img

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với yêu cầu tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu lực quản lý và sử dụng hiệu quả từng đồng ngân sách, thì lãng phí - dù là công khai hay âm thầm - đều là những “vết rạn” nguy hiểm cần được nhận diện, ngăn chặn từ gốc rễ.

Phải nhìn nhận rằng, không thể loại bỏ lãng phí nếu tư duy quản trị, điều hành vẫn dừng ở chỗ “cho có trách nhiệm”. Do đó, muốn lãng phí bị đẩy lùi, trước hết phải thay đổi tư duy - từ tư duy tiếp cận vấn đề, phân bổ nguồn lực đến tư duy sử dụng tài sản công.

img
img

Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ các giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, để công tác phòng, chống lãng phí được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu, cần chú trọng “thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh””.

Giải pháp thứ hai mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập là tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công…

Trao đổi với Tạp chí điện tử Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ đồng tình với giải pháp này. Ông Phúc cho rằng, một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến lãng phí tài sản công hiện nay xuất phát từ sự yếu kém trong ý thức quản lý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm. Tình trạng buông lỏng kỷ cương, thiếu tinh thần trách nhiệm với tài sản chung đã góp phần hình thành nên bức tranh lãng phí đáng báo động.

img

Ông Phúc dẫn chứng: “Không ít tòa nhà, công trình được đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, xây dựng xong rồi bỏ không, không đưa vào sử dụng. Đây là biểu hiện rõ ràng của sự buông lỏng trong quản lý - một dấu hỏi lớn cần được đặt ra với chính quyền các cấp, chủ đầu tư và người đứng đầu đơn vị”.

Bên cạnh yếu tố con người, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cũng chỉ ra điểm nghẽn từ thể chế: hệ thống chính sách, pháp luật về phòng chống lãng phí còn nhiều kẽ hở, thiếu cơ chế xử lý ràng buộc và minh bạch. Hệ quả là trách nhiệm bị hòa loãng, thậm chí không truy được tới cá nhân cụ thể, khiến lãng phí diễn ra dai dẳng, có nơi thành chuyện thường ngày.

“Tài sản công nhiều khi bị coi là của chung vô chủ, rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, sử dụng tùy tiện, không ai chịu trách nhiệm”, ông Phúc thẳng thắn cảnh báo.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh, thể chế dù tốt đến đâu cũng không có hiệu lực nếu thiếu thực thi nghiêm túc. Chính vì vậy, yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí không vùng cấm, không ngoại lệ là thông điệp cảnh tỉnh, đồng thời là lời khẳng định về một giai đoạn hành động mạnh mẽ hơn, nơi không chỉ “nói không với lãng phí”, mà phải “làm thật để loại bỏ nó”.

img

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh) cũng thừa nhận, lãng phí là vấn đề rất lớn, phạm vi rộng, tác động lan rộng và thiệt hại nhiều khi vượt xa cả tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt trong các công trình đầu tư công. Để chống lãng phí hiệu quả, ông cho rằng cần thiết lập một quy trình quản lý minh bạch, chặt chẽ, ngăn chặn xung đột lợi ích và việc lợi dụng quyền lực để ban hành những quyết định thiên vị cá nhân, gia đình hay nhóm thân hữu.

“Không thể chấp nhận việc sử dụng quyền lực để ra quyết định có lợi cho bản thân hoặc người thân. Đây là điều chúng ta phải kiên quyết loại bỏ”, ông Huân nhấn mạnh.

Ông Huân cũng lưu ý, một quy trình đánh giá khoa học, hiện đại sẽ giúp loại bỏ những dự án không đáng làm, đánh giá đúng tính khả thi, tránh ảnh hưởng môi trường và đảm bảo hiệu quả tài chính, xã hội. “Khi có bộ tiêu chí rõ ràng, minh bạch về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, môi trường và tài chính, thì lãng phí không còn đất tồn tại”, ông nói.

img

Theo ông Nguyễn Quang Huân, chống lãng phí phải bắt đầu từ gốc, tức từ khâu chủ trương, chứ không đợi đến khi hậu quả xảy ra mới thanh tra, kiểm tra. Ông nhấn mạnh, nếu làm tốt công tác phòng, chống lãng phí, chúng ta không chỉ tiết kiệm ngân sách Nhà nước, mà còn nâng cao hiệu quả đầu tư công, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi một trong những công cụ chính để tăng GDP là đầu tư công hiệu quả.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, ông Huân cũng chỉ ra lợi ích xã hội rõ ràng: Khi phòng, chống lãng phí tốt, ngân sách sẽ được sử dụng cho các công trình phúc lợi - nơi người dân trực tiếp được thụ hưởng. Khi đời sống người dân được cải thiện, tầng lớp trung lưu tăng, sức mua nội địa tăng lên, tạo động lực bền vững cho tăng trưởng GDP.

