Một năm trước, cả châu Âu thức giấc với một cuộc xung đột ở sườn Đông lục địa. Sau thời gian căng thẳng, cuối cùng cao trào cũng đến.

Sáng sớm ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, bắt đầu một trong những cuộc giao tranh khốc liệt nhất trên lục địa châu Âu kể từ Thế chiến II, và cũng là cuộc đối đầu lớn nhất giữa Moscow và phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Lính Ukraine nhìn về phía các vị trí của Nga trên đỉnh súng phòng không, ở gần Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 14/2/2023. Ảnh: Getty Images

Một năm sau, cuộc xung đột vẫn diễn biến khó lường, làm thay đổi sâu sắc bức tranh địa chính trị, và gây ra nhiều xáo trộn trong trật tự thế giới và nền kinh tế toàn cầu. Từ đây, mọi thứ không bao giờ có thể trở lại như xưa.

Về mặt quân sự, diễn biến và cường độ của cuộc xung đột ngày càng trở nên mãnh liệt. Trong 6 tháng đầu tiên của cuộc chiến, quân đội Nga nắm thế chủ động, và các câu hỏi chính là Moscow sẽ đạt được thành công khi nào, ở đâu và kiểu gì trong các cuộc tấn công vào tiền tuyến dài 2.500 km.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một nhà máy sản xuất hệ thống phòng không ở Saint Petersburg, ngày 18/1/2023. Ảnh: Shutterstock

Nhưng trong 5 tháng tiếp theo, đến lượt người Ukraine dẫn dắt câu chuyện, và các nhà phân tích đã cố gắng dự đoán địa điểm và khả năng phản công trong tương lai. Thật khó để dự đoán những gì có thể xảy ra tiếp theo và bên nào sẽ đạt được nhiều bước tiến hơn trên thực địa.

Bản đồ cho thấy hiện diện quân sự của Nga ở Ukraine, tính đến 12/2/2023. Đồ họa: DW

Một năm sau, một giai đoạn quan trọng trong cuộc xung đột bắt đầu khi cả 2 bên đều đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới, chờ đợi tiếp viện bổ sung về khí tài và nhân lực.

Điện Kremlin đang cố gắng bảo vệ các khu vực ly khai Ukraine mà họ đã sáp nhập vào Liên bang Nga hồi tháng 9 năm ngoái – các vùng Kherson, Donetsk, Lugansk và Zaporizhzhia, tương đương gần 20% lãnh thổ Ukraine.

Một hệ thống tên lửa phóng loạt Grad của Ukraine khai hỏa về phía các vị trí của Nga ở gần Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 5/12/2022. Ảnh: AP/Defense News

Nga tin rằng thời gian là đồng minh tốt nhất của họ, và nếu họ có thể giữ vững những gì đã giành được trên chiến trường, thì họ sẽ có điều kiện để chấm dứt giao tranh và giành một chiến thắng tương đối.

Trong khi đó, Ukraine coi thời gian là kẻ thù của mình. Họ đang chạy đua với thời gian, trước khi các đồng minh phương Tây giảm bớt sự ủng hộ dành cho Kiev vì các lý do kinh tế và/hoặc chiến lược, hoặc thậm chí buộc Ukraine phải thực hiện một thỏa thuận hòa bình với Nga, trong đó số phận lãnh thổ của họ sẽ được quyết định.

Binh sĩ Ukraine bắn đạn từ một khẩu lựu pháo về phía các mục tiêu của Nga ở vùng Zaporizhzhia, ngày 16/12/2022. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần loại trừ phương án đổi bất kỳ phần lãnh thổ Ukraine nào lấy hòa bình với Nga. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông quốc tế, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết nhượng bộ đất đai có nghĩa là Nga có thể “tiếp tục quay trở lại”.

Ông Zelensky cũng cho biết, cuộc tấn công mùa xuân đã bắt đầu, nhưng ông tin rằng các lực lượng của mình có thể tiếp tục chống lại bước tiến của quân Nga cho đến khi quân Ukraine có thể tiến hành một cuộc phản công hiệu quả.

