Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê, để đi tìm lời giải cho những câu hỏi về CRS ở Việt Nam.
Người Đưa Tin (NĐT): Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tức là doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm công dân của họ. Hiện tại, trách nhiệm ấy đang được doanh nghiệp thực hiện thế nào, thưa ông?
Ông Lê Quốc Vinh:Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã là một phần trong hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp từ rất lâu nhưng cách làm đang thay đổi dần theo thời gian. Đầu tiên, những người có thu nhập từ xã hội làm từ thiện để được ủng hộ và bảo vệ, rồi họ coi như nghĩa vụ phải trả lại cho xã hội một phần lợi tức của mình thông qua các hoạt động thiện nguyện dành cho người yếu thế. Nhìn lại quá khứ chúng ta có thể thấy, những mệnh phụ phu nhân thường tìm người khó khăn để giúp đỡ. Họ làm vậy mục đích đầu tiên là giúp cho tâm mình an. Thế nhưng, khái niệm trách nhiệm xã hội dần thay đổi.
Sau giai đoạn hướng thiện để tâm an, CSR chuyển sang thời đại của marketing, quảng bá hình ảnh của mình. Ở giai đoạn này, trách nhiệm xã hội là một yêu cầu mang tính nhân văn và là điều kiện làm ăn giữa các doanh nghiệp có trách nhiệm toàn cầu. CSR được xây dựng như một chiến dịch để quảng bá thương hiệu của mình.
Ở giai đoạn tiếp theo, CSR trở thành một phần của chiến lược kinh doanh và vận hành doanh nghiệp. Nói một cách dễ hiểu là các doanh nghiệp thu hút nhân lực bằng một môi trường làm việc lành mạnh, phát triển chuỗi giá trị bằng nguồn cung ứng nguyên vật liệu từ những thị trường đang nổi và nuôi dưỡng một xã hội ổn định, tiến bộ vì sự phát triển chung.
CSR là xu hướng tất yếu của tương lai nếu doanh nghiệp tìm kiếm hướng phát triển bền vững
Hiện tại, CSR đã chuyển sang giai đoạn thích ứng với xã hội. Wayne Visser, tác giả cuốn Towards Transformative Business, cho rằng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ chuyển dịch qua 5 giai đoạn và CSR của hiện tại được ông gọi là CSR 2.0.
NĐT: Khi thực hiện CRS 2.0, doanh nghiệp sẽ chuyển mình ra sao, thưa ông?
Ông Lê Quốc Vinh: CRS 2.0 tức là các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh để phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững. Hoạt động CSR không chỉ đơn giản là đền bù cho những tổn thất của mẹ trái đất mà là đáp ứng với các thách thức toàn cầu. Các doanh nghiệp thay vì khai thác tài nguyên, hoặc phát triển bằng mọi giá, rồi mang một phần lợi nhuận bù đắp cho các thiệt hại về môi trường và xã hội, thì đang chuyển dịch theo hướng tìm đến những nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm rác thải ra môi trường, thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh để sử dụng được nhiều hơn nguồn lực lao động yếu thế,…
Chiến dịch Đà Nẵng tình người do tập đoàn Sun Group phát động ủng hộ người dân Đà Nẵng trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát
Cũng có thể các doanh nghiệp tính đến sự ổn định bền vững trong dài hạn cho thị trường và xã hội, đầu tư cho các hoạt động an sinh quy mô lớn. Ví dụ như, trong 2 năm Việt Nam phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam như tập đoàn VinGroup, Sun Group, Thaco, Sovico, Vạn Thịnh Phát và nhiều công ty, ngân hàng khác… đã quyên góp hàng ngàn tỷ đồng để mua vắc-xin, thiết bị y tế, thuốc men. Các doanh nghiệp hiểu rằng hoạt động kinh doanh của họ gắn liền với xã hội và trong tình hình hiện tại, chỉ khi đạt được miễn dịch cộng đồng bằng tiêm phủ vắc-xin thì hoạt động kinh doanh mới có thể trở lại bình thường. Đó chính là hành động hướng đến CRS 2.0, thích ứng với xã hội.
NĐT: Nhiều người vẫn cho rằng CSR thực chất chỉ là cách làm thương hiệu của doanh nghiệp, quan điểm của ông?
