Gìn giữ rừng trắc quý: Của để dành cho mai sau

Gìn giữ rừng trắc quý: Của để dành cho mai sau

Trắc là loạt cây thân gỗ có giá trị đắt đỏ trên thị trường. Chính vì giá thành cao loại cây này luôn được thương lái săn lùng thu mua, dẫn đến hệ lụy bị khai thác cạn kiệt.

Thế nhưng, tại làng A Lao nằm dưới chân núi Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) có một quần thể rừng trắc xanh tốt lên đến vài chục hec-ta, được cộng đồng người làng bảo vệ nghiêm ngặt.

Việc bảo tồn, phát triển rừng gỗ trắc không chỉ góp phần phát triển kinh tế cho người dân mà còn góp phần vào việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm cho loài cây này.

Gìn giữ rừng trắc quý: Của để dành cho mai sau

Ông Yok, Trưởng làng A Lao (ngụ xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) là người thường xuyên tuyên truyền, sát cánh cùng người làng giữ, phát triển rừng trắc.

Hàng chục năm trước, núi Lơ Pang là vùng đất có rất nhiều cây gỗ trắc. Người dân chặt lấy gỗ để bán, làm nhà và lấy đất sản xuất. Chỉ một thời gian ngắn, cả rừng trắc lớn bị đốn sạch. Giờ đây, từ gốc cây cũ, những cây trắc non mọc lên. Người dân làng A Lao nhận thấy được giá trị của loài gỗ quý này, nên luôn dành phần lớn thời gian để bảo vệ và chăm sóc.

Với họ, vườn gỗ trắc bây giờ là tài sản giá trị nhất, là của để dành cho con cháu sau này. Diện tích gỗ trắc tại đây liên tục gia tăng vì bên cạnh khả năng tái sinh đặc biệt của loài gỗ này, người dân đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ loại cây rừng quý.

Thấy được tiềm năng cũng như nguy cơ rừng gỗ trắc sẽ biến mất thêm một lần nữa, những năm gần đây, chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực tìm giải pháp bảo vệ.

Với hàng chục hec-ta trắc đang ngày một sinh sôi, phát triển, người dân làng A Lao đang sở hữu một khối tài sản lớn. Việc cả cộng đồng cùng tham gia bảo tồn, phát triển cây rừng cũng khiến họ có ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng.

Không chỉ riêng làng A Lao mà tại tỉnh Gia Lai còn có rất nhiều quần thể cây trắc, được phân bổ rải rác trong các vườn rẫy của những hộ gia đình người Ba Na.

Với ý thức bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường sinh thái, cộng đồng người Ba Na tại đây đang đoàn kết bảo vệ giống gỗ quý này ngày một sinh sôi, vươn mình phát triển, gìn giữ cho thế hệ con cháu mai sau.

Gìn giữ rừng trắc quý: Của để dành cho mai sau

Ông Yok, Trưởng làng A Lao (ngụ xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) cho biết, nằm dưới chân núi Lơ Pang, 4 làng của người Ba Na được thiên nhiên ban tặng cho rừng gỗ trắc quý. Nhưng hàng chục năm trước, người dân chặt gỗ để bán, làm nhà, lấy đất sản xuất, nên rừng trắc quý đã bị đốn sạch.

Khoảng hơn chục năm nay, từ gốc cây cũ, những cây trắc non đã mọc trở lại, san sát nhau. Được chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, bà con bảo nhau đây là rừng gỗ quý, không ai chặt phá, mà cùng đoàn kết, bảo vệ.

Ông Yok kể: "Nghe người già kể lại, ngày trước, bao quanh làng là cây trắc. Sau này, rừng trắc mất dần. Từ đồi trọc, người dân đã trồng mỳ, cà phê. Những cây trắc non cũng mọc lên rất nhiều trong vườn rẫy. Thấy cây quý, người dân đã giữ lại để gây giống. Tôi cũng làm theo, đã trồng được khoảng 2,5 nghìn cây trên diện tích khoảng 3 ha. Đến nay, nhiều cây đã đạt 15 năm tuổi. Ngày xưa có nhiều gỗ trắc to, người ta chặt cây làm cột nhà, trụ nhà. Giờ cây mọc lại từ rễ cũ. Cây trắc có giá trị, bà con biết cây quý, nên giữ lại, không chặt, giữ để cho con cái mình đời sau được hưởng lợi".

Lực lượng kiểm lâm, tuyên truyền, phối hợp với người dân địa phương bảo tồn rừng trắc quý hiếm.

Gìn giữ rừng trắc quý: Của để dành cho mai sau

Anh Mưm, một người dân làng A Lao tự hào cho biết: "Từ những cây trắc mọc tự nhiên trong vườn, gia đình đã tách các cây trắc con để trồng thêm tại vườn. Đến nay, gia đình đã sở hữu 2.000 cây trắc trong vườn. Cây đã được từ 15 - 20 năm tuổi, nhiều cây có đường kính gốc hơn 30 cm. Mùa giáp hạt mỗi năm, gia đình cũng bán vài cây lớn với giá khoảng 20 - 40 triệu đồng/cây để lo việc nhà".

