ Nhà nước - thị trường - xã hội có những yêu cầu mới; yêu cầu đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người; nâng cao vị thế của đất nước thông qua các tổ chức quốc tế; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia là những vấn đề hết sức quan trọng;

Đặc biệt, cả nước đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ được xác định trong các văn kiện, Nghị quyết Đại hội XII và XIII của Đảng, trong đó có nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đang đặt ra cho Hội Luật gia và giới luật gia Việt Nam những yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm mới.

Vì vậy, việc ban hành Chỉ thị mới rất cần thiết, một mặt để hợp nhất các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác của Hội Luật gia Việt Nam vào một văn bản sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện, đồng thời những chủ trương, nhiệm vụ, vai trò trách nhiệm mới của Hội Luật gia trong tình hình mới đáp ứng yêu cầu tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

NĐT: Vậy theo Chủ tịch, Chỉ thị mới này có nghĩa như thế nào đối với tổ chức, hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong thời gian tới và Hội Luật gia Việt Nam cần làm gì để sớm đưa Chỉ thị số 14 đi vào cuộc sống?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Qua tổng kết 20 năm thực hiện cho thấy, đến nay Chỉ thị 56 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam đã đi vào cuộc sống, làm cơ sở định hướng cho tổ chức, hoạt động và có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của Hội Luật gia Việt Nam.

Với Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị, trong thời gian tới các cấp Hội Luật gia Việt Nam cần tiếp tục phát huy, thực hiện tốt những nội dung của Chỉ thị, phân tích, đánh giá kỹ những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa tốt để tiếp tục thực hiện tốt hơn; bổ sung những vấn đề mới từ thực tiễn thời gian qua và từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Để thực hiện tốt Chỉ thị này cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng các bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân các cấp và các cấp Hội Luật gia về vị trí, vai trò của Hội Luật gia các cấp và yêu cầu về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của các cấp Hội, góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng các bộ, ngành, các tỉnh, thành ủy, ủy ban nhân dân các cấp.

Tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác của Hội Luật gia Việt Nam. Xây dựng, hoàn thiện các quy định về tổ chức, cơ chế tài chính, chế độ, chính sách liên quan. Quy định cụ thể phương thức, nội dung thực hiện nhiệm vụ của Hội tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất, phù hợp, khả thi.

Tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức của các cấp Hội đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Luật gia Việt Nam trong: công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; giám sát, phản biện xã hội; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới; nghiên cứu, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và thực hiện các hoạt động phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị và các nhiệm vụ khác, góp phần tích cực trong xiệc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tăng cường phối hợp giữa Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam với cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các ngành và địa phương trong lãnh đạo chỉ đạo công tác của Hội trong thời gian tới, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện thống nhất, tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam phát triển đúng hướng, có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Cuối cùng, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 22/07/2022 | 06:00