Chúng tôi có lịch hẹn PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai vào một buổi chiều cuối năm. Dù khối lượng công việc rất bộn bề, nhưng người đứng đầu Bạch Mai cũng đã dành thời gian để trải lòng với Người Đưa Tin (NĐT) về những gì bệnh viện này đã trải qua và những mong ước đầu xuân Quý Mão 2023.

NĐT: Chào ông, cuối năm công việc của một giám đốc bệnh viện, lại là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên của Việt Nam, tuyến cao nhất trong bậc thang điều trị của ngành y tế hẳn là rất bận?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Bạn thấy đấy, công việc của chúng tôi tính bằng giây (cười).

NĐT: Sau hai năm thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết số 33, Bệnh viện Bạch Mai đã xin dừng thí điểm mô hình này, xin ông chia sẻ những khó khăn bệnh viện gặp phải trong suốt thời gian tự chủ toàn diện?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Năm 2022 là năm có rất nhiều biến động trong Bệnh viện Bạch Mai, khi ban lãnh đạo bệnh viện cũ đồng loạt nghỉ hưu thay vào đó là một bộ máy lãnh đạo mới.

Từ ngày 17/2/2020, Chính phủ giao cho Bạch Mai tự chủ toàn diện bao gồm: tự chủ về đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị y tế, chi thường xuyên. Thực tế, hơn 10 năm qua Bạch Mai đã đang tự chủ nhưng tự chủ ở mức chi thường xuyên theo Nghị định 43 của Chính phủ. Vì thế, mức độ tự chủ toàn diện lớn hơn rất nhiều so với tự chủ chi thường xuyên.

Thêm vào đó, 2 năm thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện Bạch Mai lại vướng vào dịch bệnh Covid-19. Khi bắt đầu thực hiện tự chủ toàn diện thì Bạch Mai cũng xuất hiện chùm ca bệnh Covid đầu tiên, chưa bao giờ Bạch Mai phải đóng cửa bệnh viện, phân luồng cách ly ngăn chùm ca bệnh không lan ra bệnh viện và cộng đồng.

NĐT: Ngày 29/3/2022 ông được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, xin ông chia sẻ cảm nhận của mình ở cương vị mới?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Tháng 7/2020, tôi được bổ nhiệm làm Phó giám đốc, bổ nhiệm chiều hôm trước thì hôm sau tôi vào Đà Nẵng chống dịch. Sau đó, tôi được giao phụ trách bệnh viện, cuối tháng 3/2022 tôi được bổ nhiệm làm giám đốc bệnh viện.

Tôi nhận nhiệm vụ trong một bối cảnh hết sức khó khăn, trong điều kiện phòng mổ thiếu bông băng, cồn gạc, thiếu chỉ để khâu, các đơn vị cấp cứu như cấp cứu tim mạch không có stent để đặt cho bệnh nhân, phòng mổ, không có các vật dụng, vật tư tiêu hao để thực hiện các ca mổ tim, mổ cấp cứu… cho đến máy tính ở các khoa không có mực để in.

Đặc biệt là các thiết bị y tế máy chiếu, chụp 15 năm qua Bệnh viện thực hiện liên doanh, liên kết nhưng khi vướng vào các vấn đề pháp lý thì các công ty liên kết đồng loạt rút, không đặt máy… máy nào còn lại thì cũng vướng vào pháp lý, Thanh tra Chính phủ chuyển 11/27 đề án liên doanh liên kết sang cơ quan cảnh sát điều tra. Do vậy, thủ tục pháp lý để sử dụng được những máy móc thiết bị này yếu và thiếu, vô cùng khó khăn.

NĐT: Như ông chia sẻ, ông nhận nhiệm vụ trong bối cảnh hết sức khó khăn, vậy vấn đề khó khăn nhất, thách thức đối với ông là gì?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Tài chính là vấn đề khó nhất, bởi trong hơn 2 năm tự chủ toàn diện, dịch bệnh… tài chính của bệnh viện kiệt quệ, cực chẳng đã bệnh viện phải sử dụng nguồn tài chính trong Quỹ phát triển sự nghiệp để chi trả thu nhập cho cán bộ nhân viên.

Ngày 29/3/2022 tôi được bổ nhiệm làm giám đốc bệnh viện, khi đó dịch bệnh cũng đã kiểm soát được, sang quý II/2022 bệnh nhân tăng đột biến (gấp 5 lần quý I/2022), có những ngày bệnh viện đón 8.000 người bệnh, kỷ lục lên đến 10.000 người/ngày đến khám.

Đông bệnh nhân thì cần thiết bị để chụp chiếu, chẩn đoán, cần thuốc, bác sĩ cần vật tư tiêu hao để điều trị cho bệnh nhân, mua sắm thiết bị khó khăn do ảnh hưởng của đứt chuỗi cung ứng, cơ chế, văn bản pháp quy…

Với những khó khăn đó, tôi đã lãnh đạo các đơn vị, toàn thể bệnh viện đoàn kết nhau lại để tìm giải pháp, giải quyết tháo gỡ khó khăn và động viên cán bộ nhân viên.

