Chuối - loại cây có sản lượng cao nhất của Việt Nam. Năm 2021, sản lượng chuối của cả nước đã lên đến 2,1 triệu tấn, cách khá xa loại quả đứng thứ hai là thanh long (1,4 triệu tấn).

Hiện có khoảng 150.000ha chuối lấy quả có diện tích lớn ở quy mô trang trại, nông trại. Nếu tính cả diện tích nhỏ lẻ của các hộ gia đình, các giống chuối không lấy quả như chuối lá, chuối hột, chuối rừng, diện tích cây chuối ở nước ta trên 200.000ha.

Cây chuối hiện tại chủ yếu dùng để lấy quả, một số ít tận dụng được lá khô, lá tươi, hoa tươi. Thân chuối gần như 100% là chặt bỏ, gây lãng phí và thậm chí gây ô nhiễm môi trường, người trồng chuối thậm chí phải mất chi phí cho việc đốn hạ, vứt bỏ thân chuối sau thu hoạch.

Hiện thực ấy đã liên tục thôi thúc anh Bùi Khánh Dũng (SN 1976) - Giám đốc Công ty Musa Pacta - đau đáu tìm giải pháp để làm sao giúp cho các chủ trang trại, giúp cho người nông dân trồng chuối, ngoài thu hoạch quả thì vẫn có thêm thu nhập từ thân cây chuối.

“Nếu chỉ nghĩ thân chuối là bỏ đi thì thực sự lãng phí. Từ thân cây chuối có thể đem lại giá trị kinh tế đầy tiềm năng khi có thể làm ra sợi chuối, tơ chuối, để rồi từ đó tạo ra các sản phẩm thủ công mĩ nghệ, giấy,… mang lại giá trị cao hơn”, ông chủ Musa Pacta nói khi tiếp chúng tôi tại căn phòng mà ở đó, dưới chân là thảm làm bằng sợi chuối, trên trần là vô số đèn lồng bằng tơ chuối, ngay cả bộ bàn ghế cũng bằng sợi chuối.

Là một doanh nghiệp có tuổi đời còn rất trẻ, thành lập hồi tháng 9/2019 nhưng Công ty Musa Pacta của anh Bùi Khánh Dũng đã thành công trong việc sở hữu Bằng độc quyền giải pháp hữu ích sản xuất sợi từ thân cây chuối.

“Tên gọi Musa Pacta mang ý nghĩa đặc biệt, vốn là tên ghép từ tiếng Latinh. Musa nghĩa là chuối, còn Pacta là giao ước. Đó là giao ước để cùng nhau biến sợi chuối trở thành thứ có ích, cùng nhau làm giàu, cùng nhau phát triển, để đất nước có thêm một mặt hàng ưu việt trên thị trường thế giới”, anh Dũng bộc bạch.

Ngoài ra, sợi chuối không dễ bắt cháy như các loại vật liệu khác. Chính vì cây chuối sẵn có chất kháng sinh tự nhiên nên không bị mốc hay nhiễm khuẩn, do đó sản phẩm từ cây chuối khi nhập khẩu vào các nước không phải qua các thủ tục kiểm dịch thực vật phức tạp như nhiều sản phẩm từ thực vật khác.

Từ sản phẩm sợi chuối thô người ta còn có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm như thủ công mỹ nghệ, giấy các loại như giấy in tiền, giấy gói hàng, đến những vật liệu cao cấp dùng trong công nghiệp ô tô, du thuyền… tạo nên giá trị thương phẩm gấp bội.

Để rồi đi tìm hiểu kĩ hơn, anh mới thấy thị trường sợi chuối trên thế giới đã hình thành và phát triển khoảng 15 - 20 năm nay. Đó là một thị trường sôi động, phát triển liên tục với những quốc gia xuất khẩu sợi chuối thô hàng đầu thế giới như Philippines, Ấn Độ,… mỗi năm thu về hàng tỷ USD.

Nhìn về Việt Nam, anh thấy đâu đâu cũng có cây chuối, tỉnh nào cũng có vùng trồng. Lợi thế đầu tiên của sợi chuối đó chính là nguồn nguyên liệu dồi dào - vốn bị bỏ đi sau khi thu hoạch quả.

“Muốn có 1kg bông, đay hay gai thì cũng phải phá đất ra để trồng, phải chăm, phải chờ đợi, mất công, mất sức. Còn với chuối thì lại khác, nguồn nguyên liệu đang sẵn có, vậy tại sao lại không học hỏi kinh nghiệm từ nước bạn để tạo ra được sản phẩm có giá trị cao từ loại cây này, giúp bà con nông dân có thêm công ăn việc làm?”, anh suy nghĩ.

