img

Đối với nhiều người Afghanistan - đặc biệt là phụ nữ - cảm giác mất mát thật khủng khiếp. Trước khi Taliban trở lại nắm chính quyền, một bộ phận người trẻ Afghanistan đã ấp ủ giấc mơ trở thành bác sĩ, luật sư hay quan chức chính phủ, đồng thời khám phá các cơ hội giao lưu quốc tế.

“Bây giờ mọi thứ đều đã biến mất”, cô Zakia Zahadat, 24 tuổi, từng làm việc trong một cơ quan chính phủ sau khi tốt nghiệp đại học, chia sẻ. Giờ cô hầu như chỉ quanh quẩn ở nhà. Cô nói: “Chúng tôi đã mất quyền lựa chọn những gì mình muốn”.

img

img

Trận động đất hôm 22.6.2022 là trận động đất chết chóc nhất ở Afghanistan trong 2 thập kỷ. Ảnh ABC News

Hơn 3 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, 70% hộ gia đình Afghanistan không thể tự đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của chính họ, và một nửa dân số Afghanistan đang lâm vào cảnh đói khát. Thảm họa nhân đạo ở quốc gia Nam Á đang trở nên tồi tệ hơn mỗi ngày.

“Địa ngục trần gian” là cách ông David Beasley, giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) mô tả về tình hình ở Afghanistan vào cuối năm ngoái. Kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền vào tháng 8/2021, các vụ nổ súng, ném bom và giao tranh ở đất nước đã lắng xuống.

Afghanistan giờ đã an toàn hơn so với trước đây, nhưng nền kinh tế của quốc gia Nam Á - nơi còn được biết đến là “ngã tư châu Á”, đang chịu nhiều áp lực, phần lớn là do đất nước bị cô lập khi chính phủ các nước từ chối công nhận chính phủ của Taliban.

img

Bản đồ Afghanistan. Đồ họa Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) của Mỹ

Tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) có trụ sở tại Brussels lo ngại rằng “nạn đói và khó khăn sau khi Taliban tiếp quản có thể giết chết nhiều người Afghanistan hơn tất cả bom và đạn trong 2 thập kỷ qua”.

Hiện nay, trong bối cảnh đói nghèo đang gia tăng và khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm bền vững, chỉ 5% gia đình Afghanistan đủ ăn hàng ngày và lạm phát đối với các mặt hàng thiết yếu trong gia đình đang ở mức 40%. Và ngày nhiều gia đình người Afghanistan phải vật lộn mưu sinh.

Bà Nora Hassanien, quyền giám đốc quốc gia tại Afghanistan của tổ chức nhân đạo Save the Children, nói với Đài DW (Đức) về “những gia đình tuyệt vọng”, những người đang phải dùng đến “những chiến lược đối phó ngày càng cực đoan và có hại”, bao gồm việc bán con cái của họ - đặc biệt là những cô con gái nhỏ - và những điều mà nếu không phải là lâm vào đường cùng họ sẽ không bao giờ làm.

img

Hoda Khamosh, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, nói chuyện trong một cuộc phỏng vấn ở Kabul, ngày 17.1.2022. Ảnh Japan Times

“Khi các nhà lãnh đạo toàn cầu tìm cách cô lập Taliban về mặt kinh tế, các phương pháp tiếp cận chính sách của họ đã làm tê liệt nền kinh tế Afghanistan, phá hủy ngành ngân hàng của nước này và đẩy quốc gia Nam Á vào một thảm họa nhân đạo khiến hơn 24 triệu người không có đủ lương thực mỗi ngày”, bà Vicki Aken, Giám đốc Ủy ban Cứu hộ Quốc tế Afghanistan, nói với Đài NBC News.

Theo WFP, khoảng một nửa dân số Afghanistan cần viện trợ lương thực khẩn cấp. Nhưng vấn đề là tiền lấy ở đâu ra, bà Mary-Ellen McGroarty, Giám đốc WFP tại Afghanistan, cho biết.

