Trong cuộc đua về phía phồn vinh bằng con đường công nghệ, bằng khoa học, sáng tạo, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, điều mà các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang thiếu là một môi trường cạnh tranh quốc tế khốc liệt để nuôi dưỡng những khát vọng dám vươn lên.

“Cá nhân tôi, đôi khi cũng từng phát hiện ra rằng, trong lòng mình có một "nô lệ nhỏ" đang ngồi, khiến mình luôn sợ hãi, nhiều thứ muốn nhưng không dám làm, sợ không làm được. Cảm giác đó giờ đã không còn… Nếu cứ làm những điều dễ mãi, sẽ không có động lực để phấn đấu, để khát vọng,” ông Trương Gia Bình chia sẻ trong cuộc đối thoại đầu năm với Người Đưa Tin.



Ông Trương Gia Bình:
Với tôi có lẽ cũng giống như mọi người, nếu sau này có nhớ lại về 2021, câu chuyện ám ảnh nhất chắc chắn vẫn là Covid, đặc biệt là khi làn sóng lần thứ 4 ập đến Việt Nam. Đấy thực sự là một thảm hoạ.

Nếu năm 2020 chúng ta vượt qua dễ dàng thì năm 2021 cả nền kinh tế thật sự thấm được những khó khăn. Ở Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), chúng tôi có thực hiện một cuộc khảo sát cho thấy có đến 70% doanh nghiệp đã phải tạm thời đóng cửa, 16% doanh nghiệp đóng cửa, 14% doanh nghiệp tồn tại leo lắt, 62% người lao động mất việc, học sinh cả nước gần như không được đến trường. Tác động của dịch bệnh quá ghê gớm, các hoạt động kinh tế xã hội đã bị đảo lộn.

Nhưng đồng thời trong vận hạn năm 2021, có thể nói là cả xã hội, doanh nghiệp, người dân đều nhận ra, công nghệ, chuyển đổi số là con đường cần thiết để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên mới. Việc ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, kết nối các hoạt động kinh doanh trong một thế giới giãn cách, và khi các hoạt động kinh tế xã hội bắt đầu được phục hồi, đẩy mạnh đã cho thấy hiệu quả rõ ràng.

Chúng ta có thể hỗ trợ chế ngự được Covid bằng vắc-xin, tương tự như vậy, công nghệ số đã hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp chế ngự được sự đứt gãy kết nối các hoạt động kinh tế, kinh doanh. Nắm bắt được xu hướng phát triển của kỷ nguyên công nghệ và chuyển đổi số sẽ giúp chúng ta xây dựng được lộ trình đủ tham vọng với những hành động rõ ràng hướng về kinh tế số. Tôi cho rằng, trong năm qua Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đã có bước đột phá trên hành trình này.



Ông Trương Gia Bình:
Tôi cho rằng 2021 thực chất là một cuộc tập dượt. Xét về mặt vai trò của công nghệ trong hỗ trợ kiểm soát tình hình dịch bệnh, chúng ta đã biết sử dụng công nghệ số để theo dõi tiêm chủng, theo dõi và ghi nhận các kết quả xét nghiệm và xác định F0.

Một số địa phương, chính quyền đã sử dụng công nghệ số để hỗ trợ chống dịch. Ví dụ như ở quận 7 - Tp.Hồ Chí Minh, nơi FPT đã đồng hành trong suốt những quãng thời gian cao điểm, địa phương đã sử dụng công nghệ số trong việc chỉ huy thông suốt từ trên xuống dưới trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch. Tuy nhiên, cần xác định Covid vẫn còn đang tiếp tục tồn tại, vì vậy tôi cho rằng cần nhanh chóng lan tỏa kinh nghiệm chế ngự bằng công nghệ số.