Tuyết phủ trên các phương tiện và xe tăng Nga bị phá hủy ở quảng trường Mykhailivska, thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 19/11/2022. Ảnh: Getty Images

Các nhà phân tích phương Tây đánh giá thận trọng về sự phát triển của tình hình ở Ukraine. Cho đến nay, người Ukraine đã giành được những chiến thắng dễ dàng và mang tính biểu tượng trước quân đội Nga. Nhưng khi quân đội của Moscow có kế hoạch tiếp tục giao tranh trên các mặt trận ngắn hơn với lực lượng lớn hơn, Ukraine chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giành lại từng tấc lãnh thổ.

Có khả năng Nga đang tìm cách phá vỡ một phần hiện trạng trên các mặt trận, trước khi xe tăng phương Tây – và có thể là cả máy bay chiến đấu – kịp tới tiền tuyến ở Ukraine.

Mặc dù vùng công nghiệp Donbass, bao gồm khu vực Donetsk và Lugansk, vẫn là điểm nóng chính của giao tranh, nhưng các quan chức quân sự phương Tây cảnh báo: Cuộc tấn công của Nga sẽ diễn ra trên nhiều mặt trận, mục tiêu là duy trì áp lực lên các lực lượng Ukraine.

Binh sĩ Nga chuẩn bị khai hỏa hệ thống tên lửa phóng loạt Uragan tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine. Video đăng trên kênh Telegram của Đài RT, ngày 27/10/2022

Các nhà phân tích cho rằng ông Putin muốn hàng chục nghìn binh lính mới được huy động đổ bộ xuống từ phía Bắc, hợp sức với các lực lượng Nga đang tấn công từ phía Nam và chiếm giữ toàn bộ khu vực Donbass ở miền Đông.

“Đó là nhiệm vụ mà ông Putin đã giao cho Tướng Gerasimov - Tổng tư lệnh các lực lượng Nga ở Ukraine”, ông Serhii Kuzan, chủ tịch nhóm chuyên gia cố vấn của Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine có trụ sở tại Kiev, cho biết. “Còn nhiệm vụ của chúng tôi là giữ vững các tuyến phòng thủ và làm cạn kiệt tiềm năng tấn công của kẻ địch”.

Các binh sĩ chuẩn bị phóng tên lửa BM-21 Grad về phía các vị trí của Nga ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine, ngày 3/10/2022. Ảnh: NPR

Quả thực, xung đột Nga-Ukraine đã không còn là cuộc giao tranh chớp nhoáng, mà đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao.

Tuy không bên nào tiết lộ con số thương vong chính thức, nhưng theo đánh giá mới nhất của Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, các lực lượng Nga đã gánh chịu “hơn 100.000” thương vong sau 11 tháng tham gia chiến dịch ở Ukraine.

“Con số thương vong trong xung đột quân sự luôn đáng ngờ”, ông Milley nói với các phóng viên ở Đức hôm 20/1. “Nhưng tôi muốn nói với các vị rằng thương vong của Nga, lần cuối cùng tôi báo cáo công khai vào tháng 11 năm ngoái, tôi đã nói rằng con số đó là hơn 100.000. Giờ tôi có thể nói rằng con số này đã hơn 100.000 một cách đáng kể”.

Tướng Milley không ước tính thương vong của phía Ukraine, nhưng vào tháng 11/2022, ông cho rằng Ukraine đã gánh chịu tổn thất về lực lượng tương đương với Nga.

Một người đàn ông xây bức tường từ đống đổ nát của ngôi nhà đã bị phá hủy trong giao tranh ở làng Yatskivka, thuộc Kramatorsk, vùng Donetsk, ngày 14/10/2022. Ảnh: Anadolu Agency

Về khí tài, trang web Oryx đã theo dõi những tổn thất về trang thiết bị của cả Nga và Ukraine kể từ đầu xung đột. Cụ thể, về phía Nga, tổng cộng hơn 9.200 thiết bị đã bị phá hủy, hư hỏng, bị bỏ lại hoặc bị đối phương thu giữ, bao gồm hơn 1.700 xe tăng, gần 800 xe chiến đấu bọc thép, và hơn 2.000 xe chiến đấu bộ binh.

Về phía Ukraine, theo thống kê của Oryx, tổng cộng gần 3.000 thiết bị đã bị phá hủy, hư hỏng, bị bỏ lại hoặc bị đối phương thu giữ, bao gồm gần 500 xe tăng, gần 300 xe chiến đấu bọc thép, và 490 xe chiến đấu bộ binh.

