Người Đưa Tin (NĐT): Gần hai năm kể từ khi Covid-19 xuất hiện, thế giới đã chứng kiến một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong thế kỷ XXI và không một ai, không một lĩnh vực nào đứng ngoài vòng xoáy đó. Là một nhà ngoại giao, xin Đại sứ cho biết những tác động của Covid đến công tác ngoại giao mà trực tiếp là hoạt động của cơ quan đại diện (CQĐD) ở nước ngoài?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống chính trị-kinh tế-xã hội của các quốc gia và toàn thế giới, trong đó có công tác ngoại giao nói chung và hoạt động của CQĐD ở nước ngoài nói riêng. Cụ thể, đại dịch làm gián đoạn nhiều hoạt động sản xuất, đi lại, khiến nhiều người bị mắc kẹt ở nơi đất khách quê người. Theo đó, ưu tiên các ưu tiên lớn của CQĐD đã được điều chỉnh để thích ứng.

Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiệm vụ lớn nhất của ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ cũng như nhiều CQĐD khác của Việt Nam trên thế giới là bảo hộ và tìm mọi cách để đưa công dân về nước. ĐSQ đã nhận được hàng nghìn cuộc điện thoại qua số máy bảo hộ công dân, họ là tăng ni sinh, phật tử, là du học sinh, là công nhân lao động hết hạn hợp đồng, là thủy thủ, là chuyên gia kỹ thuật, là nhà đầu tư... Cán bộ ĐSQ kiên trì giải thích, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cung cấp thông tin, hỗ trợ bà con các vướng mắc về thủ tục, tổ chức các chuyến bay đưa đồng bào về nước.

Thứ hai, ngoại giao vắc-xin trở thành mặt trận quan trọng, xuất phát từ nhu cầu vắc-xin cấp bách mà nguồn cung trên thế giới lại khan hiếm. Điều này đặt ra một yêu cầu, nhiệm vụ công tác mới, rất cấp thiết, rất khẩn trương đối với ngành ngoại giao

Có thể nói, phương thức hoạt động của ĐSQ cũng thay đổi. Chúng tôi cũng dần chuyển sang trực tuyến. Tuy nhiên, khác với các ngành và lĩnh vực khác, các nhà ngoại giao ở tuyến đầu không thể chỉ cách ly và làm việc ở nhà. Trong khi dịch bệnh lan nhanh, chúng tôi vẫn phải triển khai nhiều hoạt động trực tiếp để hỗ trợ, giúp đỡ công dân, ví dụ có mặt ở sân bay, đi đưa đón bà con, tiếp tế lương thực thực phẩm… Địa bàn Ấn Độ hết sức đặc biệt, tâm dịch lớn thứ 2 thế giới với những làn sóng lây lan kinh hoàng, số lượng tử vong lớn. Nhiều cán bộ, nhân viên ngoại giao và thân nhân cũng đã bị nhiễm Covid-19 trong quá trình hoạt động đối ngoại. Đối diện với hiểm nguy nhưng chúng tôi không có đường lùi, bởi ĐSQ là chỗ dựa cuối cùng của bà con xa xứ. Chúng tôi không thể quay mặt hay gục ngã.

NĐT: Đối diện với cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, người ta nói nhiều đến yêu cầu thay đổi để thích ứng như một phương cách tất yếu. Xin Đại sứ cho biết, sự thay đổi trong họạt động của cơ quan đại diện ngoại giao được thể hiện như thế nào?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Khi khối lượng công việc tăng, điều kiện làm việc thay đổi, CQĐD buộc phải điều chỉnh hình thức, phương thức hoạt động của cơ quan để vừa bảo đảm các nhu cầu công tác, vừa bảo đảm an toàn. Một mặt, chúng tôi kết hợp nhiều phương thức làm việc, cả trực tiếp và trực tuyến. Chúng tôi thấy rằng việc kết nối trực tuyến cho phép kết nối nhanh, nhiều đối tác cả trong và ngoài nước. Trong gần 2 năm đại dịch vừa qua, ĐSQ đã tổ chức hang trăm trao đổi, hội thảo trực tuyến về quan hệ chính trị, kinh tế Việt Nam - Ấn Độ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng tôi cũng hiểu có nhiều câu chuyện, nhiều nội dung mà phải gặp trực tiếp mới có thể giải quyết được vấn đề. Chỉ bằng ít câu nói, cái bắt tay, một món quà tượng trưng nhỏ … nhiều vấn đề quan trọng có thể được giải quyết. Do vậy, ngay khi có thể, ĐSQ đã nhanh chóng tổ chức toàn bộ cán bộ, nhân viên ĐSQ tiêm vaccine đầy đủ, từ đó chủ động nối lại các chưc năng, hoạt động đầy đủ.