Nói về việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thì về mặt chính sách, ngoài Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 50-NQ/CP ngày 17/4/2020 ban hành chương trình hành động của Chính phủ, điều tôi thấy đáng mừng là tất cả các địa phương đã ra nghị quyết về chuyển đổi số. Chúng ta đã có thể nhìn thấy sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống. Tôi tin rằng trong năm 2022 các điểm tích cực ấy sẽ được tiếp tục đẩy mạnh, cả từ phía kiến tạo chính sách của Nhà nước cũng như sự vận động mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn của hệ thống doanh nghiệp.

Bởi chúng ta có 3 động lực. Thứ nhất, là người dân, bối cảnh dịch bệnh đã khiến mọi người nhanh chóng chuyển sang các giao tiếp kết nối điện tử, các hoạt động mua bán bằng thương mại điện tử và thanh toán điện tử, đây là một bước tiến vô cùng lớn và có tốc độ tăng trưởng rõ ràng. Các em học sinh đã bắt đầu tiếp cận với công nghệ ngay từ khi học tiểu học qua hình thức học online, đây cũng là sự biến chuyển mà trước đây không thể lường trước được.

Thứ hai, với khối doanh nghiệp, hầu hết đều đã xác định con đường cho tương lai gắn với chuyển đổi số.

Thứ ba, và đặc biệt quan trọng, hàng hoạt các chính sách đã được Đảng, Chính phủ ban hành để thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển một nền kinh tế số, một nền công vụ số để phục vụ cho một xã hội số. Tất cả đều nhằm đến một mục đích xây dựng một hành trình về phía thịnh vượng hơn bằng con đường công nghệ, khoa học và sáng tạo.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy một vài điểm yếu mà chúng ta bộc lộ khá rõ khi tiếp cận công nghệ thông tin, mà điển hình là về tính kết nối dữ liệu còn hạn chế. Dữ liệu chỉ có giá trị khi được kết nối liên thông. Có vậy, mới có thể giúp chúng ta hành động chuẩn xác và nhanh chóng, kịp thời.

Giống như tôi vẫn thường nói, muốn thắng được Covid thì phải nhanh hơn Covid, nhưng nếu không có công nghệ thông tin hỗ trợ thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn.



Ông Trương Gia Bình:
Thực chất, chúng tôi đã tiến hành chuyển đổi số được 10 năm, từ chính kinh nghiệm của mình, FPT đưa ra phương pháp luận về chuyển đổi số, gọi là FPT Digital Kaizen, áp dụng cho tất cả các đối tác và cho chính mình.

Năm 2021, khi giúp chuyển đổi số cho một số địa phương và doanh nghiệp, tôi nhận thấy rằng điều khó nhất lại chính là nhận thức, tư duy của con người. Nhận thức ấy không đến từ lý thuyết chung chung, phải đến từ thực hành, trải nghiệm, đến từ thái độ phải nghiêm túc trả lời những câu hỏi cần làm gì, lộ trình như thế nào và nguồn lực ở đâu…

Suy cho cùng, tôi cho rằng chuyển đổi số bản chất là chuyển đổi con người. Ví dụ như về thủ tục hành chính, chuyển đổi số nghĩa là không giấy tờ, không chạm và tác nghiệp chi phí bằng không, hồ sơ không phải lưu trữ, sản phẩm có thể đi thẳng ra thị trường…

Nếu chúng ta làm người dân hiểu chuyển đổi số là đem lại lợi ích, giúp người dân có cuộc sống thuận tiện và hiệu quả nhất, thì người dân sẽ nhận ra hiệu quả của việc chuyển đổi số và sẽ có nhiều người hơn sử dụng công nghệ như một công cụ hằng ngày.

Sau đó mới là vấn đề về công nghệ. Trên phương diện này, tôi muốn nói về những ví dụ rất cụ thể như, đầu tiên, liệu ứng dụng công nghệ tin học của chúng ta đã được chạy trên điện toán đám mây chưa? Bởi vì, chỉ có đám mây mới giúp chúng ta mới tiết kiệm được chi phí. Đặc biệt, cũng chính điện toán đám mây mới biến chuyển được tất cả sản phẩm thành dịch vụ, cho thuê thay vì phải mua bán.

