Chiến binh “từ cõi chết trở về”, bước xuống giường bệnh sau hơn nửa tháng hôn mê ấy là y tá Nguyễn Thị Mến. Không may mắn như người phụ nữ ấy, đại dịch SARS tại Việt Nam đã “đánh gục” 5 “chiến binh áo trắng”: Y tá Uyên, y tá Lượng, bác sĩ Phương, bác sĩ Bội và bác sĩ Derossia.

Người Việt Nam khi đó theo dõi từng cập nhật về một loại dịch bệnh mới xuất hiện mang tên SARS, khiến cả thế giới hoang mang. Một căn bệnh lạ chưa từng được ghi nhận trong lịch sử y khoa thế giới, với tốc độ lan truyền nhanh chóng qua đường hô hấp và niêm mạc mắt, diễn biến rất phức tạp, gây suy hô hấp nặng và dẫn đến tử vong.

Ngày 26/2/2003, bệnh viện Việt - Pháp tiếp nhận một bệnh nhân người Mỹ gốc Hoa, tên Johnny Cheng, với triệu chứng lạ, ho nhiều và khó thở. Các bác sỹ, y tá của bệnh viện Việt - Pháp vẫn thăm khám, điều trị cho bệnh nhân này. Vài ngày sau, bệnh nhân trở bệnh nặng, bị suy hô hấp và nhanh chóng tử vong.


Thời điểm ấy, lần lượt 39 cán bộ y tế của bệnh viện Việt - Pháp bị lây nhiễm, 5 người tử vong. Việc chạy đua với thời gian để bao vây khống chế dịch không lan ra cộng đồng là nhiệm vụ đầy thử thách của những “chiến binh áo trắng”.

Ngày 3/3, y tá Mến cảm thấy người ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, nhưng đến tận ngày 5/3 mới nhập viện.

“Không thể tả nổi sự đau đớn, mệt mỏi khi bị từng cơn sốt rét hành hạ. Bụng tôi đau như cắt, đầu như muốn vỡ tung ra, chân tay, từng thớ cơ như bị giằng xé. Mỗi ngày có từ 3-4 đợt sốt nóng, sốt rét kéo dài. Tôi từng nghĩ: “Có lẽ ngày xưa bị quân Mỹ - Diệm tra tấn cũng chỉ đau đớn đến thế!”. Người tôi như bị điện giật suốt ngày!”, y tá Mến vẫn còn rùng mình khi nhớ lại cảm giác lúc đó.

Cuộc hồi sinh kỳ diệu sau “án tử” SARS 2003

Trong ký ức chập chờn của y tá Mến về những ngày dịch mới bùng phát, bệnh viện Việt - Pháp đã có 3 phòng cho 8 bệnh nhân SARS. Chỉ sang ngày thứ hai, số lượng bệnh nhân nhiễm đã tăng chóng mặt. Sau đó vài tuần, bệnh tình của cả ê kíp tiếp xúc với bệnh nhân Johnny Cheng trở nặng, những người không tiếp xúc cũng bắt đầu nhiễm bệnh.

Ngồi bên chiếc bàn nhỏ, người y tá hướng đôi mắt về một miền xa xăm: “Trước đó, tôi chơi thể thao, sức đề kháng tốt. Tôi có thói quen chỉ dùng lá xông, chưa bao giờ dùng thuốc khi bị ốm. Chiều hôm ấy, cơ thể lúc nóng lúc lạnh, người có cảm giác gai rét, mệt rũ rượi, tôi xông lá từ trưa đến chiều không đỡ.

Theo lịch, hôm đó tôi phải làm ca đêm nên gọi xin nghỉ, bệnh viện báo có mấy đồng nghiệp bị lây bệnh, nên tôi cũng quyết định vào viện để không lây cho gia đình.

Trước đó, do phục vụ quá đông bệnh nhân nên tôi chỉ nghĩ mình làm việc quá sức. Vài ngày đầu, tôi sốt cao, lúc tỉnh lúc mê, tôi gai người khi nghe tiếng thở máy từ những phòng bệnh bên cạnh. Tôi và y tá Uyên nằm chung phòng bệnh. Tôi li bì, không hề ho, còn Uyên tỉnh táo nhưng ho rũ rượi.

Đến giờ, tôi nghĩ, mình bị sốt li bì chứng tỏ cơ thể phản ứng tốt, khi cơ thể sốt là thải, chống virus ra”.

Ngày đó, y tá Mến không trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Johnny Cheng, nhưng phòng liền ngay cửa, lại mở liên tục, nên cũng bị lây nhiễm. Theo lời y tá Uyên kể lại, ông Cheng ho liên tục 45 phút, thậm chí ho ra máu, y tá Uyên và y tá Lượng đã phải túc trực cả đêm nên bị lây nhiễm nặng.

Hôm sau, một bác sĩ người Pháp tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân Cheng, kết quả, sau hơn 10 ngày, bác sĩ đó cũng mất.

“Trong thời gian hôn mê, không biết từ đâu có tin báo về nhà là tôi không qua khỏi, khiến gia đình loạn hết, khắp nơi tới tấp gửi điện chia buồn, bố mẹ tôi khủng hoảng, đòi vào gặp con bằng được.

Khi lơ mơ, tôi vẫn nghe được mọi người nói mang máng, không rõ nội dung nhưng nhận ra giọng ai. Tôi chỉ nhớ nhất lời động viên của bố tôi: “Con ơi, con cố lên nhớ!”. Còn lại, tất cả đều rất mơ hồ...”, một nụ cười khẽ bật lên, run run như vẫn còn “ám ảnh” với nghịch cảnh.


Ngày 24/3 năm đó như đi vào lịch sử, đánh dấu một “mốc son” của cuộc chiến đầy cam go, khốc liệt với dịch SARS, y tá Mến “trở về” như một chiến binh mạnh mẽ của thời đại.

Giây phút bà Mến tỉnh dậy, đồng nghiệp vui mừng vì cả bệnh viện như đã giành chiến thắng trong cuộc chiến với tử thần, nhưng sợ bà “sốc” nên giấu chuyện các đồng nghiệp đã mất.


Bà nhớ lại: “Tất cả mọi người còn nói giấu tôi rằng những người đồng nghiệp kia đều đã phục hồi trước tôi... Tôi cũng thấy lạ lắm! Ngay trước lúc hôn mê sâu, tôi được biết tình trạng của y tá Uyên và y tá Lượng đã nặng hơn tôi rất nhiều. Không lý nào mà tôi lại là người cuối cùng khỏe lại. Hơn nữa, ánh mắt mọi người nhìn tôi thực sự như có gì đó buồn man mác... Lạ lắm!”.

Tình cờ nghe thời sự đưa tin mới nhất về dịch SARS với 5 người tử vong, y tá Mến bị “sốc” rồi dẫn đến trầm cảm nặng.

Trò chuyện một hồi, y tá Mến đứng dậy, bước đến cánh tủ gỗ, lục tìm những tấm ảnh cũ năm ấy. Bà không giấu nổi ánh mắt mệt mỏi khi nhớ về chuỗi ngày chiến đấu sau cuộc chiến sinh tử: “Các bác sĩ bắt đầu cho tôi “cai máy thở”… Khi chưa rút máy, bác sĩ cho thở bằng áp lực dương bơm vào, cảm giác của tôi kinh khủng giống như bị ai đó ghì chặt lấy rồi bóp cổ. Đó là hai đêm tôi như ngạt thở, một mình vật lộn trên giường...

Sau khi tỉnh dậy, biết tin mọi người mất, lại thấy chân mình liệt, phổi xẹp hết, không có oxy, hít thở đau khủng khiếp, tôi dường như gục ngã, muốn từ bỏ tập luyện… Lúc ấy, tôi chẳng khác nào một cái xác tàn tạ…”.

Cổ họng bỗng nhiên nghẹn ứ lại, bà tiếp tục kể: “Trở về với gia đình sau vài ngày tỉnh dậy, chứng kiến gia đình bị cô lập, tôi đau xé lòng. Chồng tôi phải nghỉ việc. Các con tôi buộc phải nghỉ học để cách ly, trẻ con hàng xóm đóng cửa không ai chơi cùng, thậm chí có những đứa trẻ sau này gặp tôi còn kể lại: “Bác ơi, cháu đi qua nhà bác cháu còn phải bịt mũi lại, cháu sợ lắm!”.


Tâm lý trẻ con vốn ngây thơ như thế... Gia đình tôi muốn đi ăn quán cũng phải chờ trời tối rồi mới đi, mà phải đi thật xa, vì ở gần không ai chịu bán…

Bố chồng lặn lội từ Bắc Giang xuống thăm tôi có mấy ngày mà đến hôm về, hàng xóm không ai dám tiếp xúc với ông.

Chưa hết đâu, sau khi tôi xuất viện khoảng một tháng, trường học buộc phải đưa các con tôi đi khám tại cơ sở y tế mới cho đi học nhưng đến các phòng khám lại từ chối khi biết mẹ chúng bị SARS...”.

“Bản thân tôi vẫn phải chịu di chứng thể chất, lại bị tổn thương về tinh thần. Những người đồng nghiệp cũng vì phục vụ bệnh nhân mới tử vong... Nỗi đau ấy, mãi trong tâm trí tôi”, cái thở dài trên gương mặt y tá Mến như muốn nhắn nhủ với rất nhiều người về sự hy sinh cao cả của những “chiến binh áo trắng”.


Trở về sau “án tử” một cách thần kỳ, nhưng cuộc sống của người phụ nữ ấy vẫn gặp muôn vàn khó khăn, từ áp lực tinh thần, đến nỗi đau về thể xác, từ nỗi ám ảnh khi mất đi những người bạn bè, đồng nghiệp đến sự tủi hờn khi gia đình bị “cô lập”...

Sau chuỗi ngày ủ rũ trên chiếc giường một cách tĩnh lặng, nữ y tá lại phải tiếp hàng trăm cuộc phỏng vấn, chia sẻ với báo đài trong nước và quốc tế. Mỗi lần nhắc lại câu chuyện diệu kỳ của bản thân, bà không khỏi rơi nước mắt khi nghĩ đến những người đồng nghiệp kém may mắn.

Cứ như vậy, bà bị trầm cảm nặng. Đến một ngày, ôm hai cô con gái nhỏ trong vòng tay, người mẹ ấy chợt nhận ra, mình phải tìm lại sức sống của chính mình…

Nỗi đau thể xác cũng không kém phần ám ảnh đối với nữ y tá ngày ấy, những cơn đau hành hạ bà một cách “không khoan nhượng”.

Trong ký ức về những ngày tháng rời bệnh viện của y tá Mến, không có nhiều người đủ can đảm để vượt qua nỗi sợ hãi mang tên “lây nhiễm”, mà chăm sóc cho bà.

Bà vẫn nhớ như in: “Tuần đầu tiên rời bệnh viện, tôi vẫn trằn trọc không ngủ được. Một phần vì ám ảnh về nỗi mất mát của những người đồng nghiệp từng kề vai sát cánh trong biết bao nhiệm vụ; một phần vì sự đau đớn của cơ thể, chân tôi đau kinh khủng, cảm giác giống như bị nướng trên lửa vậy”.

“Thời điểm đó, tôi thường phải tự tiêm thuốc cho mình, vì bệnh viện Việt - Pháp đóng cửa tẩy trùng, lại chẳng ai dám tiếp xúc với gia đình tôi.


Giai đoạn đầu, số lượng thuốc mà tôi phải uống nhiều vô kể... Bác sĩ chuyên khoa thần kinh người Pháp P. Hor nhắc tôi rằng, đây là tổn thương cần sự phục hồi từ từ, phải kiên trì mới được... Cứ như vậy, 5 năm sau, tôi mới dừng thuốc vì biết không thể cải thiện thêm được nữa.

Bản thân là y tá, tôi có kiến thức để tự chăm sóc mình, đưa ra kế hoạch cho mình tự phục hồi, có thể tham khảo ý kiến từ các bác sĩ và liên hệ dễ dàng hơn”, bà thuật lại hành trình phục hồi của bản thân.

Dùng tay cấu mạnh vào lòng bàn chân của mình, y tá Mến tiếp tục câu chuyện: “Nhìn xem, đây là di chứng, chân của tôi bị teo lại, nhỏ hơn trước, lòng bàn chân chai dày lên, không còn cảm giác gì.


Đến ngay cả trí nhớ của tôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, do lúc hôn mê thiếu oxy lên não; phổi tôi cũng bị xẹp lại, đỉnh phổi chụp phim còn mờ, lỗ chỗ sẹo... đến bây giờ, cứ bước vào không gian hẹp là tôi lại không thở được... Tất cả hồi phục chỉ dừng lại ở mức độ tương đối mà thôi”.

Mặc dù đau đớn và luôn ám ảnh với những hình ảnh trong quá khứ, người phụ nữ ấy vẫn luôn thể hiện mình mạnh mẽ, vượt qua những khúc trầm lặng nhất của cuộc đời.

Bà tâm sự: “Thật may mắn khi tôi có thể tìm lại cuộc sống đúng nghĩa của mình nhờ thể thao và âm nhạc. Đối với tôi, đó là hai điều không thể thiếu trong cuộc sống, có thể tạo một nguồn năng lượng tích cực”.

Có lẽ, cũng chính nhờ thể thao và âm nhạc, y tá Nguyễn Thị Mến năm nào mới có thêm sức khỏe và tinh thần để chiến thắng bệnh SARS một cách thần kỳ.