Shark Việt (tên thật Nguyễn Thanh Việt, sinh năm 1963) là Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông Intracom.

Trước khi khởi nghiệp khi gần kề tuổi 40, ông từng có 16 năm công tác tại Công ty Sông Đà, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc xí nghiệp, Phó Giám đốc,…

Năm 2001, Shark Việt làm việc tại Công ty Đầu tư và Phát triển Hà Nội Handico. Một năm sau, ông quyết định tách ra thành lập công ty riêng – CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông Intracom hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, thuỷ điện và y tế. Dự án điển hình làm lên tên tuổi của ông trên thương trường là Dự án căn hộ chung cư và bệnh viện Phương Đông.

Là một trong những doanh nhân thành đạt tại Việt Nam, đến năm 2018, tên tuổi của ông còn được lan rộng hơn khi tham gia vào chương trình truyền hình Thương Vụ Bạc Tỷ – Shark Tank Việt Nam mùa 2 và nhận được sự yêu quý của số lượng lớn người theo dõi chương trình.

Người Đưa Tin (NĐT): Theo tử vi, người đàn ông tuổi Quý Mão 1963 là những người thông minh, tốt bụng, chu đáo, tinh tế và đặc biệt là có tài ăn nói nên rất được mọi người yêu quý. Điều này được thể hiện rõ nét ở ông khi tham gia vào chương trình Shark Tank Việt Nam, ông nhận được sự yêu quý của rất nhiều bạn trẻ với danh xưng “ông nội” nhờ tài ăn nói hóm hỉnh và gần gũi của mình.
Ông có nghĩ rằng tài ăn nói và sự tinh tế của tuổi Mão đã giúp đỡ ông trong công việc cũng như sự nghiệp hay không?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Tôi nghiên cứu không sâu về tử vi lắm nhưng mà thường tử vi thì tôi nghĩ tuổi nào cũng sẽ khen cả (cười). Tuổi nào thì cũng sẽ có người nói hay, có người hóm hỉnh chứ không chỉ riêng tuổi Mão.

Bản thân tôi luôn tâm niệm, cuộc đời này có bao nhiêu mà âu sầu, mình nên vui vẻ trong mọi tình huống. Vui trong lúc có niềm vui, hay thậm chí là vui khi có khó khăn ập đến. Khi mình vui vẻ, hài hước trên khó khăn mình gặp phải thì niềm vui sẽ chuyển hoá thành năng lượng tích cực để mình vượt qua khó khăn. Niềm vui giúp chúng ta cân bằng, hài hoà trong cuộc sống.

Kể cả trong một tập thể, nếu mình vui vẻ thì mọi người cũng sẽ được tiếp cận năng lượng tích cực của mình, như vậy sẽ làm tập thể tốt lên. Theo tôi, vui vẻ hòa nhã là một năng lượng mà mọi người cần phải có trong công việc cũng như trong cuộc sống, khi suy nghĩ tích cực thì bao giờ cuộc sống cũng trở nên tốt hơn.

NĐT: Khi tham gia vào Shark Tank Việt Nam, ông nhận được sự yêu thích của rất nhiều bạn trẻ vì dù “có tuổi, có tiền, có tài” nhưng lại vô cùng thân thiện và dễ gần. Khi làm việc với cộng sự, ông có “dễ thương, dễ gần” như vậy hay không?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Bản thân tôi là một người tích cực và thích những sự vui vẻ. Có những hôm mắng nhân viên tôi vẫn có thể dùng giọng điệu vui vẻ được.

Tôi nghĩ tại sao mình lại cứ phải mắng đến mức người ta không còn đường lui, phê bình nhân viên cũng thế thôi, phải cho người ta một đường lui. Tôi tâm niệm trong công việc mình nên có tính chất hài hước sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Khi có một vấn đề mà mình cần phải giải quyết thì dù nói một cách nghiêm trọng hay nói đủ độ thì vẫn là hướng tới phương pháp để giải quyết thôi, chứ không phải tùy thuộc vào độ nặng của lời nói mà công việc của mình sẽ tốt hơn.

Thế nhưng cách nói của mình sẽ động viên mọi người, người ta nhìn thấy khuyết điểm nhưng cũng tìm thấy lối ra cho chính bản thân mình để làm việc nếu còn muốn cố gắng.

Còn nếu như nhân viên làm tốt thì một lời động viên sẽ đáng quý hơn là một người sếp im lặng không biết động viên và công nhận thành quả của nhân viên.

