Kinh tế toàn cầu 2024

Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một trong những giai đoạn tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Tất cả bắt đầu với đại dịch Covid-19, tiếp theo là các vấn đề về chuỗi cung ứng sau đại dịch, xung đột Nga-Ukraine, sự gián đoạn trên thị trường năng lượng và thực phẩm do chiến sự gây ra, và bây giờ là làn sóng xung đột mới nhất giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza cũng như đụng độ quân sự ở Biển Đỏ.

Mọi thứ khá bất ổn kể từ đại dịch, khi thế giới phải đối mặt với hết vấn đề này đến vấn đề khác. Nhìn chung, điều kiện kinh tế toàn cầu dường như dễ bị tổn thương trước những rủi ro địa chính trị cùng với lạm phát cao và lãi suất cao. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu “chưa từng có tiền lệ” nhằm khắc phục lạm phát tràn lan đã làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Bất chấp những “cơn gió ngược”, nền kinh tế toàn cầu vẫn có một “kết thúc có hậu” vào năm 2023, với việc Chỉ số Bất ngờ Kinh tế Toàn cầu của Citigroup (CESI) cho thấy các dự báo cho năm 2023 đã liên tục bị dữ liệu thực tế đánh bại.

Kinh tế toàn cầu 2024

Du khách nước ngoài tại phố Khaosan, khu giải trí về đêm nổi tiếng ở Bangkok. Ảnh Nikkei Asia

Kinh tế toàn cầu 2024

Đầu tiên, nền kinh tế thế giới đã thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý. Các nền kinh tế quốc gia đã thích nghi tốt hơn mong đợi với các “thực tế mới” hậu đại dịch, bao gồm sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng và cuộc chiến trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II kéo theo khủng hoảng năng lượng, lạm phát leo thang và lãi suất cao.

Các doanh nghiệp đã điều chỉnh lại hệ thống hậu cần của họ. Châu Âu đang ngày càng “xa lánh” khí đốt giá rẻ của Nga. Theo tổ chức hàng đầu về dự báo kinh tế toàn cầu Oxford Economics, các chỉ số mang tính dự báo tương lai cho thấy điều tồi tệ nhất có thể đã qua và kỳ vọng tình hình kinh tế ở nhiều nơi sẽ được cải thiện trong 6 tháng tới.

Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng ít nhất 2,4_ vào năm 2024. Ảnh Economy Middle East

Thứ hai, lạm phát đang nhanh chóng hạ nhiệt. Viện Kinh tế Mastercard (MEI) dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên toàn cầu sẽ ở mức 4,9% vào năm 2024, giảm từ mức 6,0% vào năm 2023, mặc dù con số này vẫn cao hơn xu hướng trước đại dịch là 2,7%.

Lạm phát giá thực phẩm – từ lúa mì đến dầu ăn – đã giảm mạnh, giá năng lượng trên đà đi xuống. Sự kết hợp của các cú sốc chuỗi cung ứng thời đại dịch cũng đã giảm bớt. Lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao, nhưng nguyên nhân là do thị trường việc làm ổn định và tăng trưởng tiền lương nhanh chóng.

Thứ ba, lo ngại về chu kỳ chính sách tiền tệ siết chặt – với lãi suất được duy trì ở mức đỉnh lâu hơn – đã giảm dần. Các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới hiện có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn vào năm 2024 so với dự đoán. Đó sẽ là niềm an ủi cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp.

Kinh tế toàn cầu 2024

Các nhà giao dịch làm việc trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Ảnh The Seattle Times

Thị trường tài chính bùng nổ, với các chỉ số hàng đầu của Phố Wall đã gần đạt hoặc vượt mức cao kỷ lục trong những tháng cuối năm ngoái. Ngay cả trái phiếu cũng kết thúc năm 2023 một cách mạnh mẽ.

Nền kinh tế Mỹ, với tư cách là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu, tiếp tục chứng tỏ “khí phách” của mình khi hoạt động mạnh mẽ hơn phần còn lại của thế giới. Và, cơ hội “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế số 1 thế giới vào năm 2024 – nghĩa là Fed thành công trong việc kiểm soát lạm phát mà không gây ra suy thoái – đã tăng lên.

Nó còn được gọi là “giảm phát không tì vết”, một thuật ngữ kinh tế được tờ Financial Times của Anh sử dụng nhằm mô tả một kịch bản trong đó lạm phát hạ nhiệt mà không gây ra tỉ lệ thất nghiệp tăng đột biến.