Ông Trần Minh Hoàng, Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Lơ Pang cho biết, trắc tuy là cây rừng nhưng được nhiều hộ dân trồng trên đất nông nghiệp của gia đình. Chính vì vậy, bà con đều được hưởng lợi từ việc trồng và chăm sóc loại cây quý này.

“Huyện Mang Yang rất chú trọng tới công tác trồng rừng. Do vậy, chúng tôi luôn khuyến khích dân tiếp tục bảo vệ những cánh rừng trắc và trồng thêm mới”, ông Hoàng nói.

Trắc loài cây gỗ quý hiếm được nhân giống, trồng rộng rãi tại xã Lơ Pang.

Còn ông Đinh Kăi, Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang thông tin, cây trắc có khả năng tái sinh, nên diện tích gỗ trắc tại địa phương ngày càng mở rộng. Ban đầu chỉ là hơn 20ha ở làng A Lao, nay đã mở rộng hàng chục hec-ta trải dài khắp 4 làng.

Ở Lơ Pang, diện tích cây trắc rất là lớn, có cách đây từ lâu, trải dài 4 thôn làng. Ngày xưa, người dân đã khai thác và nhiều người khác vào xã khai thác, mua bán. Thấy được tiềm năng và cả nguy cơ rừng gỗ trắc sẽ biến mất nếu không được bảo vệ, những năm gần đây, chính quyền cùng với người dân đang nỗ lực tìm giải pháp.

Theo ông Đinh Kăi, để bảo tồn nguồn gen gỗ quý, năm 2022 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang đã hỗ trợ hơn 1.000 cây giống gỗ trắc cho người dân trồng phân tán dọc các tuyến đường, đài tưởng niệm và trường học. Riêng xã Lơ Pang được hỗ trợ khoảng 700 cây, người dân tiếp nhận trồng, chăm sóc trong nương rẫy và các khu vực của làng A Lao. Năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục hỗ trợ 1.000 cây giống gỗ trắc để người dân trồng.

Gìn giữ rừng trắc quý: Của để dành cho mai sau

“Dân làng đều có ý thức tự quản lý, bảo vệ cây gỗ trắc. Bên cạnh đó, nhân viên kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với các lực lượng của xã và làng A Lao tuần tra, kiểm soát. Tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con trong làng phải giữ gìn, bảo tồn giống cây bản địa này để thế hệ con cháu biết được loài gỗ quý này”, ông Đinh Kăi nói.

Hiện nay, các cấp chính quyền tại huyện Mang Yang đang đồng hành cùng người dân, nỗ lực bảo vệ rừng gỗ trắc bằng nhiều cách khác nhau. Ông Nguyễn Thành Vĩnh, Hạt Trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mang Yang cho biết: “UBND huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, tuần tra. Các hộ gia đình có cây trắc trên đất thì làm bản cam kết, sơ đồ để bảo tồn; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; bước đầu có hiệu quả cao, tạo sinh kế sau này cho bà con và tăng độ che phủ rừng tại địa bàn huyện”, ông Vĩnh cho hay.

Gìn giữ rừng trắc quý: Của để dành cho mai sau

Ông Trần Đình Hiệp, Bí thư Huyện ủy Mang Yang cho biết: "Rừng gỗ trắc tại xã Lơ Pang đang hồi sinh mạnh mẽ, được người dân chăm sóc tốt. Đây là điều rất đáng mừng. Để bảo vệ rừng cây phát triển, huyện thường xuyên chỉ đạo Đảng ủy, UBND xã cùng hệ thống chính trị làng A Lao tuyên truyền, vận động người dân tăng cường quản lý, bảo vệ, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, nhất là quần thể cây gỗ trắc ở khu vực đồi Tchre. Làng cũng xây dựng hương ước để bảo vệ gỗ quý".

Bên cạnh đó, địa phương cũng thực hiện hiệu quả việc giao đất, giao rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân làng Alao; tăng cường lực lượng bảo vệ, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng.

“Thời gian tới, huyện sẽ kiến nghị các cấp, ngành có thẩm quyền xây dựng dự án bảo tồn, phát triển cây gỗ trắc tại làng A Lao và các làng khác của xã Lơ Pang. Bên cạnh đó, thực hiện đề tài nghiên cứu cấp tỉnh tổ chức điều tra, thu thập cơ sở dữ liệu, đề xuất phương án bảo tồn, kêu gọi sự hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm giúp người dân trong làng giữ gìn, bảo tồn và phát triển nguồn gen của cây gỗ trắc”, Bí thư Huyện ủy Mang Yang thông tin thêm.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 3, 20/02/2024 | 14:00