Trong khi nhiều nơi “án binh bất động”, chúng tôi chủ động đi trước, tranh thủ mở rộng mạng lưới bạn bè và thúc đẩy giải quyết các vấn đề tồn đọng. Tinh thần “tiên phong” được phát huy cao độ, vì khó có thể gặp được nhiều đối tác, giải quyết được các công việc tồn đọng trong hoàn cảnh bình thường.

ĐSQ chú trọng tăng cường sử dụng công nghệ để truyền thông về Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ và các hoạt động của ĐSQ. Các tin, bài, clip trên facebook, twitter, YouTube của ĐSQ đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận, thu hút hàng triệu lượt tương tác. Nhìn chung, ĐSQ không chỉ thích ứng tốt, mà còn tận dụng được nhiều cơ hội từ đại dịch.

NĐT: Đại sứ vừa cho biết cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đã có nhiều người mắc bệnh trong làn sóng dịch thứ 2 tại Ấn Độ. Xin Đại sứ có thể chia sẻ thêm về giai đoạn khó khăn này?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Sống và làm việc ở một trong những tâm dịch của thế giới trong khi vẫn phải duy trì các hoạt động đối ngoại, công tác bảo hộ công dân, việc có thể có cán bộ, nhân viên bị lây nhiễm là kịch bản mà ĐSQ đã dự báo trước và lên chuẩn bị phương án để ứng phó.

Tháng 10/2020, 86% tổng số cán bộ, nhân viên ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ bị lây nhiễm Covid trong quá trình hoạt động đối ngoại và bảo hộ công dân; 1 người nhập viện, 6 người tổn thương phổi. Mặc dù đã chuẩn bị cho tình huống nhiễm bệnh, nhưng số lượng nhiệm quá lớn và quá nhanh là một cú sốc lớn, khiến nhiều người bàng hoàng. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, chủ động liên hệ với các bác sĩ cả ở Việt Nam và Ấn Độ để tìm phương án tự cách li và chữa trị. Lúc này kêu than hay đợi chi viên cũng không có ích gì.

Trong làn sóng dịch thứ hai tại Ấn Độ tháng 4-6/2021, ĐSQ cũng có thêm 12 trường hợp bị lây nhiễm, trong đó có 2 trường hợp rất nặng, phải nhập viện. Trong đợt nhiễm này, cuộc chiến nguy hiểm và cam go hơn cuộc chiến lần thứ nhất rất nhiều trong bối cảnh chính Ấn Độ rơi vào tình trạng khủng hoảng y tế, thiếu giường bệnh, thiếu thiết bị, vật tư y tế trầm trọng. Số ca nhiễm tại Ấn Độ đỉnh điểm lên tới hơn 400.000 ca/ngày, số người chết lên tới 4.500 người. Có những bệnh nhân chết vì bị ngắt mạch máy thở ôxy, rò rỉ khí ôxy….

Thời điểm đó hết sức căng thẳng. Khó khăn đầu tiên là phải tìm được nơi xét nghiệm. Tuần trước đó, trước khi đi công tác, ĐSQ gọi dịch vụ xét nghiệm là họ đến tức thời. Đến khi khủng hoảng, gọi mãi chẳng ai đến. Đến bệnh viên xét nghiệm thì phải đợi 2 đến 3 ngày mới biết kết quả; thậm chí ĐSQ có lúc còn không thể tìm được kết quả xét nghiệm của một số người do ở đâu cũng đông và quá tải.