Thứ hai là, chúng ta đã có dữ liệu thích hợp chưa và dữ liệu đó được kết nối liên thông chưa, chúng ta đã có internet vạn vật hay chưa? Thứ ba, cần hỏi trí tuệ nhân tạo được áp dụng đến đâu rồi, đảm bảo an toàn bảo mật hay chưa? Cho tất cả, câu trả lời vẫn còn để ngỏ, vậy nên trước mắt có rất nhiều việc cần phải làm nếu thực sự muốn quyết liệt trên con đường này.



Ông Trương Gia Bình:
Điều đáng ngạc nhiên là công nghệ càng phát triển thì lại càng trở nên thân thiện với người dùng. Hãy nhìn cách ngày xưa chúng ta chụp ảnh bằng máy ảnh khó khăn ra sao và ngày nay chỉ với điện thoại thông minh, ai cũng có thể chụp ảnh đẹp.

Chuyển đổi số tương tự như vậy. Sự thông minh của công nghệ đã làm cho cuộc sống của người dân dễ dàng hơn. Lại nói về điện thoại thông minh ngày nay nhìn đơn giản hơn nhiều so với trước đây, nhưng lại làm được rất nhiều việc phức tạp. Từ đó, có thể thấy tính trải nghiệm chính là quan trọng nhất trong việc thay đổi tư duy người dùng về công nghệ. Công nghệ thực chất đã trở thành thói quen và hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống thường ngày.

Thực tế, thời Covid lại là lúc có rất nhiều sản phẩm hay đã được sáng tạo ra, bởi sáng tạo thực chất phát sinh từ khó khăn, để giải quyết những nhu cầu mới của cuộc sống. Ví dụ như trí tuệ nhân tạo được áp dụng vào việc hỗ trợ cứu mạng người trong dịch bệnh Covid, hỗ trợ chẩn đoán, chăm sóc F0 tại nhà.

Trong cuộc chiến chống Covid, FPT cùng các doanh nghiệp khác cũng tự cảm nhận rõ trách nhiệm xã hội và sứ mệnh của mình, đã chung tay cùng hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, bảo vệ sinh mạng của con người và kế sinh nhai của doanh nghiệp. Từ đó, chúng tôi đưa ra những cách thức về công nghệ để doanh nghiệp trong bối cảnh nào cũng hoạt động được, ví dụ như FPT eCovax.

Ông Vũ Anh Tú Giám đốc Công nghệ FPT chia sẻ về giải pháp quản lý doanh nghiệp xanh

Mặt khác, Covid mở ra kỷ nguyên của làm việc từ xa, học từ xa, đặt ra vấn đề học tại nhà làm sao cho hiệu quả nhất khi trẻ con còn ham chơi, khó có thể tập trung học online. EduNext là một sản phẩm về học tập mới nhất, áp dụng công nghệ mới nhất trong công tác giáo dục sư phạm mà FPT đưa ra và đã được triển khai tốt trong thời gian vừa qua.

Tất cả đều phải xuất phát từ thực tiễn, giải quyết những nhu cầu thật, có vậy mới đưa công nghệ gần gũi với con người. Chuyển đổi số đang hiện diện ngay đây trong cuộc sống chứ không phải chỉ trên các diễn đàn hội thảo hay các cuộc thảo luận của dân kỹ thuật.



Ông Trương Gia Bình:
Càng chuyển đổi số rộng khắp, nhu cầu về nguồn nhân lực sẽ càng lớn và công việc sẽ càng nhiều, tiến trình sẽ ngày càng được mở rộng. Do đó, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân có thể đáp ứng được quá trình thay đổi nhanh chóng này.

Tôi tin rằng trong tương lai, nền kinh tế quốc gia sẽ được tính bằng nền kinh tế của các thành phố lớn, vậy nên thành phố thông minh sẽ ngày càng có vai trò quan trọng, như là một động lực phát triển kinh tế nói chung. Khi đó sẽ có rất nhiều dịch vụ số phát sinh, thu nhập sẽ ngày càng tăng nhờ đổi mới sáng tạo.