Quan điểm của chúng tôi là làm quyết liệt, khó khăn đến đâu hỏi các cơ quan liên quan đến đó, thông qua các cuộc điện thoại trực tiếp, mời sang bệnh viện, thông qua văn bản… Rất mừng là những ý kiến của bệnh viện mà một số bệnh viện khác đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban ngành, Bộ Y tế, Quốc hội rất quan tâm vào cuộc tìm cách tháo gỡ cho Bạch Mai, cho ngành y.

Cụ thể đó là sửa chữa các văn bản, các thông tư, nghị định liên quan đến mua sắm, đấu thầu. Bộ Y tế đã ban hành tạm thời khẩn cấp các văn bản để tháo gỡ trong công tác mua sắm.

Bộ Tài chính đã vào cuộc sửa các quy định, thông tư liên quan đến mua sắm, đấu thầu và các Nghị định.

Đặc biệt, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chuẩn bị ra đời sẽ là hành lang chính thống để ngành y tế hoạt động tốt hơn, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai.

NĐT: Tháng 11, tại tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn”, ông có nêu từ tháng 1/2022 đến nay, Bạch Mai có hơn 100 cán bộ nghỉ việc do đãi ngộ không xứng đáng… Việc đội ngũ cán bộ rời khỏi bệnh viện khiến ông cảm thấy thế nào?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Dòng cán bộ ra đi, đây là điều khiến tôi rất buồn, bệnh viện cũng đã làm tất cả những gì có thể, động viên cán bộ. Bệnh viện Bạch Mai là môi trường tốt nhất để bác sĩ hay điều dưỡng được tôi luyện tay nghề.

Khi đã có tay nghề tốt thì các bệnh viện, đặc biệt là khối bệnh viện tư nhân rất mong chờ, mong muốn tuyển dụng được các cán bộ này. Có lẽ, trong thời gian qua là “cơ hội vàng” cho các bệnh viện tư nhân đón các cán bộ y tế tinh túy, chuyên môn giỏi của bệnh viện.

Nguyên nhân bác sĩ rời đi cũng là do bệnh viện không có nguồn lực để chi trả, giá thu của bệnh viện bằng giá thu của bảo hiểm y tế.

Trong đó, BHYT lại chưa tính đúng, tính đủ giá viện phí, chỉ thu 4/7 yếu tố cấu thành là: Thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp. Trong khi đó, nếu tính đủ 7 yếu tố viện phí sẽ gồm các chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Do vậy, bệnh viện không có nguồn tài chính để đãi ngộ cán bộ, nhân viên, họ dịch chuyển sang y tế tư nhân, bệnh viện mất đi một nguồn lực rất tốt. Đây là điều khó cho bệnh viện.

NĐT: Việc hàng trăm cán bộ y tế nghỉ việc như vậy thì hiện tại Bạch Mai có thiếu nhân sự không, thưa ông?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Hiện tại với thương hiệu và uy tín của bệnh viện, đặc biệt có sự đoàn kết của cán bộ, nhân viên y tế nên việc một bộ phận cán bộ dịch chuyển sang các bệnh viện tư nhân không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động của bệnh viện. Chúng tôi đã kịp thời tuyển dụng các cán bộ trẻ, tuyển chọn một cách có chọn lọc, các cử nhân điều dưỡng tốt nghiệp các trường có danh tiếng về làm việc tại bệnh viện.

Hiện tại, chúng tôi cũng đang tập trung nguồn lực cho cơ sở 2, sớm đưa cơ sở 2 đi vào hoạt động, giảm tải cơ sở 1 và tăng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Đây cũng là mục tiêu chúng tôi đặt ra trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2023 làm sao hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.

Chúng tôi mong muốn Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Bộ Y tế có những chính sách phù hợp, khẩn trương hỗ trợ cho bệnh viện hoạt động tốt nhất.

NĐT: Đến nay, những vấn đề như thiếu thiết bị y tế, đấu thầu thuốc.., đã được giải quyết như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Tất cả những khó khăn tôi nêu đã được Bộ Y tế và Chính phủ vào cuộc hết sức quyết liệt. Đến nay bệnh viện đã giải quyết được khối lượng công việc khổng lồ.

Cơ bản đủ thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao thiết yếu để phục vụ công tác khám chữa bệnh, cấp cứu cho người bệnh.

Còn về vấn đề thiếu thiết bị y tế, bệnh viện không thể một ngày lo được, chúng tôi đã bố trí lại ca kíp làm việc theo khung giờ. Đồng thời, động viên nhân viên y tế ở các khu bệnh ngoại trú đi làm sớm, phòng khám mở từ 5h sáng để phục vụ người bệnh.

Trong năm qua, có những lúc tôi không hiểu làm sao sức mạnh của bệnh viện lại lớn đến thế, nhất là trong bối cảnh thiếu thốn, khó khăn như vậy nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ.