NĐT: Cái vui rõ ràng là ai cũng thừa nhận, nhưng ông vừa nói là vui trong mọi thứ kể cả lúc không thuận. Vậy làm sao để mình có thể giữ được tinh thần tích cực trong lúc khó khăn, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Lúc căng thẳng hay lúc mọi việc không được như mình mong muốn tôi thường nghĩ: Khó khăn này đôi lúc là do chính bản thân mình, đây là câu chuyện tiên trách kỷ - hậu trách nhân.

Mình là người lãnh đạo mình phải nhìn thấy trước công việc, thấy trước khó khăn. Nếu khó khăn ấy mình chưa nhìn thấy trước thì lỗi không phải do nhân viên mà lỗi là do người đứng đầu, người lãnh đạo.

Tôi chỉ không hài lòng trong trường hợp mình đã nhắc nhở trước với nhân viên về vấn đề đó rồi mà họ vẫn vấp phải thì tôi sẽ nghiêm khắc phê bình.

NĐT: Nói sâu hơn về vấn đề kinh doanh, điều gì khiến một người đang có công việc ổn định, nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt tại một doanh nghiệp Nhà nước - điều mà nhiều người thời ấy hằng ao ước - lại lựa chọn dấn thân vào thương trường, lập công ty riêng rồi trở thành doanh nhân?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Thực ra tôi phát hiện bản thân phù hợp với môi trường kinh doanh hơn nên tôi mới cương quyết đi theo con đường này, mình thấy hợp với kinh doanh thì mình làm. Dù mình biết nếu làm những ngành nghề khác thì cũng có thể làm được nhưng có lẽ sẽ không tốt bằng việc kinh doanh.

Một vấn đề nữa là tôi không quan niệm việc kinh doanh thì bấp bênh hơn làm Nhà nước hoặc làm Nhà nước thì ổn định hơn. Theo tôi bất cứ một vị trí nào thì cũng có cái khó khăn riêng và nếu chủ quan thì ta đều có thể thất bại. Dù mình tính đúng, tính đủ rồi nhưng rủi ro vẫn luôn ở đâu đó chờ mình. Do đó, đừng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ gặp thuận lợi mà phải nghĩ rằng là khó khăn có thể ập đến bất cứ lúc nào mà ta không thể lường trước.

NĐT: Những bước đầu khởi nghiệp, ông có bao giờ gặp khó khăn, nản chí và nghĩ rằng mình đã đi sai đường hay không?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Tôi thường tâm niệm là đã đi thì mình nhìn về phía trước chứ không ngoái đầu lại phía sau.

Thứ nhất, đã lựa chọn con đường này thì mình sẽ dứt khoát đi đến cùng. Thứ hai, nếu thấy khó khăn thì đó chính là thử thách bản lĩnh của mình. Nếu vượt qua được khó khăn đó mới là điều thú vị, còn nếu vì khó khăn mà buông bỏ thì mình cũng chỉ bình thường như người khác thôi.

NĐT: Thường người ta lựa chọn khởi nghiệp ở độ tuổi khoảng 20-30, nhưng ông lại bắt đầu tạo lập sự nghiệp riêng của mình khi đã tuổi gần tứ tuần. Ở tuổi đó, thường người ta cần sự ổn định, chắc chắn nhưng ông lại quyết định dấn thân kinh doanh. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Thực ra thì tôi nghĩ từ 18 tuổi đến 81 tuổi đều có thể khởi nghiệp được, không có quy định nào bắt buộc chỉ người trẻ mới có thể khởi nghiệp.

Ở tuổi 40, tôi nghĩ mình đã tích luỹ được đủ kinh nghiệm, các mối quan hệ xã hội, có sự hiểu biết về cuộc sống thì quá trình khởi nghiệp sẽ càng có nhiều ưu thế hơn người khác. Tôi có sự chín chắn, có trải nghiệm mà người trẻ chưa được trải nghiệm.

Ở độ tuổi của tôi, tôi biết cách tính toán cho công việc, biết cách đối nhân xử thế với cấp trên cấp dưới và những người trong quan hệ xã hội. Một khi đã tích luỹ đủ thì tôi nghĩ việc khởi nghiệp sẽ suôn sẻ hơn.

NĐT: Ông từng nhiều lần chia sẻ trên truyền thông về mong muốn được giúp đỡ các bạn trẻ khởi nghiệp. Ngay cả trên fanpage cá nhân, ông cũng nhấn mạnh slogan “Mong muốn của tôi là truyền được nguồn năng lượng và cảm hứng cho thế hệ kế thừa”. Tại sao ông lại trăn trở về người trẻ nhiều như vậy?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Việt Nam đang trong giai đoạn trẻ hóa, chính sách của Nhà nước, của Chính phủ, của Đảng là muốn Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp.