Oryx tuyên bố, họ chỉ thống kê những trang thiết bị mà họ có bằng chứng hình ảnh hoặc video về số phận của chúng. Do đó, số lượng thiết bị quân sự bị phá hủy trên thực tế có thể cao hơn đáng kể so với ghi nhận của họ.

Binh sĩ Ukraine băng qua một con sông bên ngoài thành phố Severodonetsk, tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine, ngày 19/6/2022. Ảnh: NY Times

Bên cạnh những thiệt hại về nhân lực và vật lực trong quân đội hai bên, cuộc xung đột cũng đã gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn về cơ sở hạ tầng cho Ukraine. Ước tính chi phí tái thiết Ukraine sẽ dao động từ 349 tỷ USD đến 750 tỷ USD.

Thiệt hại đối với Ukraine sẽ được khắc phục với sự hỗ trợ quốc tế. Việc phá hủy một cơ sở hạ tầng lỗi thời của Liên Xô có thể trở thành một “may mắn trá hình”, mang đến cho Ukraine cơ hội xây dựng một nền kinh tế hiện đại, cạnh tranh và thân thiện với môi trường.

Một khi xung đột kết thúc, Ukraine có thể trải nghiệm một phép màu kinh tế. Phá hủy thời chiến có thể phát triển thành hiện đại hóa thời bình.

Một quả bom FAB-250 chưa nổ được nhìn thấy gần một tòa nhà bị phá hủy ở thành phố Mariupol, ngày 2/6/2022. Ảnh: AFP/Getty Images

Để phản ứng với chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, các đồng minh của Kiev do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt “chưa từng có tiền lệ” lên nền kinh tế Nga.

Nga hiện là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, với hơn 5.500 biện pháp nhằm vào nước này, theo Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA).

Một nhà máy của Tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom ở vùng Orenburg, Nga, ngày 6/9/2022. Ảnh: NY Times

Mặc dù mục tiêu gây tổn hại cho nền kinh tế Nga đã đạt được một số thành công ban đầu, nhưng vẫn chưa rõ là bao nhiêu. Song song với đó, Điện Kremlin đã chứng tỏ họ thành công trong việc làm chệch hướng tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế đã gây tổn hại – nhưng không làm tê liệt – nền kinh tế Nga. GDP của Nga năm 2022 giảm khoảng 2,2%, nhưng có thể tăng 0,3% vào năm 2023, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nghĩa là vượt trội so với Anh và Đức.

Nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục chứng tỏ khả năng chống chịu phi thường của mình trước “cơn mưa” trừng phạt. Nhưng các biện pháp này cũng đang gây ảnh hưởng đến hệ thống thương mại tự do toàn cầu vốn đã được xác lập mặc định kể từ thời Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Màn hình tại hội trường Đại hội đồng LHQ hiển thị kết quả bỏ phiếu về nghị quyết lên án việc Moscow sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine vào Liên bang Nga, ngày 12/10/2022. Ảnh: Jerusalem Post

Về lĩnh vực năng lượng, nơi Nga là một đối thủ nặng ký, các biện pháp trừng phạt như việc G7 và EU giới hạn giá mỗi thùng dầu xuất khẩu của Moscow đã “chấm dứt thị trường toàn cầu” đối với nhiên liệu hóa thạch, giám đốc điều hành Total Energies Patrick Pouyanne nói với AFP.

“Ý tưởng về giá dầu toàn cầu có nghĩa lý gì khi chúng ta quyết định áp đặt trần, mà 2 khách mua chính là Trung Quốc và Ấn Độ – những bên không áp dụng lệnh trừng phạt – có thể mua dầu từ Nga với một mức giá khác?”, ông Pouyanne đặt câu hỏi. “Đây là một cái gì đó thực sự mới mẻ và chúng ta sẽ trải nghiệm nó trong năm 2023”.

Các tàu thương mại là một phần của thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen chờ đi qua eo biển Bosporus ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 31/10/2022. Ảnh: NY Times

Các cường quốc lớn đang phá bỏ các nguyên tắc thương mại tự do khác nhau, chẳng hạn như việc Mỹ hạn chế bán một số loại chip máy tính cho Trung Quốc, hay việc Ấn Độ đình chỉ xuất khẩu lúa mì.

Chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại, ít nhất là trong các lĩnh vực chiến lược quan trọng. Bảo vệ lợi thế cạnh tranh trong các công nghệ tiên tiến sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu của các chính phủ. Đảm bảo sự sẵn có của các đầu vào quan trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ đóng một vai trò lớn hơn nhiều.

Tất cả những tác động chủ quan này đã xảy ra sau khi đại dịch Covid-19 giáng một đòn mạnh vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một tàu chở hàng chở đầy ngũ cốc đến Ethiopia chuẩn bị lên đường vào tháng 8/2022 từ Cảng Pivdennyi ở Ukraine. Ảnh: NY Times

“Xu hướng thế giới bị phân mảnh đã có từ trước cuộc giao tranh, nhưng cú sốc kép từ đại dịch và xung đột Nga-Ukraine đã đẩy nhanh quá trình này”, bà Agathe Demarais, nhà kinh tế học kiêm chuyên gia về lệnh trừng phạt, cho biết.

Cuộc xung đột cũng đã làm gia tăng thế đối đầu, thúc đẩy xu hướng toàn cầu hiện có, trong đó các quốc gia hình thành các khối lấy Washington và Bắc Kinh làm trung tâm.

“Chúng ta đã chuyển sang một thế giới đa cực hỗn loạn, nơi mọi thứ đều là vũ khí: năng lượng, dữ liệu, cơ sở hạ tầng, di cư”, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết hồi tháng 12/2022. “Địa chính trị là điểm mấu chốt, mọi thứ đều liên quan tới địa chính trị”.

Tất cả các khu vực, bao gồm Trung Á, Kavkaz, Balkan, Châu Phi và Châu Á-Thái Bình Dương, đều là nơi diễn ra cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc, có thể thông qua tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, hay các thỏa thuận về hợp tác thương mại, quân sự, và ngoại giao.

Xung đột ở Ukraine càng làm rung chuyển mọi thứ, làm suy yếu ảnh hưởng của Nga đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á, và mở ra một vai trò trung gian hòa giải mới cho các cường quốc tầm trung như Thổ Nhĩ Kỳ.

Tàu chiến Nga đi qua eo biển Bosporus, Thổ Nhĩ Kỳ, để ra Địa Trung Hải. Ảnh: gCaptain

Đối với châu Âu, cuộc xung đột một mặt đã phơi bày sự phụ thuộc của “lục địa già” vào năng lượng Nga, mặt khác mang đến cơ hội để EU thể hiện vai trò là một bên có tiếng nói quan trọng.

“Châu Âu đã thể hiện không quá tệ. Họ đã cho thấy khả năng phục hồi, khả năng phản ứng rất nhanh ngay từ khi xung đột bắt đầu nổ ra, với hỗ trợ quân sự và viện trợ cho người tị nạn Ukraine, giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga”, một quan chức cấp cao của EU cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận về cuộc tấn công tên lửa vào Ba Lan với lãnh đạo các nước G7 và NATO có mặt ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 16/11/2022. Ảnh: iNews

EU “đã đáp ứng các nhu cầu trước mắt. Nhưng họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai và vị trí của mình trên bàn cờ toàn cầu chưa? Vẫn còn nhiều việc phải làm”, vị quan chức bổ sung.

“Rõ ràng thế giới hiện có 2 khối, một bên là Mỹ, một bên là Trung Quốc cùng với các đồng minh của họ và Nga, nhà kinh tế học Demarais cho biết, đồng thời đặt câu hỏi: “Liệu châu Âu có trở thành khối thứ 3 hay không, hay sẽ liên kết với Mỹ?”

Tổng thống Volodymyr Zelensky (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại thủ đô Kiev, ngày 2/2/2023, trước thềm Thượng đỉnh EU-Ukraine. Ảnh: Getty Images

Mặc dù hiện tại các lãnh đạo EU thống nhất với Washington trong việc trừng phạt Nga và ủng hộ Ukraine, và muốn “củng cố mối quan hệ với Mỹ, nhưng cũng nhận thức rằng họ hoàn toàn có thể bị bỏ rơi” nếu một ứng cử viên theo chủ nghĩa biệt lập chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, ông Pierre Razoux, người đứng đầu tổ chức tư vấn FMES có trụ sở tại Pháp, cho biết.

