img img

img
Những khu nhà tập thể chật chội, cũ nát mà người lao động phải chen chúc để sống qua ngày

Trong khi những người dân, người lao động vẫn phải sống chui rúc trong những khu tập thể cũ nát, bất tiện, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm thì ngay trên những mảnh “đất vàng” giữa lòng Hà Nội, các toà chung cư mọc cao chọc trời lại bị bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm cao quá đầu người.

Có một nghịch lý hiển hiện giữa những thành phố lớn hiện nay khi nhà tái định cư bị bỏ hoang không người đến ở trong khi người dân thì vẫn miệt mài, mong ngóng được sở hữu riêng cho mình một nơi an cư nhưng không đủ khả năng chi trả.

img
Phóng viên ghi nhận cỏ mọc xanh rì tại những khu nhà tái định cư bỏ hoang không người sinh sống giữa lòng Thủ đô

img img

Năm 2018, UBND quận Thanh Xuân phê duyệt Dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân. Hai năm sau, quận này tiếp tục phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự án với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng gặp khó khiến dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Ông Trần Sỹ Hoàng (78 tuổi, Thanh Xuân) đang sinh sống tại một ngôi nhà nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng để mở rộng đường Nguyễn Tuân. Ông Hoàng cho biết, dù đã nhiều lần trao đổi kể từ năm 2020 đến nay nhưng gia đình ông cùng nhiều hộ dân khác tại đây chưa tìm được tiếng nói chung với cơ quan quản lý.

Cụ thể, hiện tại giá rao bán trên thị trường của căn hộ tại mặt đường Nguyễn Tuân dao động từ 300 – 400 triệu đồng/m2. Thế nhưng, mức giá mà quận Thanh Xuân đưa ra để đền bù cho người dân sinh sống tại khu vực này chỉ từ 6-9 triệu đồng/m2.

img
Các căn nhà toạ lạc trên mặt đường Nguyễn Tuân được rao bán trên thị trường hàng trăm triệu đồng/m2 được quận Thanh Xuân lên phương án đền bù giải phóng mặt bằng từ 6-9 triệu đồng/m2

Ngoài phương án nhận tiền, người dân còn một lựa chọn khác là di dời đến khu nhà ở tái định cư được xây dựng trên đường Nguyễn Xiển, Hà Nội. Tuy nhiên theo như ông Hoàng nêu, khi đến tham quan nhà mẫu thì toàn bộ người dân chỉ có thể lắc đầu ngao ngán.

“Cả toà nhà đã được xây dựng hàng chục năm, tình trạng bong tróc, nứt vỡ nghiêm trọng. Chưa kể gạch lát nền thì bật hết lên lởm khởm, nền nhà còn có tình trạng sụt lún. Hạ tầng xung quanh thì không có, chúng tôi đang sinh sống yên ổn ở đây, dại gì chuyển đến một nơi rủi ro đến tính mạng như vậy?”, ông Hoàng bức xúc.

Chia sẻ rõ hơn, ông Hoàng cho biết dù tình trạng nhà tái định cư cũ kỹ và thiếu an toàn nhưng nếu muốn đến ở, người dân vẫn phải chi trả giá tiền trên 20 triệu đồng/m2, trong khi nhà mặt đường Nguyễn Tuân chỉ được trả mức giá bèo bọt khiến người dân càng thêm bức xúc.

Theo ông Hoàng, không những phải trả thêm một khoản tiền lớn để mua nhà ở tái định cư, nếu chấp thuận, sẽ còn phải tốn thêm rất nhiều chi phí sửa chữa để có thể vào ở. Chưa kể dù có sửa chữa thì với tình trạng xuống cấp nặng nề như vậy, gia đình ông cũng như những người khác cũng sẽ phải đối mặt với nhiều tình huống thiếu an toàn.

Do đó, dù phương án đề bù tiền hay nhà tái định cư đều không được ông cũng như những hộ dân khác trên trục đường Nguyễn Tuân chấp thuận.