Tại một cuộc họp báo trực tuyến hồi tháng 7, bà McGroarty giải thích rằng quyết định tài trợ lương thực cho ai ở Afghanistan được đưa ra dựa trên tình hình dinh dưỡng hiện tại của cá nhân hoặc tình trạng dễ bị tổn thương cụ thể của họ. Giám đốc WFP tại Afghanistan đang nói về một quá trình ra quyết định “cực kỳ khó khăn và thường đau lòng”.

img

Bà Munisa Mubariz dẫn đầu một cuộc biểu tình ở Kabul hồi tháng 5.2022. Bà tuyên bố, Taliban không thể ngăn tiếng nói của bà và những người tham gia biểu tình. Ảnh NYT

Điều đáng buồn hơn là người dân Afghanistan đang phải vật lộn với nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc. Nguyên nhân thì có nhiều, bao gồm cả thiên tai và nhân họa.

Biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán trên khắp các khu vực rộng lớn của đất nước Nam Á trong 3 năm. Ở những nơi khác, biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt hoặc tuyết rơi trái mùa ngay giữa tháng 6 nắng nóng.

Gần đây, miền Đông Afghanistan lại hứng chịu một trận động đất kinh hoàng khiến ít nhất 1.000 người chết, hơn 1.500 người bị thương, trong đó có nhiều người nguy kịch.

Nhưng thách thức lớn nhất đối với Afghanistan lúc này, theo bà Samira Sayed Rahman từ Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC), là sự đình chỉ các khoản thanh toán từ nước ngoài.

img

BTV của kênh Tolo News thể hiện tinh thần đoàn kết với các đồng nghiệp nữ. Ảnh The National News

Trong 20 năm, phương Tây đã ảnh hưởng rất nhiều đến Afghanistan, cả về quân sự, chính trị và hợp tác phát triển, Đài DW cho biết. Cộng đồng quốc tế đã tài trợ 3/4 chi tiêu công của đất nước.

Rất nhiều dự án phát triển đã chứng kiến những con đường, trường học và bệnh viện được xây dựng và có cả các khoản tài trợ cho hoạt động bảo trì các công trình này. Nhưng sau khi Taliban trở lại nắm quyền, dòng tiền viện trợ đã bị cắt đứt “chỉ sau một đêm”.

“Từng có khoảng 400.000 người làm việc trong khu vực công, và khoảng 200.000 người khác làm việc trong lĩnh vực an ninh”, bà Rahman giải thích. “Nhưng nhiều công việc trong số này đã biến mất; tỉ lệ thất nghiệp ở Afghanistan đang ở mức cao hơn bao giờ hết, và lạm phát cũng vậy”.

img

Quang cảnh đổ nát ở tỉnh Paktika, miền Đông Afghanistan, do trận động đất mạnh 6,1 độ Richter ngày 22.6.2022. Ảnh Al Jazeera

Taliban là đối tác của Mỹ trong các cuộc đàm phán hòa bình, sau đó nhanh chóng biến thành các cuộc đàm phán rút quân. Nhưng chính phủ do họ thành lập bị cô lập và không được quốc tế công nhận. Điều này đã khiến dòng tiền viện trợ bị chặn lại.

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt từng có hiệu lực đối với các phần tử khủng bố Hồi giáo hiện cũng đang ảnh hưởng đến bộ máy chính quyền do Taliban lãnh đạo, và do đó là toàn bộ đất nước Nam Á.

Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Kenneth Roth cho biết, viện trợ là không đủ nếu không có một hệ thống ngân hàng hoạt động tốt, không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

Có 2 loại trừng phạt. LHQ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các thành viên riêng lẻ của Taliban - bao gồm cả các thành viên của “chính phủ trên thực tế”.

img

Khoảng 22,8 triệu người - hơn một nửa dân số Afghanistan - đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, và 3 triệu trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Ảnh Hindustan Times

Mục tiêu của các biện pháp trừng phạt này là cô lập Afghanistan về kinh tế, theo ông Conrad Schetter từ Trung tâm Nghiên cứu Xung đột Quốc tế (BICC).

“Tất cả các cơ hội kinh tế đang bị cắt đứt. Bất cứ thứ gì ngoài viện trợ nhân đạo đều bị đình chỉ; tất cả các dự án phát triển trong nước đều bị ngừng lại”, ông Schetter nói, đồng thời cho biết thêm rằng Afghanistan đã bị tách biệt hoàn toàn khỏi các thị trường kinh tế và tài chính.