Khó khăn thứ hai là khi nhiễm bệnh thì không có phác đồ điều trị chuẩn. ĐSQ phải hỏi nhiều nơi, mỗi bác sĩ, bệnh viện gợi ý một đơn thuốc riêng. Trong bối cảnh đó, các cán bộ ngoại giao lại buộc phải trở thành thành viên của “hội đồng y khoa”, phải quyết định loại thuốc cụ thể căn cứ trên đánh giá và kinh nghiệm của mình. Rồi chính họ, bất chấp khả năng bị lây nhiễm, phải giữa đêm đi đến các hiệu thuốc để mua cho các đồng nghiệp đã bị nhiễm bệnh.

Thứ ba, ĐSQ phải tìm cho được bệnh viện và giường bệnh cho các bệnh nhân nặng.

NĐT: Trong suốt giai đoạn khó khăn đó, có câu chuyện nào khiến Đại sứ không thể nào quên?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Có trường hợp em Nhân là kỹ sư xây dựng công trình trụ sở ĐSQ. Nhân rất khỏe, hàng hàng vẫn chạy đá bóng rất nhanh. Sau 5 ngày nhiễm bệnh vẫn sốt cao 39 độ liên tục, ngủ li bì và nhiều lúc không tỉnh, chỉ số bão hòa ôxy xuống dưới 90%, có hiện tượng bội nhiễm. Nhận thấy đây là trường hợp khẩn cấp, lãnh đạo ĐSQ hội ý và thống nhất phải đưa gấp vào bệnh viện. Nhưng bệnh viện nào?

Cả ĐSQ ai có đầu mối nào đều lần lượt gọi điện, tìm mọi cách để có giường, nhưng vô vọng. Các bệnh viện lớn, bệnh viện mà ĐSQ có mối liên hệ đều không giúp giải quyết được. Bệnh viện lớn nhất New Delhi Primus mà cán bộ nhân viên ĐSQ thường hay khám sức khỏe thì bác sĩ báo hết giường. Bệnh viện khác gợi ý chuyển nhân viên ĐSQ vào cơ sở hai của họ ở một khách sạn với giá khoảng 10.000 rupees (3,1 triệu đồng/ngày) để theo dõi, nhưng ở đó lại không có máy trợ thở. Có bệnh viện bác sĩ nói ôxy chỉ còn đủ 40 phút cho những người đã nằm trong viện; hay không còn giường và máy thở.

“Nhân ơi, xin em đừng chết!

…Khi em nằm bất tỉnh, công việc chính của Đại sứ lúc này là thảo và gửi những bức thư chia buồn cho bạn bè vì người thân của họ đã mất trong 24 giờ qua.

…Nhân ơi, với tư cách là một Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, tôi ra lệnh cho em không được chết vì dự án của chúng ta vẫn còn dang dở. Ngôi nhà Việt thật đẹp giữa thủ đô New Delhi đang đợi chúng ta hoàn tất. Hơn bao giờ hết ĐSQ cần có em.

Nhân ơi, xin em đừng chết vì em còn rất trẻ và vợ con em đã gửi gắm em cho Đại sứ. Chúng ta đã hứa sẽ cùng nhau đi qua đợt dịch này xây xong trụ sở cho ĐSQ và bình an.

Và cuối cùng em có nghe tiếng khóc của bao người đang chầu chực ở bệnh viện mà người thân của họ đang chết vì không thể tiếp cận máy thở ôxy và giường bệnh. Vì thế em không được phép chết để đỡ phí đi một cái giường mà nhờ nó bao nhiêu tính mạng đã có thể được cứu sống...”

Trích thư Đại sứ Phạm Sanh Châu gửi anh “Nhân” - kỹ sư người Việt đang giúp xây dựng trụ sở Đại sứ quán, người mắc Covid-19 và đang trong tình trạng nguy kịch (tháng 4/2021)

Giải pháp cuối cùng phải dùng tới lúc này là gọi điện trực tiếp cho một lãnh đạo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, một người bạn quen của tôi, khẩn thiết nhờ giúp đỡ. Những lời khẩn cầu cũng được tới tấp gửi tới các cơ quan chức năng sở tại nhờ trợ giúp. Các bạn bảo liên hệ lại Bệnh viện Apollo chắc chắn sẽ có giường. Dự báo tình hình có thể bất trắc, tôi quyết định trực tiếp đưa Nhân vào viện vì sợ rằng nếu không đi cùng có thể giường đó sẽ lại bị dành cho người khác.