Ví dụ, việc xây dựng các thành phố thông minh sẽ tạo ra các công ty khởi nghiệp và dịch vụ mới sẽ tạo ra sự tăng trưởng đột phá trong thời gian tới. Đó là các yếu tố giúp thoát bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta không thể vượt bẫy chỉ bằng cách lao động cần cù hơn được, phải bằng khoa học công nghệ.

Từ tất cả điều trên, tôi cho rằng, với những chính sách cởi mở, kinh tế tư nhân sẽ đáp ứng được và đóng góp nhiều cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia với tốc độ biến chuyển nhanh chóng.

Cá nhân tôi rất đồng tình với tinh thần Chính phủ kiến tạo, với nguyên tắc việc gì tư nhân làm được thì Nhà nước không làm. Điều gì nếu như doanh nghiệp tư nhân làm được thì sẽ tự làm bởi vì đơn giản, cơ chế cạnh tranh ngay từ đầu, hơn nữa vì quyền lợi của họ, họ sẽ làm với chất lượng tốt nhất...

Chúng ta cũng có thể thấy, kinh tế tư nhân đang giải quyết 85% công ăn việc làm cho đất nước. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế cao nhất cũng là khu vực kinh tế tư nhân, tốc độ tăng trưởng cũng là tốt nhất, và đóng góp thuế đáng kể.

Tôi tin là các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có đủ năng lực đảm trách những nhiệm vụ lớn, thậm chí có những điểm cạnh tranh vượt trội như thấu hiểu bài toán quốc gia hơn cả đơn vị quốc tế.



Ông Trương Gia Bình:
Tôi tin chắc rằng, Việt Nam có đủ tiềm lực để thực hiện được cạnh tranh toàn cầu. Mặc dù, chúng ta còn cách xa các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc… trên tất cả phương diện về chuyển đổi số.

Về công nghệ chúng ta có thể đẩy cao, nhưng cái chúng ta thiếu nhất là thiếu tính cạnh tranh mạnh mẽ ở các thị trường thế giới. Chúng ta còn thiếu một môi trường mà tôi có thể dùng từ “khốc liệt” để nuôi dưỡng những khát vọng dám vươn lên cạnh tranh.

Dường như nhiều người trong chúng ta nói chung có một nỗi sợ hãi rất lớn là sợ mình không làm được. Cái chúng ta cần là sự cởi mở trong giao tiếp, cởi mở trong tiếp cận vấn đề, dám nói về khó khăn và dám thừa nhận những điều mình chưa biết, để từ đó học hỏi và dám làm những điều khó. Nếu cứ làm những điều dễ mãi, sẽ không có động lực để phấn đấu, để khát vọng.

Cho nên quan điểm của tôi là tất cả doanh nghiệp Việt Nam muốn có sự “lột xác" thì đều phải ra ngoài khỏi vùng an toàn.

Nhớ lại khoảng thời gian năm 1998, khi bắt đầu, FPT phát động xuất khẩu phần mềm và cũng đã mời các công ty hàng đầu của Việt Nam đi cùng, muốn đi là đã có đội có đoàn, cùng nhau khai mở các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, cuối cùng lại chỉ có mình FPT lẻ loi tiến lên trước, bởi nhiều doanh nghiệp lúc ấy họ chưa tin vào con đường FPT đang mở. Sau này khi FPT công bố lợi nhuận bằng cả doanh thu của công ty CN tư nhân lớn thứ hai lúc đó của Việt Nam, các doanh nghiệp mới nhận thấy xuất khẩu phần mềm chính là cơ hội.

Từ đó, năm 2002, FPT cùng các công ty khác lập ra VINASA (Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin - PV), từng bước vận động cộng đồng các doanh nghiệp tư nhân trẻ ở mảng công nghệ thông tin Việt Nam tham gia thị trường quốc tế. Thực tế, có những doanh nghiệp trẻ tuổi đã trở thành triệu phú. Tôi cho rằng, đó coi như là thành công. Và lần này, FPT dứt khoát không đi một mình, phải cùng làm mới thành công.