Một yếu tố góp phần khiến khủng hoảng ở Afghanistan thêm trầm trọng là việc Mỹ đóng băng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Afghanistan.

Đầu năm nay, Nhà Trắng cho biết họ đang cân nhắc giải phóng một nửa trong số 7 tỷ USD dự trữ này để dùng cho viện trợ nhân đạo và hỗ trợ ngân hàng trung ương Afghanistan, và sẽ giữ lại một nửa số tiền để phòng khi các nạn nhân của vụ khủng bố 11/9/2001 đòi bồi thường.

Tuy nhiên, những lựa chọn đó đã bị gác lại sau vụ trùm khủng bố al Qaeda Ayman al-Zawahiri bị tên lửa Mỹ tiêu diệt ở thủ đô Kabul hồi cuối tháng 7.

img

Khói bốc lên từ một ngôi nhà sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở khu vực Sherpur ở thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 31.7.2022. Ảnh Getty Images

“Chúng tôi không coi việc tái cấp vốn cho ngân hàng trung ương Afghanistan là một lựa chọn ngắn hạn”, đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về Afghanistan Tom West cho biết trong một tuyên bố, tờ Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin hôm 15/8.

Ông Shah Mehrabi, một thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng trung ương Afghanistan, nói với tờ Wall Street Journal rằng quyết định giữ tiền của chính quyền có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với những người Afghanistan vốn đang trong cảnh nghèo khó.

“Nhiều phụ nữ và trẻ em nghèo sẽ không thể mua bánh mì và các nhu yếu phẩm khác. Đất nước sẽ tiếp tục phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo, trong khi đó không phải là một giải pháp”, ông Mehrabi, người đồng thời là giáo sư kinh tế tại Cao đẳng Montgomery ở Maryland (Mỹ), nói.

“Những khoản dự trữ đó thuộc về ngân hàng trung ương và phải được sử dụng cho chính sách tiền tệ”, ông Mehrabi khẳng định.

img

Phụ nữ Afghanistan hô khẩu hiệu và cầm biểu ngữ trong cuộc tuần hành vì quyền phụ nữ ở Kabul, ngày 16.1.2022. Ảnh Japan Times

img

Những tiến bộ nhỏ đã đạt được ở Afghanistan trong 2 thập kỷ qua, về dân chủ, quyền tự do cá nhân và quyền của phụ nữ, đã bị đảo ngược. Taliban đã cho thấy rằng họ đã không thay đổi nhiều so với nhóm cầm quyền vào những năm 1990 cho đến khi bị các lực lượng do Mỹ dẫn đầu lật đổ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Chính phủ Taliban đã đưa ra cách giải thích hà khắc về luật Hồi giáo kể từ khi trở lại nắm quyền ở Afghanistan.

Tháng 9/2021, Taliban khôi phục Bộ Tuyên truyền đức hạnh và Phòng chống tệ nạn (được mệnh danh là "cảnh sát đạo đức" của Taliban trong thời kỳ cầm quyền trước đây) và áp đặt những hạn chế nghiêm trọng đối với phụ nữ Afghanistan.

img

Lối vào đại sứ quán Mỹ ở Kabul sau khi nhân viên được sơ tán đến sân bay, ngày 15.8.2021, khi Taliban chuẩn bị trở lại cầm quyền ở Afghanistan. Ảnh NYT

Bộ này đã ban hành một loạt các sắc lệnh hạn chế quyền của phụ nữ Afghanistan, gạt họ sang một bên của đời sống công cộng, thậm chí loại bỏ họ khỏi nhiều ngành nghề, bao gồm cả báo chí.

Taliban nhấn mạnh rằng họ có sự ủng hộ sâu sắc của công chúng đối với những thay đổi này. Bộ Tuyên truyền đức hạnh và Phòng chống tệ nạn viện dẫn rằng các sắc lệnh đã giúp khôi phục địa vị truyền thống của Afghanistan như một quốc gia tuân thủ Hồi giáo nghiêm ngặt.

Ông Mohammad Sadiq Akif, người phát ngôn của Bộ này, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Tất cả những sắc lệnh này là để bảo vệ phụ nữ chứ không phải đàn áp họ”.

