Là thế hệ doanh nhân đi trước mở đường, với ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực, sự ra đời của Nghị quyết 68-NQ/TW là một dấu mốc đặc biệt. Đó không chỉ là sự ghi nhận chính trị mà còn là một cam kết mạnh mẽ về sự đồng hành, tạo động lực để khu vực tư nhân tiếp tục bứt phá. Tuy nhiên, doanh nhân này cũng cho rằng để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, điều quan trọng là tinh thần đổi mới phải được thể hiện qua hành động cụ thể, từ Trung ương tới địa phương, từ thể chế đến con người thực thi.
Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, ông là người đã chứng kiến và trực tiếp tham gia vào sự phát triển của kinh tế tư nhân từ những ngày đầu Đổi mới. Khi đọc Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, một Nghị quyết được đánh giá là "chưa từng có tiền lệ" về phát triển kinh tế tư nhân – cảm xúc đầu tiên của ông là gì?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Không chỉ riêng cá nhân tôi mà cả cộng đồng doanh nghiệp cả nước đều cảm thấy rất phấn khởi, tự hào khi Đảng và Chính phủ luôn đồng hành, lắng nghe, quan tâm và chia sẻ cùng khu vực kinh tế tư nhân – lực lượng đã khẳng định vai trò “chủ công” trong phát triển nền kinh tế của đất nước.
Gần 40 năm làm kinh doanh, chứng kiến nhiều thời kỳ điều hành khác nhau của Chính phủ, tôi thấy rõ nỗ lực nhất quán trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Mỗi giai đoạn đều có chuyển biến, nhưng phải đến hôm nay, với Nghị quyết 68, kinh tế tư nhân mới thực sự được đặt đúng vào vị trí chiến lược của nền kinh tế quốc dân.
Chúng ta đã đi một chặng đường dài và mang tính bước ngoặt. Bắt đầu từ con số “0” tròn trĩnh trong những năm trước Đổi mới, đến nay đã có một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh đang “gánh vác” nhiều lĩnh vực quan trọng và trách nhiệm nặng nề trong nền kinh tế. Có được bước chuyển biến đó là nhờ chủ trương nhất quán và đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với sự bản lĩnh và nỗ lực, năng động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
NĐT: Nghị quyết 68 xác định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”. Với tư cách là một doanh nhân đã tiên phong, kiên trì bền bỉ cho sự phát triển của thành phần kinh tế này, ông hiểu cụm từ "động lực quan trọng nhất" này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Tôi cho rằng cụm từ “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế” không chỉ là một khẳng định mang tính chính trị mà còn phản ánh đúng thực tiễn phát triển của đất nước suốt gần 40 năm qua.
Tôi nhớ những năm đầu Đổi mới, cả nước chỉ có khoảng 20.000 doanh nghiệp, phần lớn nhỏ lẻ. Nhưng nhờ định hướng đúng đắn, đến nay chúng ta đã có gần một triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tiến bộ xã hội. Tôi hay ví von: “kiến tha lâu cũng đầy tổ” nhưng đó là thực tế bởi mỗi doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều đang bền bỉ đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Do đó, Nghị quyết 68 ra đời không chỉ khẳng định sự phát triển ngoạn mục và đóng góp của kinh tế tư nhân mà còn là cam kết chính trị mạnh mẽ rằng Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi nhất để doanh nghiệp tư nhân bứt phá và đóng góp nhiều hơn nữa.
Điều quan trọng lúc này là phải chuyển tinh thần của Nghị quyết 68 thành hành động cụ thể từ Trung ương tới địa phương. Cán bộ các cấp cần thấm nhuần quan điểm mới, hiểu rằng mình không chỉ quản lý mà còn phải phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Phải cùng xếp hàng, cùng làm, cùng chạy với doanh nghiệp, phải linh hoạt, tháo gỡ chứ không máy móc, trì trệ.
