Mỗi sáng, hàng trăm người được nhìn thấy xếp hàng chờ nhận những suất ăn miễn phí tại Pane Quotidiano, một tổ chức từ thiện có trụ sở chính nằm ở một góc khuôn viên của Đại học Bocconi ở Milan, Italy, một trong những tổ chức học thuật uy tín nhất ở châu Âu.

Khi cánh cổng mở ra, hàng chục tình nguyện viên phân phát các loại thực phẩm thiết yếu như bánh mì, sữa, phô mai, trái cây... cho từng người trong hàng dài chờ đợi, bao gồm người dân địa phương, người nhập cư, người hưu trí và người vô gia cư. Họ ở đây vì họ đang phải đối mặt với tình trạng sinh hoạt phí không bền vững.

Người dân xếp hàng chờ nhận thức ăn miễn phí tại trụ sở tổ chức ‘Pane Quotidiano’ (nghĩa là Bánh mì hàng ngày) ở Milan, Italy. Ảnh Getty Images

Bà Maria Benina Caballero đã rời Philippines đến Italy 21 năm trước để làm nhân viên quét dọn. Hiện với khoản trợ cấp hơn 500 Euro mỗi tháng nhận được, bà không thể trang trải hết mọi chi phí cho cuộc sống hàng ngày.

“Hầu như ngày nào tôi cũng đến đây. Ở Milan, mọi thứ đều đắt đỏ hơn nhiều so với trước kia, và suất ăn miễn phí này đang giúp tôi rất nhiều”, bà Caballero chia sẻ, đồng thời bày tỏ lo lắng về hóa đơn điện ngày càng tăng của gia đình mình. “Điều này nghĩa là tôi sẽ sử dụng nến thay cho đèn điện”.

Trong năm qua, từ được nghe thấy nhiều nhất ở khắp nơi trên thế giới có lẽ là “khủng hoảng sinh hoạt phí”. Trên toàn cầu, hàng hóa và dịch vụ hàng ngày đang trở nên đắt đỏ hơn.

Chi phí gia tăng đang khiến hàng triệu người cảm thấy khó sống hơn khi họ phải vật lộn để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu về thực phẩm, dược phẩm, tạp phẩm, nhiên liệu và tiền thuê nhà.

Người dân mua trái cây và rau quả ở Vienna, Áo. Ảnh NY Times

Nguyên nhân rất phức tạp, bao gồm sự gián đoạn liên quan đến đại dịch Covid-19 tại các trung tâm sản xuất lớn như Trung Quốc, thay đổi nhân khẩu học, biến đổi khí hậu, đầu tư kinh doanh suy yếu do hậu quả của các rạn nứt địa chính trị, xung đột Nga-Ukraine, và những can thiệp tài chính như việc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất nhằm kiềm chế đà tăng của lạm phát.

Được thúc đẩy bởi các gói kích thích kinh tế quy mô lớn của các chính phủ và chi phí đi vay thấp kỷ lục, nền kinh tế thế giới đã vượt lên khỏi cuộc suy thoái do đại dịch, phục hồi mạnh mẽ đến mức làm quá tải các nhà máy, các cảng vận tải hàng hóa, gây ra tình trạng thiếu hụt và giá cả cao hơn.

Xung đột Nga-Ukraine – bùng phát từ hồi cuối tháng 2/2022 – như “cú đấm bồi” cho nền kinh tế thế giới, khiến gián đoạn thương mại năng lượng và thực phẩm thêm trầm trọng, từ đó thúc đẩy lạm phát leo thang.

Cảnh đổ nát ở Borodianka, Ukraine. Xung đột Nga-Ukraine làm đảo ngược đáng kể lợi ích kinh tế mà các quốc gia đạt được sau khi kết thúc các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch. Ảnh FP

Các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu năng lượng từ Nga - chẳng hạn như Đức và Italy - đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi nguồn cung khí đốt tự nhiên bị hạn chế.

Sau nhiều thập kỷ hưởng lợi từ việc giá cả thấp và lãi suất siêu thấp, hậu quả của lạm phát và lãi suất cao kinh niên đối với nền kinh tế là không thể lường trước được.

Số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy 18% sản lượng kinh tế ở 38 quốc gia thành viên – bao gồm các nước G7, châu Âu, châu Mỹ và Thái Bình Dương – được chi cho năng lượng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.

Lạm phát – phần lớn được thúc đẩy bởi giá năng lượng cao trong năm qua – “đã trở nên phổ biến và dai dẳng”, trong khi “thu nhập thực tế của các hộ gia đình ở nhiều quốc gia đã suy yếu bất chấp các biện pháp hỗ trợ mà nhiều chính phủ đã triển khai”, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho biết.

Lạm phát là một yếu tố cần tính đến trong các dự báo cho năm mới. Ảnh PA.PNG

“Việc điều hướng nền kinh tế từ tình hình hiện tại sang phục hồi bền vững sẽ là một thách thức”, ông nói.

