Khi học sinh cả nước phải nghỉ học để đảm bảo an toàn trước diễn biến phức tạp từ dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (SARS-CoV-2), thầy và trò vùng “tâm dịch” Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc lại biến khó khăn thành hành động, sáng tạo ra những bài học sâu sắc và chờ ngày dập dịch thành công, vui trở lại trường.

Học sinh Việt Nam đang trải qua một “kỳ nghỉ đặc biệt”, một kỳ nghỉ lặng lẽ, không tụ tập, hội hè, không lang thang hàng quán...

Học sinh ở Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cũng không ngoại lệ, thậm chí, dường như có phần lặng lẽ hơn, bởi nơi đây đang trở thành “tâm dịch” mà người dân cả nước hướng về.

Những ngôi trường “vùng dịch” vì thế cũng trở nên trầm ngâm đến lạ thường, qua cảm nhận của những người thầy “bám trường, bám lớp” đầy nhiệt thành và tâm huyết với nghề.


Bao ngày qua, sân trường quạnh hiu, không tiếng trống; lớp học thênh thang chẳng bóng người; bục giảng vắng hạt bụi phấn rơi…

Một khung cảnh vốn chỉ xuất hiện ngày nghỉ hè, thì nay nó hiển hiện vào thời điểm giữa năm học.

Tuy học sinh được nghỉ học, nhưng hầu hết giáo viên vẫn bận rộn với công việc trực trường, vệ sinh phòng ốc để đảm bảo an toàn khi các em học sinh quay trở lại học.

Hạnh phúc “bắt được vàng” ở tâm dịch SARS-CoV-2

Nhân một buổi trực tại trường, thầy Trần Quang Thành, giáo viên Ngữ văn, trường THCS Sơn Lôi đã ngẫu hứng viết đôi dòng tâm sự trước “cái im lặng đến thảng thốt thấm vào tâm hồn” của ngôi trường.

“Âu cũng chỉ vì dịch cúm Corona mà mấy ngày nay bọn học trò phải nghỉ học để ngăn ngừa dịch lây lan. Thế là chỉ còn đây mái trường cô đơn, ngóng đợi. Một vài tiếng chim khắc khoải trên tán cây xà cừ. Nó cất lên thật khẽ rồi mất hút vào khoảng không của sân trường.

Mưa vẫn rơi. Mưa phùn giăng mắc lạnh giá. Mưa như báo trước rằng chiều nay lại có gió bấc hun hút về.

Chao ôi là buồn! Ngôi trường trẻ trung đang độ thanh niên như thấm thía nỗi nhớ. Nhớ tiếng nói tiếng cười rộn rã, thơ ngây và âm thanh giảng bài trong trẻo của thầy cô!”.

Những dòng tâm sự ấy của thầy Thành như gợi lên biết bao nỗi nhớ trong lòng các thầy cô nơi đây.

Những ngày này, xã Sơn Lôi đang trong thời gian cách ly, cả trường THCS Sơn Lôi chỉ còn một mình thầy Quang Thành đến trực, bởi chỉ có mình thầy là người tại xã, các thầy cô khác đều ở những xã lân cận, không được vào khu vực này.

Lời bộc bạch của người thầy giáo giản dị khiến chúng tôi không khỏi xúc động: “Thú thực, tôi cũng như biết bao thầy cô giáo khác, xa học sinh, xa bục giảng suốt cả tháng qua, làm sao mà không nhớ cho được? Nhưng tất cả phải ưu tiên cho sức khỏe và sự an toàn phải được đặt lên hàng đầu…

Mặc dù, việc duy trì tương tác giảng dạy và giao bài tập cho học sinh vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng các thầy cô vẫn đang từng ngày nỗ lực để có thể tiếp nối “mạch” kiến thức cho các em.


Tất nhiên, cũng không thể phát huy hiệu quả được như giảng trực tiếp, bởi không phải học sinh nào cũng đáp ứng được thiết bị...

Chúng tôi chỉ mong mỏi từng ngày cho dịch được dập, học sinh được trở lại trường, chứ chúng tôi cũng nhớ các em nhiều lắm…”.

Thầy Nguyễn Văn Tình, Hiệu trưởng trường THCS Sơn Lôi cũng từng khẳng định: “Chúng tôi chỉ mong Sơn Lôi có thể bắt đầu đi học trở lại cùng thời điểm với các bạn học sinh xã khác, huyện khác, nếu không, thầy và trò sẽ phải “chạy đua” tăng cường dạy bù để “bắt kịp” với các trường bạn.

Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn là sức khỏe của các em học sinh, dù có chậm một chút nhưng quan trọng là các em đều khỏe mạnh...”.

