Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự án Luật đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ĐBQH… với mong muốn tạo khung hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho ngành dầu khí trong nước phát triển.

Để có cái nhìn đa chiều hơn về những điều khó khăn, vướng mắc từ chính nội tại các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí, cũng như các điều khoản còn gây nhiễu tranh cãi trong dự thảo Luật, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Thập – Phó Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam (VPA).

NĐT: Xin ông cho biết vai trò và tầm quan trọng của ngành dầu khí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiều năm qua?

Ông Nguyễn Quốc Thập: Dầu khí đã và đang tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế của đất nước. Trong công cuộc chuyển dịch năng lượng tới đây, ngành dầu khí đã và đang xây dựng một lộ trình để chuyển dịch năng lượng. Các nhà đầu tư của chúng ta sẽ thông thái hơn trong vấn đề an ninh năng lượng, bảo đảm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,… Chúng tôi cho rằng Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng với xu thế chuyển dịch.

NĐT: Thưa ông, được biết ông đã dành cả cuộc đời gắn bó trong lĩnh vực dầu khí, vậy điều gì khiến ông còn trăn trở đối với ngành dầu khí trong nước?

Ông Nguyễn Quốc Thập: Có thể nói đây cũng là tâm tư của các thế hệ làm dầu khí. Tôi công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từ những năm 1984, gần 37 năm công tác tại tập đoàn tôi nhận ra rằng dầu khí có thể làm được nhiều hơn sứ mệnh của mình nếu có một cơ chế, chính sách, có sự phân công, phân cấp hợp lý hơn.

NĐT: Như ông nói, dầu khí có thể làm được nhiều hơn sứ mệnh của mình, theo ông điều khó khăn vướng mắc nhất đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Quốc Thập: Khó khăn và thách thức trực tiếp đối với doanh nghiệp dầu khí đó là sự biến động tiêu cực của giá sản phẩm đầu ra đó là giá dầu và khí (lúc giá thấp). Cùng với đó là sự biến động tiêu cực của của lạm phát giá cả, chi phí dịch vụ (giá đầu vào cao) và thêm nữa đó là sự cạnh tranh của chính các doanh nghiệp dầu khí.

Bên cạnh đó, khó khăn, thách thức gián tiếp đối với các doanh nghiệp dầu khí là xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ mang tích toàn cầu. Tiếp theo là yếu tố địa chính trị trên thị trường dầu khí và năng lượng toàn cầu đang diễn ra khốc liệt; tư tưởng cực đoan trong các quyết sách vĩ mô về năng lượng toàn cầu như chúng ta đang chứng kiến.

Ở chiều ngược lại, khi giá đầu ra tăng (giá dầu và khí cao) thì khó khăn, thách thức lại vụt biến thành cơ hội. Do đó, công tác quản trị biến động đòi hỏi phải linh hoạt và là việc làm thường trực từng ngày từng giờ ở tất cả các cấp độ quản lý.

NĐT: Là người được Hội Dầu Khí Việt Nam cử tham gia vào quá trình chuẩn bị Luật Dầu khí (sửa đổi), trong quá trình đưa ra để bàn, lấy ý kiến cá nhân ông có đánh giá như thế nào về các ý kiến nhận xét, phân tích của các ĐBQH, chuyên gia đầu ngành về dự án Luật này?

Ông Nguyễn Quốc Thập: Chúng tôi rất vui vì các nội dung sửa đổi bổ sung lần này đã được các cơ quan, các ĐBQH bàn thảo sôi nổi ở các khía cạnh và góc độ khác nhau. Các ý kiến đóng góp thể hiện sự tâm huyết, tầm nhìn, tính bao quát và mong đợi của các Đại biểu đại diện cho cử tri của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Điều đó, giúp cho cơ quan soạn thảo có thêm sự cân nhắc để hiệu chỉnh các nội dung sẽ trình cuối cùng. Đồng thời, giúp cho các cơ quan thực thi sau này hiểu rõ và hiểu đúng các nội dung sẽ sửa đổi và thực hiện.

NĐT: Khi sửa dự án Luật này, có nhiều ý kiến khác nhau về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí, quan điểm của ông như thế nào về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng, việc phê duyệt hợp đồng liệu có gặp khó khăn, vướng mắc?

Ông Nguyễn Quốc Thập: Về thẩm quyền phê duyệt Hợp đồng dầu khí, Hội Dầu khí Việt Nam vẫn kiên trì và tiếp tục kiến nghị giữ nguyên Luật Dầu khí hiện hành, đó là Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn văn Hợp đồng dầu khí sau khi đã được Bộ Công Thương chủ trì cùng các Bộ ngành thẩm định và trình. Chúng tôi thấy không có khó khăn vướng mắc gì, đồng thời rất vui mừng và phấn khởi vì ý kiến đồng tình của đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cho ý kiến hoàn thiện dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2022, liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nội dung quản lý tổng hợp về điều tra cơ bản dầu khí còn mờ nhạt, chưa đảm bảo khắc phục tình trạng cát cứ giữa các chủ thể với nhau. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần khẳng định rõ vấn đề quản lý tổng hợp trong điều tra cơ bản về dầu khí, liên ngành, thông suốt cả khu vực công và khu vực tư, đặt dưới chiến lược, kế hoạch, yêu cầu quốc gia, có sự chỉ huy tập trung và thông suốt.