Để trở thành quốc gia khởi nghiệp thì cần lực lượng lớn các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp. Tôi nhìn thấy rằng nếu trong quá trình khởi nghiệp mà không có đủ kinh nghiệm, không có người giúp đỡ thì các bạn sẽ dễ gặp thất bại và không dám khởi nghiệp nữa. Do đó tôi quyết định tham gia vào Shark Tank Việt Nam với mong muốn sẽ tìm được cộng đồng các bạn khởi nghiệp có trí tuệ, có nhiệt huyết để mình hỗ trợ họ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp làm sao để tránh được nhiều rủi ro nhất.

Để phát triển thành doanh nghiệp lớn, nhiều người cứ nói là phải động viên để họ xông lên, nhưng tôi lại nghĩ trước khi xông lên phải nhìn nhận lại xem ở dưới đất chúng ta là gì. Đã bắt đầu phải nghĩ đến thất bại. Chỉ khi mình nhìn rõ vị trí của bản thân thì mới có nghị lực để vượt qua tất cả các khó khăn, cũng như có nghị lực để làm những việc lớn hơn, thậm chí giúp cho doanh nghiệp bùng nổ và lớn mạnh.

Nếu chưa nhìn kỹ, không có những người phân tích điểm mạnh – điểm yếu cho thì việc lạc quan thái quá có thể khiến doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại ngay lập tức. Đó là lý do tôi muốn tham gia dẫn dắt và chỉ đường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.

NĐT: Ngoài câu chuyện về tinh thần chung hỗ trợ người trẻ, hỗ trợ phong trào khởi nghiệp thì dù gì ông cũng là chủ của một doanh nghiệp, sự tính toán lợi nhuận trong việc đầu tư ủng hộ các start-up của ông như thế nào? Tại sao giữa nhiều lựa chọn đầu tư an toàn, khả năng sinh lời cao thì ông lại chọn start-up để rót vốn?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Đã làm doanh nghiệp, việc mua bán sáp nhập là việc thường xuyên phải làm, tất nhiên những thương vụ đó khi đưa ra quyết định tôi phải tính đến hiệu quả của nó.

Tuy nhiên, đối với các bạn start-up tôi không đặt nặng vấn đề đó. Tôi đặt vấn đề là phải giúp đỡ các bạn khởi nghiệp trên tâm huyết của mình, mình giúp đỡ họ về tư duy phương pháp luận để họ khởi nghiệp thành công, đó mới là điều quan trọng.

Còn nếu chỉ tính về doanh thu và hiệu quả kinh tế thì dù tại Việt Nam hay trên thế giới số start-up thành công thực sự không nhiều, vì vậy lựa chọn đầu tư vào start-up để kiếm lời không phải tôn chỉ mục đích của tôi.

NĐT: Tiêu chí nào của start-up sẽ khiến ông sẵn sàng rót vốn? Và khi quyết định xuống tiền, ông có bao giờ nghĩ đến việc startup đó sẽ thất bại và khiến ông “mất trắng” tiền đầu tư hay không?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Tiêu chí của tôi là doanh nghiệp của start-up phải làm được những việc mà xã hội thiếu, con người cần và hướng tới phát triển bền vững.

Điều này có nghĩa là doanh nghiệp đó phải là một hệ sinh thái có trách nhiệm với Trái đất này, với hành tinh xanh này, có trách nhiệm với xã hội và không được đặt vấn đề làm để kiếm nhiều tiền lên hàng đầu.

Họ phải đặt mục tiêu là cống hiến trước thì mới có quyền lợi đi sau, doanh nghiệp phải cống hiến cho xã hội, làm ra kinh tế xanh, xây dựng nên dịch vụ phục vụ cộng đồng con người là quan trọng nhất.

Hơn nữa là nếu họ hướng tới mục tiêu làm cho đất nước Việt Nam ngày càng phát triển và thịnh vượng thì mình sẽ vô cùng ủng hộ.

NĐT: Nếu như một doanh nghiệp không hướng đến những mục tiêu trên nhưng lại đem về thu nhập và lợi nhuận "khủng", liệu ông có sẵn sàng đầu tư cho họ phát triển hay không?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Lợi nhuận khủng mà không hướng đến cộng đồng, không hướng đến đất nước Việt Nam, không hướng đến việc kinh doanh xanh thì chắc là mình sẽ không đầu tư. Bởi doanh nhân thì không đặt nặng chuyện tiền nong.