Không phải tất cả các nền kinh tế đều hoạt động tốt. Hoạt động kinh tế đã chững lại ở Anh và Đức. Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng những nền kinh tế khác đang thể hiện triển vọng tốt. Ấn Độ, Mexico và Việt Nam đang được hưởng lợi từ sự thay đổi mô hình thương mại và các nhà đầu tư mong muốn tăng cường đầu tư vào các thị trường này trong năm mới.

Kinh tế toàn cầu 2024

Một em bé thắp nến trong buổi lễ tại Nhà thờ Chính thống giáo Hy Lạp Saint Porphyrius ở Thành phố Gaza, ngày 7.1.2024. Ảnh Middle East Eye

Phong cách quản lý kinh tế thận trọng cũng đã trở lại ở nhiều nơi. Nợ chính phủ của Hy Lạp đã trở lại mức rủi ro thấp sau một thập kỷ gián đoạn. Ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, một số cách tiếp cận không chính thống đã được kiềm chế. Ngân hàng Trung ương ở nhiều nước đang phát triển đã đi đầu trong việc kiểm soát lạm phát.

Nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều “trận chiến” vào năm 2024, từ gánh nặng nợ công ngày càng gia tăng, hay các cuộc bầu cử ở hàng loạt các nền kinh tế lớn như Anh, Mỹ, Mexico, với một nửa dân số thế giới (tương đương 4 tỷ người) là cử tri đi bỏ phiếu… đến các cuộc xung đột dai dẳng ở Đông Âu và Trung Đông.

Tuy nhiên, sau màn thể hiện kiên cường của năm 2023, rất có thể thực tế năm 2024 cũng sẽ tốt hơn mong đợi. Một số mặt tích cực sẽ có tác động “chữa lành” cho nền kinh tế toàn cầu trong năm con Rồng.

Tinh thần trên cũng được phản ánh trong báo cáo của Goldman Sachs với tựa đề “Triển vọng vĩ mô 2024: Phần khó khăn đã qua”.

Còn theo một cuộc khảo sát do IPSOS thực hiện ở 34 quốc gia trên thế giới, 70% người tham gia cho rằng năm 2024 sẽ là một năm tốt đẹp hơn so với năm 2023.

Con số này báo hiệu sự lạc quan đang quay trở lại mức thường thấy trong thập kỷ qua khi nó chỉ dao động rất nhẹ trong khoảng 75-80%.

Với 50% người tham gia kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ mạnh hơn vào năm 2024 so với năm 2023, sự lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu đã tăng 4% kể từ năm 2022.

Kinh tế toàn cầu 2024

Không thể phủ nhận năm 2024 bắt đầu với vô số thách thức vốn đã hình thành từ trước, với các “điểm nóng” như căng thẳng gay gắt ở Biển Đỏ theo sau những cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các tàu hàng dân sự, chiến sự ở Ukraine và Dải Gaza vẫn tiếp diễn không hồi kết.

Liên Hợp Quốc (LHQ), trong báo cáo kinh tế hàng đầu của mình, đã chỉ ra rằng xung đột leo thang, thương mại toàn cầu trì trệ, lãi suất cao dai dẳng và thảm họa khí hậu ngày càng gia tăng là các yếu tố mang lại những gam màu ảm đạm cho bức tranh kinh tế thế giới.

“Bản thân chúng tôi không mong đợi một cuộc suy thoái, nhưng vì có sự biến động trong môi trường xung quanh chúng ta nên đây là nguồn rủi ro chính”, ông Shantanu Mukherjee, Giám đốc Bộ phận Chính sách và Phân tích Kinh tế của LHQ, cho biết.

Các hãng vận tải biển lớn như MSC phải đi đường vòng qua Biển Đỏ khi vùng biển này dậy sóng vì xung đột quân sự. Ảnh The Times

Trong báo cáo có tựa đề “Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới 2024”, LHQ dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại còn 2,4% trong năm nay so với mức 2,7% vào năm 2023.

Dự báo của LHQ – tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới – thấp hơn dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 10 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào cuối tháng 11 năm ngoái.

IMF cho biết họ dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại từ mức dự kiến 3% vào năm 2023 xuống còn 2,9% vào năm 2024. OECD có trụ sở tại Paris, bao gồm 38 quốc gia chủ yếu là các nền kinh tế phát triển, ước tính rằng tăng trưởng quốc tế cũng sẽ chậm lại từ mức dự kiến 2,9% vào năm 2023 xuống còn 2,7% vào năm 2024.

Tựu chung, các tổ chức quốc tế đều đồng ý rằng trong khi thế giới tránh được kịch bản tồi tệ nhất là suy thoái kinh tế vào năm 2023, thì một thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài đang đến gần. Ngoài ra, hầu hết các nền kinh tế thị trường mới nổi đều cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ trước những biến động kinh tế toàn cầu so với các nền kinh tế phát triển.

Trong khi nền kinh tế Mỹ hoạt động “rất tốt” vào năm 2023, LHQ cho biết tăng trưởng dự kiến sẽ giảm từ mức ước tính 2,5% vào năm 2023 xuống còn 1,4% trong năm nay, trong bối cảnh tiền tiết kiệm hộ gia đình giảm, lãi suất cao và thị trường lao động dần dần hạ nhiệt, chi tiêu tiêu dùng yếu đi và đầu tư chậm chạp.

Oxford Street nổi tiếng là một trong những con phố mua sắm sầm uất nhất châu Âu. Ảnh Gringa Journeys

Ở châu Âu, với lạm phát cao và lãi suất cao, “lục địa già” phải đối mặt với triển vọng kinh tế đầy thách thức. Nhưng nhờ “sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng khi áp lực giá giảm bớt, tiền lương thực tế tăng và thị trường lao động vẫn mạnh mẽ”, GDP ở Liên minh châu Âu (EU) được dự báo vẫn sẽ tăng từ 0,5% vào năm 2023 lên 1,2% vào năm 2024, theo LHQ.

Đức – nền kinh tế duy nhất trong G7 thu hẹp trong năm 2023 – được dự báo sẽ bắt đầu phục hồi nhẹ vào năm 2024. Trong năm qua, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải vật lộn với lãi suất cao nhất trong một thập kỷ, lạm phát cao và sự yếu kém trong thương mại quốc tế, hậu quả của sản xuất công nghiệp suy giảm và lĩnh vực xây dựng bị thu hẹp.

Kinh tế toàn cầu 2024

Người mua sắm đi lại trên đường phố ở Berlin, Đức. Ảnh Bloomberg

Nhưng từ năm nay, nhu cầu trong nước sẽ cải thiện do lương thực tế tăng, cùng với việc nhu cầu ở nước ngoài phục hồi, tất cả dự kiến sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP của Đức lên 0,8% vào năm 2024 và 1,2% vào năm 2025, theo Dự báo Kinh tế Mùa thu năm 2023 của Ủy ban châu Âu.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm lại từ 1,7% vào năm 2023 xuống còn 1,2% trong năm nay bất chấp các chính sách tài chính và tiền tệ thường được coi là “ngoại lệ” của nước này so với phần còn lại của thế giới.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, LHQ cho biết quá trình phục hồi sau khi Bắc Kinh bãi bỏ chính sách nghiêm ngặt thời đại dịch zero-Covid diễn ra chậm hơn dự kiến “trong bối cảnh có những trở ngại trong nước và quốc tế”.

Kinh tế toàn cầu 2024

Một hội chợ việc làm ở thành phố Trùng Khánh, miền Tây Nam Trung Quốc, ngày 11.4.2023. Ảnh Getty Images

Với mức tăng trưởng kinh tế chỉ 3,0% vào năm 2022, Trung Quốc đã chuyển hướng trong nửa cuối năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt 5,3%. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa những rắc rối trong lĩnh vực bất động sản và nhu cầu bên ngoài suy giảm đối với hàng sản xuất, sẽ khiến tăng trưởng của Trung Quốc giảm xuống còn 4,7% vào năm 2024.

Châu Á, ngoại trừ Trung Quốc và Nhật Bản, được OECD đánh giá là động lực tăng trưởng bền bỉ. Giống như năm 2023, châu Á dự kiến sẽ tiếp tục chiếm phần lớn tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn 2024-2025.

Kinh tế toàn cầu 2024

Người đi lại trong khu trung tâm tài chính (CBD) sầm uất của Singapore. Ảnh Nikkei Asia

Tăng trưởng của lục địa này được dự báo ở mức 4,8% cho năm 2024. Lạm phát tại các nước đang phát triển ở châu Á dự kiến sẽ giảm từ mức 3,6% vào năm 2023 xuống 3,5% vào năm 2024.

Các quốc gia giàu nhất châu Á tính theo GDP bình quân đầu người là những nhân tố chính tạo nên triển vọng kinh tế mạnh mẽ cho khu vực, bao gồm Singapore, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Xê-út, và một số nước khác.

Ở Nam Á, GDP đã tăng khoảng 5,3% trong năm ngoái và dự kiến sẽ tăng 5,2% vào năm 2024, “được thúc đẩy bởi sự mở rộng mạnh mẽ ở Ấn Độ, nơi vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới”. IMF dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng 6,3% vào năm 2024 – tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển.

Nền kinh tế Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới - đang mở rộng mạnh mẽ và tiếp tục tăng trưởng 6,3% vào năm 2024. Ảnh Nikkei Asia

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 12/02/2024 | 15:00