Ông Lê Quốc Vinh: Nói thế cũng không sai. Có doanh nghiệp bỏ ra khoản tiền rất lớn và thông qua những khoản tiền đó, họ quảng bá hình ảnh của mình trên các phương tiện truyền thông. Đó cũng là đóng góp cho xã hội nhưng mang tính chất marketing nhiều hơn. Tuy nhiên, khái niệm về CSR đã thay đổi rất nhiều, các doanh nghiệp, doanh nhân đã có một cái nhìn khác về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Tập đoàn VinGroup đóng góp không ngừng cho cuộc chiến chống Covid-19
Đương nhiên không phải tất cả mọi người đều thay đổi, tất cả doanh nghiệp đều hướng đến CSR 2.0. Nhiều doanh nghiệp vẫn làm CSR theo kiểu marketing từ giai đoạn đầu. Điều này có tốt không? Tốt. Đó là những đóng góp thiết thực cho xã hội và cần được khuyến khích nhưng nó không mang lại giá trị bền vững. Nếu chúng ta tạo được thêm nhiều công ăn việc làm cho người yếu thế để giúp họ có thêm thu nhập thì không cần bỏ ra số tiền rất lớn để làm từ thiện. Vì vậy, nếu doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động kinh doanh để thích ứng với xã hội thì sẽ mang đến sự phát triển bền vững hơn.
Qua thực tiễn, các doanh nhân nhận ra rằng việc chung sống, đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội quan trọng hơn bù đắp lại thổn thất từ quá trình kinh doanh. Đó là lý do có những công ty đưa CSR vào mô hình sản xuất kinh doanh, ví dụ như TokyoLife. TokyoLife xây dựng chiến lược kinh doanh với mục tiêu trở thành môi trường làm việc hạnh phúc dành cho người khuyết tật, bằng cách thiết kế trải nghiệm phù hợp, đưa vào mô hình kinh doanh những vị trí công việc dành cho người khuyết tật, và quan trọng nhất là xây dựng môi trường thân ái, bình đẳng. Điều này đã giúp người khuyết tật được tham gia vào hoạt động chung, được lao động, được kiếm tiền và mang lại giá trị cho xã hội. Những công ty như thế này càng phát triển bao nhiêu thì giá trị mang lại cho xã hội càng lớn bấy nhiêu. Điều này ngược lại với phương thức CSR kiểu cũ tức là ông cứ kiếm tiền, cứ làm giàu, cứ tàn phá và sẽ “trả lại” một phần nhỏ sau đó.
Bù đắp cho những thiệt hại đã gây ra không phải tệ, cũng tốt thôi, nhưng sẽ không tốt bằng việc chúng ta có những doanh nghiệp hướng tới sự bền vững và bảo vệ môi trường ngay từ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
NĐT: Thực hiện CRS phụ thuộc vào phương châm hành động, quan điểm định hướng và ý thức của từng doanh nghiệp, doanh nghiệp ý thức cao sẽ làm nhiều, ý thức bình thường sẽ làm ít và không ý thức thì không làm. Nếu thế, biết đến bao giờ chúng ta mới thấy được viễn cảnh các doanh nghiệp làm CSR giống như thực hiện “trách nhiệm công dân”, không thể không làm?
Ông Lê Quốc Vinh: Khi chọn đối tác làm ăn, thông thường người ta sẽ chọn những người đáng tin cậy. Đó là những người thể hiện các trách nhiệm của họ đối với xã hội, bởi không ai thích hợp tác với người không có trách nhiệm. Ở các nước phát triển, khi tìm đối tác, họ sẽ xem xét doanh nghiệp đó có thực hiện trách nhiệm với xã hội, với môi trường, với người lao động hay không? Điều này buộc doanh nghiệp Việt Nam phải hoạt động hay xây dựng quy trình sản xuất theo những tiêu chuẩn mang lại giá trị bền vững cho xã hội, ví dụ như Hệ thống tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14000.
Áp lực này khiến các doanh nghiệp phải tự hiểu về việc cần có trách nhiệm với cộng đồng. Bởi, anh không thể sống theo cách riêng của mình, vì nếu như thế sẽ chẳng ai chơi với anh. Doanh nghiệp muốn có đối tác, muốn hoạt động kinh doanh ngày càng tốt hơn, phải tuân thủ luật chơi chung của thế giới. Lúc này, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi về cách họ làm CSR.
NĐT: Nếu vậy, phải chăng bản chất của việc làm CSR cũng chỉ nhằm mục đích xây dựng thương hiệu hòng tìm kiếm đối tác?
