img

Nhiều năm trước, mỗi lần bước chân ra khỏi huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), anh Vũ Mạnh Cường lại mang theo một nỗi bận lòng. Không phải vì mảnh đất quê hương quá nghèo, mà bởi có quá ít người biết đến nó. “Trạm Tấu à? Ở đâu thế?” - câu hỏi ấy lặp đi lặp lại suốt những năm tháng anh đi làm, rồi đi khắp nơi. Mỗi lần như thế, trong lòng anh lại dội lên một tiếng thở dài, buồn và đôi khi thấy… hổ thẹn.

Ngày còn nhỏ, anh Cường thường tắm suối khoáng nóng như một điều hiển nhiên. Dòng nước âm ấm chảy qua lòng bàn chân, lan ra mùi lưu huỳnh ngai ngái, rồi trôi theo ống cống làng. Cho đến khi lớn lên, anh mới nhận ra thứ nước âm thầm ấy đang mang theo cả một cơ hội chưa từng được chạm tới.

Nhưng có một điều nữa, không chỉ có suối khoáng, Trạm Tấu còn là quê hương của những cánh đồng khoai sọ bạt ngàn. Khoai sọ Trạm Tấu nổi tiếng vì chất đất phù sa, khí hậu mát mẻ và phương thức canh tác truyền thống, mang đến những củ khoai sọ thơm ngon, mềm mịn mà khó có nơi nào sánh kịp. Đây cũng là nguồn sống mà bố mẹ nuôi lớn anh. Anh tâm nguyện, sản phẩm nông sản đặc trưng sẽ không chỉ xuất hiện trên bàn ăn của du khách, mà còn là một phần không thể thiếu trong hành trình du lịch khám phá vùng đất này.

Và rồi, giữa những lặng lẽ ấy, anh Cường bắt đầu. Không ồn ào, không rầm rộ. Chỉ là, với ý chí của một người con yêu quê hương và khát khao khởi nghiệp của người đàn ông ở tuổi 30, anh quyết định rằng: “Phải kể câu chuyện về Trạm Tấu - để sau này, dù đi đâu, làm gì, bản thân cũng không còn phải cúi đầu khi nhắc đến quê hương mình”.

img

Cái cơ duyên ấy không đến từ một chuyến đi, cũng chẳng phải nhờ ai truyền cảm hứng. Nó bắt nguồn từ chính cuộc đời anh - một đứa trẻ sinh ra và lớn lên giữa vùng núi quanh năm mây phủ. Bố mẹ là dân đi khai hoang, bám đất, dựng nhà, nuôi con nơi rẻo cao này.

Bao năm sống trên mảnh đất ấy, anh không chỉ cảm nhận bằng trái tim, mà còn bắt đầu nhìn nhận bằng con mắt của một người làm kinh tế. Anh Cường âm thầm so sánh: về khí hậu - Trạm Tấu mát mẻ quanh năm; về thiên nhiên - rừng núi còn nguyên sơ; về văn hóa - bản sắc dân tộc đậm đà, con người thì chân chất, hiếu khách. Thậm chí, nhiều mặt còn vượt trội hơn những nơi du lịch nổi tiếng khác.

Thế nhưng, trên bản đồ du lịch, cái tên Trạm Tấu vẫn chỉ là một khoảng trắng. “Tại sao lại không phát triển du lịch ở đây?” - câu hỏi ấy không còn là nỗi day dứt nữa, mà trở thành một định hướng rõ ràng. Và khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Trạm Tấu của Hợp tác xã Du lịch Cường Hải ra đời - như một cách để anh kể câu chuyện của quê hương mình, không bằng lời nói, mà bằng hành động cụ thể.

img

Với quyết tâm và tầm nhìn rõ ràng, anh Cường không chỉ muốn biến Trạm Tấu thành một điểm đến du lịch nổi bật mà còn muốn mảnh đất này trở thành nơi người dân có thể sống tốt hơn từ chính những giá trị tự nhiên của quê hương mình. Ngay từ khi xây dựng khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng, anh đã đặt ra một mục tiêu lớn lao, đó là tạo ra công ăn việc làm cho những người dân địa phương. Tại cơ sở của gia đình, anh Cường đã tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động tại địa phương.