Đúng như dự đoán, mãi 3 tiếng sau khi Đại sứ về, Nhân mới được nhập viện vì họ không tìm thấy kết quả xét nghiệm dương tính của em. May mắn thay khi cuối cùng Nhân tiếp cận được bình ô xy và được chăm sóc. Lúc đó, nồng độ ô xy trong máu của em chỉ còn 80%. Giai đoạn này, thực sự nếu không tự mình trải qua, chúng tôi khó mà có thể hình dung là có những ngày khó khăn như vậy.

NĐT: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các nhà ngoại giao trong suốt thời gian qua là đẩy mạnh công tác ngoại giao y tế, ngoại giao vắc-xin để phục vụ tốt nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh ở trong nước. Thực tế đây là lĩnh vực công tác mới nhưng lại có yêu cầu rất cao và cần triển khai rất khẩn trương. Đối với các nhà ngoại giao trong việc triển khai công tác trên có những thuận lợi và khó khăn như thế nào? Đại sứ và các nhà ngoại giao đã giải quyết như thế nào?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến hết sức phức tạp, vắc-xin trở thành vũ khí chiến lược để chống dịch. Do chống dịch quá thành công trong năm 2020 nên Việt Nam chậm quan tâm đến tìm nguồn cung vắc-xin. Đến khi dịch bùng phát ở Hải Dương, Bắc Ninh rồi Bắc Giang, rồi Tp. Hồ Chí Minh từ tháng 6/2021, việc tìm nguồn và đẩy nhanh tiêm chủng trở thành cấp thiết. Tuy nhiên, lúc này thế giới cũng bị thiếu vắc-xin trầm trọng, chỉ có những nước chấp nhận rủi ro đặt sớm là có đủ, thậm chí dư thừa.

Điều này đặt ra một yêu cầu, nhiệm vụ công tác mới, rất cấp thiết, rất khẩn trương đối với ngành ngoại giao. Toàn bộ ngành ngoại giao, các CQĐD cũng như cá nhân các nhà ngoại giao đã nỗ lực không ngừng nghỉ đã tiếp cận các quan chức chính phủ, lãnh đạo các công ty dược phẩm, các nhà môi giới để tìm nguồn vắc-xin, thuốc và thiết bị y tế về nước. Đó không phải là một vòng đua marathon, mà là cuộc đua nước rút để làm sao có đủ vắc xin, thuốc và thiết bị y tế để hỗ trợ công cuộc chống dịch trong nước, góp phần đưa cuộc sống và sản xuất trở lại trạng thái bình thường.

Trong bối cảnh đó, ĐSQ đã triển khai tất cả các mũi tiếp xúc để tìm kiếm nguồn và thiết lập kênh để đưa thuốc và vắc xin về Việt Nam. Có thể nói ĐSQ đã thành công với việc đảm bảo được nguồn cung Remdisivir và Molnupiravir (thuốc điều trị Covid – PV) phục vụ nhu cầu trong nước. Remdisivir là mặt hàng hạn chế xuất khẩu, ĐSQ đã phải vận động nhiều bộ ngành, nhiều kênh để đưa thuốc về Việt Nam một cách nhanh nhất để chữa trị những người bệnh nặng. Molnupiravir là thuốc đang được thử nghiệm, nhưng kết quả ban đầu cho thấy rất tiềm năng nên ĐSQ đã giới thiệu về trong nước để tiến hành thử nghiệm. Kinh nghiệm là phải đi trước đón đầu.