Dù nhiều quốc gia thành viên EU vẫn dựa vào chiếc ô an ninh của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khối này vẫn đang tìm cách giảm phụ thuộc vào bên ngoài về nhiều lĩnh vực, bao gồm không chỉ nhiên liệu hóa thạch của Nga, mà còn các nguồn nguyên liệu thô quan trọng, chất bán dẫn và sản phẩm thực phẩm.

Theo ông Bruno Tertrais thuộc Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược (FRS) có trụ sở tại Pháp, người châu Âu đang mắc chứng “trì hoãn chiến lược”, từ chối hành động cho đến khi không còn lựa chọn nào khác.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khai mạc Hội nghị An ninh Munich, ngày 17/2/2023, với một bài phát biểu trực tuyến yêu cầu chuyển giao vũ khí nhanh hơn. Ảnh: NY Times

Tuy nhiên, EU sẽ tìm cách đảm bảo vai trò của mình không bị phớt lờ trong bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

“Tôi không muốn chỉ có người Trung Quốc hoặc người Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán về những gì xảy ra tiếp theo”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với báo Le Monde hồi tháng 12 năm ngoái.

Còn tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59, khai mạc hôm 17/2, chỉ vài ngày trước thềm dấu mốc một năm xung đột Nga-Ukraine, ông Macron nhận định thời điểm cho hòa bình chưa đến và Nga không được thắng trong cuộc chiến, nhưng ông cảnh báo rằng sẽ không có hòa bình lâu dài nếu không có một giải pháp thương lượng với Tổng thống Nga Putin - điều mà Kiev đã loại trừ.

“Nga sẽ vẫn là một phần của lục địa châu Âu… chúng ta phải thể hiện quyết tâm nhưng cũng phải theo đuổi đối thoại bất cứ khi nào có thể”, ông Macron nói.

(Từ trái sang) Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59, ngày 17/2/2023. Ảnh: Getty Images

Phát biểu trước ông Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: “Tôi cho rằng chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài là điều khôn ngoan, và cũng thật khôn ngoan khi gửi cho ông Putin thông điệp rằng chúng ta luôn sẵn sàng đồng hành cùng Ukraine”.

Đồng thời, ông Scholz cho biết Đức sẽ “tiếp tục làm nhiều hơn những gì chúng tôi đã làm”, nhưng bác bỏ lời kêu gọi từ Ukraine về gửi máy bay chiến đấu tới tiền tuyến. Ông nhắc lại quan điểm trước đây của mình rằng một trong những mục tiêu chính của ông là tránh để NATO bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Made with Flourish

Biểu đồ cho thấy viện trợ (tài chính và quân sự) của các nước thành viên NATO cho Ukraine, từ 24/1/2022 đến 20/11/2022 (tính theo tỷ Euro). Nguồn: Dự án Ukraine Support Tracker của Viện Kiel về Kinh tế Thế giới (IfW)

Ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, các đồng minh phương Tây đã từ chối lời cầu xin viện trợ vũ khí tấn công, và tuân theo một định nghĩa hạn hẹp về thiết bị phòng thủ. Tại Berlin, ban đầu các nhà lãnh đạo tránh xa những khoản viện trợ không phù hợp với định nghĩa “phòng thủ” của người Đức.

Nhưng cùng với chiều dài xung đột, điều đó đã thay đổi. Tác dụng không thể phủ nhận của viện trợ từ phương Tây – từ việc chia sẻ thông tin tình báo đến việc chuyển giao các khí tài hiện đại – là nó “đã cho phép Ukraine chống lại Nga theo những cách ít ai ngờ tới”, ông Andre Frank, một nhà kinh tế tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW), nhận xét.

Giờ đây, một bộ sưu tập các loại xe tăng phương Tây từ Đức, Mỹ và Anh được hứa hẹn sẽ ra tiền tuyến vào mùa xuân này. Các khí tài mới đem đến hy vọng mới cho các lực lượng Ukraine trên chiến trường – nếu chúng đến đích đủ kịp thời.

Điện Kremlin cho biết, họ coi việc phương Tây cung cấp xe tăng cho Kiev là bằng chứng cho thấy “sự tham gia trực tiếp” ngày càng tăng của Mỹ và EU vào cuộc xung đột, với việc thường xuyên nâng giới hạn đối với các loại vũ khí mà họ gửi tới Ukraine.