Theo quy định mới, phụ nữ không được phép rời khỏi nhà khi không có người thân là nam giới đi cùng và phải che mặt ở nơi công cộng.

img

Một người đàn ông ở tỉnh Herat, miền Tây Afghanistan, đã bán thận để cứu gia đình khỏi nạn đói. Trong ảnh ông đang chỉ cho thấy những vết sẹo do ca phẫu thuật hồi tháng 2.2022. Ảnh AFP đăng trên NBC News

Nhiều phụ nữ đã bị cấm quay trở lại các công việc trong khu vực công và các chủ doanh nghiệp buộc phải cho thôi việc hầu hết nhân viên nữ của họ. Điều này đã đe dọa sinh kế của các gia đình Afghanistan, vì nhiều phụ nữ là trụ cột gia đình duy nhất.

Bất chấp áp lực từ những hạn chế dưới “chiêu bài đạo đức” và “công cụ tôn giáo”, nhiều phụ nữ Afghanistan vẫn đang cố gắng để tiếng nói của họ được lắng nghe.

Một số người biểu tình là nữ giới đã rời khỏi đất nước, nhưng ít nhất 5 nhóm vì nữ quyền vẫn đang hoạt động ở Afghanistan, theo Đài DW (Đức).

Bà Zholia Parsi, một nhà đấu tranh cho quyền phụ nữ Afghanistan, nói với DW rằng bà chọn tiếp tục phản đối để bảo vệ tương lai của con mình.

“Một trong những đứa con gái của tôi lẽ ra đang học đại học, còn đứa khác đáng lẽ đang học lớp 11. Khi nhìn vào trạng thái tâm lý của chúng, tôi không còn cách nào khác ngoài đứng lên phản đối. Cho đến khi chúng tôi lấy lại được quyền của mình, tôi sẽ không thể im lặng”, bà nói.

img

Một số nữ sinh và phụ huynh Afghanistan đang cố gắng tìm cách để giữ cho việc giáo dục không bị đình trệ đối với một thế hệ phụ nữ trẻ. Ảnh NBC News

Zakia, một sinh viên kinh tế, đã phải bỏ dở việc học khi Taliban lên nắm quyền kiểm soát Afghanistan trở lại vào tháng 8/2021. Từ đó, nhà của cô ở thủ đô Kabul đã trở thành nơi phụ nữ Afghanistan cùng nhau đứng lên chống lại chế độ này.

Cô là thành viên của một nhóm đang không ngừng phát triển, với thành viên ban đầu gồm 15 nhà hoạt động, chủ yếu là phụ nữ ở độ tuổi 20 và là những người quen biết nhau. Bây giờ, nhóm của Zakia đã có đến hàng chục thành viên là nữ, hoạt động bí mật và tổ chức các cuộc biểu tình.

Hoda Khamosh, một nhà hoạt động vì nữ quyền, nhà báo và nhà vận động nổi tiếng người Afghanistan, đã tổ chức các hội thảo để giúp trao quyền cho phụ nữ. Cô chịu trách nhiệm xem xét các ứng viên có nguyện vọng gia nhập nhóm thông qua các thử nghiệm.

img

Người dùng Twitter đăng ảnh về trận tuyết rơi giữa mùa hè ở miền Trung Afghanistan, tháng 6.2022.

Một thử nghiệm mà cô Hoda đặt ra là yêu cầu ứng viên chuẩn bị các biểu ngữ hoặc khẩu hiệu trong thời gian ngắn nhất có thể. Từ cách họ thực hiện yêu cầu này, cô có thể đánh giá được mức độ nhiệt tình của các ứng viên.

Ngoài ra cũng có các thử nghiệm khác mang lại kết quả rõ ràng hơn. Hoda kể lại trường hợp một ứng viên tiềm năng bị loại với tình nghi là có hành vi để lộ thông tin mật của nhóm. Ứng viên đó đã được cung cấp thông tin về một cuộc biểu tình của nhóm. Nhưng tất nhiên đây là thông tin giả để thử thách độ đáng tin của ứng viên này.

Cuối cùng, Taliban đã xuất hiện vào đúng thời gian mà cuộc biểu tình này được cho là sẽ diễn ra. Do đó, nhóm đã cắt đứt mọi liên lạc với người phụ nữ này.

img

Người dân Afghanistan nhận bánh mì từ các nhà tài trợ nhân đạo. Ảnh DW

Những nhà hoạt động chủ chốt của nhóm sử dụng một số điện thoại chuyên dụng để thực hiện công tác điều phối vào ngày diễn ra biểu tình. Số điện thoại này sau đó sẽ bị ngắt kết nối để đảm bảo rằng họ không bị theo dõi.

