Hơn 2 năm kể từ dấu mốc dịch vụ thu phí tự động không dừng phủ sóng toàn quốc, những người ở Công ty thu phí tự động (VETC) đã cảm thấy dễ thở hơn rất nhiều so với những ngày quên ăn, quên ngủ để chạy kịp “deadline” trước đó. Trong cuộc trao đổi với Người Đưa Tin (NĐT), cùng với việc điểm lại những bước đi đáng kể trong 2 năm qua, ông Lê Quang Hưng – Giám đốc kinh doanh VETC cũng chia sẻ về sự sẵn sàng của doanh nghiệp này cho một hành trình mới.
NĐT: Đã hơn 2 năm kể từ ngày 1/8/2022 khi tất cả tuyến cao tốc trên cả nước chính thức triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC). Trong 2 năm qua, xin ông cho biết việc vận hành phương thức thu phí này đã thu được kết quả như thế nào?
Ông Lê Quang Hưng: Sau 2 năm kể từ khi tất cả tuyến cao tốc trên cả nước chính thức triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng, VETC đã hoàn thành việc lắp đặt 126 trạm thu phí ETC với 700 làn thu phí, phục vụ hơn 75% thị phần ETC trên toàn quốc.
Đến nay, tỉ lệ giao dịch không dừng đạt đến 100% trên tất cả các tuyến cao tốc và 92% trên các tuyến quốc lộ, bảo đảm phương tiện di chuyển qua trạm thu phí nhanh chóng, thông suốt.
Theo số liệu thống kê, thời gian qua trạm trên làn ETC đối với xe đủ tiêu chuẩn được ghi nhận rút ngắn 6-7 lần so với hình thức thu phí một dừng trước đây. Công nghệ này còn giúp giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí, tăng tuổi thọ động cơ, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường, nâng cao hiệu quả chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
NĐT: Ngoài kết quả nêu trên, trong 2 năm qua, việc vận hành hệ thống ETC có gặp phải vấn đề đáng kể gì không, thưa ông?
Ông Lê Quang Hưng: Trong thời gian đầu khi hệ thống vừa mới được triển khai đồng loạt trên cả nước cũng đã xảy ra một số sự cố về thiết bị và thẻ. Tuy nhiên, điều này không bất ngờ mà nằm trong tính toán của chúng tôi. Ban đầu, khi xây dựng kế hoạch, VETC đã dự liệu trong 2 tuần đầu sẽ xảy ra nhiều sự cố như vậy, song thực tế thì nó chỉ diễn gần như trong một tuần đầu. Hệ thống đã vận hành trơn tru hơn cả cách chúng tôi tính toán.
Bây giờ mỗi lần nghỉ lễ, lưu lượng xe trên các tuyến cao tốc tăng đột biến, chúng tôi gần như tự tin hoàn toàn về sự vận hành của hệ thống thu phí. Sự tự tin đó đến từ việc chúng tôi thực hiện đúng theo quy trình trên một nền tảng công nghệ tối ưu và sẵn sàng kể cả trong có tình huống nào đó xảy ra.
NĐT: Nhìn lại, việc triển khai thành công mô hình thu phí không dừng mang lại giá trị thế nào cho xã hội và bản thân doanh nghiệp?
Ông Lê Quang Hưng: Phải khẳng định rằng, giá trị và lợi ích mà ETC mang lại cả vô hình và hữu hình đều rất to lớn. Lợi ích đầu tiên dễ nhận thấy nhất, là tất cả các tuyến cao tốc đều giảm ùn tắc, thời gian lưu thông qua trạm nhanh, thuận tiện hơn. Thời gian qua trạm trên làn ETC đối với xe đủ tiêu chuẩn.
Đặc biệt, nhiều điểm nóng về giao thông như tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hải Phòng… đã được tháo gỡ, giúp các phương tiện di chuyển thông thoáng hơn trong những dịp cao điểm. Theo chúng tôi tính toán, thời gian được rút ngắn đến 6-7 lần so với hình thức thu phí một dừng.
Gần đây, Tiến sĩ Vũ Minh Khương đã có một nghiên cứu công phu trong đó cung cấp những số liệu phản ánh kết quả ấn tượng khi triển khai ETC tại Việt Nam như: Năm 2023 - năm đầu tiên triển khai đầy đủ ETC trên đường cao tốc cả nước, tổng lượng khí thải CO2 giảm được lên tới 191.860 tấn, nhờ giảm 60.816 tấn xăng và nhiên liệu diesel tiêu thụ tại các trạm thu phí. Cùng năm đó, xã hội tiết kiệm được 93,3 triệu giờ cho nhân lực và 37,3 triệu giờ cho tuổi thọ của phương tiện.
Xét về giá trị tương đương bằng tiền, tổng chi phí tiết kiệm được cho năm 2023 qua bốn thước đo (năng lượng, nhân lực, tuổi thọ phương tiện và chi phí vận hành) lên tới 442,7 triệu USD. So với thời điểm bắt đầu thúc đẩy ETC năm 2019, lợi ích của việc giảm lượng khí thải tương đương CO2 và tổng tiết kiệm tương đương tiền đã tăng 14 lần.
Tính chung cả giai đoạn 2019-2023, lợi ích mà Việt Nam có được từ việc triển khai ETC tương đương giá trị gần 1 tỷ USD.
NĐT: Theo kế hoạch tổng thể của Bộ GTVT, trong khoảng thời gian 2024 - 2025, hệ thống ETC sẽ chuyển sang giai đoạn 2 - Đơn làn tự do. Đến nay, công tác chuẩn bị và kế hoạch chi tiết về chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 đã được thực hiện đến đâu?
Ông Lê Quang Hưng: Theo chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT thu phí ETC có 4 giai đoạn, việc chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 là khó khăn nhất, cần có hành lang pháp lý chuẩn. Do vậy, Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng về ETC cần được nâng lên thành nghị định để có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Về công nghệ, VETC đã sẵn sàng cho hệ thống ETC không cần barie, hệ thống có thể nhận diện, tính phí với xe di chuyển qua trạm với tốc độ dưới 120km/h. Việc chuyển sang giai đoạn 2 cũng không làm thay đổi đáng kể đến thói quen của chủ phương tiện nên hầu như ít gặp trở ngại.
Tuy nhiên, để bước sang giai đoạn 2, chúng tôi đang rất mong muốn Chính phủ và các bộ ngành sớm hoàn thiện hành lang pháp lý trong đó quy định cụ thể về thu hồi công nợ, chế tài xử lý. Trước hết là việc Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tài trợ tín dụng cho dự án BOT giao thông vay vốn cần chấp thuận cho nhà đầu tư BOT giao thông cho thu hồi nợ trả sau (hiện các dự án BOT trả nợ ngân hàng hằng ngày từ tiền thu phí).
Bên cạnh đó, cần có quy định rõ ràng các nội dung như ngân hàng thu hồi nợ sau thì tính lãi ra sao; cơ chế thu hồi nợ như thế nào, VETC hay cơ quan đăng kiểm thu hồi nợ xe chưa trả phí, tính lãi với số tiền nợ của chủ xe theo cơ chế gì?
Ngoài ra cần tính đến trường hợp chủ xe đến hạn không trả phí thì áp dụng chế tài gì, tiền thu phí chậm trả ngân hàng vì chủ xe nợ lâu chưa trả thì có tính là nợ xấu hay không? Trong thực tế đã có những trường hợp không đòi được phí khi xe bị đánh cắp, bị tai nạn hỏng xe không thể sử dụng.
NĐT: Bộ GTVT đã trình Chính phủ về dự thảo Nghị định thanh toán điện tử giao thông đường bộ, trong đó đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng ETC đã đầu tư như thu phí tại sân bay, cảng biển, bãi đỗ xe, phí kiểm định… Điều này đang đặt ra cơ hội mở rộng tính năng và không gian bao phủ đối với ETC. Doanh nghiệp đang đón chờ cơ hội mới này như thế nào, nhất là sự chuẩn bị về năng lực phục vụ?
Ông Lê Quang Hưng: Việc mở rộng thêm các dịch vụ mới trên nền tảng ETC sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội, thuận tiện cho người sử dụng. Người dân, chủ phương tiện giao thông chỉ cần sử dụng duy nhất một tài khoản thu phí để chi trả cho nhiều dịch vụ qua đó tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chủ phương tiện giao thông, tiết kiệm chi phí và phù hợp với chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt của Nhà nước.
Hiện nay, VETC cũng đã mở rộng dịch vụ trên nền tảng của thu phí ETC, để triển khai các dịch vụ mới như thu phí bãi đỗ, thanh toán xăng dầu không tiền mặt. VETC sẵn sàng đáp ứng theo nghị định thanh toán mới, đồng hành phát triển giao thông thông minh tại Việt Nam
NĐT: Cùng với đề xuất mở rộng dịch vụ trên nền tảng hệ thống thu phí ETC, ngành GTVT cũng đang tính toán đến việc tạo không gian để tăng số lượng nhà cung cấp dịch vụ thay vì 2 như hiện tại. Doanh nghiệp đánh giá như thế nào về điều này? Liệu việc gia tăng số lượng nhà cung cấp có tạo ra một động lực mới cho ETC?
Ông Lê Quang Hưng: Quan điểm xuyên suốt của chúng tôi là đặt khách hàng làm trung tâm, luôn cầu thị, lắng nghe. Chúng tôi xác định tập trung nguồn lực và hành động cho việc tạo ra kết quả và các ưu tiên là quan trọng nhất.
ETC do công nghệ phức tạp, do đó, những ngày đầu, có rất ít đơn vị quan tâm tham gia và VETC đã đi tiên phong trong lĩnh vực này. Trong xu thế dịch chuyển công nghệ giao thông thông minh tại Việt Nam, việc có thêm những nhà cung cấp mới là điều tất yếu, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và hướng tới tạo dựng những giá trị, lợi ích cho khách hàng.
Trong một thị trường đa dạng hơn, VETC xác định sẽ luôn lắng nghe, hỗ trợ, phối hợp cùng các bên liên quan bằng tư duy “đôi bên cùng thắng”. Chúng tôi sẵn sàng song hành cùng các bên liên quan và các nhà cung cấp dịch vụ khác để mang lại lợi ích cho người dân và khách hàng.
Tuy nhiên điều cần lưu ý là hiện nay, công nghệ ETC của hai nhà cung cấp VETC và VDTC là tương đồng nhau. Mọi thiết bị đều được đặt theo tiêu chuẩn ISO và lắp ghép phù hợp mô hình của Việt Nam. Ngoài ra, trên mỗi làn thu phí, đều có các phương án dự phòng sẵn như 2 đầu đọc, 2 antene…
Do đó, khi có thêm nhà cung cấp, vấn đề kết nối và liên thông công nghệ sẽ là yếu tố cần tính đến – cân nhắc ở góc độ của cơ quan quản lý. Khi có quá nhiều nhà cung cấp, quá trình xử lý barrier mở có thể gặp phải tình trạng chồng lấn, va chạm trong giao tiếp công nghệ.
NĐT: Thu phí tự động đang cho thấy việc ứng dụng yếu tố công nghệ trong quản trị xã hội sẽ là một xu hướng trong tương lai. Là người trong cuộc, ông cảm nhận xu hướng này như thế nào?
Ông Lê Quang Hưng: Đây đang là một xu hướng sôi động không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà cả thế giới cũng như vậy. Nhiều quốc gia đã đi trước chúng ta nhiều năm và thành công như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc). Trong bối cảnh hiện nay, việc đứng ngoài chuyển đổi số sẽ khiến chính chúng ta bị tụt hậu. Việc đồng bộ hạ tầng giao thông số toàn quốc sẽ tạo ra lợi ích to lớn cho xã hội, xuyên suốt hành trình phát triển từ hiện tại đến tương lai.
Các yếu tố công nghệ cũng đang thúc đẩy và tạo động lực để chúng ta sớm xây dựng được mô hình giao thông thông minh, nhằm giải quyết nhiều vấn đề nan giải của giao thông Việt Nam hiện hành, nhất là ở các đô thị lớn.
Trong tương lai gần, một số hoạt động dịch vụ giao thông sẽ phát triển trên một nền tảng duy nhất, hướng tới thanh toán điện tử không dùng tiền mặt như dịch vụ bãi đỗ xe; mua xăng, dầu; nộp phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ... Do đó, quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo một cách tối ưu nhất. Các dịch vụ xoay quanh chiếc ô tô của tài khoản giao thông khi được mở rộng sẽ mang lại trải nghiệm trọn vẹn nhất cho khách hàng.
NĐT: Đang có những cơ hội và thách thức với quá trình chuyển đổi này, thưa ông?
Ông Lê Quang Hưng: Cơ hội của chúng ta đến từ việc chúng ta là người đi sau. Quá trình chuyển đổi của các quốc gia để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá và sự sẵn có của giải pháp công nghệ. Đó là thứ Việt Nam có thể tận dụng, thậm chí là đi nhanh hơn so với nhiều quốc gia khác.
Bên cạnh đó, quyết tâm chính trị và sự thay đổi từng ngày của nhận thức xã hội về yếu tố công nghệ cũng trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này diễn ra. Nếu như ETC mất đến 7 năm để thuyết phục xã hội và tạo dựng thành công thì tôi tin rằng những ứng dụng công nghệ khác trong giao thông và lớn hơn là quản trị xã hội sẽ rút ngắn được đáng kể thời gian.
Về trở ngại, có rất nhiều thứ đáng nói như hạ tầng, vốn, lựa chọn công nghệ… tuy nhiên tôi cho rằng thói quen của người dân và xã hội vẫn là yếu tố đáng kể nhất. Dù vậy, tôi tin rằng những trở ngại trên dù ghê gớm đến bao nhiêu cũng chỉ có thể làm chậm lại chứ không thể làm thay đổi tính tất yếu của lan tỏa và ứng dụng công nghệ số.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!