So sánh trải nghiệm xuất khẩu phầm mềm thời gian xưa với tiềm năng của chuyển đổi số ngày hôm nay thì khác nhau một trời một vực, nên tôi cho rằng, niềm tin thành công với chuyển đổi số sẽ đem lại những giá trị lớn vô cùng tận. Cái chính là chúng ta có dám mơ ước và dám làm không.



Ông Trương Gia Bình:
Cái điều kỳ lạ là không lúc nào Việt Nam đầy đủ lực lượng cả, vướng mắc hiện tại theo tôi thấy là sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho phát triển công nghệ.

Trong bối cảnh thiếu hụt đó, cái lạ là ngành công nghệ năm nào cũng tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao 20-25% trong nhiều năm. Phải chăng, tính năng động của người Việt Nam là lợi thế.

Đặt trong tiềm lực đó, FPT chúng tôi đã giải bài toán về nguồn lực ở tất cả 63 tỉnh thành, không phải chỉ tập trung tuyển dụng tìm người ở các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội hay Tp.HCM. Chúng tôi liên tục tìm người làm công nghệ thông tin ở tất cả tỉnh thành, nếu thiếu bậc đại học thì lại tìm xuống cao đẳng, rồi thiếu nữa thì ra nước ngoài kiếm. Đó là một niềm tin bên cạnh những thiếu sót, bởi dẫu sao thì người Việt Nam chúng ta vẫn đang vận động rất nhanh chóng để học hỏi, thích ứng.

Nói về điểm yếu, cá nhân tôi, đôi khi cũng từng phát hiện ra rằng, trong lòng mình có một "nô lệ nhỏ" đang ngồi, khiến mình luôn sợ hãi, nhiều thứ muốn nhưng không dám làm, sợ không làm được. Cảm giác đó giờ đã không còn.

Ví dụ, trước đây khi Thái Lan tự sản xuất sản phẩm dùng cho công tác hải quan, trong khi Việt Nam vẫn sử dụng những phần mềm từ Oracle. Chúng ta đã không tin người Thái có thể làm được việc đó. Ở đây, nỗi sợ là vấn đề của người Việt Nam nói chung, sợ rằng mình không làm được.

Vậy nên tôi rất nể phục VinGroup ở chỗ dám làm ô tô, ý chí đó của người Việt Nam là rất cần thiết, phải thắng được nỗi sợ hãi.

Thứ hai, khi ở nhà chúng ta nói rất nhiều, nhưng ra ngoài nhiều khi lại “im như thóc". Do đó, điều chúng ta cần luyện tập đó là sự cởi mở. Ví dụ tôi kể chuyện một sinh viên cũ ở FPT, hiện là kỹ sư tại Nhật Bản, vừa ra trường mặc dù không quá giỏi nhưng lại được đánh giá rất cao chỉ bởi sẵn sàng hỏi lại khách hàng để làm rõ yêu cầu của họ, không ngại giao tiếp, không ngại hỏi để bộc lộ điều mình chưa biết và quan trọng là dám làm.



Ông Trương Gia Bình:
Tôi cho rằng, giáo dục là cơ hội lớn nhất của Việt Nam. Bởi, cá nhân tôi cũng đã hợp tác với rất nhiều trường trên thế giới ở lĩnh vực này, tôi mới bất ngờ phát hiện ra rằng, người ta có thể dạy 10 năm với nội dung không đổi. Bởi trong giáo dục vẫn còn những tư duy bảo thủ, chậm thay đổi hoặc tách rời với làn sóng thay đổi của xã hội. Đây là vấn đề của toàn thế giới.

Tôi cực kỳ hy vọng Việt Nam sẽ dành nhiều tư duy hơn nữa để thay đổi giáo dục một cách mạnh mẽ. Chúng ta có vượt qua được cái giới hạn của chính mình hay không cũng chính là một thách thức.

CEO FPT Nguyễn Văn Khoa và lãnh đạo quận 7 trao văn bản hợp tác tại lễ ký kết.


Ông Trương Gia Bình:
Tôi nghĩ đó là vấn đề lâu dài, bởi theo quan điểm của tôi, chúng ta phải thay đổi cái căn bản.

Đầu tiên, phải rèn luyện để có sự kết nối từ ngay việc lập trình thông tin trong bộ não. Người tài giỏi thực hay người bình thường thực chất do cách đào tạo và tự rèn luyện, trải nghiệm. Trong bộ não con người có 10 khu như: khu vận động, khu nhận thức tự nhiên, khu tư duy trừu tượng, khu âm nhạc, khu nghệ thuật…, người tài giỏi và chịu rèn luyện là người có thể "kết nối băng thông" rộng khắp các khu, còn người bình thường sẽ để chúng độc lập.

Vậy làm thế nào để kết nối được? Tôi lấy ví dụ, khi đưa cho em bé một bức tranh hoặc là một chuỗi bức tranh, yêu cầu lên internet tìm nhạc để thể hiện ứng với tính chất các bức tranh này. Như vậy, ta đã dạy trẻ cách kết nối phần thị giác với thính giác, lúc đó mới gọi là sinh ra cảm xúc, từ đó mới có tư duy trừu tượng.

Tôi nghĩ đó là cái gốc cách tư duy của những người được giải thưởng Nobel, hay giải thưởng Fields như Ngô Bảo Châu, hoặc những nhà kinh doanh có tư tưởng lớn như Elon Musk.

Đây cũng là điểm rất quan trọng trong giáo dục để cho một thế hệ nhân lực không chỉ chăm chỉ cần cù mà phải có sự sáng tạo. Bác Hồ đã dạy: thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành. Học nhưng phải thực hành.

Tôi cho rằng, cũng cần có những cách thức đào tạo, cách thức học mới, phải hoàn toàn sáng tạo không cần học thuộc lòng, như vậy mới tạo được cảm hứng học tập ngay từ nhỏ.

FPT đã cho ra đời EduNext – nền tảng học tập theo phương pháp kiến tạo xã hội, đề cao tính tự học, khuyến khích phản biện và hạn chế tối đa lối giảng "đọc - chép" truyền thống. Nền tảng này đã được triển khai thành công trong hệ thống giáo dục FPT từ đại học, cao đẳng, và bắt đầu ở cấp phổ thông. Gần 9.000 giáo viên, học sinh đã giảng dạy và học tập trên nền tảng này với hơn 7.600 giờ học.

Trẻ em Việt Nam cần được xây dựng và rèn luyện cái khái niệm về sự sáng tạo, đổi mới và công nghệ ngay từ rất sớm. Tôi nghĩ, ở mặt rộng hơn, cách thức giáo dục cần những thay đổi, tối ưu hoá những công cụ công nghệ, có nhiều cách dạy theo phương pháp mới đang triển khai, và tôi tin rằng nếu chúng ta đi con đường đó thì chúng ta sẽ đào tạo được một thế hệ người Việt đầy trí tưởng tượng, sáng tạo và không rập khuôn.

Năm 2021, chỉ số VN-Index đạt 1498,28 điểm, tăng 35,7% so với năm 2020, thanh khoản gấp 2,6 lần, đạt 26.600 tỷ đồng/phiên. Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục có những phiên thanh khoản vượt 1 tỷ USD, thậm chí có những phiên vượt 2 tỷ USD. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,77 triệu tỷ đồng, tăng 467,8% và đạt 92,6% GDP ước tính năm 2021. 1,5 triệu tài khoản mở mới trong năm, bằng tổng số tài khoản mở mới 4 năm cộng lại.

