Là người có kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm trong ngành du lịch, trong cuộc trò chuyện với Người Đưa Tin (NĐT), ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty Golden Smile Travel, Viện trưởng Viện Du lịch và Xã hội - đã có những chia sẻ, góc nhìn về chuyển đổi số trong ngành du lịch Việt Nam.
NĐT: Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với ngành du lịch hiện nay?
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương: Chuyển đổi số là yếu tố rất quan trọng đối với không chỉ riêng ngành du lịch mà còn nhiều ngành nghề khác. Đối với ngành du lịch, có thể so sánh tầm quan trọng của chuyển đổi số giống như cuộc cách mạng tìm ra máy vi tính. Ở thời đại 4.0 này, tất cả mọi thứ đang dần chuyển dịch sang quản lý online thì chuyển đổi số chính là cuộc cách mạng tiếp theo cho ngành du lịch Việt Nam.
Chuyển đổi số hiện nay ảnh hưởng đến mọi tầng lớp, mọi nhóm người, nhóm ngành liên quan đến du lịch. Chuyển đổi số sẽ giúp tối ưu hoá hiệu suất làm việc, tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển, kích thích nhu cầu của khách hàng và tất nhiên là giúp ngành du lịch ngày càng phát triển, tăng doanh thu.
Tuy nhiên, điều quan trọng là chỉ khi nào tất cả mọi người làm du lịch kể cả khách hàng, người làm du lịch, công ty du lịch cùng tham gia chuyển đổi số thì lúc đó ngành du lịch mới thực sự chuyển đổi số. Còn khi một trong những thành tố trên không tham gia vào thì quá trình này sẽ không thành công hoặc ít nhất là không đạt đến những kết quả như mong đợi.
NĐT: Quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam đang diễn ra như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương: Tôi cho rằng, lĩnh vực du lịch ở Việt Nam chỉ đang nằm ở bước đầu của quá trình chuyển đổi số. Chúng ta đang bước đầu tìm hiểu và bắt đầu nhìn thấy những giá trị cơ bản của chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay chỉ một bộ phận nổi trội trong ngành du lịch nắm được nguyên tắc và cách vận hành của chuyển đổi số.
So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta vẫn là quốc gia đi sau trong quá trình chuyển đổi số. Chúng ta như một đứa trẻ bắt đầu học và muốn tiếp thu tất cả những điều mới mẻ. Nhưng tôi tin rằng nếu có được quan tâm và đầu tư đúng mức, du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng bắt kịp xu thế chuyển đổi số của các quốc gia trên toàn cầu.
NĐT: Là một trong những doanh nghiệp sở hữu thị phần tour du lịch quốc tế lớn, ông có thể so sánh sự chuyển đổi số của doanh nghiệp du lịch Việt Nam và doanh nghiệp du lịch quốc tế.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương: So tầm doanh nghiệp làm tour du lịch thì chúng ta có khoảng cách không xa lắm với các doanh nghiệp du lịch quốc tế. Tuy nhiên, so với xu thế phát triển thì chúng ta đang bị tuột lại khá xa, do chúng ta bắt nhịp chậm, khi họ đã phát triển thì chúng ta mới bắt đầu phát triển.
NĐT: Chuyển đổi số có phải là bí quyết giúp doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ hơn, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương: Chuyển đổi số không phải bí quyết mà là một bước đi rất rõ ràng và cần phải có của mỗi doanh nghiệp. Chuyển đổi số là điều tất yếu. Giống như việc con người thay đổi từ xe đạp lên thành xe máy, khi thế giới đã thay đổi, bắt buộc chúng ta phải thay đổi để theo kịp nó.
Một doanh nghiệp có thể có những bí quyết khác nhau để cạnh tranh và phát triển, tuy nhiên, nếu không bắt kịp quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ bị tuột lại phía sau, không theo kịp thị trường đang thay đổi ngày một nhanh chóng.
NĐT: Nhìn từ thực tiễn doanh nghiệp của mình, ông có thể cho biết Công ty Golden Smile Travel đã áp dụng những công nghệ chuyển đổi số nào để cải thiện trải nghiệm của khách hàng?
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương: Ở Golden Smile Travel, chúng tôi xác định chuyển đổi số là một yếu tố quan trọng để bắt kịp xu hướng thị trường. Không chỉ trong quá trình vận hành doanh nghiệp mà còn trong việc tiếp cận khách hàng. Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp marketing đa nền tảng số để tiếp cận khách hàng và tiếp thị dịch vụ của mình đến khách hàng một cách nhanh chóng, sinh động và trực quan nhất.
Trong quản lý vận hành, từ đầu năm 2024, chúng tôi đã cho ra mắt hệ thống Merchant Golden Smile Travel dành cho đối tác và đại lý của công ty. Hệ thống của chúng tôi có thể sử dụng qua nền tảng website và cả ứng dụng trên smartphone. Nhờ đó việc tiếp cận, chăm sóc khách hàng của chúng tôi được hiệu quả hơn.
NĐT: Ông có thể chia sẻ về tầm nhìn và chiến lược dài hạn của công ty trong việc áp dụng và phát triển công nghệ số trong du lịch?
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương: Tầm nhìn của công ty là thay đổi cách quản lý và hoạt động du lịch theo chuẩn thời đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Công ty sẽ dần áp dụng công nghệ để quản lý, triển khai, vận hành công việc. Áp dụng chuyển đổi số vào tất cả các quy trình hoạt động của công ty. Từ đó, tạo ra thói quen du lịch mới cho khách hàng.
NĐT: Vậy những thách thức lớn nhất mà công ty gặp phải trong quá trình chuyển đổi số là gì và đâu là cách công ty đã vượt qua?
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương: Thách thức lớn nhất đó là làm được một quy trình mới và thúc đẩy mọi người chấp nhận, sử dụng phần mềm đó. Đồng thời, tạo ra thói quen mới cho khách hàng sử dụng.
Bởi như tôi đã chia sẻ, quá trình chuyển đổi số buộc tất cả những nhân tố trong ngành du lịch tham gia vào, bao gồm cả công ty du lịch, người làm du lịch, khách hàng,… cùng tham gia vào thì quá trình chuyển đổi số mới đạt được kết qủa. Tôi cho rằng, không có một công thức chung để vượt qua những thách thức đó mà bắt buộc chúng ta phải thử nghiệm và loại bỏ những phương án sai lầm.
Khi mọi người chưa chấp nhận việc áp dụng những hệ thống mới, chúng ta phải đưa ra, phân tích lí do để mọi người áp dụng, tất cả các bộ phận đều làm việc dựa trên hệ thống. Thậm chí bắt buộc mọi người phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Một trong những thách thức lớn trong chuyển đổi số đó là chi phí đầu tư. Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp buộc phải bỏ ra một chi phí đầu tư rất lớn. Trong khi đó, công nghệ cũng phát triển nhanh chóng mỗi ngày, chạy theo xu thế công nghệ là một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp du lịch.
NĐT: Công ty đã đạt được những thành tựu gì sau khi áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh du lịch?
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương: Đây là một quá trình dài, cái đầu tiên mà Golden Smile Travel đạt được là sự đồng thuận của tất cả nhân sự và của khách hàng. Nếu như trước đây, việc kinh doanh du lịch cần rất nhiều công đoạn và phần lớn đều phải thực hiện thủ công, thì với hệ thống này, chúng tôi đã tích hợp toàn bộ các thao tác đó vào một ứng dụng. Từ đặt chỗ, giữ chỗ, thanh toán, theo dõi đơn hàng, đến quản lý doanh thu, công nợ, theo dõi thông tin khách hàng…
Toàn bộ việc kinh doanh, vận hành hiện đã được tích hợp vào một ứng dụng, giúp những nhân viên, đối tác, đại lý của chúng tôi có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi chỉ với một chiếc laptop, smartphone được kết nối Internet.
NĐT: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của dữ liệu và phân tích dữ liệu trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch?
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương: Kinh doanh doanh du lịch bao gồm 3 thành tố quyết định đó là quy trình - dữ liệu - kết quả. Trong đó, dữ liệu có vai trò quan trọng nhất vì có được dữ liệu thì doanh nghiệp mới tìm ra được giải pháp căn cơ để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Có được dữ liệu và phân tích hiệu quả dữ liệu đó là phương pháp để giải bài toán kinh doanh cho ngành du lịch trong thời đại chuyển đổi số.
NĐT: Theo ông, công nghệ nào sẽ có tác động lớn nhất đến ngành du lịch trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương: Tôi cho rằng trong tương lai gần, AI chính là công nghệ tác động lớn nhất đến ngành du lịch. Chúng ta cần hiểu rằng sản phẩm du lịch là một sản phẩm đặc thù. Đó là sản phẩm vô hình mà đến khi khách hàng đã mua và trải nghiệm thì mới cảm nhận được hình thức và chất lượng sản phẩm đó.
Như vậy, để khách hàng hiểu được sản phẩm du lịch trước khi trải nghiệm là câu chuyện của truyền thông, quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Công nghệ AI sẽ tạo ra một cái nhìn sống động nhất về cái mà mình tận hưởng.
NĐT: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!