OECD cho rằng hậu quả từ xung đột Nga-Ukraine đã làm đảo ngược đáng kể lợi ích kinh tế mà các quốc gia bắt đầu đạt được sau khi kết thúc các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch, khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 5,9% năm 2021.

Nhưng thế giới sẽ không rơi vào suy thoái hoàn toàn, OECD nhận định. Mặc dù vậy, tổ chức có trụ ở tại Paris (Pháp) cảnh báo rằng vòng xoáy của các vấn đề – chi phí năng lượng và lương thực cao, lãi suất tăng và nợ công ngày càng phình to ra để giảm nhẹ đòn giáng cho người dân – đã tạo ra triển vọng mong manh cho nền kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm tới.

Theo đó, OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống mức 2,2% vào năm 2023 từ mức 3,1% trong năm 2022, trước khi phục hồi một cách khiêm tốn vào năm 2024.

Ảnh chụp ngày 8.7.2022 cho thấy một trạm xăng đã ngừng bán nhiên liệu ở Ogulinec, Croatia, do giá dầu tăng mạnh trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine. Ảnh Arab News

Giống như OECD, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng nền kinh tế thế giới đang hướng tới “vùng biển bão tố”. Tổ chức cho vay lớn nhất thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống mức 2,7% cho năm 2023 và dự đoán năm nay sẽ giống như một cuộc suy thoái đối với hàng triệu người trên thế giới nếu các nhà hoạch định chính sách xử lý sai cuộc chiến chống lạm phát.

IMF định nghĩa suy thoái trên thực tế là sự sụt giảm trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia, tức là sự sụt giảm giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại một quốc gia trong 2 quý liên tiếp.

Chỉ ra một thời điểm cụ thể khi suy thoái xảy ra là gần như không thể và vô ích. Tuy nhiên, suy thoái có thể được nhìn thấy qua các chỉ số như GDP và chi tiêu công sụt giảm, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, doanh số bán hàng và sản lượng của một quốc gia giảm.

Nói về suy thoái luôn là một câu chuyện đáng lo ngại, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy thế giới có khả năng sẽ tránh được một cuộc suy thoái sâu. Trong khi câu hỏi quan trọng vào năm 2022 là lạm phát, thì câu hỏi quan trọng cho năm 2023 sẽ là tăng trưởng.

Trung tâm tài chính quốc tế Dubai (DIFC) là một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu của khu vực Trung Đông. Ảnh Shutterstock

Các cuộc khảo sát khác nhau về các xu hướng kinh tế cho thấy một số nền kinh tế lớn trên toàn cầu đang tự điều tiết, dù là với tốc độ chậm hơn mong đợi. Một số bộ phận của nền kinh tế đã cho thấy khả năng phục hồi trước áp lực lạm phát.

Sức mạnh mà các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế đang thể hiện đã mở ra khả năng năm 2023 có thể không tồi tệ như lo ngại và ngay cả khi suy thoái xảy ra, nó cũng có thể không nghiêm trọng như dự đoán.

Đặc biệt, ở Mỹ, thị trường lao động vẫn rất mạnh mẽ bất chấp lạm phát đã trở nên cố hữu, lãi suất cao và xu hướng sa thải hàng loạt ở nhiều công ty.

Quan trọng nhất, chi tiêu của người tiêu dùng ở nền kinh tế số 1 thế giới vẫn cao hơn dự kiến, đây là điều đang khuyến khích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tích cực trong chiến dịch chống lạm phát.

Do đó, các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự báo kinh tế Mỹ có thể may mắn “thoát hiểm” trong gang tấc, vượt qua suy thoái năm 2023, nhưng sẽ không có cú “hạ cánh mềm” với tăng trưởng việc làm chậm lại và tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng.

Kinh tế Mỹ có khả năng thoát suy thoái vào năm 2023, nhưng sẽ không có cú _hạ cánh mềm_ khi tăng trưởng việc làm chậm lại và tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng. Ảnh Getty Images

Ngoài ra, lạm phát là một yếu tố cần tính đến trong các dự báo cho năm mới. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng lãi suất trong năm ngoái để kiềm chế lạm phát. Tại Mỹ, Morgan Stanley dự đoán Fed sẽ giữ lãi suất cao vào năm 2023 vì lạm phát vẫn mạnh sau khi đạt đỉnh vào quý IV/2022.

Tác động tích lũy của việc siết chặt chính sách vào năm 2023 sẽ lan sang năm 2024, dẫn đến 2 năm đều tăng trưởng yếu.

Ở những nơi khác trên thế giới, triển vọng vẫn còn ảm đạm, nhưng có thể có một vài tín hiệu tích cực bù đắp phần nào những cơn gió ngược.

Chẳng hạn, ở Trung Quốc, niềm tin vào triển vọng của nền kinh tế số 2 thế giới đã được cải thiện kể từ khi Bắc Kinh ra tín hiệu về việc nới lỏng quy tắc zero-Covid và một gói biện pháp sâu rộng để hỗ trợ tài chính cho ngành bất động sản nước này.