Chỉ nửa năm trước đó, thời điểm tháng 5-6/2021, VN-Index cố rướn từng phiên lên mức 1200 điểm, rồi 1300 điểm trong nỗi lo nghẽn lệnh, thanh khoản thị trường cứ ngấp nghé 1 tỷ USD lại vang lên điệp khúc "sàn đơ". Thậm chí, có những phiên giao dịch trên sàn chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HoSE), VN-Index đứng yên cả buổi và chỉ nhảy lại bất chợt trong giờ nghỉ trưa. Có những phiên rung lắc mạnh lại diễn ra trong âm thầm vì không ai nắm rõ lệnh giao dịch đi đâu về đâu. Chỉ khi giao dịch trở lại, nhà đầu tư hoảng loạn vì khối lượng bán tháo ồ ạt trên hầu hết tại các nhóm ngành. Không kịp chốt lời, không kịp cắt lỗ, nỗi nơm nớp lo sợ tài khoản hao hụt khiến nhà đầu tư e dè tham gia thị trường chứng khoán.

Và đấy là thời điểm bắt đầu của chiến dịch "100 ngày giải cứu sàn HoSE" do Tập đoàn FPT phối hợp với Sovico thực hiện.

FPT đã xử lý sự cố nghẽn lệnh sàn HOSE thành công trong vòng 100 ngày

Nhớ lại cái khoảnh khắc đứng lên cam kết với Thủ tướng Chính phủ khi đó, nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Tập đoàn FPT thừa nhận đó là một quyết định bắt nguồn từ cảm xúc, là do sự sĩ diện quốc gia đẩy lên cao: "Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, đó là bộ mặt của đất nước, bởi nó liên quan đến tiền của đất nước, vậy nên không thể có vấn đề".

NĐT: Năm qua, người ta thấy FPT đặt một dấu ấn thành công trong cuộc “giải cứu” kỹ thuật sàn HoSE. Quyết định thực hiện “100 ngày toàn lực” bắt nguồn từ cảm xúc bất chợt của ông hay bắt nguồn từ một kế hoạch chiến lược?

Ông Trương Gia Bình:
Thực chất, sàn chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đã có vấn đề từ lâu, có sự dừng lại, rối loạn, tắc nghẽn diễn ra nhiều lần vì không đáp ứng được công nghệ và các giải pháp kỹ thuật. Theo tôi, thị trường chứng khoán có vai trò như hàn thử biểu của nền kinh tế, đó là bộ mặt của đất nước, bởi nó liên quan đến tiền của đất nước, vậy nên không thể có vấn đề.

Trong cuộc họp khi đó với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, giờ là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đối thoại 2045, tôi đã đề xuất Chính phủ và Thủ tướng đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân được đứng ra xử lý vấn đề này. Thực ra, tại thời điểm tôi đứng dậy đề nghị để FPT làm, lúc ấy chúng tôi đưa ra quyết định bắt nguồn từ cảm xúc. Có lẽ bởi lòng sĩ diện quốc gia dâng lên.

Khi về bàn bạc với các chiến tướng tại FPT, chúng tôi đưa ra cam kết "100 ngày sẽ hoàn thành nhiệm vụ", bởi thị trường chứng khoán thì không thể đợi. Chỉ còn cách bắt tay vào làm luôn.

Cũng có nhiều người không tin chúng tôi sẽ làm được, cả thị trường nín thở chờ đợi, chúng tôi còn gấp gáp hơn bội lần.

Trong 100 ngày đó, FPT đã tập trung mọi sức mạnh, nguồn lực để hoàn tất sứ mệnh được Chính phủ, Bộ Tài chính giao phó. Chúng tôi xử lý rất nhiều việc, từ phần cứng, liên kết với hệ thống lưu ký, báo cáo hay cả bảo mật, an toàn hệ thống.

Sau ba tháng, hệ thống giao dịch mới của HoSE chính thức vận hành vào đầu tháng 7 với năng lực xử lý một ngày 3-5 triệu lệnh, gấp hơn 3 lần hệ thống cũ. Hệ thống mới cũng bỏ cơ chế phân bổ số lệnh và có thể chỉnh sửa khi gặp sự cố.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

FPT đã xử lý sự cố nghẽn lệnh sàn HOSE thành công trong vòng 100 ngày

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 02/02/2022 | 11:00