Chuyển sang dùng tiền polymer là một quyết định táo bạo và đúng đắn

Lê Đức Thúy

ông lê đức thúy

Ông Lê Đức Thúy- Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

ông lê đức thúy

Khi đảm nhiệm cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh rất nhiều nhiệm vụ rất khó khăn là chèo lái ngành Ngân hàng sau khủng hoảng tài chính – tiền tệ khu vực, ổn định tỉ giá hối đoái, kiểm soát lạm phát, đưa dần những nguyên tắc thị trường vào hoạt động của ngân hàng thương mại, hướng Ngân hàng Nhà nước tập trung vào các chức năng của một Ngân hàng Trung ương, tách dần tín dụng chính sách khỏi tín dụng thương mại.v.v… thì một nhiệm vụ trọng đại khác luôn thường trực trong ngành ngân hàng và với tôi là chống nạn tiền giả, mà một trong những nguyên nhân chính là đồng tiền coton lúc đó dễ bị làm giả, đã bị làm giả quá nhiều, gây tổn hại rất lớn đến đời sống nhân dân và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, làm mất lòng tin vào đồng tiền Việt Nam. Việc chỉ thay đổi mẫu mã, màu sắc, kỹ thuật in ấn là không đủ. Cần kết hợp những nỗ lực trên với việc tìm kiếm giấy in tiền loại mới, ít nơi sản xuất được và rất khó làm giả.

Được tiếp cận với vật liệu polymer và đồng tiền polymer mà một số nước bắt đầu sử dụng với rất nhiều tính năng cả về kỹ thuật sản xuất lẫn những bí quyết chống giả mới, cao hơn so với tiền cotton mà ta phát hành, tôi đi đến kết luận nên lựa chọn polymer để sản xuất bộ tiền mới, thay cho bộ tiền cotton cũ, ít nhất cũng chặn đứng được hoạt động in tiền giả cả trong và ngoài nước theo kỹ nghệ in trên giấy cotton, hạn chế đáng kể khả năng làm giả trên vật liệu polymer, đồng thời đưa được vào lưu thông một bộ tiền đẹp hơn, bền hơn, sạch hơn, phù hợp hơn với khí hậu nóng ẩm của nước ta.

Việc phát hành cả một bộ tiền mới, thay cho tiền cũ, trong hoàn cảnh một nước vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế xã hội, lạm phát phi mã, nhiều lần “đổi tiền” kể từ sau 1975 khiến cho người dân có nhiều bất an.v.v… buộc chúng tôi phải nỗ lực cao nhất để giữ được bí mật tuyệt đối trước khi đưa tiền ra lưu hành như lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo khi phê duyệt đề án về bộ tiền mới. Lý do bảo mật là lý do duy nhất mà tôi không đem bàn thảo rộng rãi trong lãnh đạo ngành, không buộc những đồng chí không liên quan phải chịu trách nhiệm về việc này, và nó khiến tôi bị làm đơn tố cáo sau đó là “đã không đưa ra bàn trong Ban cán sự Đảng”.

Thật ra thì lúc bấy giờ tôi cũng chưa thể đặt toàn bộ lòng tin vào polymer. Do đó đề án ban đầu trình Thủ tướng Chính phủ là chỉ in các mệnh giá từ 50.000 đồng trở xuống, kể cả các mệnh giá 5000 đồng, 2000 đồng và 1000 đồng bằng polymer, còn các mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng thì vẫn dùng chất liệu giấy cotton, có gắn phôi chống giả như đồng tiền EURO mới lưu hành từ 2002. Song khi nhận được thông tin về tiền EURO mới phát hành đã bị làm giả nhiều, tôi trình Thủ tướng cho điều chỉnh đề án, in bằng chất liệu polymer cả cho các mệnh giá trên 50.000 đồng, với giấy nền có cửa sổ mang yếu tố DOE có khả năng chống giả cao, đồng thời chưa in các mệnh giá dưới 10.000 đồng bằng polymer. Bộ tiền mới như đã phát hành cũng vẫn chỉ có 6 mệnh giá bằng polymer như đề án, song việc không in mệnh giá nhỏ bằng polymer sau này cũng cho thấy là tiết kiệm được chi phí hơn, vì tiền mệnh giá nhỏ phải thay thế nhanh hơn.

