Sau cái “gật đầu” của hàng loạt Bộ, ngành, hãng hàng không IPP Air Cargo của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn đang ngày càng tiến gần hơn với đường băng, để chính thức cất cánh trên bầu trời hàng không Việt.

Chia sẻ tại một sự kiện diễn ra mới đây, Chủ tịch của IPP Group nói: “Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi lấy ý kiến lần cuối từ phía công ty về việc cấp phép IPP Air Cargo. Đây là một tin vui, tin nóng đối với chúng tôi bởi sự đánh dấu kỷ niệm 27 năm Việt Nam mở cửa bầu trời ra thế giới”.

Ngoài nổi tiếng với đế chế buôn hàng hiệu hàng đầu tại Việt Nam, Chủ tịch IPP Group vốn dĩ có nhiều duyên nợ với ngành hàng không và chính hàng không cũng là nơi khởi đầu để “ông vua hàng hiệu” xây dựng đế chế của riêng mình.

Johnathan Hạnh Nguyễn sinh ngày 31/12/1951 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Cha ông cũng vốn là một người kinh doanh đa nghề nổi tiếng trước năm 1975 bao gồm thuốc tây, bảo hiểm, ngân hàng, xuất khẩu gỗ…

Vào năm 1974, khi mới 23 tuổi ông đã sang định cư tại Philippines sau đó đi du học tại trường đại học Seattle của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc trong lĩnh vực hàng không và trở thành Thanh tra tài chính của hãng Boeing Subcontractors, Mỹ. Năm 1980, ông trở về Philippines làm việc cho hãng hàng không Philippines Airlines.

Nhờ làm việc nhiều năm trong lĩnh vực hàng không cộng với mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Marcos (Tổng thống đương nhiệm của Phillipines lúc bấy giờ) đã giúp ông trở thành người công lớn trong việc thiết lập đường bay giữa Tp. Hồ Chí Minh và Manila vào thời điểm tháng 9/1985.

Như ông từng chia sẻ, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng với việc mở cửa và hội nhập của Việt Nam sau này. Bởi đây là đường bay quốc tế chính thức đầu tiên đến một nước không nằm trong hệ thống XHCN đồng thời mở ra cơ hội làm ăn với các nước tư bản.

Chính ông cũng thừa nhận nhờ vào sự kiện đó đã khởi đầu cho hành trình gần 4 thập kỷ về nước làm ăn, tạo nên đế chế kinh doanh của mình.

Năm 1985, Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những doanh nhân Việt kiểu đầu tiên trở về nước và thành lập Công ty Liên Thái Bình Dương-Imexpan Pacific (IPP).

Những năm đầu khởi nghiệp từ năm 1985-1988, ông đã thuê máy bay của Vietnam Airlines để chuyên chở hàng hóa tuy nhiên trong thời gian đầu ông gặp phải tình trạng thua lỗ do những khó khăn của Việt Nam thời kỳ đầu mở cửa.

Sang những năm 90, sau khi hoạt động kinh doanh có nhiều khởi sắc, ông Johnathan Hạnh Nguyễn bắt đầu chuyển sang kinh doanh nhiều ngành nghề như lập liên doanh lắp ráp ô tô Hòa Bình (Hà Nội), xuất khẩu song mây, sản xuất dây khóa kéo, xây khách sạn, làm bếp ga…

Tiếp sau đó, ông chuyển sang kinh doanh một loạt các siêu thị như hệ thống Citimart, Maximark, Miền Đông và Bình Dân trong đó mô hình Citimart là mô hình siêu thị mua sắm tự chọn đầu tiên tại Việt Nam chuyên các sản phẩm nhập khẩu.

Vào năm 1993, ông đã mở cửa hàng miễn thuế tại sân bay Nội Bài rồi sau đó, mô hình cửa hàng này tiếp tục được nhân rộng ra nhiều tỉnh dọc biên giới như Tịnh Biên, Mộc Bài, Lao Bảo, Lào Cai…

Tiếp nối thành công, ông hợp tác với các đối tác như: DFS, SASCO, AUTOGRILL để đầu tư mở hàng loạt chuỗi cửa hàng miễn thuế, chuỗi cửa hàng lưu niệm, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh và nhiều dịch vụ phi hàng không trên khắp các sân bay Việt Nam, Philippines…

Từ năm 1995, ông bắt đầu phân phối rượu cao cấp ở trong nước cũng nhờ đó, ông trở nên hiểu biết trong giới kinh doanh thời trang xa xỉ và tạo cho mình nhiều tập đoàn mẹ của các hãng rượu.

Từ năm 2005 IPP đã mạnh dạn đầu tư và trở thành một trong những nhà cung ứng hàng hóa chính yếu tại các khu kinh tế cửa khẩu như: Mộc Bài - Tây Ninh, Lao Bảo - Quảng trị, Kim Thành - Lào Cai, Móng Cái - Quảng Ninh, Tịnh Biên - An Giang... với doanh số hàng năm trung bình 400 triệu USD cho tất cả các công ty.

Không chỉ là ông chủ của những doanh nghiệp trăm, nghìn tỷ đồng, "vua hàng hiệu" Hạnh Nguyễn cũng nổi tiếng với những thương vụ bạc tỷ như khoản đầu tư 10 triệu USD vào khách sạn Loge Nha Trang; đầu tư 40 triệu USD vào khu mua sắm cao cấp Rex Arcade nằm trong khách sạn Rex (Tp. Hồ Chí Minh).

Một trong những dấu ấn thể hiện tầm vóc của ông “vua hàng hiệu” là khoản đầu tư 400 400 tỷ đồng vào thời điểm năm 2013 để tạo nên một Tràng Tiền Plaza hoàn toàn khác biệt so với lịch sử của địa danh nổi tiếng này.

Với hơn 35 năm hoạt động tại Việt Nam, IPP hiện sở hữu hơn 17 công ty thành viên và 18 công ty liên kết trong mảng kinh doanh dịch vụ hàng không, ẩm thực, quảng cáo, du lịch, trung tâm thương mại. Đáng chú ý, IPP Group chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước, mang về Việt Nam hơn 100 thương hiệu thời trang cao cấp và trung cấp, sở hữu hơn 1.200 cửa hàng. IPP cũng sở hữu 24 cửa hàng kinh doanh dịch vụ hàng không và các cửa hàng bán lẻ miễn thuế. IPP còn là đối tác lớn nhất của 4 cửa hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam.

Đề xuất thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo, được ông Johnathan Hạnh Nguyễn đưa ra vào tháng 6/2021, được cho là bất ngờ và dũng cảm bởi ngay thời điểm đó đại dịch Covid-19 đang hoành hành, ngành hàng không điêu đứng vì không thể cất cánh với mức lỗ đậm hàng nghìn tỷ. Điều đó được thể hiện ngay bởi quyết định “chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới” từ phía cơ quan Nhà nước.

Tuy nhiên với ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ quyết định đó không có gì là bất ngờ khi ông và IPP Group đã có thời gian dài “nuôi quân, chờ thời”.

“Tôi làm gì cũng tính toán kỹ, có những dự án phải lên ý tưởng, kế hoạch đến 10 năm mới thực hiện chứ không phải đợi nước đến chân mới nhảy. Còn với việc lập hãng bay chở hàng hoá, tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm nên thời cơ chín muồi đã đến thì phải làm ngay. Mình không ra đúng thời điểm là đánh mất cơ hội vàng”, Chủ tịch IPP Group chia sẻ.

Chia sẻ về quyết định lập hãng bay chuyên biệt chở hàng hóa, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, nhu cầu vận tải càng cao, thì giá cước ngày càng tăng, trong khi 88% thị phần vận tải hàng hoá bằng đường hàng không lại do các hãng bay nước ngoài nắm giữ. Các hãng vận chuyển nước ngoài đang khống chế giá vì gần như họ một mình một chợ, đâu có ai cạnh tranh. "Nếu tôi không làm, nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không vẫn sẽ bị tắc nghẽn, giá cả bất ổn làm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước gặp nhiều khó khăn", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, mở được đường bay hàng hóa đồng nghĩa với việc gỡ được nút thắt tồn tại lâu nay của thị trường, đó là làm thế nào để giải phóng hàng nhanh chóng? Đây cũng chính là tin vui cho ngành logistic, cho các nhà xuất nhập khẩu, cho những người đang mong chờ chúng ta giải phóng nhanh hàng hóa.

