Sau 22 năm lưu lạc nơi xứ người, chịu bao cay đắng, người phụ nữ 43 tuổi đã được trở về quê hương Bạc Liêu, gặp người mẹ ruột đã ngoài 80 tuổi, cùng các anh chị em và hàng xóm…

Lạ lùng cuộc hôn nhân lấy nhầm người “giới tính thứ ba”

Những ngày qua, câu chuyện về chị Nguyễn Kim Hon, 43 tuổi, ngụ ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu trở về đoàn tụ với gia đình sau 22 năm lưu lạc ở Trung Quốc khiến nhiều người không khỏi xúc động, xót xa. Chia vui với niềm hạnh phúc đoàn tụ của chị và gia đình, không chỉ có người thân, bạn bè, chính quyền địa phương... mà còn có cả những người chưa từng quen biết chị khi hay tin cũng đến chúc mừng.

Chị Nguyễn Kim Hon

Chị Nguyễn Kim Hon

Chị Hon sinh ra trong một gia đình có đến 12 anh chị em. Nhà nghèo, không có điều kiện học hành nhiều, nhưng tuổi thơ của người con gái quê vùng ven biển cũng êm ả trôi qua. Chị được mọi người trong gia đình nhận xét là một thiếu nữ cao ráo, đẹp gái nhất nhà... Rồi chị cũng lập gia đình sớm như nhiều người con gái ở quê lúc đó, khi mới vừa tròn 20 tuổi. Gia đình gả chị cho một người ở chợ Xóm Lung (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu). Không ngờ, cuộc hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nhầm vào người giới tính thứ 3. Cộng với gia đình bên chồng khó khăn, hôn nhân trắc trở, nên chị Hon phải ly hôn.

Người phụ nữ dở dang chuyến đò, phơi phới tuổi 20 rời quê nghèo ven biển Bạc Liêu lên Tây Đô kiếm sống. Chị làm thuê ở đất Cần Thơ được khoảng một tháng thì có một người cùng quê ngỏ ý rủ về thăm quê và chị đồng ý. Thế nhưng, trên đường đi, chị được cho ăn uống rồi ngủ thiếp đi. Đến khi tỉnh dậy, chị thấy mình đang ở... Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian này, chị bị gả bán làm vợ cho 4-5 người đàn ông, nhưng không có con. Người cuối cùng sống với chị lâu nhất là 8 năm. Cũng vì không sinh được con nên chị bị hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà, sống vất vưởng đầu đường xó chợ. Đau đớn nhất là những năm tháng đọa đày ấy, chị không nhớ nổi mình là ai và từ đâu đến.

Trong khoảng thời gian bế tắc nhất của phận người lưu lạc cũng chính là lúc may mắn mỉm cười với chị. Có lần, chị xem một chương trình trên tivi có nhắc đến hai từ “ăn cơm” bằng tiếng Việt, rồi số đếm một, hai, ba,… bỗng dưng bao ký ức tràn về, chị nhớ rõ mọi chuyện ở quê nhà, nhớ tên quê quán, nhớ tên từng thành viên trong gia đình và biết mình là người Việt Nam. Đó cũng là cánh cửa duy nhất giúp chị trở về đoàn tụ gia đình.

Sau khoảng thời gian “nay đây, mai đó”, từ giúp việc nhà cho đến rửa ly, chén ở các quán ăn uống. Số tiền làm thuê được, chị gửi người bạn giữ hộ nhưng bị bạn lấy hết không còn gì, rồi chị lại tiếp tục lưu lạc nơi này qua nơi khác một thời gian dài.

Chị Hon được đưa về nhà mẹ ruột.


Nguyễn Kim Hon

Trong một lần gần đây, chị gặp một người tài xế Trung Quốc tốt bụng. Khi biết chị là người Việt Nam, người này đã hướng dẫn đưa chị lại đồn Biên phòng cửa khẩu giữa Trung Quốc với Việt Nam ở tỉnh Lạng Sơn. Từ đó, qua sự giúp đỡ của nhiều người, chị Hon gặp được câu lạc bộ Thắp sáng niềm tin ở tỉnh Lạng Sơn giúp đỡ rồi đưa về trung tâm bảo trợ xã hội sở tại.

Trong mớ hành trang ít ỏi của người phụ nữ này có tờ giấy nhàu nát ghi lại địa chỉ quê quán và tên người thân trong gia đình ở ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Câu chuyện 22 năm lưu lạc xứ người của người phụ nữ tội nghiệp này được cộng đồng mạng chia sẻ và nhanh chóng giúp chị gặp lại người thân và đón chị trở về nhà.

Sự kỳ diệu của số phận

Sau nhiều năm lưu lạc, ngày 4/7, chị Nguyễn Kim Hon đã đáp chuyến bay sớm đến sân bay TP.Cần Thơ và nhanh chóng lên xe ô tô di chuyển về tỉnh Bạc Liêu. Thế nhưng, chị Hon không đi thẳng về nhà mà đến viếng một ngôi chùa ở TP.Bạc Liêu, sau đó mới trở về để đoàn tụ cùng người mẹ già 80 tuổi và các anh chị em sau 22 năm xa cách.

Đã lâu rồi, vùng quê này mới có một ngày vui đặc biệt đến như vậy. Tuy nhiên, do có quá đông người, vừa về nhà, có thể do sức khỏe và e ngại nên chị Hon không thể tiếp xúc, trò chuyện với mọi người. Trong khi đó, người mẹ già là cụ Nguyễn Thị Hến (83 tuổi) đã ngất xỉu ngay khi người con gái trở về sau 22 năm xa cách. Còn tại nhà ông Nguyễn Kim Tảng (anh ruột chị Hon) cũng được dựng rạp, thuê mướn bàn ghế, làm gà, làm vịt để thiết đãi bà con lối xóm đến chia vui cùng gia đình. Có lẽ, đây là một sự kiện đáng nhớ đối với người dân xóm biển này.

Nguyễn Kim Hon

Rất đông người dân kéo đến chia vui cùng gia đình.

Về việc chị Hon gần như đã quên mất tiếng Việt, ông Trương Quốc Lâm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết, thông qua người phiên dịch, chị Hon cho rằng, do chị từng bị cho uống thuốc giảm trí nhớ, lại có quãng một thời gian dài chỉ sống và giao tiếp với người Trung Quốc nên bị quên tiếng mẹ đẻ.

Chị Hon đoàn tụ với mẹ già sau 22 năm lưu lạc.

Ông Trương Quốc Lâm cho biết, chị Hon về và sống với mẹ ruột là cụ Hến. Một vấn đề khó khăn hiện nay là cụ Hến thuộc diện hộ nghèo của xã, đang sống trong căn nhà ẩm thấp, đã xuống cấp. Cụ Hến tuổi đã cao, không còn sức lao động. Trong khi chị Hon đã hơn 40 tuổi, vừa lưu lạc trở về, tiếng Việt chưa nói rành lại được nên trước mắt cũng không thể làm được gì. Do đó, cuộc sống của mẹ con cụ Hến sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Trước đây, địa phương có đưa cụ vào danh sách hỗ trợ tiền để cất nhà nhưng do gia đình không có vốn đối ứng nên cụ Hến không dám nhận. Hướng tới, các ban ngành, địa phương chúng tôi đang xem xét để có hướng hỗ trợ, nhưng cũng rất cần sự giúp đỡ thêm của cộng đồng đối với gia đình này”, ông Lâm chia sẻ.

Nguyễn Kim Hon

Lãnh đạo địa phương đến trao quà hỗ trợ gia đình cụ Hến.

Liên quan đến vụ việc trên, lãnh đạo UBND huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau khi nắm thông tin trên, địa phương đã có hỗ trợ bước đầu cho chị Hon 2 triệu đồng, đồng thời giao cho ngành chức năng, đoàn thể phối hợp với gia đình làm tốt công tác tư tưởng cho chị Hon. Sau đó, sẽ tìm hiểu xem hoàn cảnh sinh sống, điều kiện của chị Hon như thế nào, mới có hướng hỗ trợ cho chị sớm trở lại cuộc sống bình thường.

“Huyện cũng đã chỉ đạo cho xã ra quyết định hủy bỏ giấy khai tử. Đồng thời, giúp đỡ chị Hon sớm hoàn thiện các thủ tục hợp pháp như: Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu,…giúp chị sớm tái hòa nhập cộng đồng”, lãnh đạo UBND huyện Đông Hải thông tin thêm.

“Tôi nhất định không để mất con thêm lần nữa”

Cụ Nguyễn Thị Hến (mẹ ruột chị Hon) cho biết, các con của bà đều có cuộc sống riêng ổn định. Từ khi cha chị Hon mất, bà sống một mình trong ngôi nhà cũ xập xệ. Dù đã 83 tuổi, nhưng cụ vẫn mưu sinh bằng nghề may vá. “Tôi đã tính rồi, hai mẹ con sẽ nương tựa cùng nhau mà sống, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Tôi sẽ dạy con may vá và tôi vẫn tiếp tục làm để kiếm tiền nuôi con. Lần này đón con như từ cõi chết trở về tôi nhất định không để mất con thêm lần nữa”, cụ Hến chia sẻ.