Theo số liệu thống kê của cơ quan phòng chuyên môn thì lượt bệnh nhân năm 2022 đến khám tương đương với năm 2019 (năm có số lượng bệnh nhân đến khám cao kỷ lục).

NĐT: Vấn đề tự chủ bệnh viện và xin dừng tự chủ của bệnh viện Bạch Mai cũng đã được thông tin rộng rãi. Vậy, cá nhân ông mong muốn việc thực hiện tự chủ tại bệnh viện Bạch Mai sẽ như thế nào trong thời gian tới?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Bộ Y tế và Chính phủ đã và đang có các giải pháp đồng bộ đó là tính đúng, tính đủ giá viện phí nhưng việc này cũng cần có lộ trình, có thể mất một vài năm. Liên quan đến vấn đề mệnh giá của bảo hiểm cũng cần được tăng lên.

Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu thì Bộ Y tế cũng đang bàn thảo, xây dựng xin ý kiến để khi có những giải pháp này, mới dần dần tháo gỡ được cho bệnh viện trong vấn đề tự chủ tài chính.

Tôi khẳng định lại, Bệnh viện Bạch Mai tự chủ hơn 10 năm nay và bây giờ vẫn sẽ tiếp tục tự chủ, nhưng mức độ tự chủ nhóm 2 theo Nghị định 60 chứ không phải tự chủ toàn diện.

Bệnh viện cũng đã có văn bản, tổng kết công tác tự chủ tại bệnh viện, Bộ Y tế cũng đã nghe bệnh viện báo cáo về công tác tự chủ của bệnh viện. Bộ Y tế đang có lộ trình xem xét để quyết định bước tiếp theo cho bệnh viện tự chủ theo Nghị định ở mức độ thế nào, bệnh viện đã có đề xuất trình Bộ Y tế và Chính phủ là tự chủ theo Nghị định 60 ở mức độ tự chủ nhóm 2 (tự chủ chi thường xuyên).

NĐT: Năm qua cũng là năm ngành y tế gặp nhiều khó khăn, xin ông cho biết trong năm 2023 Bệnh viện Bạch Mai sẽ có những định hướng, mục tiêu phát triển như thế nào để ngày càng phục vụ người bệnh một cách tốt hơn?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Trong mấy năm qua, ngành y tế gặp rất nhiều khó khăn, nhất là năm 2022 khi chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh thì càng bộc lộ nhiều vấn đề trong ngành y. Vì vậy, ngành y tế nói chung và bệnh viện Bạch Mai nói riêng đang cần một cơ chế, một hành lang pháp lý và các văn bản pháp quy chuẩn để tự tin điều hành bệnh viện hoạt động theo hướng là một bệnh viện công tuyến cuối thực hiện 3 nhiệm vụ chính trị cơ bản:

Một là, tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị cấp cứu người bệnh tuyến cuối từ các địa phương chuyển đến; Hai là, là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở y tế; Ba là, nơi cập nhật các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các kỹ thuật mới, chuyển giao cho các bệnh viện, các cơ sở y tế.

Việc Quốc hội vừa thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tôi kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng để gỡ vướng cho ngành y.

NĐT: Quay trở lại với cương vị giám đốc của bệnh viện, năm nay ông có kế hoạch đón Tết như thế nào? Bệnh viện đã chuẩn bị kế hoạch khám chữa bệnh cho người bệnh thế nào trong dịp Tết?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Nhắc đến Tết tôi cũng có những cảm xúc khó tả, bởi nhiều năm nay tôi chưa đón Tết ở nhà, bệnh viện chính là ngôi nhà thứ 2 của tôi và tôi cũng thấy rất may mắn khi gia đình luôn là hậu phương vững chắc để tôi an tâm công tác. Với tôi, đã chọn nghề y thì tôi tự nhận thấy trách nhiệm của mình là giữ bình yên cho người dân đón Tết.

Về công tác chuyên môn, bệnh viện luôn đảm bảo lực lượng tối đa về số lượng và chất lượng cán bộ trực tết, đảm bảo trực 3 cấp: Cấp lãnh đạo điều hành; cấp chuyên môn; trực thường trú… sẵn sàng có một đội ứng trực 24/24h xử lý những tình huống đột xuất. Năm nay chúng tôi xây dựng kịch bản kỹ lưỡng hơn các năm trước.

NĐT: Năm mới Quý Mão 2023 cũng đã gõ cửa mọi nhà, xin ông gửi những lời chúc đến toàn thể người bệnh, cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Xin gửi những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến mọi nhà, mọi người, đặc biệt tôi mong muốn người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn trong dịp Tết.

Còn đối với cán bộ, nhân viên, tôi muốn nhắn nhủ ban lãnh đạo bệnh viện luôn ở bên cạnh, tôi mong rằng mỗi cán bộ y tế của bệnh viện đều vui đón xuân đầm ấm bên gia đình, nhưng cũng không quên nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người dân.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 23/01/2023 | 14:22