Ông Lê Quốc Vinh: Không, đó là sự chuyển hướng mang đến lợi ích kép, cho cả doanh nghiệp và xã hội. Khi doanh nghiệp hướng đến CRS 2.0, họ thực hiện trách nhiệm của mình không chỉ vì xã hội yêu cầu mà tự thân nhận ra phải thích ứng với xã hội để cùng tồn tại bền vững. Có những doanh nghiệp đã thay đổi mô hình kinh doanh, thậm chí có doanh nghiệp còn thay đổi cả sản phẩm khi nhận ra nó không còn phù hợp với các mục tiêu phát triển, ví dụ như An Phát Holdings.
Trước đây, An Phát Holdings nổi tiếng về sản xuất túi nhựa, là công ty xuất khẩu túi nhựa sang Nhật Bản và châu Âu thuộc loại hàng đầu. Nhật Bản có hệ thống xử lý rác thải nhựa rất tốt, họ có thể xử lý hoàn toàn loại rác thải này, nhưng đa số các quốc gia trên thế giới đều mong muốn sẽ dùng các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường. Đó là những loại túi không làm từ dầu mỏ mà làm từ ngô, khoai, sắn. Những loại túi này khi không sử dụng nữa sẽ phân huỷ hoàn toàn sau một thời gian nhất định. Nó không gây hại cho môi trường giống như một số chế phẩm chỉ phân rã. An Phát Holdings đã hướng đến CSR 2.0 bằng việc phát triển các sản phẩm phân huỷ sinh học thay thế nhựa dùng một lần.
Bộ sản phẩm sinh học phân huỷ hoàn toàn AnEco của Tập đoàn An Phát Holdings
Vietnam Airlines cũng là một ví dụ của việc dịch chuyển theo hướng CSR 2.0. Vietnam Airlines quan niệm rằng nếu họ cứ tiếp tục sử dụng những loại máy bay cũ thì phát thải ra môi trường sẽ rất nhiều, trồng bao nhiêu cây cũng không đủ. Vietnam Airlines đã nhanh chóng chuyển dịch sang chiến lược mua máy bay mới, loại bỏ dần những máy bay đời cũ để hạn chế phát thải ra môi trường.
Bên cạnh những doanh nghiệp hướng đến môi trường cũng có doanh nghiệp hướng tới thương mại công bằng. Công ty mỹ phẩm, thực phẩm sẽ mua nguyên vật liệu ở những vùng khó khăn, của những người nông dân gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm của mình để làm nguyên vật liệu. Điều này sẽ mang đến nguồn thu cho những người nông dân, từ đó tạo ra sự phát triển ổn định và hướng dẫn đến sự phát triển chung của xã hội.
Các tàu bay thế hệ mới của VNA đều thỏa mãn tiêu chuẩn về khí thải và giảm nhiên liệu tiêu thụ. (Ảnh Boeing).
NĐT: Nhìn vào sông Tô Lịch, nhìn vào các chỉ số không khí của Hà Nội chúng ta đều thấy môi trường chưa được bảo vệ đúng mức. Có vẻ như số doanh nghiệp hướng đến CSR 2.0 chưa đủ về Lượng để tạo nên thay đổi về Chất?
Ông Lê Quốc Vinh: Xu hướng CSR 2.0 đã phát triển trên thế giới từ nhiều năm nay nhưng chưa phải là xu thế chủ đạo. Trên thực tế, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp làm CSR theo kiểu cũ hoặc thậm chí không làm CSR. Nhìn vào thực tế này chúng ta phải trở lại với vai trò của các nhà hoạt động xã hội. Họ phải có trách nhiệm vận động doanh nghiệp chuyển mình để thích ứng với xã hội, thay vì khai thác tự do rồi trả lại một phần. Phải để doanh nghiệp thấy, đó là một xu thế tích cực.
Hiện tại, môi trường vẫn bị tàn phá, phân biệt giàu nghèo ngày càng gia tăng, đó là một xu thế khó cưỡng. Nhưng, nếu có nhiều doanh nghiệp đi theo xu hướng CSR 2.0 thì mức độ tàn phá của môi trường và những bất cập trong xã hội sẽ giảm đi.