NĐT: Suy cho cùng ông cũng là doanh nhân và Shark Tank cũng là một dạng đầu tư, dù ít hay nhiều. Mà đã đầu tư lại không nói đến chuyện lợi nhuận thì quả thực khó tin?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Doanh thu, lợi nhuận với bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải quan tâm. Nhưng nếu đặt nặng về chuyện tiền nong thì không phải là doanh nhân đích thực, bởi vì doanh nhân người ta làm chủ yếu vì đam mê.

Còn trên con đường đam mê ấy phải có thành quả, cũng như mình đi học thì phải có thi, học mà không thi thì học làm gì, mà đã thi thì phải ra kết quả.

Nói vậy để thấy hiệu quả doanh nghiệp chính là thước đo trình độ quản lý của doanh nhân. Còn nếu mà anh nói “tôi chỉ cần tiền thôi, tôi chỉ làm vì tiền thôi” thì phải xem lại, đấy anh chỉ là máy in tiền.

Không phải là mình nói như thế là mình không quan tâm Intracom có lãi không hay có doanh thu như thế nào. Mình vẫn quan tâm con số nhưng con số ấy không phải là tất cả, chỉ là một trong những cái thứ mà mình để ý đến chứ không phải là cái đích đến cuối cùng.

NĐT: Ông có nhớ mình đã đỡ đầu bao nhiêu start-up và trong số đó có bao nhiêu thương vụ thành công hoặc là ít nhất là đang duy trì đến hiện tại?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Tôi không nhớ số liệu cụ thể, nhưng những người tôi giúp đỡ thì tôi đều thấy rằng họ rất có tiềm năng. Theo đánh giá của tôi chắc chỉ khoảng 5 đến 10% thất bại, còn 90 đến 95% là thành công hoặc vẫn duy trì được đến thời điểm hiện tại.

NĐT: Khi lựa chọn đồng hành cùng một star-up, ông sẽ đóng vai trò như thế nào? Một người đi trước dẫn dắt, chỉ đường? Một người đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn? Hay chỉ đơn giản là một người có tiền, xuống vốn và để các “cá con” tự bơi?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Khi lựa chọn đầu tư vào Start-up tôi tìm kiếm một người phù hợp với hệ sinh thái của mình nên tôi lựa chọn đồng hành cùng họ từ đầu đến cuối, chia sẻ với họ những khó khăn, thuận lợi. Tôi mong muốn họ coi mình là bạn chứ không đơn thuần là đối tác hay thuần tuý là một người rót vốn đầu tư thu về lợi nhuận.

NĐT: Trở thành Chủ tịch một tập đoàn đa ngành với hàng nghìn công nhân viên, có khối gia sản đồ sộ, danh tiếng và độ phủ sóng sâu rộng. Ông nghĩ mình đã được và mất gì khi làm doanh nhân?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Được mất của con người thì khó mà nói ra được. Mục tiêu của tôi như đã nói không phải là tiền, không phải là doanh số, không phải là những dự án làm được. Mà quan trọng là tôi cống hiến được cái gì cho cộng đồng, cho xã hội, cho đất nước thì tôi cố gắng làm hết sức và trong tất cả những cái cống hiến đấy nó có phần của tôi là vui rồi.

Tôi chỉ là hạt cát trong đại dương của nghề kinh doanh thôi nên tôi không cân đo đong đếm xem mình được gì và mất gì vì mục tiêu của tôi hơi khác với mọi người.

Tôi chỉ là hạt cát trong đại dương của nghề kinh doanh thôi nên tôi không cân đo đong đếm xem mình được gì và mất gì vì mục tiêu của tôi hơi khác với mọi người.

NĐT: Ở thời điểm hiện tại, ông tự đánh giá bản thân đã là một người thành công hay chưa? Trong kinh doanh, nhiều người hướng tới danh xưng tỷ phú, triệu phú. Không biết bản thân ông có đặt cho mình mục tiêu trở thành một trong những cái tên nằm trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam, hay thậm chí là trên thế giới?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Tôi chưa bao giờ coi mình là cá nhân thành công mà chỉ coi mình là doanh nhân ở đoạn đầu của thành công thôi.

Khi nào mà tất cả mọi người Intracom phục vụ đều nói là hài lòng về Intracom thì lúc đấy là tôi thành công. Còn nếu có một khách hàng vẫn nói chưa hài lòng về Intracom hoặc các dịch vụ Intracom đưa ra khiến họ vẫn băn khoăn thì Intracom chưa thành công. Intracom chưa thành công đồng nghĩa với việc tôi chưa thành công.

