img img

img img

Người Đưa Tin: Đồng Nai đã có những chiến lược như thế nào để việc phát triển các khu công nghiệp (KCN) gắn với kinh tế xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hoàng:
Là địa phương có quy hoạch phát triển các KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lớn nhất cả nước, tính đến nay, tỉnh Đồng Nai có 39 KCN được quy hoạch với tổng diện tích đất trên 18.500ha. Hiện, tỉnh đã có 33 khu công nghiệp được cấp phép thành lập với tổng diện tích đất trên 10.51ha, trong đó có 31 KCN đi vào hoạt động, 1 KCN trong giai đoạn đầu tư xây dựng hạ tầng và 1 KCN mới được cấp phép thành lập tháng 7/2023.

Phương hướng phát triển của tỉnh Đồng Nai trong 5 năm tới là: Tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản; ưu tiên phát triển công nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở hình thành các khu (tổ hợp) công - nông nghiệp - dịch vụ ở các địa phương có điều kiện tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ở từng địa bàn.

img
Cổng vào khu công nghiệp Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Anh Trọng).

Trên cơ sở định hướng nêu trên, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 859/CTr-UBND ngày 22/01/2019 về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 198-KH/TU ngày 10/8/2018 của Tỉnh ủy.

Theo đó tỉnh Đồng Nai định hướng, giai đoạn đến năm 2030 sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp: Cơ khí chế tạo, ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện - điện tử, thiết bị y tế...; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp thân thiện môi trường, công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp ưu tiên; trong đó phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên theo hướng tích hợp thành tựu mới nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác.

Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như dệt may, da giày nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

img img

Giai đoạn 2030-2045 sẽ tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học.

Trong lộ trình đến năm 2050, giai đoạn 2022-2025 là thời kỳ đẩy mạnh việc triển khai và thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành nghề, lĩnh vực vào các khu công nghiệp hiện hữu và mới thành lập trên địa bàn tỉnh, từng bước hình thành các KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao trên địa bàn.

Ngoài ra, tỉnh đang thực hiện Đề án giảm thiểu khí carbon (là một hợp chất trong điều kiện bình thường tồn tại ở dạng khí, bao gồm một nguyên tử cacbon và hai nguyên tử oxy, có công thức hóa học là CO2 - PV) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hiện thực hóa các mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26 với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo đó, tỉnh quy hoạch các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp phát thải ròng và khu công nghiệp Net-Zero, cụ thể là Khu công nghiệp Hàng Gòn, tại thành phố Long Khánh. Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai cũng xây dựng lộ trình chuyển đổi hình thức hoạt động của các Khu công nghiệp hiện hữu hướng đến hình thành các Khu công nghiệp xanh hướng đến mục tiêu Net-Zero (lượng phát thải ròng bằng 0 - PV) vào năm 2050.

img
Toàn cảnh khu công nghiệp 1 và sông Đồng Nai. (Ảnh: Anh Trọng).

Người Đưa Tin: Bà có thể cho biết vì sao mới đây, tỉnh Đồng Nai lại chú trọng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp sinh thái, công nghiệp xanh?

Bà Nguyễn Thị Hoàng:
Quá trình hình thành và phát triển các KCN trong mỗi giai đoạn có những yêu cầu, mục tiêu và ưu tiên khác nhau gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà gắn với mục tiêu chung của đất nước. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc thu hút đầu tư vào các KCN Đồng Nai không thể tách rời các chiến lược quốc gia và các cam kết quốc tế về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu…

Với tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, tỉnh Đồng Nai xác định tầm nhìn đến 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, đáng sống, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính. Thu hút đầu tư trong giai đoạn này cần đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, tính bền vững môi trường, thay đổi căn bản trong phương thức sản xuất và tiêu dùng xã hội, từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, hướng tới ít phát thải/trung hòa carbon, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao đời sống người lao động; đồng thời, giảm đáng kể những rủi ro môi trường và thiếu hụt sinh thái.

img img
Nút giao thông ngã 4 Vũng Tàu kết nối cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh và tuyến đường huyết mạch đến các khu công nghiệp Long Thanh (huyện Nhơn Trạch).

Người Đưa Tin: Hiện nay, tỉnh đang gặp những khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình lập quy hoạch và triển khai công nghiệp xanh? Có những vướng mắc nào cần kiến nghị Trung ương quan tâm hơn để tháo gỡ?