Tuy nhiên, việc tìm nguồn vắc-xin không có đột phá cho đến tháng 11/2021. Lý do chính là ngay trước thời điểm Việt Nam đẩy mạnh ngoại giao vắc-xin, Ấn Độ đã trở thành tâm dịch lớn thứ hai thế giới, số ca nhiễm, tử vong có giai đoạn cao nhất thế giới. Quy mô dân số Ấn Độ khổng lồ, khiến việc sản xuất vắc-xin và thuốc chữa bệnh trong thời gian ngắn không kịp với nhu cầu. Từ một nước xuất khẩu vắc xin và thuốc, Ấn Độ tình trạng thiếu nghiêm trọng vắc-xin, thuốc, thiết bị y tế trầm trọng. Chính phủ Ấn Độ đã đứng trước quyết định khó khăn là phải dừng xuất khẩu và viện trợ để ưu tiên chương trình tiêm chủng trong nước.

Khi làn sóng hai đã được kiểm soát, người dân Ấn Độ vẫn lo ngại và sẵn sàng tâm lý ứng phó với làn sóng thứ ba, cấm xuất khẩu vắc-xin Covid-19 cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu khổng lồ trong nước; hạn chế xuất khẩu thuốc điều trị. Tuy nhiên, với dân số 1.3 tỷ người trên một lãnh thổ rộng lớn, tốc độ tiêm 8-9 triệu mũi mỗi ngày, sẽ mất cả năm để Ân Độ hoàn thành chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới. Do đó, Ấn Độ đã phải từ chối cả những nước láng giềng gần gũi nhất.

Trong bối cảnh đó, ĐSQ đã đàm phán và công ty Bharat Biotech đã đồng ý cung cấp cho Việt Nam 15 triệu liều vắc-xin trong 6 tháng. Công ty Biological E cũng hứa sẵn sàng cung cấp vắc xin cho Việt Nam khi hoàn thành thử nghiệm, cấp phép. Tuy nhiên, thủ tục tại Ấn Độ rất phức tạp, và do lệnh cấm xuất khẩu của chính phủ nên các thỏa thuận này không triển khai. Đến khi Ấn Độ mở cửa trở lại thì ta cũng cơ bản đủ nguồn, vấn đề vắc-xin không còn quá cấp bách.

NĐT: Trong bối cảnh đầy những khó khăn đó, Đại sứ có thể cho biết công tác ngoại giao y tế, ngoại giao vắc-xin của cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ đã được xúc tiến như thế nào?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Có thể nói, công tác ngoại giao y tế, ngoại giao vắc xin là trọng tâm trogn thời kỳ dịch bệnh. Ngoại giao y tế, ngoại giao vắc xin là hai chiều, nghĩa là hơp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lần nhau. Khi Ấn Độ gặp khó khăn, ta chủ động giúp đỡ, hỗ trợ bạn. Khi dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, Ấn Độ cũng dành nguồn lực để chia sẻ với Việt Nam. Hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác để đảm bảo nguồn cung thuốc men, trang thiết bị y tế, ô-xi, phối hợp để phát triển vắc xin … Có thể thấy, ngoại giao y tế tại ĐSQ đã được triển khai nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có ưu tiên riêng.

Ở giai đoạn đầu tiên vào khoảng tháng 9-12/2020, trải nghiệm vô cùng đặc biệt tháng 10/2020 với 86% tổng số cán bộ, nhân viên bị lây nhiễm covid trong quá trình hoạt động đối ngoại và bảo hộ công dân giúp các nhà ngoại giao thấu hiểu sâu sắc những tác động to lớn và nghiêm trọng của đại dịch covid-19, ý nghĩa của sự san sẻ, hỗ trợ về tinh thần, vật chất, thiết bị y tế trong công cuộc chống dịch vì nhận định ai cũng có thể bị nhiễm. ĐSQ đã ngay lập tức tìm hiểu, theo sát tình hình và tiến độ sản xuất các loại vắc-xin covid-19 tại Ấn Độ; kết nối, xúc tiến gặp gỡ các doanh nghiệp thuốc, vắc-xin của Ấn Độ để tìm kiếm hợp tác và hỗ trợ, cung cấp vắc-xin cho Việt Nam; sẵn sàng tâm thế triển khai phục vụ đất nước khi đất nước cần. Các đối tác Ấn Độ sẵn sàng cung ứng cho Việt Nam. Riêng Viện Serum (Serum Institute of India) không thể cung ứng vắc-xin Covishield do không được phía Tập đoàn AstraZeneca cấp phép.