“Phát triển kinh tế và phát triển xã hội là hai trụ cột gắn bó hữu cơ, không thể tách rời. Chống lãng phí không chỉ vì mục tiêu kinh tế, mà còn góp phần trực tiếp vào tiến bộ xã hội”, ông Huân khẳng định.

img
img

Trong giải pháp thứ ba về chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Thành phố Hải Phòng, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận “nếu tham nhũng là hành vi vụ lợi, gây thiệt hại có chủ ý, thì lãng phí lại thường được biện minh bởi sự thiếu trách nhiệm, yếu kém trong tầm nhìn và quản trị”.

Theo nữ đại biểu, chúng ta đã có những bước đi tích cực để khắc phục tình trạng lãng phí, như tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Hàng năm, Chính phủ đều có báo cáo về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trước Quốc hội với những đánh giá toàn diện, khách quan cả về kết quả đạt được lẫn những tồn tại, hạn chế và xây dựng phương hướng, kế hoạch thực hành tiết kiệm chống lãng phí cho thời gian kế tiếp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những giải pháp đó vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra chuyển biến căn cơ. Nhiều sai phạm bị phát hiện nhưng việc xử lý trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, còn chưa rõ ràng, chưa đủ sức răn đe.

img

“Một trong những nguyên nhân sâu xa là tình trạng “dĩ hòa vi quý”, né tránh, nể nang trong xử lý cán bộ. Khi không có cơ chế buộc người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đầy đủ về các quyết định đầu tư kém hiệu quả, việc buông lỏng quản lý sẽ lặp đi lặp lại. Cần có chế tài rõ ràng, minh bạch để xác định và xử lý trách nhiệm cá nhân đó là bước then chốt để phòng, chống lãng phí”, bà Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Với các dự án đầu tư công gây lãng phí, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cảnh báo rằng, điều đáng lo không chỉ nằm ở những dự án nghìn tỷ dở dang dễ thấy, mà còn ẩn sâu trong vô số công trình quy mô nhỏ hơn - từ khu dân cư, trung tâm hành chính, nhà văn hóa, chợ dân sinh, các hạng mục phụ trợ của trường học, bệnh viện, đến trụ sở xã phường hay đường giao thông nông thôn. Không ít trong số đó đang bị sử dụng kém hiệu quả, thậm chí bị bỏ hoang ngay sau khi hoàn thành. Chính những “gánh nặng vô hình” này mới là thứ đang âm thầm bào mòn nguồn lực và niềm tin của người dân mỗi ngày.

“Hiện tượng này xuất hiện ở cả các thành phố lớn, các đô thị trung tâm đến các tỉnh miền núi, nông thôn cho thấy đây không còn là những “trường hợp cá biệt” mà đã trở thành một thực trạng phổ biến. Nếu tính toán đầy đủ và nghiêm túc, tổng thiệt hại ngân sách từ những lãng phí “nhỏ mà nhiều” này sẽ là một con số khổng lồ”, đại biểu Việt Nga nói thêm.

img

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh: Tài sản công là kết quả của mồ hôi, công sức, và ngân sách quốc gia - vốn được hình thành từ tiền thuế của người dân. Mỗi công trình bỏ hoang, mỗi trụ sở xây lên không sử dụng, là một sự lãng phí không thể biện minh.

“Người đứng đầu không chỉ chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng, mà còn phải có trách nhiệm kiểm soát quy trình, đánh giá tác động và theo sát tiến độ thực hiện các dự án, công trình. Việc “trên nóng dưới lạnh” hay “trên quyết liệt, dưới thờ ơ” là biểu hiện của một nền hành chính chưa nghiêm, cần được chấn chỉnh”, đại biểu Việt Nga nói.

