“Bệnh viện nơi chúng tôi làm việc vô cùng đặc biệt. Đa phần mọi người không hề biết nó đã tồn tại và cũng không hề mong muốn nó tồn tại. Bệnh nhân chẳng ai muốn đến, chẳng ai muốn nhớ. Lâu dần, mọi người thường gọi cơ quan chúng tôi là “bệnh viện bị quên lãng”. Chúng tôi là bác sĩ của bệnh viện 09 – chuyên chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS”.

sutit

Bệnh viện 09 nằm lặng lẽ bên con đường 70A (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) đông đúc nhộn nhịp. Cánh cổng nơi đây luôn rộng mở, nhưng không nhiều người ra vào. Dù thành lập được một thập kỷ, nhưng cái tên bệnh viện 09 có lẽ còn khá xa lạ với nhiều người. Và có lẽ khi biết đến chức năng nhiệm vụ của bệnh viện, chẳng ai còn muốn nó tồn tại. Đây có thể xem là một bệnh viện đặc biệt. Nơi đây có rất nhiều người đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Bệnh nhân vào bệnh viện 09 đa số đều để trống phần khai báo về nhân thân, từ chối cung cấp số điện thoại và địa chỉ liên lạc khi cần thiết. Một phần nhỏ họ sợ người thân đau lòng, số nhiều còn lại bị gia đình từ mặt, chối bỏ. Những ngày tháng cuối đời của họ gây ám ảnh không ít cho các bác sĩ nơi đây bởi họ không chỉ vật vã với những cơn đau “chết đi sống lại” mà còn chịu đựng điều khủng khiếp từ chính sự kỳ thị từ cộng đồng, thậm chí là từ cả những người thân trong gia đình.

Theo tìm hiểu, số lượng bệnh nhân điều trị tại đây sau khi mất đi có người thân đến đón về mai táng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Số còn lại đều không có người thừa nhận. Dường như tất cả đều chìm vào quên lãng, chẳng ai muốn nhớ đến bệnh viện đặc biệt này.

Cái không khí ngột ngạt ở nơi này cũng chẳng giống với những bệnh viện khác bởi sự cô đơn, buồn bã đến khô khốc. Chính tâm lý đó đã đẩy họ vào ngõ cụt, suy nghĩ tiêu cực, thậm chí bất hợp tác với bác sĩ trong quá trình điều trị, khiến cửa tử mở ra nhanh hơn trước mắt mỗi bệnh nhân.

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Quỳnh (SN 1972 – trú tại Bắc Ninh, bệnh nhân khoa Hồi sức – Cấp cứu) trải lòng: “Bố mẹ tôi chia tay từ khi tôi còn rất nhỏ. Sau đó, tôi được mẹ đưa đến nhà ông bà ngoại. Có lẽ vì thương tôi phải xa cả bố lẫn mẹ từ thuở bé nên ông bà ra sức chiều chuộng. Do gia đình ông bà có điều kiện nên tôi được tiêu pha thoải mái. Dần dần tôi giao du với đám bạn xấu. Chúng rủ tôi vào con đường nghiện ngập. Và cứ thế tôi nghỉ học, sống buông thả, lao vào hút chích để rồi đau đớn phát hiện mình bị HIV vào thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ. Tôi cô đơn cho đến tận bây giờ”.

Giờ đây, khi mang trong mình căn bệnh HIV, anh đi lại khó khăn, cả ngày hầu như chỉ nằm trên giường, nhìn vô định xung quanh.

“Đã có lúc, thấy người bạn cùng phòng ra đi, tôi đã ước mình cũng được như họ. Có lẽ, với những người bị bệnh HIV giai đoạn cuối như tôi, cái chết không hề đáng sợ, đáng sợ nhất vẫn là sự cô đơn”, đôi mắt rươm rướm, bệnh nhân U50 kể lại nỗi buồn khó tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng- Trưởng khoa Nội bệnh viện 09 cho biết, đến bây giờ anh vẫn không quên kỷ niệm về một chàng trai trẻ quê Nam Định bị nhiễm HIV giai đoạn cuối. Cậu từng tâm sự với bác sĩ, do ham chơi, bị bạn bè rủ rê nên sớm lao vào con đường nghiện hút. Cuộc chơi đó chỉ dừng lại khi cậu phát hiện mình bị HIV.

Bác sĩ Hưng chia sẻ: “Khi thấy mình sức khỏe đã yếu đi, chàng thanh niên đó đã đến nói với tôi nguyện ước cuối cùng là được bố mẹ tha thứ. Lúc đó, tôi nhanh chóng lần theo hồ sơ bệnh án gọi điện cho người nhà bệnh nhân thông báo về tình trạng sức khỏe, mời gia đình đến thăm và nhìn mặt con lần cuối. Giọng nói khô khốc vang lên từ phía đầu dây bên kia: “Nó đã chết chưa? Khi nào chết hẳn hãy gọi điện cho chúng tôi” khiến tôi nghẹn lòng”.

