Lớn lên gần ga tàu hỏa với những tiếng xình xịch đều đều, tiếng rít bánh lăn trên thanh ray quen thuộc..., cô gái xứ Thanh quyết định lựa chọn một công việc có thể nghe thấy những thanh âm này bất kể ngày đêm. Tuổi 20 mộng mơ của cô nàng có lẽ sẽ ươm thêm nhiều màu sắc, khi lần đầu tiên được đón Giao thừa bên thanh chắn đường tàu.

Những ngày giáp Tết, ngày nào cũng có hàng chục chuyến tàu xuôi ngược Bắc - Nam, hối hả đưa dòng người tấp nập trở về quây quần đón xuân bên gia đình. Để có được những chuyến tàu an toàn ấy, không thể thiếu sự đóng góp thầm lặng của những người ngày đêm gác chắn đường ngang.

Như một cơ duyên, chúng tôi có một đêm trải nghiệm thật đặc biệt bên những con người đặc biệt trong trạm gác chắn tàu hỏa Hoàng Liệt (công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải), khi những phút cuối cùng của năm cũ dần trôi qua.

Tại trạm gác chắn Hoàng Liệt, để đảm bảo cho dòng phương tiện giao thông vẫn nườm nượp ngược xuôi bất kể ngày hay đêm thật an toàn, chính là những giọt mồ hôi thấm đẫm lưng áo của 18 công nhân gác trạm. 18 người chia làm 3 ban (ca) trực luân phiên làm 12 tiếng lại nghỉ 24 tiếng.

Đêm nay, trong ban trực 6 người, có một cô gái trẻ nhất, với nước da trắng, mái tóc dài chấm vai và gương mặt “xanh non” như đang độ xuân thì của tuổi chớm đôi mươi đã khiến chúng tôi chú ý.

Đó là Lê Thanh Nga (SN 2000), một cô gái đến từ xã Hoàng Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa với những bỡ ngỡ của một người con xa quê, phải tự lập giữa đất Hà thành.

Những phút gặp gỡ đầu tiên, Nga vẫn còn khá ngại ngùng, chỉ ngồi bẽn lẽn bên chiếc bàn gỗ, tay mân mê mấy sợi tóc mà thả mình vào giữa những câu chuyện sôi nổi của đồng nghiệp. Sau một hồi gợi lại những hình ảnh về ký ức tuổi thơ, Nga mới cảm thấy thoải mái hơn và bắt đầu câu chuyện: “Ai cũng tò mò, vì sao tôi lại lựa chọn cái nghề phải sống giữa tiếng ồn cả ngày lẫn đêm như thế này, nhưng có lẽ, điều đó đối với tôi cũng như một định mệnh.

Có thể với nhiều người, tiếng tàu hỏa thật ồn ào và dễ gây khó chịu, nhưng với tôi, đó lại là những thanh âm quen thuộc từ tấm bé, nhà tôi ở gần ga Yên Thái nên việc “lạc” trong những thanh âm đó giống như một thói quen. Tôi mường tượng, nếu một ngày không nghe thấy tiếng tàu hỏa, có khi mình lại nhớ...”.

“Chính vì vậy, nên khi tôi học lớp 12, bác tôi “gợi ý” công việc này đã khiến tôi gật đầu “nhanh như chớp” không cần nghĩ suy nhiều. Bố mẹ cũng mong tôi có một công việc ổn định nên khá ủng hộ tôi.

Đầu năm 2019, tôi tham gia một khóa học cấp tốc gác đường ga và càng lúc càng thấy yêu công việc này hơn, vì mỗi ngày, tôi lại cảm nhận thêm rõ rệt về ý nghĩa của công việc mà tôi đang theo đuổi”, một nụ cười tươi như nụ hoa chớm nở trên gương mặt cô gái trẻ.

Những ngày đầu tập “làm quen” với Thủ đô, Nga vẫn có những bỡ ngỡ nhất định, đồng lương eo hẹp cũng khiến cuộc sống tự lập của cô gái nhỏ không mấy dễ dàng, tuy nhiên, cô vẫn cảm thấy yêu công việc thầm lặng này.

Cô gái 20 tuổi hơi nhíu mày khi nhắc đến những ngày mới chập chững bước chân vào nghề: “Ngày 1/6/2019 là buổi đi làm đầu tiên, tôi trực ban ngày (từ 6h đến 18h - PV). Do bản thân đang háo hức nên tôi chẳng hề thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, đến buổi thứ hai, khi tôi trực đêm, cơn buồn ngủ bắt đầu ập đến khiến tôi cảm thấy rệu rã, bởi trước đó, tôi chưa bao giờ thức đêm...

Thật may mắn, tôi luôn được các cô chú, anh chị đi trước chỉ dạy tận tình, vì là người nhỏ nhất nên tôi cũng nhận được không ít sự sẻ chia, động viên từ mọi người”.

Công việc nhìn bề ngoài tưởng chừng rất đơn giản như nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến và kéo rào chắn để bảo đảm đoàn tàu vượt qua không vướng chướng ngại nào... lại ẩn chứa những vất vả, nguy hiểm, đòi hỏi nỗ lực và trách nhiệm không hề nhỏ của mỗi nhân viên gác chắn.

Khoảng 20h, cả 6 người trong ban trực đang ngồi quây quần bên chiếc bàn ăn, bỗng tiếng còi báo hiệu, âm thanh phát ra từ hộp đài thao tác vang lên từng hồi dài. Nga và những nhân viên gác trạm vội buông bát đũa, thoăn thoắt cầm đèn tín hiệu chạy ra ngoài, kéo barie chắn ngang con đường và đứng làm hiệu để các phương tiện dừng lại, đảm bảo an toàn cho đến khi đoàn tàu di chuyển qua.

Tàu đi, cả ban lại lục tục trở lại bàn ăn. Tuy nhiên, chưa đầy 10 phút, lại vang lên từng hồi báo hiệu một chuyến tàu sắp qua, cả ban lại tất tả chạy ra làm nhiệm vụ. “Có những buổi, cả ban phải đứng lên, ngồi xuống, nhấp nhổm, bỏ ngỏ bát đũa từ 5-7 lượt tàu qua mới ăn xong bữa... Mấy ngày đầu, tôi cũng hơi e ngại, nhưng thấy các đồng nghiệp đi trước bảo “chuyện đó ở đây là bình thường”, thì tôi cũng tập “sống chung với bão”, giờ thì quen luôn rồi. Bữa ăn của mình quan trọng một, nhưng sự an toàn của người tham gia giao thông ngoài kia còn quan trọng gấp mười, gấp trăm lần...”, cô gái trẻ bỗng bật cười thành tiếng.

Cũng như bao công nhân gác chắn khác, hàng ngày, công việc chính của Nga là nghe điện thoại báo có tàu, ghi chép nhật ký thời gian tàu đến và đóng chắn cho tàu đi qua, cũng như hướng dẫn, giúp đỡ các phương tiện tham gia giao thông khi đi qua đường ngang.

Công việc này khi nghe qua thì tưởng chừng như đơn giản, nhưng thực sự lại không dễ dàng chút nào. Trong số những người tham gia giao thông, có không ít người khi chắn đã đóng nhưng vẫn cố tình mở chắn để băng qua đường ray bất chấp nguy hiểm. Nga cũng như các đồng nghiệp, đã không ít lần bị người tham gia giao thông nặng lời, đe dọa, thậm chí muốn hành hung...

Anh Phạm Hồng Thọ (SN 1975), Trưởng trạm gác chắn Hoàng Liệt cũng không giấu nổi cái thở dài ảm đạm khi nhắc đến: “Cái nghề gác chắn tàu của chúng tôi thực sự cũng là “làm dâu trăm họ”. Ban ngày, khi lưu lượng giao thông dày đặc, chúng tôi liên tục nghe những tiếng kêu ca, phàn nàn, thậm chí là nhiếc mắng từ những người tham gia giao thông. Đặc biệt là những lần tàu gặp trục trặc, sự cố nên đến trễ, người tham gia giao thông phải chờ lâu...

Còn đêm đến, vắng vẻ hơn, nhưng nhiều khi sẽ xuất hiện những đối tượng táo tợn hơn, một mực phá rối, uy hiếp để được đi qua thanh chắn... Nói chung là nhiều vô kể... Trong khi chúng tôi, những người gác chắn vẫn phải ngày ngày “phơi mặt” ngoài đường bất kể ngày đêm, bất kể nắng mưa, cũng chỉ vì mong mọi người đều được an toàn...”.

Với 27 năm gắn bó với công việc gác chắn, vị Trưởng trạm thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm và bí quyết trong nghề cho lớp trẻ mới vào nghề giống như Nga. Thiếu nữ xứ Thanh thực sự ngưỡng mộ những trải nghiệm của “bậc tiền bối”: “Từ hồi tôi mới được cử về trạm, chú Thọ đã thường xuyên sát sao chỉ bảo, giúp tôi tiến bộ từng ngày.

Đặc biệt, chú hay chia sẻ những câu chuyện khắc phục sự cố khi đang thực hiện nhiệm vụ để chúng tôi học hỏi. Tôi ấn tượng nhất là lần chú kể về chiếc xe container bị chết máy ngay giữa đường ngang, trong khi tàu được báo chỉ cách khoảng 3-4km. Ngay lập tức, chú Thọ cùng những người đồng nghiệp khi đó phải thật nhanh nhạy để tổ chức “bắt tàu”... Câu chuyện của chú khiến tôi như được truyền thêm động lực. Thì ra, công việc của chúng tôi còn có thể “giải cứu” được rất nhiều số phận!”.

Cô gái trẻ dường như rất thích thú với công việc của mình, mỗi ngày làm việc, cô lại có thêm những kinh nghiệm được gom góp từ những mẩu chuyện ký ức của người đi trước, từ chính những trải nghiệm của bản thân. Chỉ hơn nửa năm làm nhiệm vụ gác chắn tàu, từ một cô bé ngây thơ, Nga trưởng thành, dạn dĩ hơn nhiều so với trước...

Nếu như ngày thường, mỗi ca làm việc của công nhân gác chắn chỉ đón khoảng 20 chuyến tàu thì con số này vào những ngày giáp Tết có khi lên đến hơn 30 chuyến với những đoàn tàu tăng cường. Công việc “không có ngày nghỉ lễ” này đang trong tình trạng thiếu nhân lực, bởi vậy, thời điểm giáp Tết, các công nhân gác chắn vẫn phải làm việc, thậm chí phải tăng ca.

Hôm nay, đến phiên trực của mình, cho dù là đêm Giao thừa, những người công nhân gác chắn vẫn phải gác lại những bữa cơm tất niên, gác lại những vòng ôm ấm áp sum họp gia đình để đảm bảo an toàn lưu thông cho tuyến đường sắt. Tuy nhiên, chắc chắn, vào một ngày đặc biệt như thế này, ai cũng dành một góc nhỏ trong tim để cho phép mình mơ mộng đến một không khí đón thời khắc chuyển giao đất trời thật đầm ấm bên gia đình. Và Nga cũng không ngoại lệ, cô không khỏi nôn nao nhớ đến gia đình.

Chiếc kim đồng hồ nhích dần về thời khắc Giao thừa, Nga ngồi bên chiếc bàn trực điện thoại, đôi mắt xa xăm hướng ra ngoài khung cửa sổ, lòng bồi hồi nghĩ: “Không biết giờ này, ở nhà, bố mẹ và em trai đang làm gì nhỉ?!”. Cô gái với nụ cười “tỏa nắng” ấy chưa từng một lần đón Giao thừa, bởi năm nào, cô cũng đi ngủ từ rất sớm. Năm nào cũng vậy, chưa đến 23h là cô đã say giấc nồng.

Có lẽ, chính vì vậy, Tết năm nay của Nga thật đặc biệt, khi cô lần đầu tiên được đón Giao thừa, lại là đón Giao thừa bên thanh chắn đường tàu...

Anh Thọ đã sắm sẵn một cây quất và cùng những công nhân gác chắn chuẩn bị một “mâm cỗ” cúng Giao thừa tối giản để thổi vào khoảng trống trong lòng những người công nhân gác chắn một hương vị Tết ngọt ngào. “Tôi cũng đã trải qua hàng chục cái Tết không trọn vẹn bên gia đình, vì thế, tôi mong muốn các anh chị em dù đang trong ca trực, vẫn luôn cảm nhận được không khí Tết, cảm nhận được sự đầm ấm của một đại gia đình”, anh mỉm cười khi đưa tay chỉnh lại chiếc đèn nháy được chăng trên cây quất trước cửa trạm gác.

Giao thừa vừa “điểm”, cũng là lúc có còi báo hiệu tàu vang lên, cắt ngang những lời chúc mừng hân hoan chào năm mới của cả ban trực. Nga cùng các đồng nghiệp vội vã với chiếc đèn để sẵn trước hiên, chạy ra làm nhiệm vụ.

Khoảnh khắc khi đoàn tàu vừa chờ tới, người lái tàu bật đèn sáng rực rỡ, hú hồi còi thật dài vừa để chào đồng nghiệp, vừa gửi trao lời chúc mừng năm mới cho nhau. Tiếng còi tàu với luồng ánh sáng vào thời khắc giao thời từ lâu đã trở thành niềm vui, là thói quen cảm xúc và cũng là niềm tự hào riêng có của mỗi nhân viên gác chắn sau mỗi ca trực Tết...

Cứ như vậy, giữa những ồn ào nơi Thủ đô tấp nập, công việc gác chắn tàu dẫu có nhuộm màu vất vả, nhưng với lòng yêu nghề và nhiệt huyết, trách nhiệm, Nga cùng những người đồng nghiệp vẫn ngày ngày lặng lẽ góp sức đem đến những chuyến tàu an toàn cho mọi hành khách, đảm bảo sự bình an cho mỗi hành trình của người tham gia giao thông.

Hình ảnh một cô gái mong manh giữa đêm đông với mái tóc dài chấm vai và nụ cười rạng rỡ, đứng giương cao ngọn đèn tín hiệu bên thanh chắn đường tàu như đại diện cho từng lớp, từng lớp những người trẻ tiếp bước công việc thầm lặng mà ý nghĩa này.