Chúng ta phá huỷ một cánh rừng vài chục hecta chỉ trong vài ngày nhưng nếu để trồng lại sẽ mất vài chục năm. Ai cũng thấy điều đó là không ổn. Ở Bhutan, chặt cây là vi phạm pháp luật nên không ai chặt cây cả. Không chặt nên Bhutan không phải trồng cây để bù lại…
Chúng ta đều hiểu, cứ phát triển tự nhiên như bây giờ thì sự hủy hoại, sụp đổ của trái đất sẽ sớm đến. Ngược lại, nếu chúng ta tăng cường các giải pháp kinh doanh không gây tổn hại đến môi trường thì trái đất sẽ được sống tiếp và cùng với đó là sự phát triển của các doanh nghiệp. Sẽ rất khó để trả lời cho câu hỏi khi nào đủ Lượng để đổi Chất, bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng, thực tế cho thấy CSR 2.0 đã được nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng đến.
NĐT: Chuyển hướng CRS 2.0 là điều không phải doanh nghiệp nào cũng làm được bởi nhiều lý do. Nếu không có chế tài mà chỉ dừng ở vận động thuyết phục thì e rằng phải rất lâu nữa CRS 2.0 mới trở thành xu hướng chủ đạo?
Ông Lê Quốc Vinh: Chế tài là cần thiết nhưng nó sẽ tốt hơn nếu như tự thân mỗi doanh nghiệp hiểu rằng đó là điều cần làm vì lợi ích của chính mình. Khi đó, doanh nghiệp làm vì sự sống còn của bản thân chứ không phải quy định khắt khe của Nhà nước.
Việc truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp hoạt động theo CSR 2.0 là điều cần thiết. Các doanh nghiệp cần phải thấy nó mang lại lợi ích thế nào? Họ cũng cần được truyền cảm hứng. Vận động có rất nhiều cách giống như tuyên truyền. Những công ty như TokyoLife đã chọn hành động không gây nguy hiểm cho xã hội thì chúng ta phải cho những doanh nghiệp khác thấy, họ đang làm tốt ra sao, qua đó truyền cảm hứng.
Vị anh hùng dân tộc, lãnh tụ tinh thần của người dân Ấn Độ Mahatma Gandhi đã có một câu nói rất nổi tiếng được nhiều người trích dẫn là, “Hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này”. Muốn xã hội không ô nhiễm thì bản thân mình phải không gây ra ô nhiễm nhưng cũng phải thể hiện điều đó để mọi người cùng biết. Phải có người nói doanh nghiệp ấy tốt ra sao để người khác được truyền cảm hứng. Những người làm truyền thông hay những nhà hành động xã hội phải làm việc đó. Để các doanh nghiệp chuyển hướng thì hành động hay vận động đều rất cần.
Đương nhiên, trong quá trình ấy phải có vai trò của những người làm chính sách. Chính sách cần thay đổi để tạo ra những điều kiện mới, những tiêu chuẩn mới để định hướng các doanh nghiệp phải đi theo. Hiện tại, xe sử dụng nhiên liệu xăng, dầu không bị hạn chế, người dân sẽ không có ý niệm về sự thay đổi nhưng nếu xe tiêu thụ nhiên liệu gây hại cho môi trường bị cấm thì doanh nghiệp, người dân sẽ phải chuyển hướng.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh CSR 2.0 không phải chỉ doanh nghiệp lớn mới làm được, ngay cả những doanh nghiệp nhỏ cũng hoàn toàn có thể thực hiện, ví dụ như Vụn Art. Vụn Art là một xưởng may nhỏ, chỉ khoảng 20 công nhân là những người khuyết tật. Con số 20 người là nhỏ, đóng góp cho xã hội của họ sẽ không nhiều nhưng như tôi đã nói, những doanh nghiệp như thế này càng phát triển thì xã hội càng được lợi.
Những doanh nghiệp nhỏ như Vụn Art hoàn toàn có thể thực hiện được CSR 2.0
NĐT: Ông vừa nhắc đến vai trò của chính sách trong việc đưa doanh nghiệp hướng đến CSR 2.0. Tại Việt Nam, vai trò ấy đang như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Quốc Vinh: Đây là một câu hỏi lớn, nếu như nói về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thì Việt Nam chưa có một chính sách thực sự mang tính khuyến khích. Tại nhiều nước, doanh nghiệp không bị đánh thuế hoặc các khoản đóng góp cho xã hội được đưa vào chi phí của doanh nghiệp, nhưng ở Việt Nam doanh nghiệp buộc lòng phải lấy từ lợi nhuận.
