img
LỜI TOÀ SOẠN

Gần 40 năm Đổi mới, đất nước đã ghi dấu những bước tiến vượt bậc về thể chế, kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Giờ đây, một kỷ nguyên phát triển mới đang mở ra với Việt Nam, mang theo khát vọng vươn tới một đất nước hùng cường, thịnh vượng, dân chủ, văn minh. Khát vọng ấy đòi hỏi không chỉ đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia mà còn phải cắt bỏ những “khối u” đã kéo dài dai dẳng trong cơ thể nền kinh tế - trong đó có căn bệnh trầm kha mang tên “lãng phí”.

Trên hành trình kiến tạo tương lai, đất nước không thể tiếp tục gánh trên vai hàng nghìn dự án dở dang, đội vốn, nằm phơi mưa nắng qua năm tháng. Những công trình “chết lâm sàng” ấy không chỉ chôn vùi ngân sách, chiếm dụng tài nguyên, mà còn bào mòn niềm tin của nhân dân vào kỷ cương và hiệu lực của bộ máy công quyền.

Với nhận thức đó, Tạp chí điện tử Người Đưa Tin Pháp luật thực hiện 2 bài viết “Đất nước chuyển mình, lãng phí phải bị loại bỏ” nhằm nhận diện rõ thực trạng lãng phí trong đầu tư công; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và gợi mở giải pháp xử lý dứt điểm những tồn đọng kéo dài - một trong những bước đi bắt buộc trên hành trình vươn tới một đất nước phát triển, kỷ cương và hiện đại.

img
img

Không phải ngẫu nhiên, trong bài giảng “Tư cách của một người cách mệnh” năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt “tự mình phải cần kiệm” lên hàng đầu, đi liền với “ít lòng tham muốn về vật chất”. Gần một thế kỷ trước, Người đã chỉ rõ những gì đất nước cần làm và cần tránh, trong đó có thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, bài trừ lãng phí như một la bàn đạo đức và phương pháp hành động cho cách mạng.

Ngay khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo rằng chế độ thực dân không chỉ áp bức về chính trị, mà còn “hủ hóa dân tộc ta” bằng hàng loạt thói xấu như lười biếng, tham ô, lãng phí. Muốn xây dựng một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động xứng đáng với nền độc lập vừa giành lại và sánh vai cùng cường quốc năm châu thì điều đầu tiên phải làm là thực hiện nghiêm túc “cần, kiệm, liêm, chính”, triệt để chống “xa xỉ, lãng phí, phô trương”.

img

Trong bài viết rất quan trọng với nhan đề “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra: “lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.

Bài viết cũng nhấn mạnh yêu cầu “Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn”.

Khi người đứng đầu Đảng đã thẳng thắn điểm mặt chỉ tên căn bệnh lãng phí, đó không chỉ là một lời cảnh tỉnh - mà là hồi trống lệnh mở màn cho cuộc tổng tiến công vào những trì trệ, vô trách nhiệm và bất cập kéo dài. Cuộc chiến chống lãng phí đang ở bước ngoặt lịch sử, không còn chỗ cho sự nể nang, nhân nhượng.

Trong báo cáo của Chính phủ về 2.981 dự án tồn động kéo dài hiện nay, có 3 loại: Nhóm thứ nhất là những dự án rõ sai phạm; nhóm thứ 2 là những dự án vướng mắc về thủ tục; nhóm thứ 3 là những dự án có dấu hiệu vi phạm.

img

Có những dự án được xác định có sai phạm, có dự án có dấu hiệu sai phạm và nhiều dự án vướng mắc về quy trình, thủ tục. Các dự án tồn đọng thuộc thẩm quyền giải quyết của cả Trung ương, nhưng chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Có thể điểm hàng loạt dự án nghìn tỷ nằm phơi mưa nắng, công năng sử dụng bằng không, tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước như: Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hà Nam từng được quảng bá là “tiêu chuẩn quốc tế”, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng rốt cuộc chỉ để thi đấu vài trận futsal SEA Games 31 rồi khóa cửa, phủ bụi.

Cung Thể thao Tiên Sơn - Đà Nẵng, xây dựng ngốn 42 triệu USD, lẽ ra phải trở thành điểm sáng văn hóa - thể thao khu vực miền Trung, nay cũng chỉ hoạt động cầm chừng, thu không đủ chi.

Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trải dài 131km, khởi công từ năm 2005 với mức đầu tư trên 7.600 tỷ đồng, giờ vẫn là đại công trường hoang hóa sau gần 20 năm.

img

Trong khi đó, ba nhà máy xăng sinh học E5 tại Phú Thọ, Bình Phước, Dung Quất với tổng vốn hơn 5.000 tỷ đồng, vẫn đắp chiếu vì “không ai xài”.

Những công trình ấy, không chỉ chôn vùi tiền của nhân dân, mà còn phơi bày sự bất lực trong quản trị đầu tư công, sự vô cảm trong trách nhiệm công vụ và thậm chí là dấu tích của lợi ích nhóm, tham nhũng, buông lỏng giám sát. Những hồi chuông cảnh báo ấy đã vang lên quá lâu, và khi Tổng Bí thư Tô Lâm đánh lên “hồi trống lệnh” chống lãng phí, tinh thần xốc tới đã thật sự rõ ràng.