Mang ý nghĩ táo bạo đó trở về Việt Nam, anh quyết định mở công ty để thực hiện ước mơ của mình. Nhưng mọi việc không hề dễ dàng như những gì anh suy nghĩ. Ý tưởng nằm ở trong đầu nhưng trang thiết bị ở đâu để thực hiện ý tưởng này thì lại là một bài toán khó.

Anh tìm gặp một số doanh nghiệp cơ khí ở trong nước, nhưng điều đầu tiên các doanh nghiệp này hỏi anh chính là bản vẽ thực tế.

“Bản vẽ ở trong đầu tôi, nhưng tôi cần các anh thể hiện ra thành bản vẽ trên giấy rồi mới chế tạo”, anh Dũng nhớ lại và nói rằng, câu trả lời khi ấy của các doanh nghiệp cơ khí đều là cái lắc đầu.

Dù không có công nghiệp phụ trợ nhưng mang tâm tư, ý chí và nỗ lực của một người khởi nghiệp, anh không bỏ cuộc mà quyết định tự thành lập một công ty cơ khí chính xác để tự sản xuất ra thiết bị phục vụ cho ý tưởng của mình.

Muốn tuốt được sợi tơ chuối nhỏ đúng kích thước như sợi tóc đòi hỏi các thiết bị phải có độ chính xác rất cao. Anh đã thử nghiệm xưởng sản xuất sợi chuối ở Hợp tác xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và đạt được thành công ngoài mong đợi.

Quá trình hợp tác, công ty đã lần lượt giới thiệu ra thị trường một loạt các mẫu máy dành cho ngành khai thác sợi chuối như máy tuốt sợi chuối, máy xẻ thân chuối, máy ép bã, máy ép khuôn chậu cây từ bà chuối, máy làm sạch sợi… Cũng từ đây, công việc tại hợp tác xã đã giúp lao động trong vùng có thêm công ăn việc làm.

Anh Dũng cho biết, Musa Pacta thiết lập mô hình chế biến phân tán, tại chỗ để tạo ra nguồn nguyên liệu. Một dàn máy chế biến thân chuối ra sợi chuối chỉ vào khoảng 500 triệu đồng, hoàn toàn trong khả năng đầu tư của một hộ gia đình hoặc một nhóm hộ gia đình. Độ bền của máy dùng được 20 năm. Đơn vị đầu tư chỉ phải thanh toán một nửa số tiền, một nửa còn lại sẽ trả bằng sản phẩm mà công ty ký hợp đồng bao tiêu đầu ra.

Trả lời về việc công ty có phân bổ lại vùng trồng hay làm chủ một nguồn nguyên liệu cung ứng dài hạn, anh Dũng nói rằng “công ty không có chủ trương sở hữu vùng trồng”. Bản thân anh đã khảo sát gần 7 giống chuối lấy quả phổ biến ở Việt Nam, tất cả đều có khả năng lấy sợi tốt, sản lượng khác nhau ở từng vùng miền nhưng không chênh lệch quá lớn.

Anh cho biết, với diện tích 200.000 ha đất đang trồng chuối hiện tại - đây là một vùng nguyên liệu chuối khổng lồ và nếu tận dụng được hết toàn bộ thì sản lượng đã có thể mang tính quốc gia.

Nói về quy trình làm ra một sợi chuối, ông chủ Musa Pacta cho biết, thân cây chuối được khai thác khi đã già, lấy xong quả, bên trong bị xơ hóa. Sau khi thân chuối được thu gom về, bổ đôi, tách bẹ và đưa vào máy ép sợi.

Sợi chuối được phân loại và đưa lên giàn, phơi khô, sau đó bó lại và đưa vào máy quay sợi. Phần lõi trong cùng thân chuối là phần có thể thu được sợi mềm và dẻo nhất, lớp vỏ ngoài cùng lại cho sợi cứng và dày nhất.

Sợi chuối khô sau khi tuốt sạch sẽ được tết lại thành những sợi thừng lớn nhỏ và nhuộm đủ màu. 1 tấn thân chuối trung bình thu được 10 - 15kg sợi chuối phơi khô, hiện đang thu mua từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng.

Từ những sợi chuối đó đan thành túi, giỏ, sọt, làn, khay, thảm, dép… với nhiều kiểu dáng độc đáo. Thậm chí, những mảnh sợi vụn cũng vẫn được tận dụng ép thành giấy, làm đèn lồng, hay giấy vẽ tranh ấn tượng.

