Điểm đến của “thung lũng Silicon Việt”

Điểm đến của “thung lũng Silicon Việt”

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Công Tiến, Phó ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thu hút đầu tư đã được một số kết quả đáng ghi nhận.

Ban Quản lý đã cấp chấp thuận chủ trương đầu tư, Chứng nhận đăng ký đầu tư cho 18 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là khoảng 136,5 triệu USD, 14 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 2.490,8 tỷ đồng.

Ông Tiến nhận định, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Điểm đến của “thung lũng Silicon Việt”

Ông Nguyễn Công Tiến, Phó Ban Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Nhằm triển khai Đề án của UBND Thành phố, Ban Quản lý xây dựng Kế hoạch Xúc tiến đầu tư vào Khu công nghệ cao năm 2024 với trọng tâm ưu tiên thu hút các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành vi mạch bán dẫn, tập trung vào những thị trường hàng đầu về sản xuất vi mạch bán dẫn (như Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc và Hàn Quốc), phối hợp đoàn lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng trong chuyến đi công tác tại Hoa Kỳ, trao đổi, tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Đồng thời, giới thiệu về hình ảnh thành phố, con người Đà Nẵng cũng như những chính sách ưu đãi vượt trội khi đầu tư vào Khu công nghệ cao.

Điểm đến của “thung lũng Silicon Việt”

Công nhân Khu công nghệ cao Đà Nẵng đang làm việc

Ban Quản lý sẽ làm việc với Sở Ngoại vụ, kết nối với đội ngũ kỹ sư giỏi ở nước ngoài mong muốn về Việt Nam đầu tư làm ăn và kết nối họ với các trường đại học trên địa bàn Thành phố này, nhằm chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, giảng dạy sinh viên về lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Ông Tiến cho biết: “Với diện tích hơn 99 ha tại Khu R&D, Đào tạo và Ươm tạo cũng như những chính sách ưu đãi về thuế và tiền thuê đất, tôi hy vọng sẽ có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu ở Hoa Kỳ quan tâm, xây dựng cơ sở đào tạo, văn phòng, thực hiện công tác đào tạo đội ngũ kỹ sư, sinh viên trẻ tại đây, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trong ngành, phục vụ cho sự hợp tác chiến lược giữa 2 nước”.

Điểm đến của “thung lũng Silicon Việt”

Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys Nam Á nhận định, Thành phố Đà Nẵng hiện nay không còn nhiều quỹ đất để phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ thông thường.

Thay vào đó, Thành phố này cần hướng đến phát triển công nghệ bán dẫn, công nghệ cao. Hiện nay, kỹ sư Việt Nam làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn số lượng rất nhiều ở công ty trong và ngoài nước.

Kỹ sư của Synopsys tại Thành phố Đà Nẵng cũng đã làm chủ được công nghệ làm chip bán dẫn nên về công nghệ không phải là vấn đề. Điều quan trọng là việc đào tạo nguồn nhân lực và điều này nằm trong tầm tay.

Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng nhìn từ trên cao

Ngoài ra, địa phương này cần xây dựng thêm các trung tâm ươm tạo tầm thế giới, đầu tư hạ tầng phần mềm cho các trường đại học, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể chia sẻ với ưu đãi cao nhất, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong thiết kế chip, đảm bảo tạo ra các sản phẩm cạnh tranh được ở các thị trường quốc tế.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đánh giá, Thành phố Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp bán dẫn. Sinh viên chiếm khoảng 10% dân số.

Điểm đến của “thung lũng Silicon Việt”

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đánh giá, thành phố Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp bán dẫn.

Các công ty Intel, Synopsys và nhiều công ty về công nghệ thông tin, bán dẫn lớn trên thế giới đã có mặt ở Thành phố Đà Nẵng. Điều quan trọng là phải trải thảm đỏ đón doanh nghiệp.

Thảm đỏ ở đây không phải là tiền mà là khung pháp lý thuận lợi, cơ chế, đào tạo, kết nối quốc tế và cả tâm huyết của lãnh đạo, nhân dân.

Ông Bình cũng cho rằng, một trong những vấn đề cần quan tâm là đào tạo nhân lực. Hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ hai về xuất khẩu phần mềm chỉ sau Ấn Độ.

Điểm đến của “thung lũng Silicon Việt”

Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ được thành phố Đà Nẵng chọn là lĩnh vực phát triển đột phá trong thời gian tới

FPT hiện đào tạo 17.500 học sinh, sinh viên và đã mở ngành đào tạo bán dẫn. FPT cũng đã gặp gỡ nhiều công ty hàng đầu thế giới về vi mạch bán dẫn để bàn về kế hoạch nhân sự.

FPT cam kết sẽ cùng Thành phố Đà Nẵng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn và đưa Thành phố này trở thành thung lũng Silicon thứ hai.

Liên quan đến đào tạo nhân lực chất lượng cao, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành phố Đà Nẵng cho hay, đã đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn.

Điểm đến của “thung lũng Silicon Việt”

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư thành phố Đà Nẵng

Địa phương này sẽ lập tổ công tác tư vấn liên ngành với sự tham gia của các sở, ngành và chuyên gia, thậm chí, mời chuyên gia nước ngoài để tham mưu tư vấn xây dựng đề án, tham mưu cho lãnh đạo.

Thành phố cũng nghiên cứu, bổ sung lĩnh vực vi mạch, bán dẫn vào lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ đầu tư phát triển Thành phố để đào tạo nhân lực và đầu tư phát triển chip, đưa nội dung vi mạch, bán dẫn vào chương trình xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế của Thành phố, áp dụng từ năm 2024.

Một góc Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 3, 13/02/2024 | 20:00