Nỗ lực giữ bí mật về phát hành bộ tiền mới vẫn bị bên ngoài tìm cách moi móc và chống phá. Đến 2003, khi chưa in đủ các mẫu tiền mới và với số lượng cần thiết cho lưu thông thì trên mạng thông tin của người Việt ở nước ngoài đã có bài tiết lộ việc Việt Nam sắp “đổi tiền” vì đang cho in nhiều tiền mới trên chất liệu polymer. Để chặn đứng tác hại đến trật tự, an ninh chính trị xã hội, tôi phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép công khai hóa sớm hơn lộ trình việc chúng ta xúc tiến thay tiền cũ bằng tiền polymer chống giả tốt hơn, nhưng vẫn giữ nguyên mệnh giá của tiền cotton đang lưu hành cũng như giá trị pháp lý của các đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành, chứ không “đổi tiền” như các đợt đã từng làm từ 1958 đến 1985. Tiền cotton cùng mệnh giá khi về đến ngân hàng và kho bạc nhà nước sẽ được giữ lại để tiêu hủy, đưa tiền polymer vào lưu thông thay thế. Mọi quyền lợi hợp pháp của tổ chức và cá nhân đối với tiền cotton đều được thừa nhận và bảo vệ.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải chạy đua với thời gian để tiếp tục in đủ các mệnh giá và số lượng tiền polymer cần thiết. Chính việc “vừa chạy vừa xếp hàng” như vậy khiến cho bộ tiền mới có những khiếm khuyết nhất định, chẳng hạn như kích cỡ, màu sắc chưa hợp lý, có mệnh giá chưa đẹp, chất lượng in ấn có seri chưa đảm bảo, hay có seri loại 10 ngàn đồng thiếu dấu chấm sau số 10 như Việt Nam vẫn quen viết. Mặc dù vậy, việc chuyển đổi và đưa vào lưu thông bộ tiền mới trên chất liệu polymer về cơ bản đã thành công, không để xảy ra những biến động chính trị xã hội nào dù nhỏ. Tiền mới được xã hội tiếp nhận và được đánh giá cao hơn tiền cotton về khả năng chống giả, về độ bền đẹp và do đó cả về giá thành tính theo “tuổi thọ” của một đồng tiền.

Tiền polymer của chúng ta ra đời tính đến nay tròn 17 năm. Những ưu nhược điểm của nó đã được thực tế thời gian kiểm chứng. Khi Việt Nam lựa chọn chất liệu polymer thay thế cho cotton vào 2003 mới có khoảng 5 nước sử dụng. Hiện tại những quốc gia dùng chất liệu polymer để in tiền (cho toàn bộ mệnh giá hay một vài mệnh giá) đã nhiều hơn mấy lần. Xét về thực tế trong và ngoài nước, có thể nói rằng việc Đảng và Nhà nước ta chấp thuận và quyết định cho sử dụng chất liệu polymer để in tiền Việt Nam là một chủ trương táo bạo và đúng đắn. Lực lượng nòng cốt thực hiện thành công quyết định này là tập thể cán bộ công nhân viên các vụ cục liên quan của Ngân hàng Nhà nước cũng như của Nhà máy in tiền Việt Nam mà hạt nhân là Ban điều hành Đề án bộ tiền mới do Nguyên phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Kim Phụng làm Trưởng ban. Sự phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khác như Bộ Tài chính, Bộ Công an, nhất là lực lượng bảo vệ an ninh tiền tệ đã góp phần rất quan trọng vào sự thành công này.

Tuy nhiên không có niềm vui nào trọn vẹn. Việc phát hành tiền kim loại (gọi nôm na là tiền xu) đi đôi với tiền polymer đã chưa thành công, trước hết là do chúng tôi không lường trước được phản ứng của công chúng khi tiếp nhận sử dụng tiền kim loại sau nhiều năm vắng bóng trong lưu thông. Bên cạnh đó, việc tiết giảm chi phí in đúc đã dẫn đến lựa chọn chất liệu mạ bề mặt không thích hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết nóng ẩm của Việt Nam, làm cho 2 trong số 4 mệnh giá tiền xu chóng bị hoen rỉ, tuổi thọ không như dự kiến. Là người đứng đầu ngành lúc bấy giờ, tôi phải chịu trách nhiệm về việc này.

Bên cạnh đó, từ 2008, các cơ quan tư pháp của Anh, Úc, Thụy Sỹ vào cuộc điều tra và xử lý vụ án công ty Securency – liên doanh với một công ty của Anh – đã có hành vi hối lộ một số quan chức các nước như Việt Nam, Indonesia, Philipine, Malaysia để có được hợp đồng cung cấp giấy nền polymer trong việc in tiền. Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã phải vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Bộ chính trị và Lãnh đạo chính phủ. Phải đến năm 2018, tại phiên xử cuối cùng, tòa án Australia mới tuyên án và khép lại vụ việc, trong đó không có trường hợp nào liên quan đến Việt Nam. Với tôi, phải đến 15 năm sau khi tiền polymer đưa vào lưu hành, mọi việc mới qua đi. Dẫu niềm vui thành công chung là chính, nó vẫn không át được nỗi đau về những vụ việc không mong muốn.

Chất liệu và kỹ thuật in tiền ngày càng tiến bộ. Những bài học mà Việt Nam đúc kết được sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có những bổ sung điều chỉnh trong việc phát hành tiền, nhất là nhu cầu tiền mặt trong thời đại kỹ thuật số đang thay đổi lớn. Hy vọng là tới đây, NHNN cũng sẽ có những giải pháp tốt hơn, hiệu quả hơn nữa trong việc phát hành và lưu thông tiền tệ ở Việt Nam./.

L.Đ.T