sutit

Đại dịch SARS năm 2003 “đổ bộ” vào Việt Nam “quá nhanh, quá nguy hiểm”, gieo rắc nỗi ám ảnh kinh hoàng không chỉ đối với các bệnh nhân. Hội chứng hô hấp cấp tính nặng còn thử thách tài, trí, tâm của đội ngũ y, bác sĩ, những nhân viên y tế hết lòng vì sứ mệnh của “thiên thần áo trắng” với chuỗi ngày căng mình trực chiến.

Trước sự ra đi của lần lượt từng y tá, bác sĩ bị lây nhiễm do chăm sóc bệnh nhân người Mỹ gốc Hoa Johnny Cheng, việc chạy đua với thời gian để bao vây, khống chế dịch không lan ra cộng đồng là một nhiệm vụ đầy thử thách của đội ngũ cán bộ y tế.

Bên cạnh những y, bác sĩ vì phục vụ bệnh nhân mà hy sinh, đại dịch SARS đi qua, không thể không nhắc đến đội ngũ y, bác sĩ đã nỗ lực chiến đấu từng giây phút, xứng đáng là những “chiến binh áo trắng” của thời đại.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Ngự (SN 1953, hồi đó là kỹ thuật viên khoa Hồi sức tích cực) nhớ lại sự kiện đau thương đúng dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam của 17 năm trước: “Bệnh viện Việt - Pháp tiếp nhận bệnh nhân với triệu chứng suy hô hấp. Ông ấy nằm ở phòng bệnh đầu dãy hành lang mà ho đến cuối dãy còn nghe rõ mồn một. Chúng tôi cũng đánh giá ban đầu là một bệnh nặng, nhưng chưa ai ngờ được rằng, căn bệnh ấy lại trở thành đại dịch nguy hiểm đến như vậy.

Đáng lẽ, đội ngũ chăm sóc y tế hồi đó phải mang mặt nạ N95, nhưng lại chỉ dùng mặt nạ thường nên đã không thể phòng được sự lây lan. Mãi sau khi dịch bùng phát mới bắt đầu bảo vệ nghiêm ngặt”.

“Chúng tôi làm nghề y cũng như những người lính, đối mặt với cái chết, có thể gặp nỗi sợ tâm lý nhưng tất cả anh chị em đồng nghiệp vẫn phải chiến đấu”, ánh mắt ông bỗng nhiên đanh lại khi nhắc đến sứ mệnh của mình.

Thoáng một phút lặng im, người kỹ thuật viên năm nào bắt đầu kể lại: “Tình hình khi đó càng lúc càng khó khăn. Khi bệnh dịch xảy ra rồi, bệnh viện vẫn còn rất đông bệnh nhân, phải cố gắng làm sao cách ly những bệnh nhân không bị lây nhiễm SARS có thể xuất viện hoặc chuyển viện.

sutit

Sau khi “giải tỏa” bệnh nhân, bệnh viện Việt - Pháp đóng cửa, tự nhốt mình lại, cố gắng không để lây nhiễm ra cộng đồng. Nhân viên ở lại trong các lán trại dựng tạm để sống, chăm bệnh nhân, bỏ lại hết gia đình ở bên ngoài... Tôi ở lại bệnh viện thì ở nhà cũng “loạn”, cô con gái thứ hai khi ấy mới 7-8 tuổi, nhớ bố mà khóc nhè, nằng nặc đòi được ôm bố một cái thôi.

Với chúng tôi, khi đó, tinh thần trực chiến đã được “lên dây cót” sẵn sàng, mọi vấn đề cá nhân không quan trọng bằng sứ mệnh ngành y, không quan trọng bằng sức khỏe của những bệnh nhân, những người đồng nghiệp thân thương đang cần được chăm sóc”.

Ký ức về những ngày bệnh viện tự cô lập dường như vẫn còn hằn in trong tâm trí ông Ngự.

“Ngày đó, khi bệnh viện đóng cửa, chúng tôi tự duy trì thực phẩm được vài ngày, rồi vì một lý do nào đó, công ty chuyên cung cấp thực phẩm không thấy đến nữa… Cả phố Phương Mai vốn tấp nập, sầm uất như vậy, mà những ngày ấy bỗng vắng lặng, tất cả các cửa hàng đóng cửa không buôn bán gì. Không rõ, do họ sợ lây bệnh nên không cung cấp nữa hay bệnh viện đã không còn đủ sức để làm nữa.

Sau khi bệnh viện không còn sức lo bữa ăn cho nhân viên, thật may mắn, chúng tôi có được sự hỗ trợ từ các nhà hàng, khách sạn có tấm lòng. Các suất ăn cứ đều đặn đến bữa là được chuyển vào bệnh viện, tất nhiên phải tuân thủ bảo đảm an toàn”, ông Ngự nhớ lại.

sutit

Hàng loạt y, bác sỹ bị lây nhiễm, khiến bệnh viện Việt - Pháp chưa bao giờ lâm vào tình cảnh “đói” nhân lực đến thế.