“Và hơn hết, nông sản địa phương được dẫn đường và được lan toả, từ những bát canh khoai sọ trên bàn ăn của khách du lịch đến những giỏ quà khoai sọ được khách du lịch tấm tắc khen ngon và mua về tặng bạn bè, đồng nghiệp. Khi đó tôi cũng như những người con của vùng đất Trạm Tấu đã thực biết ơn và tự hào”, anh Cường nói.

Với mỗi người dân Trạm Tấu, khi một củ khoai sọ được ai đó mang về như một món quà, không chỉ là sản vật rời khỏi mảnh đất này - mà là một phần của Trạm Tấu đang được kể tiếp. Là hương vị núi rừng, là mồ hôi người nông dân, là cả một câu chuyện của đất đai, khí hậu và những mùa vụ kiên nhẫn.

img

Câu chuyện của anh Cường chỉ là hành trình của một cá nhân nhưng lại là hình mẫu cho những tiềm năng cần được khai thác ở huyện Trạm Tấu để vùng đất này vươn lên trong hành trình phát triển du lịch địa phương. Hiện trên địa bàn có 43 cơ sở lưu trú, bao gồm 1 khách sạn đạt chuẩn 3 sao, 5 nhà nghỉ và 37 homestay, 14 hợp tác xã và 4 doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng các dịch vụ du lịch.

Về Trạm Tấu, đây là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Yên Bái. Với vị trí địa lý đặc biệt, huyện Trạm Tấu được bao quanh bởi những dãy núi cao, tạo thành một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ.

Huyện Trạm Tấu được thiên nhiên ban tặng cho khung cảnh núi non hùng vĩ. Địa phương có 3 ngọn núi trong top 15 ngọn núi cao nhất Việt Nam gồm: Đình Tà Chì Nhù cao 2.979m ở xã Xà Hồ; đỉnh Tà Xùa cao 2.875m (từ tháng 4/2025 đổi tên thành Phu Sa Phìn) ở xã Bản Công và đỉnh Sa Mu ở xã Bản Mù cao 2.756m so với mực nước biển. Đây chính là cơ hội để Trạm Tấu phát triển du lịch mạo hiểm.

img

Nếu Tà Chì Nhù được mệnh danh là “nóc nhà Yên Bái”, nổi tiếng với “biển mây” trắng muốt thì Tà Xùa lại là “thiên đường săn mây” của dân phượt phía Bắc, nơi mỗi sớm mai là một khung cảnh huyền ảo, như thể lạc vào miền cổ tích. Còn Sa Mu, hoang sơ và ít dấu chân người, lại là đích đến mới của những ai yêu thích sự khám phá và thử thách.

Với địa hình đa dạng, những đỉnh núi này không chỉ thu hút những người yêu thích mạo hiểm, mà còn là nơi thử thách sức bền và kỹ năng vượt núi của các vận động viên leo núi chuyên nghiệp.

Ông Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu chia sẻ, việc phát triển loại hình du lịch mạo hiểm không chỉ giúp Trạm Tấu khai thác tiềm năng du lịch của địa phương mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Du lịch mạo hiểm sẽ thu hút một lượng lớn du khách từ các nơi, tạo ra cơ hội việc làm cho người dân, đặc biệt là trong các dịch vụ như hướng dẫn viên, phục vụ homestay, cung cấp lương thực, thực phẩm và các dịch vụ hỗ trợ khác.

Theo ông Khang A Chua, thời gian vừa qua, giải leo núi “Bước chân trên mây” đã trở thành một cột mốc đáng nhớ và là dấu hiệu tích cực với ngành du lịch Trạm Tấu. Không chỉ là một sự kiện thể thao, giải đấu còn là một chiến lược quảng bá hình ảnh địa phương đầy hiệu quả. “Sự kiện này đã tạo tiếng vang lớn, đưa hình ảnh Trạm Tấu với vẻ đẹp hùng vĩ và hoang sơ đến gần hơn với người dân”, ông chia sẻ.

img

Ông Khang A Chua

Năm 2025, giải leo núi được tái khởi động với tên “Bước chân trên mây - Chinh phục đỉnh Tà Xùa” với sự tham gia của hơn 100 vận động viên là nhà báo, phóng viên từ Trung ương và địa phương. Giải leo núi cũng là một phần trong chiến lược phát triển du lịch mạo hiểm mà Trạm Tấu đang theo đuổi - kết hợp giữa thể thao, trải nghiệm, văn hóa và truyền thông.