Moscow thường xuyên cảnh báo rằng viện trợ quân sự của phương Tây sẽ chỉ càng kéo dài cuộc xung đột và gây thêm đau khổ cho người Ukraine, và các chuyến hàng chở vũ khí sẽ là mục tiêu hợp pháp cho quân đội Nga.

Trong trường hợp phương Tây chuyển giao máy bay chiến đấu cho Kiev, Nga cũng cảnh báo rằng động thái này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị.

Quân đội Nga khai hỏa từ một chiếc xe tăng ở gần nhà máy thép Azovstal, Mariupol, tháng 7/2022. Ảnh: The Guardian

Khi dự đoán về xung đột Nga-Ukraine, các nhà phân tích phương Tây đều đồng ý rằng nó sẽ kéo dài, tàn khốc và mệt mỏi. Không bên nào trong cuộc xung đột có khả năng giành chiến thắng quân sự, và chưa bên nào có thể buộc các bên xung đột ngồi vào bàn đàm phán, trong khi khả năng leo thang hạt nhân vẫn còn.

Kết quả có thể xảy ra sẽ là một thỏa thuận ngừng bắn dọc theo giới tuyến đang tranh chấp và được vũ trang mạnh mẽ. Điều đó nghĩa là sẽ không có hòa bình cũng không có giao tranh, không có kẻ thắng người thua, không có đàm phán chân chính và không có sự tin tưởng vào bất kỳ thỏa thuận nào.

Mặc dù cuộc chiến bước sang năm thứ hai, dòng viện trợ quân sự vẫn đang tuôn chảy. Nhưng năng lực công nghiệp của phương Tây đã bộc lộ hạn chế, và các quốc gia đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng số lượng thiết bị mà họ có thể viện trợ trong khi vẫn phải duy trì các yêu cầu tự vệ của mình và của NATO.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Italy khi đó là ông Mario Draghi, và Tổng thống Romania Klaus Iohannis, gặp Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky tại Kiev, ngày 16/6/2022. Ảnh: NY Times

Khi được hỏi liệu xung đột Nga-Ukraine sẽ kéo dài bao lâu, các nhà phân tích ở Mỹ và châu Âu đã đưa ra các mốc thời gian kéo dài từ hàng tháng, hàng năm cho đến “vô thời hạn”.

Ông Yohann Michel, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở ở London, dự đoán “những tháng dài” phía trước, trong khi ông Michael Kofman từ Chương trình Nghiên cứu Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA) ở Washington, dự đoán sẽ có thêm nhiều năm giao tranh nữa.

Có lẽ nhà phân tích Lucio Caracciolo của ấn phẩm địa chính trị Limes (Italy) là người bi quan nhất. Ông nói: “Cuộc chiến này sẽ kéo dài vô tận, với những khoảng dừng dài để ngừng bắn”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm các vị trí tiền tuyến ở khu vực Kharkiv, miền Đông đất nước, ngày 29/5/2022. Ảnh: Ukrinform

Khi xung đột ở Ukraine kéo dài, và nếu năm 2023 chưa kết thúc, thì số phận của nó có thể được quyết định ở những nơi khác, đặc biệt là thông qua các lá phiếu ở Mỹ – nhà tài trợ quan trọng nhất của Kiev và thủ lĩnh NATO.

Trong khi các vấn đề trong nước sẽ chi phối cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới, cách người Mỹ bỏ phiếu cũng có thể có tác động sâu sắc đến các chính sách của nước này đối với Ukraine và Nga.

Hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 24/2/2022 sau khi ông phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Ảnh: Sputnik

Ngay bản thân Nga cũng sẽ trải qua cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2024. Ở lần bỏ phiếu này, lớp cử tri già cả thuộc thế hệ Xô Viết sẽ thưa dần, trong khi những người trẻ tuổi sẽ nắm những lá phiếu quyết định.

Ở Ukraine, chính quyền của Tổng thống Zelensky đã có mức độ gắn kết xã hội và chính trị đáng kể kể từ những ngày đầu của cuộc chiến. Nhưng sự gắn kết đó có thể bị thử thách trong năm tới, khi Ukraine bầu Tổng thống vào tháng 3/2024.

Quang cảnh thủ đô Kiev vào ngày 24/2/2022, ngày Nga mở màn chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ảnh: AP/Defense News

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 24/02/2023 | 10:00