Bà Nguyễn Thị Hoàng:
Bên cạnh tính đúng đắn và quyết tâm thực hiện chủ trương triển khai công nghiệp xanh, tỉnh Đồng Nai cũng dự báo các khó khăn, thách thức.

Theo đó, diện tích đất công nghiệp đưa vào khai thác, sử dụng ngày càng giảm, trong khi đó căn cứ Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 3 năm 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp cho tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 là 18.543ha. Nếu tính phần diện tích đất Khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ (7.095ha) đến năm 2020, thì cả giai đoạn 2021-2030 tỉnh Đồng Nai sẽ không còn chỉ tiêu đất khu công nghiệp để bổ sung mới, mở rộng các khu công nghiệp.

Tốc độ thu hút đầu tư và triển khai các dự án đầu tư có khả năng bị chậm so với giai đoạn trước. Phải giải quyết những dự án bị đào thải do không đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới. Chi phí đầu tư nguồn lực thực hiện khá lớn khi các doanh nghiệp phải tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh, thiết kế lại quy trình, tăng chi phí đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng và kéo dài vòng đời sản phẩm, thu hồi chất thải công nghệ, tái sử dụng, tái chế hoặc bảo đảm đầu vào cho hoạt động sản xuất khác…

Do vậy, để đảm bảo phát triển hài hòa và phù hợp với tình hình thực tiễn, chính quyền địa phương, nhà đầu tư phải cân nhắc, rà soát, đánh giá cụ thể về đề xuất các KCN mới phục vụ triển khai công nghiệp xanh như việc kết nối hạ tầng giao thông, hệ thống điện, nước, hoạt động về Logistic... và chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái.

img
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

img img

Người Đưa Tin: Tỉnh đã có những chính sách gì để thu hút doanh nghiệp đầu tư về công nghiệp sinh thái, thông minh, công nghiệp xanh, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hoàng:
Trên cơ sở Kế hoạch số 198-KH/TU ngày 10/8/2018 của Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 859/CTr-UBND ngày 22/01/2019 của UBND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo trình ban hành các Chính sách, Chương trình, Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp như sau:

Về phát triển công nghiệp công nghệ cao, tỉnh Đồng Nai có Kế hoạch số 12015/KH-UBND ngày 01/10/2021 về thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 06/01/2022 về phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2025.

Về phát triển công nghiệp sinh học, tỉnh Đồng Nai có Kế hoạch số 16602/KH-UBND ngày 31/12/2021 về phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 200/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 quy định về việc hỗ trợ chi phí sử dụng hạ tầng, chi phí thuê nhà xưởng tại các khu, cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch số 3681/KH-UBND ngày 03/4/2020 về phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp, phấn đấu đến hết năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 21% - 23% tổng giá trị sản xuất công nghiệp

Đối với các chính sách hỗ trợ đặc thù đối với công nghiệp sinh thái thuộc ngành Công thương do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 và Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022, đến nay chưa được ban hành do đó ngành Công Thương chưa có căn cứ tham mưu thực hiện.

Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án giảm thiểu khí carbon đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm triển khai thực hiện, Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Công ty cổ phần Saigontel và Liên minh xanh tổ chức Hội nghị với chủ đề "Xu hướng Net Zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững tại tỉnh Đồng Nai". Chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế cùng tham gia đầu tư đóng góp vào mục tiêu này.

img
Bãi tập kết ô tô tại khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Người Đưa Tin: Thời gian tới, để công nghiệp xanh phát triển nhanh, hiệu quả, với vai trò là ngành chủ lực của kinh tế Đồng Nai, tỉnh có những giải pháp cụ thể nào?

Bà Nguyễn Thị Hoàng:
Định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới đối với lĩnh vực Công nghiệp là các Dự án sử dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ; phát triển công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu mới, các dự án tiết kiệm năng lượng, các dự án thân thiện với môi trường; đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm phần cứng, phần mềm.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, ưu tiên thu hút các ngành nghề: sản phẩm nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ sinh học. Sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo thực phẩm an toàn. Dự án chế biến nông sản thực phẩm. Dự án trồng, sản xuất dược phẩm, dược liệu. Đối với lĩnh vực dịch vụ, hạ tầng, tỉnh ưu tiên mời gọi các dự án đầu tư cầu đường, cảng và các dự án phục vụ cho người dân như giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Đồng Nai đang khẩn trương hoàn thiện và sớm trình phê duyệt hồ sơ quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, qua đó công khai, minh bạch quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch tại các địa bàn quan trọng như: Long Thành (khu vực xung quanh sân bay quốc tế Long Thành), huyện Nhơn Trạch, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa; Công khai danh mục thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư, danh mục dự án đấu giá, đấu thầu, để thưc hiện kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia.