“Bằng việc gắn kết những người làm báo với những hành trình chinh phục thiên nhiên, Trạm Tấu đang mở ra một con đường tiếp cận mới, hiện đại hơn, lan tỏa hơn, để từng bước viết tên mình lên bản đồ du lịch của cả nước”, ông Chua chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, năm 2023, Trạm Tấu đã tiếp đón, phục vụ 150.000 lượt khách, bằng 136% kế hoạch huyện giao. Trong đó, có 20.150 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 112 tỷ đồng, bằng 131% kế hoạch.

Năm 2024, huyện Trạm Tấu đã đón 152.500 lượt khách, vượt 102% kế hoạch đề ra. Trong đó, khách quốc tế đạt 37.440 lượt, cao hơn 7% so với mục tiêu. Doanh thu từ du lịch đạt 120 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch. Năm 2025, địa phương phấn đấu đón 160.000 lượt khách du lịch, trong đó có 35.000 lượt khách quốc tế; doanh thu từ du lịch ước đạt 128 tỷ đồng.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Việt Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt cho biết, để hỗ trợ người dân phát triển du lịch, ông đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch Trạm Tấu phối hợp với bà con tại huyện Trạm Tấu khai thác tiềm năng du lịch trong huyện.

img

Theo ông Hưng, hợp tác xã có 7 hội viên sáng lập, và các xã viên là bà con ở Bản Tà Xùa, Bản Khấu Ly, xã Bản Công. Tham gia vào hợp tác xã, các xã viên được đào tạo, tập huấn các kỹ năng phục vụ khách du lịch. Hợp tác xã trang bị áo và mũ bảo hiểm đồng phục để bà con đi làm cho chuyên nghiệp và phân biệt với ngoài hợp tác xã. Người dân tích cực tham gia làm porter và làm xe ôm chở khách.

Ông cho biết, mùa du lịch Trạm Tấu có thể khai thác quanh năm. Song, mùa đẹp nhất sẽ kéo dài từ tháng 9 hàng năm cho đến tháng 4. “Khi leo núi thời điểm này, du khách sẽ được trải nghiệm thời tiết đẹp nhất và an toàn nhất. Cùng với đó, phong cảnh, thiên nhiên sẽ rất đẹp”, ông Hưng nói.

Giám đốc Hưng Việt cũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi luôn đặt mục tiêu thúc đẩy du lịch địa phương ngày càng phát triển, trong đó có loại du lịch leo núi mạo hiểm, hỗ trợ địa phương và bà con quảng bá hình ảnh, con người, văn hoá của Trạm Tấu”.

Trong chia sẻ của mình, ông Hưng cũng bộc bạch về sự thay da đổi thịt qua từng năm của Trạm Tấu, vui nhất vẫn là khách đến với Trạm Tấu nhiều hơn từng ngày. Thu nhập của bà con cũng từ đó tăng lên, đời sống cải thiện, văn hoá được nâng cao.

“Từ ngày làm du lịch, nhiều hộ gia đình thu nhập khá hơn rất nhiều. Khi có khách đi leo núi dẫn đoàn thì mỗi ngày trung bình cũng kiếm được 500.000 - 600.000 đồng. Khi vào trong các bản, nhà cửa của bà con đã khang trang hơn trước rất là nhiều, từ việc chuyển những chuồng chăn nuôi gia súc ra đằng sau, sửa sang lại nhà cửa kín đáo, đẹp đẽ, sạch sẽ hơn. Đấy là những cái nhìn thấy rõ rệt, thay đổi cuộc sống của bà con Trạm Tấu”, ông Hưng chia sẻ.

img
img

Trước khi du lịch được khai thác mạnh mẽ, người đồng bào dân tộc Mông tại Trạm Tấu chủ yếu sống dựa vào canh tác nương rẫy và sản xuất nông nghiệp truyền thống. Trên những triền núi cao, quanh năm mây phủ, họ trồng lúa nương, ngô, khoai sọ và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức tự cung tự cấp. Cuộc sống gắn liền với rừng, với đất, với những mùa vụ luân canh, với tập quán “trồng trên núi, sống giữa mây”.