“Chúng tôi thường mang thêm một chiếc khăn hoặc một chiếc váy khác. Khi cuộc biểu tình kết thúc, chúng tôi thay quần áo để không bị nhận ra", cô Hoda cho biết.

Để chống lại Taliban, cô đã thay đổi số điện thoại nhiều lần và chồng cô đã nhận được những lời đe dọa.

“Chúng tôi vẫn có thể bị tổn hại, điều đó thật mệt mỏi. Nhưng tất cả những gì chúng tôi có thể làm là kiên trì”, cô nói.

img

Sonia Niazi, 21 tuổi, một người dẫn chương trình tin tức trên TOLO News, lần đầu tiên che mặt trong một buổi phát sóng trực tiếp, theo quy định mới của Taliban, tháng 5.2022. Ảnh NYT

img

Đối với hầu hết các cô gái tuổi teen ở Afghanistan, đã một năm kể từ lần cuối họ đặt chân vào lớp học.

Sau khi trở lại nắm quyền, Taliban đã từng bước khôi phục lệnh cấm giáo dục trung học cho trẻ em gái. Cụ thể, các nữ sinh từ lớp 6 trở lên (từ 12 tuổi) không được phép đến trường. Đây là lệnh cấm đi học dựa trên giới tính duy nhất trên thế giới. Theo UNICEF, 3,7 triệu trẻ em Afghanistan không được đến trường, 60% trong số đó là nữ.

Tỉ lệ biết chữ ở trẻ em gái ở Afghanistan chỉ là 37%. Khoảng 1/3 các cô gái Afghanistan kết hôn trước 18 tuổi và sau đó bị thúc giục ngừng học.

img

Người tị nạn Afghanistan được sơ tán khỏi Kabul sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan, tháng 8.2021. Ảnh Times of Israel

Độ tuổi hợp pháp tối thiểu để kết hôn ở Afghanistan dưới thời chính phủ trước đây là 16. Taliban không đề cập đến việc liệu độ tuổi tối thiểu đó có thay đổi hay không. Thủ lĩnh tối cao Taliban, Haibatullah Akhundzada, đã ban hành một sắc lệnh cấm ép buộc kết hôn vào tháng 12/2021, nhưng cũng không đề cập đến độ tuổi tối thiểu để kết hôn.

Trên khắp Afghanistan, kết hôn ở trẻ em - đặc biệt là trẻ em gái - là điều phổ biến. Các gia đình sắp xếp hôn nhân để trả nợ cá nhân, giải quyết tranh chấp, cải thiện quan hệ với các gia đình đối thủ, hoặc đơn giản vì họ hy vọng hôn nhân sẽ bảo vệ họ khỏi những cực đoan tồi tệ nhất của khó khăn kinh tế, và biến động xã hội và chính trị.

Trong bối cảnh không có dấu hiệu nào cho thấy Taliban sẽ cho phép các em trở lại trường học, một số nữ sinh và phụ huynh Afghanistan đang cố gắng tìm cách để giữ cho việc giáo dục không bị đình trệ đối với một thế hệ phụ nữ trẻ.

img

Thủ tướng Afghanistan Mohammad Hassan Akhund tham dự một buổi họp mặt tại Dinh Tổng thống ở Kabul, ngày 13.8.2022. Ảnh Getty Images

Tại một ngôi nhà ở Kabul, hàng chục người đã tụ tập trong những ngày này để tham gia các lớp học “không chính thức” do cô Sodaba Nazhand thành lập. Cô và chị gái dạy tiếng Anh, khoa học và toán học cho những cô bé đáng lẽ đang học cấp 2.

“Khi Taliban muốn tước quyền được giáo dục và quyền được làm việc của phụ nữ, tôi muốn chống lại quyết định của họ bằng cách dạy những cô gái này”, cô Nazhand chia sẻ với hãng tin AP.