NĐT: Bên cạnh đó, vấn đề điều tra cơ bản trong Luật Dầu khí cũng còn có những ý kiến khác nhau, cá nhân ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Quốc Thập: Lần đầu tiên nội dung điều tra cơ bản được đưa vào Luật dầu khí và cho hoạt động dầu khí. Cho nên, việc có nhiều ý kiến khác nhau là điều rất bình thường. Tuy nhiên, thực tế chúng ta đã từng triển khai các hoạt động điều tra cơ bản, bây giờ chỉ nâng tầm lên rồi đưa vào Luật. Tôi cho rằng, việc đưa vào Luật sẽ giúp ích cho chúng ta triển khai thực hiện sau này.

Riêng có một nội dung chúng tôi còn đang băn khoăn đó là, trong điều tra cơ bản, dự thảo về trách nhiệm các Bộ ngành trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đơn giá và phê duyệt cho hoạt động điều tra cơ bản, điều này khó khả thi.

Bởi lẽ, trong hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí, đa phần chúng ta sử dụng sự tham gia của yếu tố bên ngoài, các dịch vụ kỹ thuật cấp cao của nước ngoài. Hầu như họ bỏ tiền đầu tư 100%, trong khi đó chúng ta đi xây dựng đơn giá, rồi yêu cầu họ phải tuân thủ, phê duyệt theo đơn giá mà chúng ta đưa ra. Đây là điều chúng tôi còn băn khoăn về tính khả thi và mất đi khả năng thu hút đầu tư trong điều tra cơ bản về dầu khí.

NĐT: Về quyền và trách nhiệm của PVN được đưa ra trong Luật hay trong các buổi thảo luận tổ tại kỳ họp quốc hội theo ông đã đầy đủ chưa, cá nhân ông có kiến nghị gì về quyền và trách nhiệm của PVN?

Ông Nguyễn Quốc Thập: Đã có rất nhiều tranh luận và trao đổi về quyền và trách nhiệm của PVN trong Luật dầu khí (sửa đổi) và việc thể hiện trong dự thảo vẫn có thể còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng theo chúng tôi, PVN là doanh nghiệp Nhà nước 100%, vì vậy việc trao quyền và trách nhiệm cho PVN sẽ thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan sở hữu PVN cũng như phụ thuộc vào năng lực của chính PVN.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn và đề xuất phân cấp nhiều hơn cho PVN để xử lý và quyết định kịp thời các tình huống đòi hỏi sự thích ứng nhanh với thị trường khi được đánh giá là cơ hội. Vì khi dự án có cơ hội thì phải xử lý nhanh nhạy, nếu kéo dài thì tính chất cơ hội sẽ không còn nữa.

Đối với vấn đề chuyển dịch năng lượng, chúng tôi được biết nhiều cơ quan còn đang băn khoăn về việc mở rộng lĩnh vực của PVN sang lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì những hiểu biết về địa chất công trình, khí tượng thuỷ văn, thiết kế xây dựng và chế tạo xây lắp ngoài khơi chính là thế mạnh của PVN so với các doanh nghiệp khác.

NĐT: Ông có kiến nghị gì thêm trong việc sửa đổi Luật Dầu khí, để Luật này nhanh chóng đi vào thực tiễn?

Ông Nguyễn Quốc Thập: Hội Dầu khí chúng tôi có một số kiến nghị đó là: Tăng thêm khả năng thu hút các nhà đầu tư hiện hữu mở rộng đầu tư và các nhà đầu tư mới còn đang cân nhắc và do dự bằng việc bổ sung vào Điều 47 nội dung cho phép điều chỉnh các điều khoản của Hợp đồng dầu khí khi Nhà đầu tư chỉ phát hiện ra các mỏ dầu khí có quy mô và trữ lượng nhỏ; Tăng cường phân cấp để tạo cơ hội tối ưu quy trình xử lý và ra quyết định liên quan đến mọi khía cạnh của các dự án dầu khí.

Đồng thời, để Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này nhanh chóng đi vào thực tiễn, chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện và ban hành Nghị định hướng dẫn theo tinh thần của Luật. Song song với đó, sớm sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. và quan trong hơn cả là nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân của các công chức ở tất cả các cấp trong quá trình xử lý và triển khai các hoạt động Dầu khí.

NĐT: Vậy theo ông, để phát triển ngành dầu khí trong nước, chúng ta cần phải có những chính sách gì cho doanh nghiệp Việt vươn xa?

Ông Nguyễn Quốc Thập: Theo tôi, để có cơ hội cho doanh nghiệp dầu khí trong nước phát triển và vươn xa, một vấn đề đã và đang đặt ra và không khó để trả lời, nhưng thực hiện được thì vô cùng khó khăn. Đó là: Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn cùng với kiểm tra giám sát; nâng cao vai trò trách nhiệm cá nhân, đặc biệt người đứng đầu; vấn đề trả lương và thưởng gắn với năng xuất lao động là cơ sở để thu hút và tuyển dụng lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Tôi cho rằng những yêu cầu, kiến nghị này không phải là mới nhưng để thực hiện được và để đi vào cuộc sống thì hết sức khó khăn. Nếu như các yêu cầu, kiến nghị này được giải quyết trong quá trình triển khai, thực hiện thì không phải chỉ doanh nghiệp dầu khí mà các doanh nghiệp ở mọi loại hình đều có cơ hội phát triển.

NĐT: Xin cảm ơn ông!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 12/10/2022 | 09:00