Theo bà Nga, cử tri và nhân dân cả nước rất kỳ vọng vào công tác phòng, chống lãng phí, đặc biệt là tài sản công trong thời gian tới. Để công tác phòng chống lãng phí, đặc biệt là trong quản lý tài sản công đạt hiệu quả cao, trước hết phải thay đổi tư duy từ “quản lý theo nhiệm kỳ” sang “quản lý vì sự phát triển bền vững”. Mỗi quyết định đầu tư, xây dựng công trình công phải được cân nhắc kỹ lưỡng, có đánh giá tác động dài hạn.

img

Đi đôi với đó là việc lựa chọn, sử dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ thực thi công vụ trong lĩnh vực liên quan đến tài chính, tài sản công cần được hết sức chú trọng, sao cho đảm bảo cả số lượng và chất lượng (chất lượng cán bộ cần được nhìn nhận ở cả hai khía cạnh là năng lực đáp ứng yêu cầu công việc và sự liêm chính công vụ).

Về thể chế, cần hoàn thiện pháp luật theo hướng ràng buộc trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cá nhân - đặc biệt là người đứng đầu. Việc định kỳ kiểm toán, công khai danh sách các công trình, trụ sở dôi dư, xử lý nghiêm các hành vi buông lỏng quản lý phải trở thành nề nếp.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân sân các cấp, Mặt trận Tổ quốc và báo chí trong việc phát hiện, lên tiếng và theo dõi đến cùng các hành vi lãng phí. Việc rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.

img
img

Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày” đã được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập trong giải pháp thứ tư.

Nhìn nhận vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, lãng phí không chỉ là vấn đề vật chất mà còn bắt nguồn từ thói quen, lối sống trong xã hội.

Ông Phúc chia sẻ, từ xưa, ông bà, cha mẹ đã luôn dạy con cháu biết quý trọng của cải, thực hành tiết kiệm trong đời sống hằng ngày. “Nếu không biết tiết kiệm mà cứ phung phí thì chẳng khác nào “gió vào nhà trống” của cải sẽ nhanh chóng bị cuốn trôi, không còn lại gì”, ông Phúc ví von.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cũng nói thêm: “Bác Hồ của chúng ta là một tấm gương về thực hành tiết kiệm, Người kêu gọi mọi người tiết kiệm, chống lãng phí, thậm chí bữa ăn như thế nào, ăn thế nào cho vừa đủ. Bác cũng phải kêu gọi mọi người đừng ăn phung phí”.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, trong bối cảnh đất nước đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, thì chống lãng phí không chỉ là một yêu cầu mang tính kỹ thuật, mà là thước đo trực tiếp của tư duy quản lý và tầm vóc lãnh đạo. Tư duy nhiệm kỳ, tư duy cục bộ, tư duy “xin - cho” nếu không được thay đổi sẽ tiếp tục sinh ra lãng phí dưới nhiều hình thức tinh vi và nguy hiểm hơn.

img

“Tiết kiệm, chống lãng phí cần trở thành nguyên lý hành động trong quản trị quốc gia thời kỳ hiện đại, nơi mỗi đồng ngân sách, mỗi mét vuông đất công, mỗi quyết sách đều phải được sử dụng đúng chỗ, đúng lúc và sinh lợi tối đa cho xã hội” ông Phúc nhấn mạnh.

Đối với các công trình, dự án bị bỏ hoang, ông Phúc cho rằng đã đến lúc cần có giải pháp mạnh tay, không thể tiếp tục nương nhẹ hay né tránh trách nhiệm. Tùy tính chất từng dự án, có thể xem xét tái khởi động, chỉnh trang hoặc chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thực sự, với mức giá hợp lý, minh bạch.

“Thật vô lý khi hàng nghìn người dân vẫn chưa có nơi ở ổn định, trong khi hàng loạt khu nhà và công trình lại để hoang hóa suốt nhiều năm. Ai phải chịu trách nhiệm thì phải chỉ rõ, không thể để sai phạm chìm vào im lặng. Quan trọng là phải rà soát lại, đánh giá đầy đủ và có giải pháp đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt, để không tiếp tục “chôn vốn” từ tiền thuế của dân”, ông Phúc nhấn mạnh.

Đã đến lúc, cuộc chiến chống lãng phí cần được nhìn nhận bằng một tư duy mới, không chỉ là khắc phục hậu quả, mà là ngăn chặn từ gốc. Muốn vậy, phải thay đổi tư duy trong từng khâu của quản lý Nhà nước, từ quy hoạch, đầu tư, tổ chức thực hiện đến giám sát sử dụng tài sản công.

img
img

Thực hiện: Thu Huyền - Hoàng Bích

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |