Ánh Dương (thực hiện)

Sang hàng xóm để buôn chuyện mà quên tắt bếp ở nhà, một bà nội trợ đã khiến gần 100 ngôi nhà trong khu dân cư ở Makassar, Indonesia, bị thiêu rụi. Với hành vi vô ý nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này, nếu áp dụng pháp luật Việt Nam, bà nội trợ sẽ bị xử lý ra sao?

Bà nội trợ mải buôn chuyện quên tắt bếp, 100 ngôi nhà cháy rụi

Truyền thông Indonesia đưa tin ngày 16/8, một người phụ nữ ở Makassar bị cáo buộc gây ra vụ hỏa hoạn khiến gần 100 ngôi nhà trong khu dân cư bị thiêu rụi.

Báo cáo của Suara Sumut, Chỉ huy Phòng cháy chữa cháy thành phố Makassar, cho biết hàng chục xe chữa cháy cùng 95 lính cứu hỏa đã được điều động đến hiện trường vụ cháy.

chay nha

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu dân cư ở Makassar, Indonesia. Ảnh: WOB.

"Tổng cộng, 22 xe chữa cháy và 95 nhân viên cứu hỏa được điều động tới khu dân cư xảy ra hỏa hoạn. Ngọn lửa dược dập tắt vào khoảng 12h30 giờ địa phương", Suara cho biết.

Một cư dân địa phương cho rằng nguyên nhân dẫn tới vụ hỏa hoạn là do người phụ nữ mải mê buôn chuyện và quên tắt bếp.

"Vụ cháy là do sơ suất của một phụ nữ đang nấu ăn thì chạy sang hàng xóm buôn chuyện mà quên tắt bếp ở nhà", cư dân này chia sẻ.

Người đứng đầu Dịch vụ xã hội thành phố Makassar, Rusmayani Masjid, cho biết những người dân bị ảnh hưởng bởi vụ cháy sẽ được hỗ trợ thực phẩm.

Hiện, các nhà chức trách đang mở cuộc điều tra vụ việc.

Vô ý cũng phải chịu trách nhiệm!

Theo thông tin từ truyền thông Indonesia thì vụ cháy khiến gần 100 ngôi nhà bị thiêu rụi nhưng may mắn là không có thiệt hại về người. Hiện nguyên nhân đang được điều tra, làm rõ. Nếu quá trình điều tra có đủ bằng chứng chứng minh bà nội trợ kia mải buôn chuyện mà quên tắt bếp dẫn đến vụ cháy và đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, hành vi của bà nội trợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý gây thiệt hại đến tài sản, quy định tại Điều 180 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Vô ý gây thiệt hại đến tài sản được hiểu là hành vi do cẩu thả hoặc vì quá tự tin gây ra thiệt hại về tài sản của người khác. Ở đây người phụ nữ trên đã quá cẩu thả khi không tắt bếp dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là làm cháy gần 100 ngôi nhà. Giá trị tài sản bị thiệt hại (cơ quan chức năng sẽ tiến hành giám định giá trị tài sản sau vụ cháy) càng lớn, mức hình phạt mà người vi phạm phải nhận sẽ càng cao. Theo quy định tại khoản 2 Điều 180, nếu tài sản bị thiệt hại trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bà nội trợ trên có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Nếu hành vi vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản mà còn làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên; gây thương tích hoặc gây thiệt hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh tương ứng nêu trên.

Ảnh minh họa.


Về những ngôi nhà bên cạnh bị cháy lan sang thì việc bồi thường sẽ được xử lý như thế nào?

Khoản 2 Điều 3 luật Phòng cháy chữa cháy 2001 sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định chất nguy hiểm về cháy, nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hoá, vật tư dễ xảy ra cháy, nổ. Còn theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng cháy và chữa cháy, có 3 điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình gồm: Nơi đun nấu, nơi thờ cúng, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy; tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp, bảo quản và sử dụng đúng quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy; có phương tiện chữa cháy phù hợp với đặc điểm hoạt động và điều kiện của từng hộ gia đình.

Trong vụ việc này, nếu nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc cháy xuất phát từ bếp của nhà bà nội trợ thì bà này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Điều 601 Bộ luật Dân sự quy định: Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định… và chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Tuy nhiên, để có đủ cơ sở kết luận bà nội trợ trên có phải bồi thường hay không thì cần phải dựa vào kết luận chính thức của cơ quan chức năng về việc này.

A.D