img
Trục đường Bùi Văn Hoà với chiều dài khoảng 5km, nối liền từ vòng xoay Tam Hiệp đến vòng xoay cổng 11 (QL51). Hàng ngày lượng xe container ra vào vận chuyển hàng hoá từ kho ICD Tân Cảng Long Bình.

Tỉnh sẽ tiếp tục bố trí nguồn vốn đầu tư công để triển khai đồng loạt các hạng mục công trình, giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng, liên kết tỉnh như: các tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Đà Lạt, Biên Hoà – Vũng Tàu rồi đường vành đai 3, vành đai 4; tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên được nối dài về Biên Hoà.

Đồng thời, để đảm bảo các phương án kết nối giao thông khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động.

Hiện, tỉnh đang kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ ngành Trung ương và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tính toán việc bổ sung phân bổ không gian hướng tuyến của 2 tuyến đường sắt đi ngang qua tỉnh Đồng Nai (tuyến đường sắt hàng hóa Biên Hòa - Long Thành - Vũng Tàu và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành) và phương án kéo dài tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên kết nối với thành phố Biên Hòa và sân bay Long Thành vào quy hoạch của vùng.

Trong thời gian tới, tỉnh mở rộng, phát triển thêm các cơ sở giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề về cả số lượng lẫn chất lượng để đáp ứng nhu cầu cho các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ quan trọng của tỉnh.

img
Xu hướng xanh hóa sản xuất đang mở ra, tạo cơ hội để tỉnh Đồng Nai phát triển công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Đẩy nhanh kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, thống nhất nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội và môi trường thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đang tích cực triển khai chuyển đổi số toàn diện trên mọi lĩnh vực, chuyển đổi số là công cụ quan trọng để đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành công tác quản lý của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.

Thúc đẩy hợp tác, liên kết cộng sinh công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý KCN; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường. Quy định chặt chẽ về trách nhiệm của doanh nghiệp với chất thải do doanh nghiệp tạo ra.

Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung về phát triển công nghiệp tại Chương trình hành động số 859/CTr-UBND ngày 22/01/2019 của UBND tỉnh; các chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao.

Người Đưa Tin: Tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ triển khai các khu công nghiệp xanh, thông minh tại địa phương. Ưu thế cụ thể của những khu công nghiệp này được triển khai như thế nào, có khả thi cao hay không?

Bà Nguyễn Thị Hoàng:
Đối với những KCN hiện hữu chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN xanh, thông minh: Xu hướng xanh hóa sản xuất đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp; sự thay đổi lớn, nhanh sẽ góp phần phát triển nền sản xuất công nghiệp thích ứng với tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường.

img img

Đây sẽ là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra đột phá, phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Những nhà đầu tư có tâm, có tầm đang hoạt động tại các KCN đã nhận thức được điều này và đang tích cực chuyển đổi, tạo hiệu ứng lan tỏa, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Đây là ưu thế mà một số địa phương ít KCN không có được.

Đối với các KCN mới thành lập, việc xác định ngay từ đầu các nhóm ngành nghề ưu tiên thu hút vào KCN cũng như việc quy hoạch các phân khu sản xuất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án đầu tư hạ tầng KCN theo đúng định hướng và chọn lọc được nhà đầu tư thứ cấp thích hợp, tránh được bài toán về xung đột hay thiếu đồng bộ trong kết nối giữa các dự án trong KCN về hạ tầng công nghệ hay cộng sinh công nghiệp.

Như vậy, ngoài các lợi thế vốn có như vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, nền tảng kinh tế xã hội, quá trình hình thành và phát triển các KCN Đồng Nai cũng là yếu tố quan trọng trong việc triển khai các khu công nghiệp xanh, thông minh, góp phần đưa Đồng Nai sớm đạt mục tiêu.

Xin cảm ơn bà rất nhiều!

img

NGUOIDUATIN.VN |