Ngoài ra, “ông vua hàng hiệu” cũng khẳng định IPP Air Cargo không cạnh tranh với các doanh nghiệp logistics Việt Nam, không lấn sân cạnh tranh vận chuyển hành khách với 4 hãng hàng không trong nước hiện nay. Đồng thời cũng bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp logistic trong nước nhằm đẩy nhanh công tác xuất khẩu tại Việt Nam

Sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch, đến đầu năm 2022, đề xuất thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo chuyên vận tải hàng hóa của IPP Group chính thức xem xét. Hiện, IPP Air Cargo đã qua các vòng thẩm định hồ sơ và đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Tuy nhiên, tham vọng của IPP Group chưa dừng lại ở việc hình thành một hãng hàng không vận tải chuyên dụng mà còn mong muốn lấn sâu và mạnh vào lĩnh vực hàng không, đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng sân bay.

Theo đó, vào tháng 3/2022, doanh nghiệp này đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất tham gia đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang) với các hạng mục lớn như nhà ga hành khách quốc tế, nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa và đường cất hạ cánh.

Không lâu sau đó vào tháng 4/2022, IPP Group cũng đề xuất với Bộ GTVT xin được đầu tư vào hạng mục nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, nhà ga hàng hóa số 2, kho giao nhận hàng hóa sân bay Long Thành, trở thành đơn vị tư nhân đầu tiên tại Việt Nam gửi đề xuất tham gia đầu tư vào Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn I.

Trước đó, năm 2015, sau khi trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, IPP Group tham gia góp vốn vào Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh. Đây là doanh nghiệp đầu tư, vận hành Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh - Khánh Hòa, với tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng, được đưa vào khai thác hồi tháng 6/2018.

Với việc ra đời của IPP Air Cargo và tham gia đầu tư mạnh vào hạ tầng sân bay dự kiến sẽ là những mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái dịch vụ hàng không lớn nhất Việt Nam mà IPP Group đang hướng tới.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng sự xuất hiện của những người chơi mới trong lĩnh vực vận tải hàng không sẽ khiến gia tăng sự cạnh tranh và là động lực để phát triển của chính ngành hàng không.

“Về nguyên tắc, thị trường có cạnh tranh là tốt, sẽ tránh được câu chuyện thị trường độc quyền đặc biệt ở hàng không - vốn dĩ là một thị trường không dễ đầu tư”, ông Thành cho biết.

Cũng về vấn đề trên, TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam cho rằng: “Bầu trời còn rộng mở cho các doanh nghiệp vận tải hàng không, bao gồm cả những hãng đang khai thác và những hãng sẽ gia nhập thị trường. Hiện nay, về dịch Covid-19 đã được kiểm soát, thị trường hàng không Việt Nam đang phục hồi tốt. Đây chính là thời điểm thích hợp để xem xét, đánh giá về việc thành lập mới các hãng hàng không”.

TS. Trần Quang Châu cũng nhận định, xét về nhu cầu vận tải hàng hóa, thực tế chúng ta đang không những cần một hãng hàng không vận tải hàng hóa mà đang cần 2 đến 3 hãng.

Theo chuyên gia này, quyết định cho ra đời một hãng hàng không vận tải chuyên dụng của ông “vua hàng hiệu” là một quyết định khôn ngoan.

Thứ nhất, hiện nay ở Việt Nam chưa có hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên dụng, điều đó, khiến cho hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không ở Việt Nam do các hãng hàng không nước ngoài vận chuyển. Trong khi đó, nhu cầu vận tải hàng không ngày càng lớn và việc xây dựng một hãng hàng không chở hàng chuyên nghiệp tại Việt Nam càng giàu tiềm năng bởi nguồn hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay khá phong phú.

Thứ hai, bản thân ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một người rất am hiểu về ngành hàng không, cùng đó, ông còn kinh doanh đa ngành nghề, vì thế, sẽ đủ sức kết nối, hợp tác, thực hiện các đơn hàng từ Việt Nam tới nhiều quốc gia trong khu vực. Nên nếu IPP Air Cargo ra đời chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế trong cạnh tranh hàng không, từ giá thành, đến tính chuyên nghiệp trong vận chuyển hàng hoá cùng uy tín, mối quan hệ của Johnathan Hạnh Nguyễn.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 5, 13/10/2022 | 19:00