NĐT: Nhiều doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn cho rằng, rào cản lớn nhất với họ không phải ở luật, mà ở cách thực thi chính sách, thủ tục hành chính. Ông có cho rằng Nghị quyết 68 sẽ đủ mạnh để tháo gỡ điểm nghẽn này không? Vì sao?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Nghị quyết 68 rất chuẩn mực, đáng mừng nhưng để nó thực sự đi vào cuộc sống, tức là thấm được từ Trung ương đến các địa phương thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Tôi cho rằng vấn đề là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đã đành nằm ở thể chế, nhưng còn nằm ở cả cách làm.
Nhiều cán bộ hiện nay vẫn e ngại, né tránh trách nhiệm, sợ sai, sợ liên đới. Có nơi, một dự án nằm treo suốt 10-20 năm vì “ngại ký”, “ngại chịu trách nhiệm”. Trong khi đó, doanh nghiệp thì không thể chờ mãi. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh đất đai để hoang, dự án treo không triển khai là lãng phí tài nguyên quốc gia. Nhưng trên thực tế, nhiều địa phương vẫn chuyển động rất chậm. Ngay chính doanh nghiệp của tôi cũng có những dự án bị "ngủ yên" suốt nhiều năm.
Vướng mắc về cơ chế thì đã có chỉ đạo tháo gỡ. Nhưng quan trọng còn là con người thực thi. Nhiều nơi, cán bộ đang làm việc theo tình trạng “hết thứ Sáu là xong việc, còn doanh nghiệp thì mặc họ chờ”. Nếu không thay đổi cách làm, thì Nghị quyết có hay đến đâu cũng dễ rơi vào khoảng trống.
Tôi kiến nghị phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực thi Nghị quyết, chọn đúng người, bố trí đúng việc, đặc biệt là những người đang giữ vai trò quyết định trong việc giải quyết các điểm nghẽn, ách tắc trong triển khai dự án, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp. Cần tinh thần vào cuộc vì sự phát triển của Tổ quốc, không tính ngày, tính đêm.
Chính quyền các cấp cũng cần đổi cách tổ chức làm việc. Những ngày nghỉ của cơ quan công quyền cần được sắp xếp hợp lý, nên có người trực hàng ngày, chia để trực, tránh tình trạng “bỏ trống”. Doanh nghiệp thì không tính ngày, không tính đêm, tranh thủ từng giờ từng phút. Chính quyền cũng phải đồng hành với tinh thần như thế thì mới có thể tạo đột phá.
NĐT: Nghị quyết 68 nhấn mạnh: “không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế”. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn những thách thức từ việc phân biệt đối xử mà các doanh nghiệp tư nhân đang phải đối diện?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Trên thực tế, tình trạng phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, thậm chí ở một số nơi, biểu hiện này còn khá nặng nề. Nhiều nơi còn thiên vị doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp ngoại tỉnh, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chỗ lại bị xem nhẹ.
Chính sự thiên lệch trong cách đối xử đó đã khiến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dù là lực lượng kinh tế năng động và chiếm tỷ lệ lớn tại các địa phương bị hạn chế cơ hội phát triển, chỉ quanh quẩn với vai trò “làm thuê”, thiếu điều kiện để lớn mạnh và khẳng định mình.
Đáng nói hơn, khi chính sách không bảo đảm sự bình đẳng, không cho phép các doanh nghiệp này được tham gia đấu thầu, đấu giá, không mở rộng cơ hội tiếp cận các công trình, dự án phúc lợi của nhà nước, thì năng lực nội sinh của nền kinh tế địa phương sẽ không thể phát huy. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp được coi là lớn, có tiếng từ bên ngoài, từng được các địa phương ưu ái tiếp nhận và tạo điều kiện đặc biệt, lại vướng vào vòng lao lý, vi phạm pháp luật.
Có những tỉnh lơ là với doanh nghiệp vừa và nhỏ vì coi vài trăm triệu đến vài tỷ đồng tiền thuế là nhỏ nhặt, nhưng nếu cộng lại thì “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, là nguồn lực ngân sách không thể coi nhẹ. Do đó, tôi cho rằng cần phải có tư duy mới và cách tiếp cận công bằng, thực chất hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tại chỗ.