Ngồi bên chiếc bàn nhỏ, ông Ngự nheo mắt nhớ lại: “Lực lượng lao động ngày một ít đi, vì từng ngày, từng giờ lại có thêm vài người đổ bệnh. Những người trụ lại được càng ngày càng ít, khối lượng công việc tăng lên. Nhân lực khan hiếm.

Khi đó, các bác sĩ chuyên môn lần lượt đổ bệnh, chỉ còn duy nhất bác sĩ hồi sức Nguyễn Ngọc Thọ, phụ trách toàn bộ việc điều trị cho bệnh nhân hồi sức, duy nhất bác sĩ nội khoa Vũ Hoàng Thu phụ trách toàn bộ những bệnh nhân chưa vào diện phải hồi sức. Còn lại, tất cả các bác sĩ chuyên khoa: ngoại, sản, mắt, tai - mũi - họng,… phải là̀m công việc y tá, hộ lý.

Thời điểm ấy, lực lượng lao động không được một nửa, từ y tá, bác sĩ, chẳng mấy ngày đã biến thành bệnh nhân nằm la liệt. Trước đó, phòng bệnh của chúng tôi chỉ được kê hai giường, nhưng quá tải, chúng tôi phải kê ba giường một phòng”.

Ngừng một lúc, ông tiếp tục bồi hồi: “Cả ngày lăn xả công việc mệt đến mức, một cô em đồng nghiệp cùng khoa nói với tôi: “Anh ơi, đến bây giờ mình sống được có khi mình miễn nhiễm rồi, nhưng chỉ sợ, mình không kịp chết vì dịch bệnh, mình đã chết vì kiệt sức”.

Cô ấy may mắn chưa kịp kiệt sức thì hai ngày sau cũng nhiễm bệnh SARS!

Từng ngày như thế, chúng tôi vẫn mất dần nhân lực, phải tăng ca thường xuyên. Có thể vì một lý do nào đó mà người ca sau không thể tiếp quản được, thì người làm ca trước lại phải hỗ trợ, làm ca ngày xong lại làm luôn ca tối. Tất cả nhân viên y tế đều được uống thuốc phòng cúm, lúc ấy, bị phản ứng phụ, ai cũng mệt rã rời”.

sutit

Theo bác sĩ Vũ Hoàng Thu (SN 1960, Trưởng khoa Khám bệnh nội trú), những triệu chứng ban đầu của bệnh nhân SARS là sốt rất cao, mệt mỏi, ho nhiều và nặng hơn thì khó thở.

Không riêng bệnh nhân nào, mà cả 6 người đang thở máy, đội ngũ chăm sóc đều vất vả, ngoài thuốc men còn phải chăm sóc từ A đến Z. Bên cạnh đó, phải động viên tinh thần những bệnh nhân tỉnh táo vì họ khá hoang mang, chưa biết đây là virus như thế nào.

Nữ bác sĩ với đôi vai mảnh khảnh dường như vẫn xúc động mỗi khi dành thời gian để nghĩ về chuỗi ngày trực chiến trong quá khứ. Khóe mắt vụt cay sè, bác sĩ Thu cố lấy lại bình tĩnh rồi thẳng thắn trải lòng: “Trong tuần đầu tiên, tôi vừa lo cho các bạn mà cũng lo cả cho mình bị lây, mặc dù sợ, nhưng vẫn kiên cường cùng mọi người”.  

“Ngày nào bệnh nhân cũng được chụp X - quang và xét nghiệm máu. Hình ảnh phổi cứ mờ dần, các men biểu thị sự hủy hoại tế bào tăng vọt. Người nhiễm bệnh nhanh chóng bị suy hô hấp, suy đa phủ tạng và tử vong...”, một khung cảnh u ám như tái hiện trước đôi mắt ấy.

Theo ông Ngự, thời điểm đó, trời đang rét mười mấy độ, bản thân người bệnh khi sốt đã bị rét, điều hòa nhiệt độ phải giữ ở nhiệt độ tương đối nên cửa phòng phải đóng kín. “Đáng lẽ, phải để phòng thông thoáng để giảm mật độ virus trong không khí, nhưng mở cửa ra, nhiệt độ thấp, bệnh nhân lại rét quá không chịu nổi…”, ông nhấn mạnh.

Trước mỗi ca làm việc, đồng nghiệp chúng tôi thường vỗ vai nhau mà thủ thỉ: “Đừng ngã xuống!”. Số anh em còn lại không nhiều, như một nguồn hy vọng, như “phao cứu sinh” giữa đại dương sóng gió. Những câu nói ấy chân thật mà cảm động!”, người kỹ thuật viên tựa lưng vào chiếc ghế, đôi mắt nheo lại, hướng về chuỗi ký ức năm nào.