Mỗi vụ mùa là một cuộc đánh cược với thời tiết và thu nhập bấp bênh khiến nhiều gia đình trẻ buộc phải rời bản đi làm thuê xa nhà. Cái nghèo cứ lặng lẽ bám rễ vào từng mái nhà gỗ, từng con đường đất đỏ quanh co dẫn lên đỉnh núi.

Ông Khang A Chua chia sẻ, trước đây khi du lịch địa phương chưa phát triển, khoai sọ Trạm Tấu chưa được biết đến nhiều. Du lịch phát triển được xem như một cơ hội mới - không chỉ mang đến nguồn thu nhập thay thế, mà còn thắp lên hy vọng cho bà con nơi đây.

Vài năm trở lại đây, khi sản phẩm khoai sọ được nhiều người biết đến, nhiều địa phương trong huyện đã vận động, tuyên truyền đồng bào chuyển đổi những diện tích trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng khoai sọ.

Giờ đây, nhiều người Mông ở Trạm Tấu không chỉ là nông dân mà còn là người dẫn đường, người kể chuyện, người nấu bữa cơm bản địa cho khách phương xa. Những ruộng khoai sọ không chỉ để ăn, mà còn là điểm nhấn trong hành trình du lịch. Du lịch không chỉ đổi thay sinh kế, mà còn làm sống dậy những ký ức, làm dày thêm bản sắc.

img

Năm 2021, diện tích trồng khoai sọ của huyện Trạm Tấu là 200ha, đến năm 2022, diện tích này tăng lên gấp đôi 400ha. Đến năm 2023, toàn huyện có khoảng 600ha, sang năm 2024 tổng diện tích được nâng lên khoảng 800ha, tập trung nhiều ở các xã: Xà Hồ, Bản Mù, Bản Công, Trạm Tấu…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, năm 2025, huyện phấn đấu đạt trên 1.000ha, xây dựng chuỗi tiêu thụ và xây dựng sản phẩm khoai sọ nương được xếp hạng OCOP 4 - 5 sao...

Ông cũng cho biết, khoai sọ Trạm Tấu đã được xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ. Với năng suất bình quân 140 tạ/ha, trừ chi phí ban đầu, mỗi ha khoai sọ đem về cho nông dân Trạm Tấu trên 120 triệu đồng/năm, tạo nguồn thu nhập lớn cho nhân dân, giúp nhiều hộ đồng bào Mông vươn lên thoát nghèo.

Với Trạm Tấu, 1.000ha diện tích trồng khoai sọ là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được. Giữa đại ngàn mây trắng, 1.000ha khoai sọ không chỉ là những con số mà đó là cột mốc khẳng định sự vươn mình của một vùng đất - nơi cây khoai trở thành biểu tượng của sự đổi thay, của nông nghiệp kết nối du lịch.

Và rồi, khi những củ khoai Trạm Tấu theo chân du khách về phố thị, hay được nấu thành bát canh ngọt lành trong homestay giữa núi đồi, đó không chỉ là nông sản, mà là thông điệp sống động của đất, của người, là niềm kiêu hãnh của cả một vùng đang tự viết tên mình lên bản đồ du lịch Việt Nam.

Như mong ước của những người con sinh ra và lớn lên tại vùng đất này, Trạm Tấu không còn là khoảng trắng trên bản đồ, mà đang dần trở thành một dấu chấm đỏ rực giữa sắc xanh núi rừng Tây Bắc.

img
img
img

Thực hiện: Thu Huyền

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |