Ngày 22/11/2005, sau khi đánh bại Gerhard Schröder, một người phụ nữ 51 tuổi trong trang phục giản dị, với mái tóc ngắn gọn gàng, tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức.

Bà là phụ nữ đầu tiên và là người Đông Đức đầu tiên giữ chức vụ này. Bà cũng là Thủ tướng trẻ tuổi nhất nước Đức kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (WWII). Bà tên Angela Dorothea Merkel.

Với 4 nhiệm kỳ liên tiếp, Merkel hiện cũng là một trong những Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử nước Đức hiện đại, chỉ sau Helmut Kohl.

Khi bà Merkel bắt đầu nắm quyền là khi nền kinh tế Đức dần khởi sắc sau nhiều năm trì trệ. Nhưng vào năm 2008, sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers đã gây chấn động toàn cầu, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong gần một thập kỷ.

Chính từ sự kiện này, bà Merkel đã nổi lên với tư cách là nhà quản lý khủng hoảng của đất nước.

Ngày 5/10/2008, bà nói với người dân của mình: "Khoản tiền tiết kiệm của quý vị an toàn, Chính phủ Liên bang đảm bảo điều đó". Những lời nói điềm tĩnh, trấn an của bà đã giúp ngăn chặn một đợt rút tiền ngân hàng ồ ạt và đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn nước Đức tự tin đối mặt với nghịch cảnh, dưới sự dẫn dắt của bà Merkel.

Vào thời điểm cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp xảy ra vào năm 2012, người dân Đức đã tin tưởng vào vị Thủ tướng của họ, tin tưởng rằng bà có thể đối phó với nghịch cảnh.

Bà Merkel đã tạo ra các quỹ khổng lồ để cứu không chỉ nền kinh tế Hy Lạp mà còn nền kinh tế của các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nợ nần chồng chất khác. Mặc dù Hy Lạp và các quốc gia khác chỉ trích những gì họ coi là các điều khoản hà khắc trong các gói cứu trợ của họ, nhưng bà Merkel đã cứu được đồng tiền chung châu Âu.

"Châu Âu sẽ thất bại nếu đồng euro thất bại. Châu Âu sẽ thắng nếu đồng euro chiến thắng", bà Merkel phát biểu trước Hạ viện Đức vào năm 2012. Chính bà đã cứu châu Âu khỏi nguy cơ tan rã.

“Merkel đã dẫn dắt nước Đức, châu Âu và một phần còn lại của thế giới vượt qua kỷ nguyên khủng hoảng”, Ralph Bollmann, tác giả của cuốn tiểu sử về bà Merkel với tiêu đề "Angela Merkel: The Chancellor and Her Time", cho biết.

Vào cuối mùa hè năm 2015, khi hàng chục nghìn người di cư và tị nạn đến Đức mỗi tháng, Merkel đã trấn an người dân với câu nói nổi tiếng: "Chúng ta sẽ vượt qua" ("Wir schaffen das"). Quả thực, bà đã thành công đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo, mà bà thừa nhận là một trong những thách thức lớn nhất trong 16 năm cầm quyền của mình.

"Có 2 sự kiện mà cá nhân tôi thấy thách thức nhất. Đầu tiên là số lượng lớn người tị nạn đến Đức vào năm 2015. Nhưng tôi thực sự không thích gọi đây là một cuộc khủng hoảng vì họ đều là con người. Vì vậy, thách thức đầu tiên là chúng tôi phải đối mặt với áp lực từ dòng người tị nạn từ Syria và các quốc gia láng giềng. Và thách thức bây giờ là đại dịch Covid-19", bà Merkel cho biết trong một cuộc phỏng vấn với DW.

Bên cạnh đó, một trong những thành tựu quan trọng nhất của Thủ tướng Angela Merkel là tỉ lệ tạo việc làm cao, đặc biệt đối với phụ nữ. Đức có tỉ lệ phụ nữ đi làm thuộc hàng cao nhất trong các nước G7. Tỉ lệ thất nghiệp ở Đức cũng giảm mạnh tới 50% sau 16 năm. Trước đại dịch, tỉ lệ thất nghiệp ở Đức duy trì ở mức thấp kỷ lục khoảng 3,5%.

Bollmann cho rằng thế giới sẽ vô cùng hoài niệm phong cách lãnh đạo ổn định của bà Merkel. "Tôi nghĩ rằng có một điểm chung ở Đức và ở nước ngoài: Bà được coi là người bảo đảm cho sự ổn định. Trong tương lai, nhiều người sẽ nhìn lại thời đại của sự ổn định này, và đây có lẽ là thời đại ổn định cuối cùng".

Năm 2006, bà Angela Merkel được Tạp chí Forbes bình chọn đứng đầu danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới (The World’s Most Powerful Women). Tính đến năm 2020, bà đã duy trì vị trí đứng đầu này trong 10 năm liên tiếp, đồng thời đánh dấu 15 lần có mặt trong trong danh sách vinh danh này.

Năm 2015, bà Merkel được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm vì những đóng góp của bà với vai trò lãnh đạo trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng nợ công và nhập cư tại châu Âu.

Bất chấp vị trí của mình trên các sân khấu quốc gia và thế giới, Merkel vẫn duy trì những khía cạnh cá nhân giản dị. Bà vẫn có cùng một đội ngũ cố vấn nữ, mặc cùng một kiểu quần áo và thường xuyên xếp tay ở tư thế đã trở thành thương hiệu của bà, gọi là “Kim cương Merkel” (Merkel Raute).

Bà kết hôn 2 lần, người chồng hiện tại của bà là giáo sư hóa học Joachim Sauer. Giáo sư Sauer, cũng như các con và cháu của ông từ cuộc hôn nhân trước, đều nằm ngoài phạm vi ánh mắt công chúng. Ông và bà Merkel sống trong một căn hộ ở Berlin nhưng cách xa Phủ Thủ tướng.

Giản dị là vậy, nhưng hình ảnh của bà Merkel có tác động rất sâu sắc lên phụ nữ và trẻ em gái ở Đức, một đất nước mà vai trò giới truyền thống đang thay đổi một cách chậm chạp.

"Bà đã làm rất nhiều để mở đường cho những người khác, giờ đây việc nữ giới ra ứng cử chức Thủ tướng là điều hoàn toàn bình thường", Maria Luisa Schill, một cư dân của “thị trấn đại học” danh tiếng Freiburg, cho biết.

Lia, một cô bé 9 tuổi ở Berlin, nói rằng cô ấy muốn trở thành Thủ tướng một ngày nào đó. Khi được hỏi cô bé sẽ làm gì, Lia nói: "Cháu sẽ làm công việc đó và kiếm tiền".

"Bà Merkel có ảnh hưởng đến rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ", Nancy, mẹ của cô bé Lia, cho biết.

"Bà được phụ nữ trên toàn thế giới ngưỡng mộ. Bà đã thể hiện những gì bà có thể làm và làm nó với phẩm giá và quyết tâm”, nhà hoạt động nữ quyền người Đức Alice Schwarzer nói với Reuters.

"Bản thân sự tồn tại của bà đã là một tuyên ngôn nữ quyền", Schwarzer nhấn mạnh.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trở thành biểu tượng nữ quyền sau 16 năm cầm quyền mặc dù người phụ nữ quyền lực nhất thế giới chỉ thừa nhận điều đó một cách muộn màng khi bà chuẩn bị rời nhiệm sở.

Merkel không nhất thiết tự coi mình là hình mẫu cho nữ giới. Tuy nhiên, với tư cách là nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Đức, bà đã vượt qua những rào cản vô hình (glass ceiling) đối với nữ giới để trở thành nhân vật hàng đầu trên chính trường toàn cầu.

Lần đầu tiên bà Merkel được hỏi trực tiếp liệu bà có phải là một nhà nữ quyền hay không là tại Hội nghị Thượng đỉnh Women 20 (W20) ở Berlin vào năm 2017. Khi đó, bà không đưa ra câu trả lời một cách trực tiếp, khiến nhiều người chỉ trích và thất vọng.

Sau nhiều năm né tránh câu hỏi, cuối cùng Merkel đã thể hiện lập trường rõ ràng của mình về nữ quyền trong những ngày cuối cùng tại nhiệm.

Phát biểu với các phóng viên sau một sự kiện với nhà văn Nigeria Chimamanda Ngozi Adichie ở Düsseldorf hồi đầu tháng 9, Merkel đã chia sẻ về quan điểm mới của bà về nữ quyền.

"Về cơ bản, thực tế là nam giới và phụ nữ bình đẳng, theo nghĩa liên quan đến sự tham gia vào xã hội và trong cuộc sống nói chung. Và theo nghĩa đó, tôi có thể nói tôi là một nhà hoạt động nữ quyền".

Tuyên bố trên được đưa ra khi bà chuẩn bị rút lui khỏi giới chính trị đặt ra câu hỏi: Liệu tuyên bố này của bà có đến quá muộn?

Tuy vậy, trên thực tế, nhiều lựa chọn về lối sống của Thủ tướng Đức Angela Merkel và các chính sách mà bà thực hiện đã ủng hộ nền tảng của các nguyên tắc nữ quyền — ngay cả khi lời nói của bà không phản ánh điều đó.

Thông thường, nữ quyền được đánh đồng với việc trao cho mọi người các quyền, cơ hội và trách nhiệm như nhau bất kể giới tính của họ. Theo nhiều cách, cuộc đời của Merkel là một ví dụ điển hình cho cuộc sống của một nhà hoạt động nữ quyền.

Từ quyết định lựa chọn nghề nghiệp với tư cách là một nhà khoa học sau khi lấy bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực Vật lý - môn khoa học vốn do nam giới thống lĩnh, đến việc bị chỉ trích khi liên tục mặc những bộ quần áo giống nhau đến các sự kiện cộng đồng khi đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Đức, bà Merkel đều thể hiện mong muốn được đánh giá dựa trên năng lực hơn là ngoại hình. Đây là các đặc điểm nhất quán của một nhà nữ quyền.

Ngoài ra, điều đáng nói là nhiều chính sách mà bà Merkel thực hiện trong thời gian tại nhiệm của mình đã giúp tăng cường bình đẳng giới. Trong nhiệm kỳ của bà, các chính sách lấy phụ nữ và gia đình làm trung tâm đã được thực hiện, chẳng hạn như mở rộng tài trợ của chính phủ cho các trung tâm mầm non dành cho trẻ em, cũng như hạn ngạch bắt buộc về bổ nhiệm nữ giới vào ban điều hành doanh nghiệp.

Ngoài ra, bà Merkel đã sử dụng quyền hạn của mình để thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, điển hình là tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2015 được tổ chức ở Đức.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới đã ra tuyên bố giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất của thế giới. Nổi bật trong văn kiện này là lời kêu gọi thúc đẩy trao quyền kinh tế và tinh thần kinh doanh của phụ nữ, được mô tả là “động lực chính của đổi mới, tăng trưởng và việc làm”.

Trong một phụ lục riêng, các nhà lãnh đạo G7 đã tán thành các bước cụ thể để thúc đẩy tinh thần kinh doanh của phụ nữ, bao gồm tạo điều kiện tiếp cận tài chính, cải thiện chính sách công việc-gia đình cho nam giới và phụ nữ, khuyến khích trẻ em gái tham gia vào các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), và coi các nữ doanh nhân thành đạt là hình mẫu cho thế hệ tiếp theo.

Theo Chỉ số Bình đẳng Giới Châu Âu (European Gender Equality Index) năm 2019, tiến bộ của Đức về các chính sách bình đẳng giới đã đạt được 6,9 điểm trong giai đoạn 2005-2017 - một mức tăng trưởng nhanh hơn của bất kỳ quốc gia thành viên EU nào khác.

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên ấn bản cuối tuần của báo Süddeutsche Zeitung, bà Angela Merkel cho rằng nền chính trị Đức vẫn còn quá nam quyền và cần kêu gọi phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trị.

“Chúng ta vẫn chưa thể thu hút đủ phụ nữ tham gia chính trị”, bà Merkel nhận định. "Chúng ta cần nỗ lực để phụ nữ có được sự tự tin hơn về tổng thể. Bởi vì ngay cả khi có sự hiện diện của phụ nữ, không có nghĩa họ là những người tranh giành vị trí lãnh đạo đảng”.

Theo Merkel, một đảng chính trị muốn tiếp tục là một đảng bình dân lớn, hay còn gọi là Volkspartei, thì đảng đó nên thu hút nhiều phụ nữ hơn vào hàng ngũ của mình và phấn đấu vì bình đẳng giới.

Khi bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư của mình, bà Merkel đã bổ nhiệm 7 nữ quan chức cho các vị trí trong nội các gồm 16 thành viên, khiến đây trở thành nội các có nhiều nữ giới nhất trong lịch sử nước Đức.

Có thể nói, chưa bao giờ trong lịch sử nước Đức phụ nữ lại có thể thâm nhập rõ ràng vào thế giới hành pháp chính trị như trong thời kỳ bà Angela Merkel nắm quyền Thủ tướng.

Ngày 4/6/2020, Merkel tuyên bố bà hoàn toàn không có ý định tái tranh cử nhiệm kỳ thứ năm mặc dù bà nhận được tỉ lệ ủng hộ áp đảo.

Từ đây, “kỷ nguyên Merkel” kết thúc. Nhưng những gì bà đã làm với tư cách người đứng đầu nước Đức và thủ lĩnh châu Âu, cũng như dấu ấn nữ quyền của bà thì sẽ còn mãi.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 08/12/2021 | 06:00