NĐT: Đây là một vấn đề rất đáng chú ý, rõ ràng là có những địa phương nêu cao khẩu hiệu “làm tổ đón đại bàng”, nhưng lại quên mất “đàn chim sẻ” ở chính sân nhà mình?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Tôi kiến nghị Chính phủ nên đặt ra “chỉ tiêu cứng” về mức thu từ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tách biệt với khối doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp nhà nước để tránh việc đánh đồng thành tích.
Hiện nay nhiều địa phương cộng gộp tổng thu ngân sách từ cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước để coi đó là thành tích, tuy nhiên đó là cách đánh giá đánh đồng, chưa phản ánh đúng bản chất và chưa khuyến khích khu vực tư nhân tại chỗ phát triển. Thế mới có tình trạng dù thu ngân sách hằng năm đều tăng nhưng bản chất là doanh nghiệp địa phương lại phát triển chậm.
Do đó, cần có tiêu chí riêng về thu ngân sách ở khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây không chỉ là công cụ thống kê, mà còn là thước đo thi đua giữa các địa phương trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng khu vực doanh nghiệp này phát triển. Khi có chỉ số đánh giá riêng biệt, các địa phương sẽ không thể buông lỏng, xem nhẹ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa mà buộc phải hành động để thúc đẩy, hỗ trợ và tạo điều kiện thực chất cho lực lượng này lớn mạnh.
Chừng nào chưa thay đổi được tư duy đó thì vẫn còn là rào cản. Nghị quyết 68 chỉ thực sự hiệu quả nếu cả chính quyền và đội ngũ cán bộ ở cơ sở cùng vào cuộc, cùng chịu trách nhiệm trước Đảng và trước Nhân dân trong việc kiến tạo môi trường công bằng, bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp, không phân biệt lớn nhỏ, công hay tư.
NĐT: Có một điều được nhấn mạnh trong Nghị quyết 68 là “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự”. Đây từng là một nỗi lo lớn với giới doanh nhân. Theo ông, để đưa tinh thần này thành hiện thực, cần làm gì cả từ phía Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Cách đây hơn 10 năm, tôi từng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ rằng nếu cứ duy trì mật độ thanh tra, kiểm tra dày đặc như hiện nay thì doanh nghiệp không thể lớn lên được. Khi ấy, mỗi tỉnh có tới 14-15 đoàn thanh tra từ chuyên ngành đến liên ngành. Sau khi tôi tổng hợp báo cáo, Thủ tướng đã quyết định: mỗi năm chỉ được thanh tra một lần và không mở rộng phạm vi thanh tra.
Thế nhưng, đã 10 năm trôi qua, chủ trương đúng đắn đó bắt đầu bị lãng quên. Mật độ thanh tra lại dày lên, có nơi nhân danh “kiểm tra chuyên đề” nhưng rồi mở rộng vô tội vạ, kiểm tra thuế công ty mẹ thì mở rộng sang các đơn vị thành viên, kiểm tra môi trường thì “tiện thể” kiểm tra luôn sổ sách kế toán. Những điều này không chỉ gây phiền hà mà còn tạo tâm lý sợ hãi trong cộng đồng doanh nghiệp.
Trong nhiều năm, tôi từng vận động hàng ngàn hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, nhưng họ ngại: Nếu làm cá thể thì không ai hỏi, nhưng lên doanh nghiệp là bị “sờ” đến liên tục.
Tôi rất đồng tình khi Nghị quyết 68 nhấn mạnh nguyên tắc “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” và chỉ đạo chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết. Đã làm kinh doanh thì không thể tránh khỏi rủi ro và sai sót. Nhưng nếu sai phạm đó không liên quan đến tham ô, tham nhũng, không ăn cắp tài sản Nhà nước thì phải tạo điều kiện để doanh nghiệp tự hoàn thiện, khắc phục. Nếu không, chúng ta sẽ vô tình làm thui chột tinh thần khởi nghiệp, tinh thần thi đua sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp.
Tôi mừng khi biết gần đây Trung ương đã giải thể, thu hẹp một số cơ quan thanh tra. Tôi khẳng định thanh tra, kiểm tra là cần thiết, nhưng chỉ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Đừng biến đơn thư nặc danh hay một ý kiến phản ánh vu vơ thành cái cớ để gây khó dễ cho doanh nghiệp, trong khi cũng chưa chắc đội ngũ thanh tra hoàn toàn “giấy trắng mực đen”. Ở đâu cũng có người tốt, người xấu. Chúng ta cần có chế tài rõ ràng với những đơn vị vi phạm, tránh tình trạng thanh tra tràn lan rồi hợp thức hóa bằng danh nghĩa “kiểm tra chuyên đề”.
Bên cạnh đó, tôi đề nghị cần thay đổi tư duy về khen thưởng. Doanh nghiệp làm tốt, đóng góp cho đất nước thì phải được ghi nhận. Chúng ta không nên mang tư tưởng “doanh nhân thì khen thưởng làm gì?”, “Anh hùng cái gì, Huân chương cái gì?”.
Những quan điểm ấy nếu không được thay đổi thì sẽ làm nhụt chí những người đang ngày đêm cống hiến cho sự phát triển chung.
NĐT: Vẫn còn những ý kiến cho rằng không xử nặng, không thanh tra, kiểm tra thì doanh nghiệp sẽ vi phạm nhiều hơn. Ông nghĩ gì về những quan niệm này?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Tôi nghĩ đó là lời biện hộ để duy trì cơ chế thanh tra, kiểm tra dày đặc như hiện nay. Người làm kinh doanh đàng hoàng đều nhìn trước ngó sau, không ai lại đứng trên pháp luật mà nhắm mắt làm liều, vì một người làm sai thì cả nhà có thể vạ lây, ai cũng sợ.
Lâu nay có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật nên chúng ta lo lắng nhưng nếu vì lo lắng mà duy trì quan điểm phải tăng cường thanh tra, tôi cho là không cần thiết. Thanh tra, kiểm tra chỉ nên là công cụ để sau này có thể kiểm soát lại, hồi tố, hậu kiểm khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
Không có vấn đề gì mà cứ phải sợ. Mà cái sợ ở đây là biểu hiện của sự bảo thủ, của việc cố giữ một cơ chế thanh tra, kiểm tra cũ kỹ. Trong khi thực tế, chính cơ chế ấy lại sinh ra những chuyện “đi đêm” không ai biết rõ diễn ra lúc nào. Xin hỏi là những người đi thanh tra, kiểm tra liệu có 100% là “giấy trắng” không? Nếu ai dám khẳng định 100% thanh tra đều tốt, đều trong sạch, thì tôi xin không dám bàn nữa. Nhưng thực tế thì sao? Thanh tra cũng như doanh nhân vậy thôi, cũng có những người làm bậy, làm bạ, có tiếng xấu và cũng có những người từng phải “vào lò lửa”.
Do đó, tôi vẫn khẳng định: thanh tra, kiểm tra là cần thiết. Nhưng phải có dấu hiệu rõ ràng của vi phạm pháp luật thì mới thanh tra. Không thể cứ thích là lập đơn tố cáo, đơn nặc danh, là đã đủ điều kiện để xuống thanh tra. Đó là những cách làm rất dễ bị lợi dụng, rất dễ trở thành công cụ để làm nhụt ý chí doanh nghiệp.
NĐT: Tổng Bí thư Tô Lâm và các nhà lãnh đạo đang mở ra một khát vọng lớn, đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Ông nghĩ gì về sứ mệnh và trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân - những người được xem là một trong những lực lượng nòng cốt để hiện thực hóa khát vọng này?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Khi Tổng Bí thư đặt ra chủ đề này, tôi tin rằng những doanh nhân có tâm, có tài, có đạo đức sẽ cảm thấy sôi sục trong tim mình, muốn cống hiến, muốn làm điều gì đó có ích cho đất nước.
Để doanh nhân có thể phát huy hết tinh thần dân tộc và khát vọng cống hiến đó, điều tiên quyết là chính quyền, đặc biệt ở cấp địa phương phải quyết đoán. Phải tháo gỡ bằng cơ chế, bằng chính sách, bằng hành động cụ thể. Để những tinh thần đổi mới và kiến tạo như Nghị quyết 68 được lan tỏa rộng rãi, để nhiều doanh nhân sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển chung.
Tôi cũng mong Đảng, Nhà nước quan tâm bảo vệ những cán bộ dám làm, dám quyết, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nhiều người xuống địa phương làm rất tốt, rất quyết liệt, nhưng vì không “thuận phe thuận nhóm” nên lại không được bỏ phiếu, không trụ lại được. Cứ thế, chúng ta sẽ đánh mất những người có năng lực, có tâm huyết và làm nhụt chí cả một thế hệ cán bộ mới. Mà cán bộ không quyết liệt, thì doanh nhân cũng không thể bứt phá.
Điều chúng tôi luôn tha thiết, suốt hơn 10 năm qua vẫn kiên trì kiến nghị, đó là mong Đảng và Nhà nước chính thức ghi nhận vai trò của đội ngũ doanh nhân như một lực lượng cấu thành thành phần xã hội ngang hàng với “công – nông – trí”, để trong giai đoạn mới đội ngũ của chúng ta phải là “công – nông – trí – doanh”.
Lần này, chúng tôi kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ là cột mốc đánh dấu sự thay đổi đó, đưa chữ “doanh nhân” vào đúng vị trí xứng đáng trong thành phần xã hội. Nếu điều này được ghi nhận, tôi tin rằng tinh thần thi đua, tinh thần yêu nước và trách nhiệm với đất nước trong cộng đồng doanh nhân sẽ còn được khơi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
NĐT: Với sứ mệnh như vậy, ông nghĩ đâu là giá trị cốt lõi của một doanh nhân trong giai đoạn mới?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Chính vì đất nước ta còn nghèo, Nhân dân còn ta khổ nên mới cần có doanh nhân. Chính bởi hoàn cảnh khó khăn ấy, chúng ta mới biết tranh thủ được chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, từ đó mới có cơ hội hội nhập, đột phá để làm kinh tế.
Doanh nhân làm kinh tế là để thoát nghèo cho chính gia đình mình, rồi từ đó mới có điều kiện tham gia trách nhiệm với cộng đồng, với địa phương. Khi ta đủ mạnh, đủ lực, lúc ấy mới có thể đóng góp cho Tổ quốc. Và mỗi doanh nhân cũng cần tự hỏi mình: "Mình đã làm gì cho Tổ quốc?".
Doanh nhân phải góp sức vào xây dựng cho Tổ quốc. Tôi mong muốn các doanh nhân, khi đã có tiềm lực, thì nên dùng phần tài sản đó để đầu tư trở lại cho xã hội, ví dụ như xây trường học, bệnh viện, những công trình phục vụ an sinh xã hội. Không nên có nhiều tiền rồi lại đem đi đốt vàng, mua nhà ở nước ngoài hay chuyển tiền ra nước ngoài cho con, cháu… Làm như thế là đang lãng phí đồng tiền của dân tộc mình.
Tôi luôn mong những doanh nhân có tâm, có tài sẽ tránh được điều đáng tiếc nhất, đó là vì làm giàu mà dính vòng lao lý, vào tù. Muốn vậy phải thượng tôn pháp luật. Như cá nhân tôi, khi định hình điều gì cũng luôn tự dặn mình mấy điều: Có vi phạm gì không? Có lấy tiền từ ngân sách nhà nước không? Có lạm dụng, ăn cắp tài sản công không? Có lợi dụng mối quan hệ, tìm cách dấn thân, tìm mọi cách mua chuộc cán bộ để được việc không?
Tôi luôn tâm sự với các doanh nhân rằng: hãy tránh những điều đó. Có được đồng nào thì chắc đồng ấy. Có được đồng nào thì cùng vui, cùng hưởng và quan trọng nhất phải có ích cho đất nước.
NĐT: Xin cảm ơn ông về những trao đổi rất sâu sắc.