Ông Hoàng cũng nhấn mạnh, các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng rất muốn phối hợp với chính quyền để di dời, nhưng phải trong trường hợp được đền bù thoả đáng hơn hoặc khu vực tái định cư ít nhất là đảm bảo điều kiện sống cho người dân.

img

“Chúng tôi đa phần là cán bộ hưu trí, giờ bố trí cho chúng tôi mảnh đất ở Đông Anh, Sóc Sơn để sinh sống cũng được, không đòi hỏi gì nhiều. Nhưng phải hợp lý, chứ trả chưa tới 10 triệu đồng/m2 đất, nhà tôi 62m2 thì được tổng cộng bao nhiêu tiền? Mức tiền đền bù như này giờ mua cái chuồng trâu ở quê còn khó chứ nói gì đến mua nhà ở Hà Nội?”, ông Hoàng nói.

Chấp nhận nhường nhà, bán đất cho công tác giải phóng mặt bằng, chuyển về nơi tái định cư để sinh sống nhưng mong mỏi được “an cư” của nhiều người dân lại vẫn chỉ là giấc mơ.

Trú tại phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội, bà Lê Thị Vân (73 tuổi, Nam Trung Yên) trên đoạn đường nằm trong quy hoạch, gia đình bà Vân được chuyển về Khu tái định cư A6 Nam Trung Yên sinh sống kể từ năm 2012 với mức giá cần chi trả là 15 triệu đồng/m2 căn hộ.

Thế nhưng sau khoảng chục năm kể từ khi về “nhà mới”, căn chung cư mà bà được bố trí sinh sống xuất hiện nhiều dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Tường nhà có nhiều vết nứt loang lổ, hệ thống thang máy chập chờn thường xuyên hỏng hóc, từng mảng tường bong tróc thành mảng lớn… tiềm ẩn đầy rủi ro.

img
Phóng viên ghi nhận khu tái định cư A6 Nam Trung Yên xuống cấp nhưng không được quan tâm, tu sửa nhiều năm nay

Mặc dù rất muốn tu sửa nhưng kinh phí có hạn, người dân phải tự đóng góp và chi trả cho những khoản sửa chữa trong toà nhà, tiền quỹ bảo trì ít ỏi trong khi nguồn thu không nhiều khiến người dân lực bất tòng tâm, chỉ có thể hỏng đâu sửa đó một cách tạm bợ.

“Toà nhà tôi sống có 2 thang máy lớn và nhỏ, thang máy lớn đã hỏng mấy tháng nay nhưng không có người tu sửa, cư dân của cả toà nhà phải sử dụng chung 1 chiếc thang máy nhỏ chỉ lọt được vài người. Vì quá bất tiện, chúng tôi phải tự góp tiền với nhau để thuê thợ về sửa thang máy, dù đáng nhẽ các khoản này theo chúng tôi được đảm bảo ban đầu là sẽ do Nhà nước cung cấp cho người dân”, bà Vân nói.

Bà Vân cho biết tình trạng xuống cấp đã xảy ra từ nhiều năm nay, các hộ dân sinh sống tại đây đã nhiều lần kiến nghị, bày tỏ mong muốn được trùng tu, sửa chữa nhưng các cấp chính quyền vẫn bỏ ngỏ lời kêu cứu của cư dân.

Tuy đã tuổi cao, sức yếu nhưng bà Vân vẫn ngao ngán cho rằng nếu có kinh tế cũng sẽ chuyển nhà đi nơi khác chứ không muốn sống ở nơi đổ nát, hạ tầng xuống cấp như khu tái định cư này.

img img

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trên địa bàn nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng… hiện tượng các dự án căn hộ tái định cư bị bỏ hoang không hề hiếm gặp. Nhiều dự án có tỉ lệ lấp đầy thấp thậm chí có những dự án không hề có người sinh sống.

Tại Hà Nội, hiện trên địa bàn có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ và khoảng 4.000 căn chung cư bị bỏ hoang. Còn tại Tp.HCM, số lượng căn hộ tái định cư bị bỏ trống lên đến hơn 14.000 căn, tập trung nhiều tại khu tái định cư Bình Khánh, quận 2 (bỏ trống hơn 12.000 căn hộ) và khu tái định cư Vĩnh Lộc B, Bình Chánh (hơn 2.000 căn hộ bị bỏ trống).