Bất giác bác sĩ Hưng thấy sợ. Sợ bởi anh không biết sẽ phải thông báo ra sao với ánh mắt của chàng trai trẻ hy vọng bố mẹ mình đang đến. Sợ bởi anh sẽ phải làm gì để giúp cậu ấy bình tâm chống trọi với nỗi đau bệnh tật vào những ngày cuối đời khi không có người thân bên cạnh.

Không khí im lặng bao trùm, chàng trai trẻ ngân ngấn nước mắt rồi lê từng bước chân nặng nề về giường bệnh. Sau đó ít hôm, cậu đã không đủ sức chờ đợi được sự tha thứ, nhìn nhận từ bố mẹ. Cậu ấy đã ra đi trong đau khổ và dằn vặt. Và họ cũng chẳng đến đón đứa con một thời lầm lỡ về nhà như lời hứa vào đêm giao thừa.

Cũng như bao bệnh nhân khác, cậu đã được các bác sĩ tại bệnh viện 09 lo mai táng. Ban tang lễ sẽ chuẩn bị một quan tài, một bát hương, một bát cơm, một quả trứng đến đón bệnh nhân về an táng. Phía bệnh viện cũng cử người làm lễ khâm liệm rồi đưa ra xe chở đi.

Một kiếp người, một chiếc xe tang, một chiếc quan tài và không một người thân nhỏ lệ. Cuối cùng chỉ những người khoác áo blouse tiễn biệt họ về thế giới bên kia…

Cứ mỗi lần như thế, những bệnh nhân còn lại sẽ xếp hàng nhìn người ta làm thủ tục lo cho người xấu số đã đi trước, ánh mắt thất thần, suy tư. Đợi đến khi thủ tục xong xuôi, các bệnh nhân vẫn dõi ánh mắt nhìn theo chiếc xe tang cô quạnh đến khi nó đi khuất, rồi không ai bảo ai câu nào, lặng lẽ quay về phòng bệnh bàn tán xôn xao hồi lâu rồi mỗi người mỗi góc, ném ánh nhìn vô định vào không gian.

Câu chuyện đã qua một thời gian nhưng vẫn để lại không ít ám ảnh với đội ngũ bác sĩ trực hôm đó. Sự ra đi trong đau đớn và lời từ chối gặp mặt con lần cuối của bố mẹ bệnh nhân làm cho họ thương cảm và xót xa. Ngày hôm bệnh nhân xấu số đó đi xa, bầu trời u ám như muốn nhuộm thêm mảng màu đen tối cho bức tranh ảm đạm đằng sau cánh cổng yên bình đến kỳ lạ của bệnh viện này.

sutit

Bác sĩ Nguyễn Đức Chung – Phó Giám đốc bệnh viện 09 cho biết, chẳng riêng gì những người mang trong mình căn bệnh HIV mới bị phân biệt đối xử, ngay cả những bác sĩ điều trị tại bệnh viện cũng đối mặt với sự kỳ thị đến đau đớn.

Anh chia sẻ, đi đến đâu khi giới thiệu mình là bác sĩ bệnh viện 09, đa phần câu hỏi đầu tiên sẽ là bệnh viện chuyên về chữa bệnh gì. Và sau khi nhận được trả lời, họ đều nhìn mình bằng ánh mắt dò xét và giữ khoảng cách giao tiếp nhất định. Nhiều bác sĩ bắt xe ôm, taxi đến cơ quan làm việc họ còn không chở khi biết địa điểm đến là bệnh viện 09. Xung quanh bệnh viện cũng chẳng có quán ăn hay cửa hàng dịch vụ, bởi chẳng ai muốn bán và sẽ chẳng ai dám đến ăn ở gần đây.

Bác sĩ nam đã vậy, bác sĩ nữ tại bệnh viện 09 còn có những nỗi khổ khó nói thành lời.

Bác sĩ Nguyễn Thị Sinh – Phó trưởng khoa Khám bệnh kể lại: “Đối với mọi người, khi tan làm về với gia đình, ai cũng muốn chia sẻ công việc của 1 ngày để xua tan mệt mỏi. Nhưng với chúng tôi lại khác, dù có khó khăn, nguy hiểm thế nào, chúng tôi đều phải giấu gia đình vì không muốn họ lo lắng. Ở bệnh viện 09, có một bác sĩ nữ rất xinh đẹp chuẩn bị kết hôn. Thế nhưng bi kịch lại bắt đầu khi gia đình chồng cương quyết không chấp nhận. Bị từ hôn ngay sát ngày cưới, cô như người mất trí. Sau đó, nữ bác sĩ cũng rời bỏ bệnh viện vì không muốn bất hạnh thêm một lần nữa”.

Chia sẻ với PV về những tâm tư của các bác sĩ bệnh viện 09, bác sĩ Nguyễn Đức Chung bày tỏ: “Hãy đối xử với bệnh nhân của chúng tôi một cách công bằng. Dù họ có lầm lỗi hãy trao cho họ một cơ hội để họ có cuộc sống như bao người. HIV/AIDS không hề đáng sợ, mà sự kỳ thị, vô cảm giữa con người với con người mới là điều sợ hãi nhất”.