Có lẽ, “kỳ nghỉ đặc biệt” này đã khiến chuỗi ngày xa học sinh thêm dài ra, nỗi nhớ học trò của các thầy cô càng thêm rõ rệt.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Phan Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Sơn Lôi không giấu nổi niềm mong mỏi: “Sau những ngày nghỉ phục vụ công tác phòng tránh dịch, trường mầm non Sơn Lôi đã sẵn sàng để đón các con trở lại ngôi nhà thứ hai. Nhớ các con nhiều lắm, các mầm non bé bỏng của cô!”.

Trường mầm non Sơn Lôi là ngôi trường duy nhất có 100% giáo viên sinh sống tại xã. Chính vì vậy, những ngày nghỉ vừa qua của học sinh, các cô giáo vẫn ngày ngày lên trường để dọn dẹp vệ sinh, khử trùng lớp học, dụng cụ học tập cho học sinh, đảm bảo một môi trường an toàn sau khi đi học lại.


Là Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Lôi B, nằm trong “tâm dịch” đang được cách ly, nhưng bà Lê Thị Mỹ Thủy lại trú tại xã khác, nên những ngày vừa qua, nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn bè đồng nghiệp và đặc biệt là nhớ học sinh... trong lòng lại càng da diết.

Vị Phó Hiệu trưởng chia sẻ: “Cuối tuần vừa rồi, khi có đoàn thiện nguyện ngỏ ý muốn tặng trường khẩu trang và dung dịch sát khuẩn, tôi “mừng như bắt được vàng”, vì có cơ hội vào thăm trường!”.

Hôm ấy, bà Lê Thị Mỹ Thủy tất bật đi xin giấy giới thiệu rồi nhận đồ từ đoàn thiện nguyện ở ngay chốt kiểm soát và chuyển đồ về trường.

“Thật khó để diễn tả được hết nỗi mong mỏi được vào thăm trường trong lòng tôi. Tôi là người có thể ví là “sống ở trường còn nhiều hơn ở nhà”. Đều đặn mỗi ngày, 6h sáng tôi đến trường, 18h mới trở về nhà, buổi trưa tôi thường ở lại trông cho các con ăn bán trú.

Những gương mặt bầu bĩnh ấy, những đôi mắt ngây thơ ấy mới làm tôi nhớ nhiều… Từ hồi tôi trông cho các con ăn bán trú, bạn nào cũng ráng ăn hết phần cơm của mình, có bạn còn “lí lắc” trêu cô là: “Có cô ngồi trông, làm sao để bọn em “qua cửa” được?”, ý là, làm sao các con có thể bỏ lại phần cơm được…”, bà Mỹ Thủy kể.


Hình ảnh đong đầy kỷ niệm bất chợt hiện lên trước mắt, vị Phó Hiệu trưởng bỗng trở nên xúc động, không ngăn được những giọt nước mắt.

Cố kìm lại cảm xúc, bà tiếp tục câu chuyện: “Những ngày đầu sau khi cho học sinh nghỉ học, tập thể cán bộ, giáo viên trường tiểu học Sơn Lôi B đã cùng chung tay dọn dẹp vệ sinh và tiến hành khử khuẩn kỹ càng và phân chia trực trường. Từ ngày xã Sơn Lôi phải cách ly, cả trường chỉ có 5 “người ở lại”, bao gồm cả Hiệu trưởng và giáo viên hợp đồng chia nhau mỗi người trực 5 buổi, vừa trực, vừa làm công tác vệ sinh, dọn dẹp toàn bộ khuôn viên, lớp học,... Tôi thấy thực sự vất vả cho những người đồng nghiệp ở trong kia. Thương lắm!”.

Im lặng một lát, Phó Hiệu trưởng Lê Thị Mỹ Thủy không ngần ngại giãi bày: “Không biết mọi người ở bên ngoài nghĩ thế nào, nhưng đối với tôi, cảm thấy mọi việc vẫn diễn ra rất bình thường.

Nếu như chưa nhắc đến hai chữ “cách ly” thì tôi cảm nhận cuộc sống vẫn chẳng khác ngày thường, tôi vẫn bốn lượt đi về mỗi ngày, người dân vẫn vui vẻ, thoải mái chuyện trò,... Từ ngày có hai chữ “cách ly”, tôi hụt hẫng hẳn...”.

Để đảm bảo kiến thức cho học sinh giữa “kỳ nghỉ đặc biệt” này, những “người gieo chữ” tại “tâm dịch” Bình Xuyên vẫn đang miệt mài với sứ mệnh của mình.

Mang tâm tư của một “người gieo chữ”, ngay giữa ngày nghỉ tránh dịch, các thầy cô luôn nghĩ đến những bài học gần gũi, thiết thực và sinh động nhất cho học sinh của mình.

Các nhà trường xây dựng kế hoạch tuần, chuyển đến các thầy cô chủ nhiệm, thầy cô bộ môn để có thể phân bổ môn học, thời lượng, khối lượng kiến thức cho phù hợp rồi chuyển đến cho học sinh, qua Zalo, Facebook, Gmail...


Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện sử dụng máy tính, smartphone. Tại trường tiểu học Sơn Lôi B, nhiều giáo viên phải gửi nội dung bài tập đến một địa chỉ in thuận tiện cho các bậc phụ huynh đến lấy đề cho con làm.

Cũng chính thời kỳ nghỉ dịch này, tinh thần tự giác của học sinh lại được rèn giũa nhiều hơn, để “bắt kịp” kiến thức với bạn bè.

Thầy Trần Quang Thành cho biết, nhiều học sinh có những sáng tạo độc đáo trong cách trả bài, khiến thầy rất tâm đắc.

Không chỉ có sự sáng tạo của học sinh, các thầy cô cũng nảy ra rất nhiều ý tưởng thú vị. Mới đây, học sinh trường tiểu học Sơn Lôi B vừa có một trải nghiệm bất ngờ vô cùng thú vị, đó là “viết thư cảm ơn các bạn học sinh Hà Nội đã quan tâm, động viên mình”.


Chia sẻ về ý tưởng này, Phó Hiệu trưởng Lê Thị Mỹ Thủy cho biết: “Sau khi đọc được những bài báo đưa những bức thư của các bạn học sinh Hà Nội với nội cũng chia sẻ và động viên các bạn học sinh tại Sơn Lôi, tôi cũng gợi ý học sinh của mình: “Các con ơi, các bạn học sinh ở Hà Nội đã viết thư để động viên chúng mình lạc quan và tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch đấy! Các con có muốn viết gì để gửi lời cảm ơn đến các bạn ấy không?!”. Sau đó, các em học sinh viết thư và nhờ bố mẹ chụp lại, gửi cho tôi…”.

“Đó, chúng tôi cũng chỉ biết giáo dục học sinh như thế!”, một nụ cười bình dị nở trên gương mặt vị Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Lôi.

Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Trần Thị Điều, giáo viên môn tiếng Anh, trường THCS Lý Tự Trọng (Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) bày tỏ: “Mặc dù không thuộc xã Sơn Lôi, chúng tôi ở đây vẫn thường bị nhắc đến như nằm trong “tâm dịch”. Có lẽ bởi, Bình Xuyên là nơi có số bệnh nhân dương tính với virus Corona cao nhất cả nước. Nhưng chúng tôi vẫn mong một cái nhìn “công bằng” hơn…


Suốt những ngày qua, không có mặt ở xã Sơn Lôi, nhưng tôi vẫn thường xuyên cập nhật thông tin trên phương tiện truyền thông, liên lạc với các anh em bạn bè đồng nghiệp tại Sơn Lôi, để động viên tinh thần và chia sẻ những nỗi vất vả, khi nhiều đồng nghiệp của họ ở xã khác không vào được trường, họ phải làm thay phần việc…”.

“Cũng rất mừng khi anh em đồng nghiệp chia sẻ với tôi rằng, họ hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vào sự quan tâm của Nhà nước, vào sự nỗ lực của chính quyền địa phương, của ngành Y tế, với các biện pháp tích cực nhất để cùng đẩy lui mối đe dọa dịch bệnh…

Và niềm vui lớn nhất của họ chính là, toàn bộ học sinh đều “an toàn”! Tôi cũng vui lây với đồng nghiệp ở Sơn Lôi”, cô Điều khẽ nở nụ cười, nhẹ nhàng nhấp một ngụm trà thanh nhiệt.

“Là một giáo viên, cũng là một người mẹ có ba con, năm nay các con tôi đều đứng trước kỳ thi chuyển cấp, tôi không khỏi lo lắng, vừa lo lắng cho các con, vừa lo lắng cho học sinh.


Năm nay tôi phụ trách hai lớp khối 9, chỉ vài tháng nữa, các em sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Năm nay, Vĩnh Phúc có sự thay đổi trong đề thi môn tiếng Anh, thi 30 câu trắc nghiệm trong đề tổ hợp, tăng 10 câu so với năm trước.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng áp dụng kỳ thi 2 trong 1, lấy chung một bài thi để xét tuyển vào trường chuyên của tỉnh nên mức độ khó trong bài thi tăng lên.

Thêm một điều tôi lo lắng cho các em, đó là thời tiết ở miền Bắc nước ta, từ tháng 6, nắng bắt đầu rát, sẽ khiến các em khó tập trung học và thi...”, cô Trần Thị Điều trăn trở giữa lúc nhìn cái nắng hanh hao cuối ngày đang hắt vào khoảnh sân trước hiên nhà.

Vào thời điểm này, đặt chân đến bất kỳ xã nào của huyện Bình Xuyên, cũng có thể nghe được những giai điệu của ca khúc “Đánh giặc Corona” trên loa phát thanh vang vọng khắp ngõ xóm...

Ai cũng đong đầy hy vọng trong tim, gom đầy niềm tin của lý trí, mong ngày không còn ai nhắc đến hai chữ “tâm dịch” ở Bình Xuyên, và học sinh được trở lại trường.