Phong Linh-Hữu Thắng

Dùng chiếc kẹp chuyên dụng nhấc mũi đục ra khỏi bễ lò, người thợ dùng búa nện chan chát đến inh tai nhức óc. Đó từng là hình ảnh quen thuộc ở phố Lò Rèn, Hà Nội khi cả dãy phố cổ chỉ còn một "dị nhân" duy nhất cần mẫn “giữ lửa” bám trụ với nghề thủ công truyền thống của cha ông.

Giữa tiết trời nắng nóng như đổ lửa, đường phố trở nên vắng vẻ hơn, bởi ai cũng chọn cho mình nơi mát mẻ để tránh cái oi bức mùa hạ.

Thế nhưng, bên góc phố Hàng Đồng - Lò Rèn (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm), chúng tôi bắt gặp hình ảnh ông Nguyễn Phương Hùng (60 tuổi) vẫn miệt mài tay đe, tay búa ngồi trước bễ lò rực lửa, hoa lửa bốc lên đỏ hừng hực một góc phố.

Gạt những giọt mồ hôi trên trán, ông Hùng rút đôi găng tay, ngồi lại trò chuyện với chúng tôi. Nhấp chén trà mạn cùng miếng mứt sen, người đàn ông U60 chậm rãi kể về cái nghề suốt ngày bám mặt với muội than, dầu mỡ và bán sức mưu sinh bằng những quai búa nặng trĩu.

“Ông nội tôi là người “gánh” cái nghề nặng nhọc này từ làng rèn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ra lập nghiệp ở phố Lò Rèn.

Cửa hàng này có từ thời ông nội truyền lại cho bố tôi và giờ là tôi tiếp quản”, ông Hùng kể.

“Thời của ông nội, con phố chỉ độ vài trăm mét mà có hàng chục lò rèn thủ công, cả phố làm nghề. Phố Lò Rèn sống trong thời kỳ hưng thịnh, quanh năm suốt tháng đỏ lửa cùng tiếng búa, tiếng đe chan chát. Đến đời bố tôi, nghề vẫn phát triển, dù đâu đó đã có gia đình buông búa, bỏ đe. Khi đến giai đoạn tôi nối nghiệp những lò rèn trên phố nghề dần nguội lửa. Hiện tại, cả con phố này chỉ còn duy nhất lò của tôi còn đỏ lửa”, ông Hùng tâm sự.

Ngày nay, nghề cơ khí tự đã động hóa rất nhiều, chúng tôi băn khoăn tại sao ông vẫn miệt mài quai búa bên bễ lò, phải chăng vì ông không thể bắt nhịp với thời cuộc?

Ông cười xòa trải lòng: “Các cô chú nhìn cả dãy phố đi, còn ai theo nghề rèn truyền thống nữa không? Tôi làm không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn muốn “giữ lửa” cho cả con phố Lò Rèn. Còn tên phố thì tôi còn làm nghề, tôi sẽ theo nghề đến hơi thở cuối cùng. Tôi tự hào về điều đó, dù cái nghề này có vất vả, khổ cực. Song quan trọng nhất là, bản thân tôi được sống với chính đam mê của mình”.

Từ bé, là con thợ rèn, ông cùng với anh em quen với những việc lặt vặt bên bễ lò. Đến khi trưởng thành, thấy công việc vất vả quá, anh em ông chẳng ai mặn mà chuyện nối nghiệp cha.

Năm 1987, ông Hùng theo học trường trung cấp Cơ khí ô tô Hà Nội. Sau khi ra trường, ông theo nghề sửa chữa ô tô 10 năm, rồi lại rẽ ngang sang làm lái xe, thợ hàn xì...

Trải qua khá nhiều công việc mưu sinh, không hiểu run rủi như một định mệnh của số phận, cuối cùng ông lại quay về nối nghiệp gia đình. “Năm 1998, bố gọi tôi về để truyền nghề.

Tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói của ông: Mình có tâm với nghề thì nghề sẽ nuôi sống mình. Từ đó, tôi bắt đầu theo bố trau dồi kỹ năng. Đến năm 2007, tôi bắt đầu thành thợ cả, tính đến nay cũng đã 13 năm rồi”, ông Hùng chia sẻ.

Làm nghề này đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe nhưng không phải kiểu vai u thịt bắp. Người thợ rèn phải hội tụ cái tinh của thợ kim hoàn, cái khéo léo của thợ may và cái uyển chuyển của thợ dệt mới có thể là người thợ rèn giỏi.

Những chi tiết kim loại đòi hỏi phải có sự chính xác cao độ, chỉ cần ngọn lửa quá to, sản phẩm sẽ già, giòn và dễ gãy. Người thợ phải mất nhiều công sức, rèn luyện sự khéo léo, tỉ mỉ để từng động tác phải thật sự thanh thoát và có độ chính xác cao.

Chưa kể, mỗi loại sắt thép có đặc tính khác nhau, lại phải tùy vào thời tiết, nhiệt độ không khí để xác định thời gian tôi trong bễ là bao lâu để có được sản phẩm chất lượng. Những điều đó không thể học chỉ trong ngày một, ngày hai.

Khi quyết định nối nghiệp cha, vợ ông Hùng – một cán bộ ngành Y không hề hài lòng vì không muốn chồng cả ngày bám muội than, mặt mũi lấm lem. Thế nhưng, cái nhìn của bà về nghề của chồng thay đổi dần theo năm tháng.

Từ ngày làm nghề rèn, ông Hùng chú trọng hơn trong việc giữ gìn sức khỏe, không còn những buổi nhậu chén chú chén anh với bạn bè. Nghề truyền thống cha ông để lại đã giúp ông nuôi dạy con cái trưởng thành, dựng vợ gả chồng và tậu cửa nhà khang trang.

Cả con phố Lò Rèn, giờ đây chỉ còn duy nhất ông Hùng bám trụ nghề. Đó cũng là điều ông Hùng trăn trở.

Bao nhiêu năm qua, ông chưa tìm được một người học trò nào tâm huyết với việc làm này để truyền lại những kinh nghiệm quý báu đúc kết qua năm tháng.

“Cũng có nhiều người đến xin học, những chỉ được dăm bữa là bỏ. Giờ tôi cũng 60 tuổi rồi, chắc cũng không thể theo lâu được nữa. Đến khi tôi dừng búa, buông đe thì tên nghề chỉ còn là... tên một con phố”, ông Hùng buồn bã tâm sự.

Nói xong, ông quay trở lại với công việc của mình, khi dăm ba vị khách vẫn kiên nhẫn ngồi đợi. Lửa bùng lên, đỏ rực một góc phố. Người thợ cần mẫn cho dầu ra đe, dùng búa đập chan chát vào mũi đục đã được nung đỏ, lửa tóe lên.

Chợt nghĩ, đó không chỉ là một lò rèn thủ công, mà là một dấu ấn của nét văn hóa Kinh kỳ. Quả thật đáng tiếc nếu một ngày nào đó ngọn lửa cuối cùng của con phố Lò Rèn không còn nữa...

“Từ ngày tiếp quản cơ ngơi này, tôi làm một mình và ăn cả. Nói thật, không phải tôi không muốn tuyển thợ phụ mà là không thể tuyển được. Bởi, thuê thợ phụ khó lắm, họ không có tâm với nghề. Lớp trẻ không thích nghề này và cũng chẳng cha mẹ nào ủng hộ hay muốn con đi làm công việc nặng nhọc, bẩn thỉu, nhem nhuốc” Nói với chúng tôi xong, ánh mắt ông bỗng trở nên xa xăm đầy hoài niệm, ký ức và trăn trở...