Theo đó, chỉ tính riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM, con số căn hộ tái định cư bị bỏ hoang đã lên đến hơn 18.000 căn, không người ở nhưng hàng năm vẫn đang tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước để bảo trì, bảo dưỡng.

img

Trong khi tình trạng “thừa cung” xảy ra ở các dự án kể trên thì trên thị trường bất động sản, nguồn cung nhà ở, đặc biệt là phân khúc căn hộ vừa túi tiền lại đang sụt giảm nghiêm trọng. Nghiên cứu của VARS chỉ ra rằng trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt đang thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ có thể đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của người dân.

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ "Sáng nay, khi đi qua quận Hoàng Mai, tôi để ý tòa nhà chung cư ngày xưa được dùng làm nơi cách ly các nạn nhân Covid-19, hiện giờ vẫn để hoang. Hay nếu có dịp qua Gia Lâm, Chương Dương, dễ dàng nhận thấy hàng loạt căn hộ tái định cư đẹp đang bị để không lãng phí".

Dẫn số liệu hàng loạt toà nhà tái định cư trong tình cảnh “vườn không, nhà trống”, ông Hiếu chỉ ra thực trạng số lượng nhà chung cư hoang phế, xuống cấp rất nhiều trong khi giá chung cư đang lên rất cao, nhu cầu nhà ở nhiều và đề nghị cần có biện pháp quyết liệt, đồng bộ để đưa những tòa chung cư này vào sử dụng.

img

img img

Nhận định về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc xây dựng các căn hộ tái định cư tại Việt Nam đang bộc lộ nhiều điểm bất cập.

Đầu tiên phải kể đến việc các khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển. Chưa kể việc các khu tái định cư bị bỏ hoang đều có một điểm chung lớn nhất là không có cơ sở hạ tầng, môi trường sống thích hợp, tạo ra sinh kế, công việc, đem lại cho người dân được giải quyết tái định cư.

“Vừa xa trung tâm gây khó khăn cả về di chuyển lẫn đời sống sinh hoạt, lại không giải quyết được bài toán việc làm khiến người dân khó lòng mà tự nguyện chuyển đến sinh sống tại những căn hộ tái định cư này”, ông Võ nêu.

Bên cạnh đó, GS cho biết một số căn hộ tái định cư gặp vấn đề lớn về chất lượng xây dựng khi sử dụng vật liệu kém chất lượng, thiết kế căn hộ không hợp lý và việc thi công cũng không đạt chuẩn.

img

Thực tế cho thấy nhiều dự án tái định cư chỉ sau 1-2 năm bỏ trống không có người dọn đến ở ngay lập tức xuất hiện hiện tượng cơ sở vật chất, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Các vấn đề đảm bảo an toàn như phòng cháy chữa cháy, điện, nước đều không đảm bảo, tạo ra nhiều rủi ro đáng lo ngại cho người dân sinh sống tại đó.

Chưa kể nhiều khu tái định cư do ở xa trung tâm nên thiếu hụt hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ và hệ thống giao thông, làm giảm chất lượng sống và sự tiện lợi cho cư dân.

Đặc biệt, mức đền bù chưa thỏa đáng và chính sách tái định cư chưa hợp lý khiến nhiều người dân không muốn chuyển đến nơi ở mới hoặc không đủ khả năng để sống tại các khu tái định cư, vì số tiền được đền bù không đủ để mua căn hộ tại các khu vực này.

Dù vậy, ông Đặng Hùng Võ cũng nhìn nhận về mặt tích cực, chủ trương về xây dựng các dự án tái định cư là hoàn toàn đúng đắn với mục đích hướng đến là bảo đảm nơi ở cho người dân.

Tuy nhiên việc thực hiện chủ trương này lại đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải, cơ quan chức năng chỉ đang quan tâm đến việc tạo chỗ ở cho dân mà quên mất việc xử lý các “tệp đính kèm” khi người dân chuyển đến sinh sống như xây dựng cộng đồng, vấn đề công việc, an sinh xã hội,…

img

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng cho rằng nhà ở tái định cư bị bỏ hoang số lượng lớn, nguyên do bởi việc xây dựng được “đóng đinh” đây là khu tái định cư khiến chất lượng nhiều công trình ở mức thấp, tính tiện ích đồng bộ kém, không đầy đủ.