Nén một tiếng thở dài, ông trở lại mạch tâm sự: “Mỗi lần có một người ra đi, chúng tôi không khỏi thương xót. Một bệnh nhân ra đi đã xót xa chứ đừng nói đồng nghiệp, ít nhiều đã từng chia sẻ tâm tư, công việc với nhau. Nhưng nỗi đau cũng qua nhanh để nhường chỗ cho trách nhiệm với công việc, những người đang ở lại trên giường bệnh càng cần chúng tôi nữa...”.

sutit

Một dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới, với diễn biến lâm sàng rất dữ dội, tạo ra một hình ảnh phim phổi đáng “sốc”. Buổi sáng, chụp phổi chỉ mới thấy mờ ở đáy phổi, buổi trưa có thể tổn thương lan đến giữa phổi và ngay buổi tối, có thể đã khác đi rồi, cả tấm phim phổi trắng xóa hết. Sức tàn phá quá nhanh, đêm hôm trước có thể đang đau đầu, mệt mỏi thì hôm sau đã nằm bẹp, li bì trên giường bệnh.

Bác sĩ Vũ Hoàng Thu vẫn còn ám ảnh với sự ra đi của những người đồng nghiệp: “Ngày 15/3, y tá Lượng là người đầu tiên đầu hàng dịch SARS, ngày 19/3, đến lượt bác sĩ Derossia. Sau đó, ngày 24/3, đúng ngày sinh nhật tôi, có thêm hai người tử vong. Đó đúng là một ngày mà tôi không bao giờ muốn nhắc lại dù sự việc xảy ra đã 17 năm. Nhưng tôi không thể quên được ngày ấy, một ngày mà hai người đồng nghiệp ra đi mãi mãi”.

Đến bây giờ, mỗi lần nhắc đến những người đồng nghiệp, bác sĩ Vũ Hoàng Thu vẫn không nén nổi cảm xúc, đặc biệt, mỗi ngày sinh nhật của mình, bác sĩ Thu lại càng thêm chua xót.

Giữa khung cảnh đau thương của đại dịch, những “chiến binh” lặng lẽ đóng góp vì sự sống người bệnh bỗng sừng sững như tượng đài trong tâm trí.

Hình ảnh những “chiến binh” khiến ông Nguyễn Hữu Ngự vô cùng xúc động: “Tôi có một người thầy, là giáo sư Đào Xuân Tích, chủ nhiệm bộ môn chấn thương chỉnh hình. Hồi ấy, cụ cũng có tuổi rồi nhưng ngày ngày vẫn phải làm công việc y tá, hộ lý. Cụ cứ đi vào từng phòng bệnh cất tiếng gọi: “Các con ơi, có đứa nào cần gì thì để bố làm giúp nào!”.

Một hình ảnh nữa mà tôi thấy đẹp vô cùng, có hai người phụ nữ rất mảnh mai (một người là Giám đốc điều dưỡng và một người là Giám đốc khu vực hành chính), hàng ngày, đi vào các buồng bệnh, thu lại những chất thải y tế nguy hại một cách cần mẫn.

Một tờ khăn giấy khi đó cũng ẩn chứa mầm bệnh, có thể khiến hàng loạt người đổ bệnh, vậy mà hai nữ Giám đốc của chúng tôi hàng ngày vẫn cần mẫn kéo theo hai bao rác lớn như hai quả “bom nguyên tử”.

Bệnh viện Việt - Pháp không có nhà xác, đương nhiên không có nhân viên nhà xác, hầu hết tất cả trường hợp tử vong, đều do một bác sĩ người Pháp tự nguyện khâm liệm, đưa các quan tài lên xe đi. Câu chuyện đó sau này cũng ít ai nhắc lại, nhưng qua vụ dịch mới thấy người ta sẵn sàng “xắn tay” làm mọi việc.

Khi đội ngũ tình nguyện viên từ Pháp sang hỗ trợ, họ không hề “sợ chết”. Họ trở thành một nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với chúng tôi, cả bệnh nhân và những người chăm sóc”.

Ngày đó, Chủ tịch Thượng viện Pháp Christian Poncelet coi sự ra đi của các y, bác sĩ là một sự hy sinh lớn lao: “Tất cả những người Việt, những người Pháp đã ngã xuống như những chiến sỹ hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ loài người”.

Nếu chỉ coi những người đã mất trong khi làm công việc chống dịch như một nạn nhân chứ không coi vai trò của họ là sự hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, dám hy sinh tính mạng để phục vụ sinh mạng, sức khỏe của người khác thì thật không công bằng!

Họ không may mắn mới nhiễm bệnh khi làm nhiệm vụ, không may mắn không có nghĩa là không chiến đấu.

Không riêng những người đã kiên cường chiến đấu đẩy lui đại dịch, mà cả những người đã nằm xuống, những người “trở về từ cõi chết”, họ đều là những “chiến binh”!

Hiện nay, trước cổng bệnh viện Việt - Pháp, có một ngôi miếu nhỏ, tưởng nhớ 6 y, bác sĩ đã “nằm xuống” vì đại dịch SARS: Y tá Nguyễn Thị Lượng (15/3), bác sĩ Jean - Paul Dirosier (19/3), y tá Phạm Thị Uyên (24/3), bác sĩ Nguyễn Thế Phương (24/3), bác sĩ Nguyễn Hữu Bội (12/4) và bác sĩ Jacque (mất sau khi về Pháp tháng 7/2003).