Giai đoạn tháng 1-3/2021, Ấn Độ thể hiện hình ảnh cường quốc về vắc-xin và thuốc, triển khai thử nghiệm các loại vắc-xin, nổi bật là Covaxin của Bharat Biotech; cung cấp 66 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho hơn 90 quốc gia trên thế giới thông qua các hình thức viện trợ, bán, cung cấp qua cơ chế phân bổ vắc-xin COVAX của thế giới. ĐSQ phối hợp liên hệ với các công ty để mua vắc-xin và đã có nhiều báo cáo về các vắc-xin của Ấn Độ, kết nối và tổ chức 2 cuộc gặp Thứ trưởng Bộ Y tế của Việt Nam với các đối tác Ấn Độ. Các công ty Ấn Độ phản hồi rất tích cực, thiện chí. Tuy nhiên, thời điểm này vắc-xin Việt Nam muốn mua là Covishield (Astra Zeneca) không thể thực hiện do Viện Serum không được Astra Zeneca cấp phép để xuất khẩu cho Việt Nam. Vắc-xin Covaxin do Ấn Độ tự phát triển và sản xuất lại chưa được cấp phép.

Từ tháng 4-6/2021, Ấn Độ bước vào làn sóng covid thứ hai kinh hoàng, rơi vào khủng hoảng trầm trọng về vắc-xin, thuốc và thiết bị y tế chống dịch. Lần đầu tiên trong hàng chục năm, Ấn Độ chấp nhận tiếp nhận viện trợ oxy, thiết bị y tế từ các nước khác, chấp nhận nhập khẩu vắc-xin và sẵn sàng tiếp nhận vắc-xin theo chương trình hỗ trợ của Mỹ dành cho các nước châu Á. ĐSQ đã nhanh chóng huy động các nguồn lực trong nước để trợ giúp khẩn cấp cho Ấn Độ hàng trăm máy thở, máy nén oxi, ô-xi y tế và khẩu trang. Bạn rất biết ơn và đánh giá cao Việt Nam về sự giúp đỡ kịp thời. Lúc này, tình hình dịch tại Việt Nam nóng dần lên. ĐSQ đã kết nối để có các cuộc làm việc ba bên giữa ĐSQ, BYT và Công ty Bharat Biotech nhưng chưa đi đến hợp đồng mua bán giữa hai bên. Đại sứ tiếp tục các nỗ lực vận động từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuy nhiên Bạn còn đang rất khó khăn.

Từ tháng 7-10/2021, tình hình dịch tại Ấn Độ dịu bớt nhưng vắc-xin vẫn trong tình trạng vô cùng khan hiếm. Tỉ lệ tiêm vắc-xin tại Ấn Độ nằm trong top rất thấp của thế giới. Ấn Độ tiếp tục cấm cung cấp vắc-xin ra bên ngoài. Thuốc điều trị không còn bị cấm xuất khẩu, nhưng vẫn trong trạng thái hạn chế với vô số thủ tục cấp phép liên quan tới rất nhiều bộ, ngành. Phải đến tháng 11/2021, tình hình sản xuất vă tại Ấn Độ mới dần bình thường trở lại vì bước đầu đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Thời điểm đó, tại Việt Nam, tình hình dịch ngày càng phức tạp. ĐSQ đã chuyển toàn bộ trọng tâm hoạt động sang tìm kiếm các nguồn vắc-xin, thuốc và thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu trong nước. Lãnh đạo ĐSQ đã thành lập “Nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vắc-xin”, huy động toàn bộ lực lượng chủ chốt của ĐSQ vào cuộc; làm việc với 200% công suất; tổ chức hàng chục cuộc làm việc với các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan và nhiều chính khách, nghị sĩ có nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực, có những ngày thực hiện tới 7-10 buổi làm việc cuộc gặp trực tuyến mỗi ngày, tranh thủ từng giờ từng phút với mong muốn các bệnh nhân sớm có thuốc điều trị kịp thời.