Từ đó dẫn đến việc người dân từ chối di dời đến khu tái định cư mà chọn nhận tiền để mua nhà ở thương mại tại các khu vực khác.

Một nguyên nhân khác cũng đến từ việc cơ chế, chính sách sử dụng khu tái định cư đó chưa đầy đủ, đặc biệt là do mức giá đền bù chưa thỏa đáng.

“Xây dựng khu tái định cư nhằm giải phóng cho một khu vực dân cư, nhưng khi chính sách bồi thường, đền bù không thỏa đáng thì người dân sẽ không chịu di dời, dẫn đến một điều hiển nhiên là nếu không di dời thì không có người đến ở tại các khu tái định cư”, ông Cường nêu.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng do các cấp quản lý chưa tính toán chưa sát nhu cầu tái định cư của người dân nên khiến quỹ căn bị vượt so với số trường hợp đủ điều kiện hoặc mong muốn bố trí tái định cư.

img

img img

Từ góc độ Hiệp hội nghiên cứu, Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính cho rằng vấn đề thiếu nhà ở nhưng thừa căn hộ tái định cư cần được quan tâm và giải quyết kịp thời.

“Việc triển khai các giải pháp phù hợp để đánh thức loại hình này không chỉ giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai mà còn góp phần cải thiện nguồn cung nâng cao chất lượng sống của người dân và phát triển đô thị bền vững”, ông Đính nêu.

Theo đó, để giải quyết vấn đề căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, lãnh đạo VARS cho rằng cần triển khai đồng bộ loạt giải pháp.

Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước cần có kế hoạch quy hoạch rõ ràng và hợp lý hơn khi chọn vị trí xây dựng các khu tái định cư, các khu vực này cần có đầy đủ hạ tầng, dịch vụ công cộng và nên kết nối tốt với trung tâm thành phố.

Thứ hai, cần có cơ quan giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng, các dự án tái định cư bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn xây dựng để đảm bảo chất lượng và an toàn.

img

Thứ ba, thúc đẩy thời gian có hiệu lực của luật đất đai mới với các quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất. Đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.

Đặc biệt, cần có các chương trình hỗ trợ tài chính tư vấn và đào tạo nghề để giúp người dân thích nghi với cuộc sống mới ở nơi ở mới.

Thứ tư, khuyến khích người dân được tham gia vào quá trình quy hoạch và phát triển các dự án tái định cư, để đảm bảo các dự án này phù hợp với nhu cầu thực tế cũng như đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng.

Đáng chú ý, đại diện VARS cho rằng bên cạnh quỹ nhà bán đấu giá, Nhà nước có thể xem xét ghép nhà tái định cư và NOXH vào cùng 1 phân khúc, qua đó các dự án nhà tái định cư cũng sẽ được tiếp cận nguồn vốn và lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Cho thuê cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng bỏ hoang và sử dụng không hiệu quả các tài sản này. Song song đó là cải thiện công tác quản lý và bảo trì tại các khu tái định cư đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và các tiện ích công cộng để khuyến khích người dân chuyển đến sinh sống.

“Bằng cách thực hiện các giải pháp đồng bộ và linh hoạt chúng ta có thể nâng cao chất lượng sống cho người dân tận dụng hiệu quả tài nguyên và góp phần vào sự phát triển bền vững của đô thị”, ông Đính nêu ý kiến.

Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, việc Luật Đất đai vừa được thông qua có quy định mới về việc áp dụng bảng giá đất đền bù sát với giá thị truờng sẽ giúp việc đền bù giải phóng mặt bằng được thoả đáng hơn, không còn chuyện đền bù quá thấp thiếu hợp lý, đáp ứng được mong muốn người dân.

“Luật rất được chờ đợi, giải quyết nhiều ách tắc, thực thi sớm ngày nào thì đáp ứng được nhu cầu của người dân sớm ngày đó. Qua đó cũng giải quyết được nhiều vấn nạn, giúp khai thác nguồn tài nguyên đất đai hợp lý, tránh lãng phí như trước đây”, ông Cường nêu ý kiến.

img

NGUOIDUATIN.VN |