Có nên đưa các khoản đóng góp cho xã hội vào chi phí doanh nghiệp hay không là điều gây ra nhiều tranh cãi. Có người sợ rằng một chính sách như thế sẽ bị lợi dụng cho mục đích mờ ám như rửa tiền, vì vậy không nên áp dụng. Nhưng, những người ủng hộ chính sách này lại nói rằng bị thất thoát thuế nhưng xã hội được lợi cũng chẳng mất mát gì. Sự khác biệt là do quan điểm nhưng ở nhiều nước, đặc biệt ở các nước phát triển, họ khuyến khích để các doanh nghiệp ngày càng đầu tư nhiều cho xã hội. Người ta khuyến khích bằng cách không đánh thuế thu nhập trên những khoản đầu tư cho xã hội. Việt Nam chúng ta chưa có được những chính sách thực sự thiết thực.
Chính sách sử dụng người lao động yếu thế trong doanh nghiệp là một ví dụ cho thấy rất rõ điều này. Theo luật, các doanh nghiệp phải sử dụng 5% lực lượng lao động là người khuyết tật thì mới được miễn giảm thuế. Đối với một công ty có quy mô 100 người, 5% không phải là lớn nhưng với những công ty có đến hàng ngàn người thì con số 5% là không dễ thực hiện. Thế nên, việc quy định 5% là cứng nhắc, nó không khuyến khích cho doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh để sử dụng người khuyết tật. Bởi, khi sử dụng người khuyết tật, doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí khá lớn để thay đổi môi trường làm việc, quy trình làm việc và nhiều thay đổi khác để phù hợp với người khuyết tật nhưng chính sách lại chưa tính đến.
Chúng ta kêu gọi các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội nhưng lại chưa giúp đỡ họ thực hiện điều đó. Đây là bất cập.
TokyoLife và Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội kết hợp tiến hành các hoạt động nhằm phối hợp thực hiện dự án tạo việc làm cho người khuyết tật
NĐT: Vậy, làm thế nào để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện nhiều hơn trách nhiệm xã hội?
Ông Lê Quốc Vinh: Để các doanh nghiệp có nhận thức cao hơn về trách nhiệm xã hội chúng ta cần: Thứ nhất là phải thay đổi hệ thống chính sách, phải có những hỗ trợ cụ thể và thực chất. Thứ hai là phải có chương trình quốc gia lớn để điều tiết hoặc hướng dẫn cho các doanh nghiệp tham gia những chương trình cụ thể.
Hiện tại, các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội hoàn toàn tách biệt, mạnh ai nấy làm chứ không phải một phần của mục tiêu chung hay của kế hoạch chung. Giá trị mang lại sẽ cao hơn, bền vững hơn khi những hoạt động riêng rẽ đó được kết nối lại với nhau, hướng đến một mục tiêu chung. Nếu cứ mạnh ai nấy làm chúng ta không thể tạo được thay đổi lớn trong thời gian ngắn. Ví dụ như câu chuyện tạo việc làm cho người khuyết tật. Nhiều doanh nghiệp không sử dụng lao động là người khuyết tật vì không biết phải làm thế nào hoặc nếu muốn làm cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Nếu Nhà nước biến nó trở thành chương trình hành động thì sẽ tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn. Một cửa hàng của TokyoLife chỉ có thể mang đến việc làm cho 2 – 3 người khuyết tật, nhưng nếu Big C hay Vinmart tham gia chương trình thì con số sẽ rất lớn.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật có khả năng lao động hoặc mong muốn được lao động. Có việc làm cho 2,5 triệu người khuyết tật, nghe con số sẽ thấy mục tiêu ấy không phải quá khó nhưng với thực tế hiện này thì rất khó. Bởi, chúng ta thiếu chính sách khuyến khích.
Như tôi đã nói, những doanh nghiệp làm trách nhiệm xã hội theo kiểu cũ không có gì sai, nó cũng tốt. Nhưng, thực hiện trách nhiệm xã hội theo hướng thích ứng với xã hội sẽ mang đến kết quả bền vững hơn. Tất nhiên, khi thay đổi doanh nghiệp phải đầu tư thêm tiền tức là phải bớt lợi nhuận đi, nhưng nếu chúng ta muốn phát triển ổn định và lâu dài thì phải hy sinh. Người làm chính sách phải thấy rõ điều này và có những chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp.
NGUOIDUATIN.VN |