Mặc dù các động thái trên không có khả năng thúc đẩy tăng trưởng ngay lập tức, nhưng chúng có thể giúp giảm lực cản đối với tiêu dùng và ngăn chặn sự đổ vỡ của thị trường bất động sản.

Một công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất kết cấu thép tại một nhà máy ở Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh China Daily

Theo Goldman Sachs, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể được ghi nhận trong nửa cuối năm 2023 và đà tăng sẽ được duy trì sang năm 2024.

Ở châu Âu, sự gián đoạn trong nguồn cung năng lượng của Nga đã không ảnh hưởng đến “lục địa già” nhiều như các nhà phân tích dự đoán.

Một mùa đông không quá khắc nghiệt, việc chia sẻ khí đốt giữa các quốc gia và sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ dành cho các doanh nghiệp và hộ gia đình cho phép nền kinh tế khu vực vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng chỉ với một đợt suy thoái nhẹ.

Nhưng khi các yếu tố bao gồm xung đột ở Ukraine, lạm phát kỷ lục và tác động liên tục của đại dịch Covid-19 đè nặng lên triển vọng, IMF dự báo kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gồm 20 quốc gia thành viên sẽ tăng trưởng ở mức thấp 0,5% vào năm 2023 trước khi phục hồi một cách khiêm tốn vào năm 2024.

Một góc Phố Wall, nơi có trụ sở ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, Mỹ. Ảnh WSJ

Các nền kinh tế đầu tàu châu Âu như Đức và Italy sẽ có mức tăng trưởng âm (-0,3% cho Đức và -0,2% cho Italy), trong khi Pháp và Tây Ban Nha có khá khẩm hơn chút với mức tăng trưởng 0,7% và 1,2% tương ứng.

Nước Anh đang trải qua cuộc suy thoái sâu sắc nhất, do cả thiệt hại lâu dài từ Brexit và thiệt hại tự gây ra bởi kế hoạch cắt giảm thuế khổng lồ mà cựu Thủ tướng Anh Liz Truss khởi xướng.

Để xây dựng lại niềm tin của thị trường, Thủ tướng đương nhiệm Rishi Sunak và Nội các của mình đã công bố các đợt tăng thuế sâu rộng và cắt giảm chi tiêu nhằm bù đắp lỗ hổng trị giá hàng tỷ bảng Anh trong nền tài chính công của “xứ sở sương mù”.

Như vậy, Anh trở thành nước đầu tiên trong G7 phải mạnh tay thực hiện “thắt lưng buộc bụng” về chi tiêu công sau nhiều năm tăng cường kích thích tài chính thời đại dịch và trợ cấp năng lượng.

Cuộc khủng hoảng sinh sinh hoạt phí sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Anh, với việc nền kinh tế sẽ giảm 0,4% trong năm 2023 trước khi phục hồi chậm chạp vào năm 2024.

Mặc dù không có nhiều bất ngờ lớn trong triển vọng năm 2023, nhưng Morgan Stanley đánh giá rằng năm nay sẽ có rất nhiều sắc thái. Như mọi khi, mỗi khu vực trên thế giới đều có câu chuyện riêng.

Một biển tuyển dụng dán trên cửa sổ của một cửa hàng bán lẻ ở thủ đô Washington, D.C., Mỹ. Ảnh CNN

Trái ngược với dự báo cho các nền kinh tế phương Tây, các nền kinh tế khu vực châu Á và Trung Đông có thể mang lại những “mầm xanh” cho tăng trưởng.

Trong bối cảnh hậu đại dịch và môi trường địa chính trị đầy biến động, một số quốc gia vẫn sẽ trở nên thịnh vượng hơn. Ví dụ, các nền kinh tế của vùng Vịnh đang bùng nổ, không chỉ nhờ giá năng lượng cao mà còn nhờ vai trò ngày càng tăng của họ với tư cách là các trung tâm tài chính.

Ấn Độ, quốc gia sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm 2023, sẽ là một điểm sáng khác, nhờ giá dầu Nga giảm, đầu tư trong nước ngày càng tăng và sự quan tâm ngày càng lớn từ các đối tác nước ngoài muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc.

Nhìn chung, lần này các nền kinh tế mới nổi sẽ tương đối “dễ thở” hơn so với các đợt nâng lãi suất và suy thoái toàn cầu trước đây.

Nhận định về nền kinh tế nói chung, tỷ phú Jeff Bezos, ông chủ đế chế thương mại khổng lồ Amazon, người nổi tiếng với nhiều triết lý kinh doanh sâu sắc, cho biết: “Mọi thứ đang chậm lại, chúng ta đang chứng kiến tình trạng sa thải nhân công trong rất nhiều lĩnh vực. Có khả năng là nếu chúng ta không rơi vào suy thoái ngay, thì điều đó cũng sớm đến. Điều cần làm là hãy loại bỏ càng nhiều rủi ro càng tốt, hy vọng vào điều tốt nhất, nhưng cũng phải chuẩn bị cho điều tệ nhất”.

Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm 2023. Ảnh Al Jazeera

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 3, 24/01/2023 | 15:00