Điều đặc biệt, nước thân chuối sau khi trải qua quá trình ép lấy sợi cũng được đem ngâm ủ với quả chuối cùng các enzyme sinh học khoảng 3 tháng để làm chế phẩm sinh học hữu cơ, thích hợp cho việc tưới cây cảnh và rau củ.

Cùng đi với chúng tôi trong buổi làm việc với Công ty Musa Pacta, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh về xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững, không gây tổn hại và thân thiện với môi trường.

Ông đánh giá điểm đặc biệt của các xưởng tuốt sợi chuối đều là các xưởng sản xuất không rác thải, bởi các chất thải trong quá trình tuốt sơi chuối như bã chuối, nước ép thân chuối đều trở thành các sản phẩm có giá trị như chế phẩm sinh học phục vụ cây trồng, vật nuôi, giá thế trồng cây, phân vi sinh.

“Với những sản phẩm như tơ chuối thì đây là sản phẩm rất thích hợp với nền kinh tế xanh, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế không rác thải và hiệu quả với nông thôn Việt Nam. Nó không chỉ tạo thêm việc làm mà còn tạo ra thu nhập cho các hộ nông dân từ chính nguồn nguyên liệu có sẵn, dư thừa ở ngay trên mảnh đất của mình”, ông Hải nhìn nhận.

Vị Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, đây là mô hình hay của một nền kinh tế xanh, là hướng đi tiềm năng mà doanh nghiệp có thể khai thác khi mà Việt Nam đang sở hữu sản lượng thân chuối rất lớn, ước tính lên tới khoảng 160 triệu tấn thân.

Là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sợi từ thân cây chuối, anh Dũng nói rằng, vì là doanh nghiệp mới, đi con đường chưa ai đi nên còn gặp nhiều khó khăn.

Từ khi thành lập, công ty rơi vào đúng năm đại dịch Covid-19. Khó khăn là có, vì khi gặp dịch thì hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều chịu ảnh hưởng lớn về chi phí logistics tăng cao như giá công vận chuyển tăng lên gấp 5 - 10 lần so với thời điểm trước Covid-19.

Thủ tục xuất khẩu thì không có vấn đề gì, nhưng như nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khác, công ty của anh Dũng rất cần vốn và cần mặt bằng để sản xuất.

“Chi phí để có được một mặt bằng hiện nay quá cao, những doanh nghiệp mới ra đời thường vốn mỏng, tiền đổ vào thuê đất và hạ tầng đã chiếm mất phần lớn, thậm chí lãi làm ra cũng không thể đủ bù đắp. Đây là một trở ngại với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào sản xuất”, anh Dũng chia sẻ và nói rằng, bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng đều mong muốn có cơ chế tiết giảm được chi phí đầu vào kể cả giá xăng, điện,… để giảm bớt sức ép khi đầu tư sản xuất.

Hiện nay, việc xuất khẩu các đơn hàng của công ty sang tiêu thụ tại các thị trường nước ngoài vẫn đi bằng con đường tiểu ngạch, thông qua các công ty thương mại, cũng chưa có những đơn chính ngạch và xuất với số lượng lớn. “Trên thực tế, sản lượng vẫn chưa đáng kể so với tiềm năng vốn có”, anh chia sẻ.

Dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng bản thân có lợi thế của người đi sau, anh Dũng cho biết, có thể học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước. “Sản phẩm xuất đi thị trường nước ngoài nhận được hiệu ứng rất tốt vì sợi chuối của Việt Nam làm một trong những sợi đẹp trên thế giới”, anh tự hào nói.

Theo chia sẻ của anh Dũng, những sản phẩm như đèn làm bằng sợi chuối trên thị trường thế giới đang bán 200 - 300 USD tương đương 5 - 7 triệu đồng, thậm chí có giá 600 - 800 USD tương đương 14 - 20 triệu đồng. Hay những sản phẩm áo làm từ tơ chuối cũng được bán với giá khoảng 5 triệu đồng…

Nói về kế hoạch trong tương lai, anh bật mí về khoảng thời gian 2 tháng tới khi nhà máy bông, sợi của Công ty Musa Pacta khánh thành, có thể hi vọng sẽ có một dòng sản phẩm vải chất lượng cao dành cho tiêu dùng và xuất khẩu. Một ngành nghề mới, một hệ sinh thái mới dựa trên những sợi tơ chuối dần dần sẽ được thành hình.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 14/03/2022 | 07:55