Năm 1994, một chàng trai trẻ làm việc ở Phố Wall đứng trước ngã ba đường trong sự nghiệp của mình: Tiếp tục công việc làm công ăn lương, hay bỏ hết để về nhà khởi nghiệp bán sách?

Quyết định hồi đó đã thay đổi hoàn toàn lịch sử của ngành thương mại điện tử, ngành xuất bản, phim ảnh, truyền hình, báo chí, và thậm chí có thể là ngành công nghiệp du hành vũ trụ.

Quyết định hồi đó cũng cho thấy một phẩm chất của người sau này trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất nhì hành tinh: Luôn đặt mục tiêu cao hơn cho bản thân.

Tỉ phú Jeff Bezos cam kết sẽ dành phần lớn khối tài sản của ông để làm từ thiện. Ảnh: REUTERS

Đó là doanh nhân và nhà tiên phong về thương mại điện tử Jeff Bezos, người sáng lập công ty thương mại điện tử Amazon, chủ sở hữu của báo The Washington Post, và người sáng lập công ty hàng không vũ trụ Blue Origin.

Với khối tài sản trị giá 109 tỷ USD tính đến ngày 7/1/2023, Jeff Bezos vẫn là người giàu thứ năm trên thế giới – sau Warren Buffet và trước Bill Gates, theo Chỉ số Tỷ phú của Bloomberg (Bloomberg Billionaires Index) và Forbes, và là người giàu nhất hành tinh từ năm 2017 đến năm 2021.

Jeff Bezos sinh ngày 12/1/1964 trong một gia đình bình dân ở Albuquerque, bang New Mexico, Mỹ. Mẹ ông sinh ông khi vừa mới bước qua sinh nhật lần thứ 17. Khi Jeff được 17 tháng, bố mẹ ông ly hôn. Khi Jeff 4 tuổi, mẹ ông tái hôn với Miguel (Mike) Bezos, một người Cuba nhập cư.

Khi còn nhỏ, Jeff đã biến ga-ra của gia đình thành phòng thí nghiệm cho những phát minh của mình. Trong bài phát biểu thủ khoa năm 1982 của mình, Jeff đã thảo luận về việc chinh phục không gian và biến Trái đất thành một khu bảo tồn thiên nhiên khổng lồ.

Tốt nghiệp Đại học Princeton với tấm bằng khoa học máy tính, thay vì làm việc trong lĩnh vực công nghệ, Jeff Bezos nung nấu những ý tưởng khác. Ông nhanh chóng đạt được thành công ở Phố Wall. Năm 1990, ở tuổi 26, Bezos trở thành Phó Chủ tịch trẻ nhất của Bankers Trust Company.

Căn nhà của Jeff Bezos ở Bellevue, ngoại ô Seattle, Washington, với ga-ra ô tô - nơi Amazon ra đời. Căn nhà được rao bán với giá gần 1,5 triệu USD vào năm 2019. Ảnh Bizjournals

Năm 1992, ở tuổi 28, ông trở thành Phó Chủ tịch cấp cao trẻ nhất của D. E. Shaw & Co. Chính tại đây, ông đã phát hiện ra một nguồn tài nguyên khổng lồ chưa được khai thác: Internet. Hồi đó, ông đã vô tình đọc được thông tin rằng Internet tăng trưởng 2.300% một năm.

Trong suốt thời gian làm việc tại Phố Wall, Bezos chưa bao giờ nhìn thấy một cơ hội phát triển rõ ràng đến vậy. Ông ngay lập tức nhận ra những khả năng mở rộng của việc bán hàng trực tuyến và bắt đầu tìm cách phát triển một doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng Internet.

Ông đã nhanh chóng lên danh sách 20 sản phẩm có tiềm năng bán chạy, bao gồm phần mềm, đĩa CD và sách. Cuối cùng, ông đã chọn sách, một sản phẩm mà ông cho là dễ đóng gói, khó hư hỏng. Và một hiệu sách “ảo” (trực tuyến) có thể cung cấp hàng triệu đầu sách – vượt xa giới hạn vài trăm nghìn cuốn sách mà các cửa hàng “thực” có thể cung cấp.

Năm 1999, Bezos được tạp chí Time vinh danh là Nhân vật của năm. Ảnh Time

Đứng trước cơ hội “ngàn năm có một”, năm 1994, Bezos đã quyết định rời Phố Wall. Xách hành lý lên, ông và vợ là bà MacKenzie Scott đã lái xe đi khắp đất nước, và cuối cùng chọn thành phố Seattle ở bang Washington để khởi nghiệp.

Trong khi MacKenzie lái xe, Jeff dành cả chuyến đi để vạch ra kế hoạch kinh doanh trên máy tính xách tay và gọi điện cho các nhà đầu tư tiềm năng trên điện thoại di động. Với 1 triệu USD huy động được từ gia đình và bạn bè, Jeff Bezos đã thuê một ngôi nhà ở ngoại ô Seattle và bắt đầu công việc kinh doanh với cửa hàng sách trực tuyến Amazon.com của mình trong ga-ra ô tô.

Ban đầu, Bezos gọi công ty sách của mình là “Cadabra”, nhưng sau đó đã quyết định lấy tên “Amazon” vì một vài lý do. Thứ nhất, tên này bắt đầu bằng chữ “A”, điều có thể giúp nó nằm trên đầu của bất kỳ tìm kiếm Web nào được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái ABC. Thứ hai, nó là tên của con sông lớn nhất thế giới.

Ngày 16/7/1995, Amazon.com chính thức mở cửa kinh doanh, tự xưng là “Cửa hàng sách lớn nhất Trái đất” với hơn 1 triệu đầu sách để lựa chọn.

Bezos giới thiệu máy đọc sách điện tử Kindle tại một cuộc họp báo năm 2007. Ảnh CNN

Được thúc đẩy bởi niềm đam mê mãnh liệt đối với ngành kinh doanh bán lẻ điện tử non trẻ, Bezos đã mơ ước thành lập công ty của riêng mình trong thế giới rộng lớn, khi đó hầu như chưa được khám phá của World Wide Web. Đó là một bước đi mạo hiểm, nhưng nó nhanh chóng được đền đáp.

Chỉ 4 năm sau khi Bezos tạo ra Amazon.com, hiệu sách “ảo” đã trở thành khuôn mẫu cho cách vận hành các doanh nghiệp thương mại điện tử, với doanh thu hơn 1,64 tỷ USD và 20 triệu mặt hàng được vận chuyển đến 150 quốc gia trên toàn thế giới vào năm 1999.

Cùng năm này, Jeff Bezos được tạp chí Time vinh danh là Nhân vật của năm, với tài sản ròng trị giá 10 tỷ USD.

Với tầm nhìn dài hạn đã vạch ra trong nhiều thập kỷ, ông đã đưa Amazon an toàn vượt qua giai đoạn bong bóng Dotcom, củng cố vị thế trên thị trường, và mở rộng kinh doanh ra ngoài sách.

Bezos công bố máy đọc sách Kindle DX vào năm 2009. Ảnh Getty Images

“Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành một công ty lấy người tiêu dùng làm trung tâm, nơi khách hàng có thể tìm thấy bất cứ thứ gì họ muốn mua trực tuyến”, tỷ phú Jeff Bezos cho biết khi nói về gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon.

Năm 2017, tức 2 thập kỷ sau khi thành lập và dưới sự dẫn dắt của Bezos, giá trị thị trường của Amazon đạt 250 tỷ USD. Cùng năm này, ông chủ của “cửa hàng sách lớn nhất Trái đất” được vinh danh là người giàu nhất thế giới.

Trong giai đoạn 2018-2022, giá trị vốn hóa thị trường của Amazon đạt đỉnh vào ngày 5/7/2021 với 1.884 tỷ USD, theo Macrotrends.net. Giá trị ròng của Amazon tính đến ngày 6/1/2023 là 878,16 tỷ USD.

Với 310 triệu khách hàng trên toàn thế giới, Amazon đạt mức doanh thu 502,191 tỷ USD trong 12 tháng kết thúc vào ngày 30/9/2022, tăng 9,66% so với cùng kỳ năm 2021. Và gã khổng lồ thương mại điện tử được dự đoán đạt mức doanh thu ấn tượng 729,76 tỷ USD vào quý IV/2022.

Trở lại với câu chuyện về quyết định mang tính bước ngoặt trong cuộc đời tỷ phú Jeff Bezos năm 1994.

Hồi đó, ở tuổi 30, Bezos đã đặt mình vào vị trí của một ông lão 80 đang dành một khoảnh khắc tĩnh lặng để hồi tưởng lại cuộc đời mình. Ông đã cố tưởng tượng xem mình sẽ hối tiếc điều gì hơn, rời Phố Wall hay ở lại.

Ông tự hỏi: “Liệu tôi có hối hận khi rời D. E. Shaw vào giữa năm không? Và điều đó nghĩa là lỗi hẹn với khoản tiền thưởng năm của mình?”

Theo Bezos, những quyết định về cuộc sống cá nhân, những lựa chọn đi hay ở như vậy, có thể rất khó khăn với một người trẻ tuổi. Nhưng một người 80 tuổi thì sẽ không nghĩ về điều đó, thậm chí sẽ không nhớ về nó.

“Tôi muốn không phải hối tiếc. Tôi biết rằng khi tôi có một ý tưởng, nếu tôi không thử nó, tôi sẽ hối hận vì chưa từng thử”, ông nói. “Và tôi cũng biết, nếu tôi thử và thất bại, tôi sẽ không bao giờ hối hận vì đã làm vậy.

Đó là “thà thử mà thất bại còn hơn không bao giờ thử”, một trong những triết lý mà vị “Vua” thương mại điện tử đã áp dụng khi đứng trước bước ngoặt cuộc đời, để từ đó xây dựng nên “đế chế” của mình.

Bezos, thứ ba từ trái sang, gặp các quan chức NASA tại trụ sở Blue Origin ở Kent, Washington, năm 2011. Ảnh CNN

Ngoài ra, Jeff Bezos cũng nổi tiếng với nhiều câu nói sâu sắc, chứa đựng những bài học quý. Ví dụ, năm 2010, khi trò chuyện với các tân sinh viên Đại học Princeton - nơi ông đã tốt nghiệp loại xuất sắc năm 1986, Bezos đã phân tích sự khác biệt giữa “lựa chọn” và “thiên phú”.

Theo Bezos, trí thông minh là “thiên phú”, trong khi đối xử tốt với người khác là một sự “lựa chọn”. Tính cách của một người không được phản ánh trong những “thiên phú” mà người đó may mắn được ban tặng khi sinh ra, mà là bởi những “lựa chọn” mà người đó đưa ra trong suốt cuộc đời mình.

Để minh chứng, ông đã kể một câu chuyện thời thơ ấu của mình. Khi còn nhỏ, cậu bé Jeff thường đến trang trại của ông bà ngoại ở Texas trong các kỳ nghỉ hè. Hồi 10 tuổi, Jeff theo ông bà đi du lịch đường dài trên chiếc xe tải gia đình. Khi cậu đang lăn lộn trên chiếc ghế dài lớn ở phía sau xe và ông ngoại đang lái xe, Jeff cảm thấy phiền bởi mùi thuốc lá mà bà ngoại cậu hút phả ra.

Bezos giới thiệu Fire Phone - điện thoại thông minh hỗ trợ 3D được phát triển bởi Amazon và được sản xuất bởi Foxconn - trong một sự kiện ở Seattle năm 2014. Ảnh Getty Images

“Bà hút thuốc trong suốt những chuyến đi như vậy, và tôi ghét mùi này”, Jeff nói. Sau đó, với tư duy toán học, cậu bé nảy ra ý tưởng tính toán tác hại của thuốc lá đối với tuổi thọ con người. Theo một đoạn quảng cáo mà Jeff từng xem, người ta nói rằng mỗi hơi thuốc lá sẽ lấy đi một số phút sống trong cuộc đời người hút.

Sau khi ước tính dựa trên số điếu thuốc mỗi ngày bà hút, và số lần hút mỗi điếu, cùng với những ước tính khác, Jeff tính toán ra một con số mà cậu cho là hợp lý. Ngay lập tức, cậu đã nhoài người lên hàng ghế trước nơi bà ngoại ngồi, vỗ vai bà và nói: “Hai phút một hơi, bà đã mất 9 năm tuổi thọ”.

Khi nói ra điều này Jeff đã mong đợi sẽ được khen ngợi vì sự thông minh và kỹ năng số học của mình. Nhưng sự thực là không có lời khen nào dành cho Jeff, thay vào đó, bà ngoại đã bật khóc.

Thấy vậy, ông ngoại đã im lặng tấp xe vào lề đường cao tốc, mở cửa để Jeff có thể ra ngoài. Jeff có chút lo lắng rằng liệu mình có gặp rắc rối - hoặc mình sẽ phải xin lỗi bà - nhưng vẫn đi theo ông ra ngoài.

Gia đình tỷ phú Jeff Bezos. Ông và bà MacKenzie Scott kết hôn năm 1993 và ly hôn năm 2019. Ảnh Getty Images

“Ông tôi nhìn tôi, và sau một lúc im lặng, ông nhẹ nhàng và bình tĩnh nói: Jeff, một ngày nào đó con sẽ hiểu rằng tử tế khó hơn thông minh”, Bezos cho biết.

“Điều tôi muốn nói với các bạn hôm nay là sự khác biệt giữa thiên phú và sự lựa chọn. Thông minh là một thiên phú, sự tử tế là một lựa chọn. Thiên phú là thứ gì đó dễ dàng có nhờ trời ban, trong khi lựa chọn có thể khó khăn. Nếu không cẩn thận, bạn có thể tự mãn với thiên phú của mình, và nếu bạn làm thế, điều đó có thể sẽ gây bất lợi cho sự lựa chọn của bạn”, vị tỷ phú nói với các sinh viên.

Ông cũng đặt ra câu hỏi rằng người ta nên tự hào về thiên phú hay tự hào về lựa chọn của mình, đồng thời kể lại câu chuyện về cách ông bỏ Phố Wall để theo đuổi đam mê của mình và thành lập Amazon. Và tất nhiên, Bezos tự hào về “lựa chọn” của mình dẫn đến sự ra đời của “đế chế” thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Bezos và các thành viên phi hành đoàn chụp ảnh sau chuyến bay vào vũ trụ trên tàu New Shepard, tháng 7.2021. Ảnh Getty Images

Ngày 5/7/2021, Jeff Bezos từ chức CEO Amazon. Giờ đây, với nhiều thời gian hơn, ông tiếp tục theo đuổi giấc mơ phi hành gia vũ trụ với công ty Blue Origin của mình, và tham gia các hoạt động từ thiện.

Blue Origin được Bezos thành lập vào năm 2000 nhằm cung cấp dịch vụ du hành không gian với chi phí thấp, đáng tin cậy.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài CNN hôm 12/11/2022, Jeff Bezos đã nói về kế hoạch cho đi phần lớn tài sản của mình. Mặc dù các bình luận của vị tỷ phú không rõ ràng và chi tiết, nhưng đây là lần đầu tiên ông đề cập đến vấn đề này.

Ngày 5.7.2021, Jeff Bezos từ chức CEO Amazon sau 27 năm gây dựng và phát triển nó từ một cửa hàng sách trực tuyến thành một đế chế thương mại nghìn tỷ USD. Ảnh NBC News

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 7, 28/01/2023 | 09:15