Hers là một trong số các trường học ngầm hoạt động kể từ khi Taliban tiếp quản đất nước 1 năm trước và cấm nữ sinh tiếp tục học sau lớp 6. Mặc dù Taliban đã cho phép phụ nữ tiếp tục theo học các trường đại học, ngoại lệ này sẽ trở nên không phù hợp khi không còn nhiều nữ sinh tốt nghiệp trung học.

“Không có cách nào để lấp đầy khoảng trống này, và tình hình này rất đáng buồn và đáng lo ngại”, cô Nazhand cho biết.

img

Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em đang tăng vọt trên khắp Afghanistan. Ảnh Anadolu Agency

Tổ chức Save the Children đã phỏng vấn gần 1.700 trẻ em trai và gái trong độ tuổi 9-17 tại 7 tỉnh ở Afghanistan để đánh giá tác động của các hạn chế về giáo dục.

Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 5 và tháng 6 và công bố hôm 10/8, cho thấy hơn 45% trẻ em gái không đến trường, so với 20% trẻ em trai. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 26% trẻ em gái có dấu hiệu trầm cảm, so với 16% trẻ em trai.

Cộng đồng quốc tế đang yêu cầu Taliban mở trường học cho tất cả nữ sinh. Mỹ và EU đã lập kế hoạch trả lương trực tiếp cho giáo viên Afghanistan, giữ cho lĩnh vực này tiếp tục hoạt động mà không cần chuyển tiền qua Taliban.

Nhưng câu hỏi về giáo dục cho các cô gái Afghanistan dường như đã bị rối bởi sự chia rẽ ngay trong chính nội bộ Taliban. Một số người trong phong trào, đặc biệt là những người lớn tuổi đến từ các vùng nông thôn, các bộ lạc, những người tạo nên xương sống của phong trào, kiên quyết phản đối cho nữ sinh trở lại trường học. Trong khi đó, những người khác ủng hộ điều này vì họ muốn cải thiện mối quan hệ với thế giới.

Các quan chức Taliban đã công khai khẳng định rằng họ sẽ cho phép các cô gái tuổi teen trở lại trường học, nhưng nói rằng cần có thời gian để thiết lập hậu cần cho việc phân biệt giới tính nghiêm ngặt nhằm đảm bảo một “khuôn khổ Hồi giáo”.

img

Trước khi Taliban trở lại nắm quyền vào tháng 8.2021, nam giới và nữ giới Afghanistan có thể ngồi uống cà phê tán gẫu với nhau. Ảnh NYT

Những hy vọng đã dấy lên vào tháng 3: Ngay trước khi năm học mới bắt đầu, Bộ Giáo dục của Taliban tuyên bố nữ sinh Afghanistan sẽ được phép trở lại trường. Nhưng vào phút chót, họ lại “quay xe”. Vào ngày 23/3, ngày trường học được mở cửa trở lại như dự kiến, quyết định bất ngờ bị đảo ngược, khiến ngay cả các quan chức trong Bộ này ngạc nhiên.

Shekiba Qaderi, 16 tuổi, nhớ lại ngày hôm đó cô đã đến trường để chuẩn bị bắt đầu năm học mới với lớp 10. Cô và tất cả các bạn cùng lớp đang cười nói và vui mừng, cho đến khi một giáo viên bước vào và bảo họ về nhà. Các cô gái đã bật khóc, Shekiba cho biết. “Đó là khoảnh khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời của chúng tôi”.

Kể từ đó, Shekiba cố gắng tự học ở nhà để việc học của mình không bị lỡ nhịp. Cô đọc sách giáo khoa, tiểu thuyết, sách lịch sử... và học tiếng Anh qua các bộ phim và video trên YouTube.

Bất chấp mức độ nghiêm trọng của tình hình, cuộc khủng hoảng Afghanistan đang nhận được ít sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, vì xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng quanh eo biển Đài Loan (Trung Quốc) đang chiếm “spotlight” trong chương trình nghị sự toàn cầu.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng 5, Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner nói: “Chỉ riêng theo nguyên tắc đạo đức, chúng ta không thể bỏ rơi 40 triệu người Afghanistan”.

img

Câu lạc bộ bóng đá nữ tập luyện trong bí mật Kabul hồi tháng 2.2022. Khi nhóm này bị phát hiện, họ đã bị giải tán vì Taliban cấm nữ giới chơi thể thao. Ảnh NYT

NGUOIDUATIN.VN |