NĐT: Với sự nỗ lực vượt khó như vậy, xin Đại sứ có thể cho biết công tác ngoại giao y tế, ngoại giao vắc-xin của cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ đã đạt được những kết quả đạt như thế nào?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Đại sứ Phạm Sanh Châu: Với sự chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt, công tác ngoại giao y tế, ngoại giao vắc-xin của ĐSQ đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cụ thể là ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ là CQĐD đầu tiên phát hiện thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir và đã báo cáo trực tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thủ tướng Chính phủ, đề xuất mua thuốc này. Trên cơ sở phát hiện và đề xuất của ĐSQ, Bộ Y tế đã đưa Molnupiravir vào túi thuốc điều trị F0 tại Việt Nam, qua đó giúp giảm 50% tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân Covid-19.

Đặc biệt, ĐSQ đã thu xếp, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mua số lượng lớn tiền chất API và tiếp nhận chuyển giao công nghệ thuốc Molnupiravir – một loại thuốc được coi là “vũ khí chiến lược” trong điều trị Covid-19 và được Bộ Y tế Việt Nam đánh giá có hiệu quả cao trong điều trị, giảm lượng virus rõ rệt chỉ sau 5 ngày sử dụng, giúp giảm giá thành so với mua thuốc từ một số địa bàn khác.

Kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Ấn Độ, vận động chính phủ Ấn Độ cấp phép xuất khẩu thuốc đặc trị Covid-19 cho Việt Nam. Hiện tại Ấn Độ đã cấp phép xuất khẩu 2,2 triệu lọ Remdisivir cho Việt Nam để chữa trị các bệnh nhân nặng.

Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc xin. Với sự hỗ trợ của ĐSQ, Công ty Nanogen của Việt Nam đã ký MOU về đánh giá khả năng sinh miễn dịch của vắc-xin Nanocovax với Viện KHCN Y tế Ấn Độ THSTI – một trong 10 cơ sở trên toàn thế giới được cấp phép để kiểm nghiệm vắc-xin Covid-19). ĐSQ cũng hỗ trợ Công ty Polyvac Việt Nam ký kết MOU nhận chuyển giao công nghệ đóng lọ vắc-xin Covaxin từ Công ty Bharat Biotech của Ấn Độ.

Đồng thời, trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Công ty Bharat Biotech của Ấn Độ cam kết cung cấp cho Việt Nam 15 triệu liều vắc-xin Covaxin trong 6 tháng sau khi được chính phủ cấp phép. Công ty Bilogical E khẳng định sẽ ưu tiên cung cấp vắc-xin Corbevax cho Việt Nam trong Quý I/2022.

Khi dịch bệnh diến biến xấu ở Tp. Hồ Chí Minh, Ấn Độ đã cử tàu hải quân chở 100 tấn ô-xy y tế lỏng và 300 máy nén ô-xy cập cảng Tp. HCM (tháng 8/2021).

ĐSQ cũng có nhiều báo cáo kiến nghị đối với công tác phòng chống dịch trong nước đặc biệt về kinh nghiệm phòng chống dịch; điều trị bệnh nhân covid-19; kinh nghiệm Ấn Độ vượt qua khủng hoảng làn sóng thứ hai; tiêm và triển khai vắc-xin; ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát dịch…

Cuối cùng, ĐSQ đang cố gắng khơi thông, thúc đẩy dự án Công viên dược phẩm, một dạng khu công nghiệp, khu kinh tế chuyên về nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm tại Việt Nam. Hợp tác với Ấn Độ có thể giúp Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm thuốc, vắc xin, tạo ra sự tự chủ về y tế. Nếu dự án thành công, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất dược phẩm mới của khu vực và thế giới.

ĐSQ được những thành công trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, lãnh đạo Bộ ngoại giao và sự phối hợp của nhiều bộ ngành, địa phương, sự khuyến khích và cổ vũ của nhân dân. Nhân dịp Tết đến Xuân về, tôi xin chân thành cám ơn sự hỗ trợ quý báu đó và xin chúc mọi người, mọi nhà một năm mới bình an, nhiều sức khỏe. Chúc Đất nước sớm chiến thắng đại dịch.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ. Kính chúc Đại sứ và gia đình năm mới mạnh khoẻ, an khang, thịnh vượng và nhiều thành công mới!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 5, 03/02/2022 | 11:06