Điều này xuất phát từ mong muốn cống hiến cho xã hội từ những việc tôi đang làm. Những lĩnh vực mà xã hội thiếu, con người cần thì mình đầu tư. Dù biết những lĩnh vực ấy không hề dễ và góc nhìn của xã hội nhiều lúc cũng không thực sự mở mà có phần hơi khắt khe, nhưng tôi luôn tâm niệm “xã hội đang cần, ông là doanh nhân thì ông phải làm”.

Chưa bao giờ tôi nghĩ trong đầu là mình phải trở thành triệu phú hay tỷ phú USD, thậm chí là triệu phú tỷ phú tiền Việt. Tôi chỉ biết là mình cứ làm việc mình mong muốn, theo đuổi những giá trị mình luôn trân trọng. Tôi xác định mình hạt cát thì chỉ nằm một góc đóng góp âm thầm cho cộng đồng.

NĐT: Tinh thần cống hiến, dấn thân như thế có bao giờ ông nghĩ là sẽ có một cái mốc để mình lui về nghỉ ngơi?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Tất nhiên tôi phải có thời gian dành cho bản thân nghỉ ngơi và giải trí, tôi cũng đã nghĩ nhiều về việc đó. Tuy nhiên thời điểm mà mình nghỉ ngơi chắc là phải tìm được người kế tục công việc thì mới có thể hoàn toàn nghỉ ngơi được.

Theo tôi, làm gì thì làm việc quan trọng nhất vẫn là ý nghĩa của công việc và anh sẽ chọn được ai kế tục mình, ai sẽ cầm đuốc đi tiếp con đường mà mình đã đi.

NĐT: Ví dụ nếu mà một người phù hợp không phải người thân của mình mà là một người khác, họ mang được tinh thần như ông mong muốn, ông có sẵn sàng để cho họ đi tiếp hành trình của mình?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Tất cả nhân viên, cán bộ ở trong công ty đều là người thân của tôi cả. Mà một khi đã là con cháu thì tôi không bao giờ phân biệt người trong nhà và người ngoài.

NĐT: Ông là người cực kỳ hiếm hoi nói về người thân và bạn đời, tôi chỉ biết có lần ông chia sẻ "Gia đình chính là một góc thiêng liêng". Người ta thường nói “Đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”, hẳn vợ ông là một người phụ nữ tuyệt vời?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Nếu cái gì mình đã đặt là thiêng liêng thì người ta sống để bụng, chết mang theo (cười). Thiêng liêng rồi thì cứ để nó thiêng liêng mãi đi, nên cất giữ lại một góc riêng của mình.

NĐT: Shark Việt trong việc kinh doanh thì mọi người thấy rồi, nhưng Shark Việt trong gia đình với vai trò là người chồng, người cha, người ông thì như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Cái đấy thì tôi nghĩ phải để người khác đánh giá chứ mình không tự đánh giá được, mình đánh giá về mình thì quá dở đúng không?

Thực ra nhiệm vụ nào cũng hoàn thành thì không phải dễ đâu, cũng có lúc sơ sẩy, có khi chưa tốt nhưng tôi nghĩ vẫn nên để những người xung quanh nhìn nhận và đưa ra đánh giá. Kể cả việc mình có cống hiến được cho xã hội hay không thì cũng nên để xã hội đánh giá chứ mình không nên tự đánh giá mình.

NĐT: Hỏi thế là bởi có nhiều doanh nhân khó cân bằng được giữa công việc và gia đình, ông suy nghĩ như thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Thanh Việt: “Nhân vô thập toàn”, đừng yêu cầu một người phải hoàn mỹ, chúng ta đâu phải là thánh nhân, đâu phải vị thánh sinh ra đã toàn năng, cho nên chúng ta chắc chắn sẽ có khiếm khuyết.

Điều ấy có thể thể hiện ở trong gia đình, cũng có thể ở ngoài xã hội, có thể trong công việc cũng như trong cách ứng xử với bạn bè. Thế nên tôi nghĩ mình không nên đánh giá người khác.

Hãy quan tâm đến rác nhà mình chứ đừng quan tâm đến giọt sương, đến mái nhà người khác. Dù có trường hợp như vậy thật thì mỗi con người là một cá thể riêng biệt, và chính sự khác biệt đó của mỗi người mới tạo nên xã hội.

NĐT: Xin chân thành cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 04/02/2023 | 08:00