Xin được nhắc đến hai dự án bệnh viện nghìn tỷ là Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Đây từng là biểu tượng kỳ vọng của ngành y tế, đã bị chính sự lãng phí, tắc trách và vô cảm đẩy vào tình trạng “đắp chiếu” suốt nhiều năm.

img

Dự án bệnh viện Việt Đức cơ sở 2

Với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, đây lẽ ra phải là điểm tựa nâng cao năng lực khám chữa bệnh, giảm tải cho tuyến Trung ương. Nhưng thay vì cứu người, những khối bê tông hiện đại ấy lại bị bỏ hoang giữa đồng không mông quạnh, phơi mưa nắng, hứng chịu sự bào mòn không chỉ của thời gian mà còn của lòng dân.

Dự án xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 118.941m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ đồng và nguồn khác. Còn dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 cũng có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 117.714m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ đồng và nguồn khác.

Sau hàng loạt sai phạm, nhiều cán bộ liên quan đã bị khởi tố, bắt giam. Song câu chuyện không dừng ở đó. Đây không chỉ là bài toán pháp lý, mà còn là bài toán chính trị và điều hành: Ai đứng ra gỡ nút thắt? Ai chịu trách nhiệm đưa “xác sống công trình” trở về với chức năng đúng nghĩa?

img

Chính phủ đã vào cuộc với quyết tâm cao độ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã nhiều lần thị sát hiện trường, thúc tiến độ, xử lý điểm nghẽn từng khâu, từ hoàn thiện hạ tầng, trang thiết bị đến phương án vận hành. Đây là hình ảnh trái ngược với thời kỳ im lặng và buông xuôi trước đó, thay vào đó là hành động cụ thể, mệnh lệnh rõ ràng và thời hạn rành mạch -ngày 30/11/2025, hai bệnh viện phải đi vào hoạt động.

Hai công trình bệnh viện ấy khi hồi sinh đúng nghĩa sẽ không chỉ là cơ sở y tế hiện đại, mà còn là biểu tượng của một thời kỳ mới, nơi lãng phí không còn được dung thứ. Đây có thể được xem là hình mẫu trong việc xử lý rốt ráo các dự án tồn đọng, là hồi trống lệnh đánh thức cả hệ thống chính trị khỏi sự trì trệ trong việc chấn chỉnh đầu tư công đúng như tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Hơn hết, sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội… cho thấy lằn ranh giữa sự kiên quyết và buông lỏng đã được vạch lại rõ ràng.

img

Dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2

img

Muốn tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức và khơi thông nguồn lực để chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, thì phòng, chống lãng phí không thể chỉ là khẩu hiệu mà phải là hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Chống lãng phí phải thành văn hóa, không chỉ là mệnh lệnh từ cấp trên, mà là sự tự giác, tự nguyện từ mỗi cán bộ, đảng viên và người dân để hình thành một chuẩn mực ứng xử của xã hội hiện đại.

Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 170 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, hơn 800 nghị quyết, nghị định về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật 381 tổ chức đảng, 819 đảng viên; trong đó có 57 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 4 cán bộ diện Trung ương quản lý.

img

Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV mới đây tại Hội trường Diên Hồng, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước đã góp phần tiếp tục củng cố niềm tin và sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với công tác hết sức quan trọng này. Việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí đối với Ban Chỉ đạo các cấp được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá là rất đúng, rất trúng và mong chờ sớm có những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong đó, các nội dung chỉ đạo tại Phiên họp 27 ngày 25/3/2025 của Thường trực Ban Chỉ đạo và kết quả thực tế nêu trên, nhất là thông điệp về tiếp tục quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý hình sự không phải là mục đích chính, mà là biện pháp cuối cùng đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Ông Đỗ Văn Chiến cũng nêu rõ, nhân dân bày tỏ sự đồng thuận cao đối với việc các ngành chức năng xử lý nghiêm minh các vụ án liên quan đến phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ngày càng quyết liệt và có hiệu quả; thống nhất cao đối với việc giải quyết các sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí có liên quan đến nguyên lãnh đạo cấp cao của các bộ, ngành Trung ương, đánh giá cao với việc Trung ương quyết định cho thôi giữ chức vụ của các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương về các sai phạm xảy ra trong lĩnh vực đã hoặc đang phụ trách, quản lý.

img

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực cao nhất để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII và khẩn trương chuẩn bị cho Đại hội XIV - dấu mốc trọng đại định hình tương lai đất nước trong bối cảnh mới.

Trong bối cảnh ấy, khi những điểm nghẽn phát triển đang từng bước được tháo gỡ, khi khí thế đổi mới đang dâng cao, đất nước ta đang đứng trước một thời cơ lịch sử để chuyển mình mạnh mẽ, bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên của khát vọng Việt Nam hùng cường. Thời cơ ấy không được phép bỏ lỡ. Nó đòi hỏi hành động khẩn trương, tư duy đổi mới, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm đúng như tinh thần chỉ đạo, dự báo tầm nhìn và quyết tâm rất rõ ràng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm.

img
img

Thực hiện: Thu Huyền - Hoàng Bích

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |