Đầu tháng 7/2024, thời tiết tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Nam bộ đã bước vào mùa mưa nhưng vẫn có nắng nóng cục bộ. Điều này khiến tình hình an toàn thực phẩm tiếp tục là nỗi lo lắng của người dân.
Trong những năm qua, bảo đảm an toàn thực phẩm cho cộng đồng luôn là một yêu cầu cấp thiết, đặc biệt đối với thành phố Hồ Chí Minh - đầu mối sản xuất lưu thông và tiêu thụ thực phẩm lớn của cả nước.
Mặc dù các ngành các cấp đã hết sức nỗ lực trong triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng vẫn còn nhiều thách thức, rào cản, bất cập… về cơ chế chính sách pháp luật, về thực trạng sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm, cũng như trong tổ chức bộ máy, hoạt động phối hợp liên ngành.
Quang cảnh Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Trước thực tế an toàn thực phẩm phức tạp trên địa bàn, cơ quan Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên kiểm tra, chú ý các bếp ăn trong trường học và những điểm bán thức ăn bên ngoài trường học. Ngoài ra, đơn vị cũng siết chặt quản lý chất lượng thực phẩm đầu vào cho đến khâu chế biến ngay tại cơ sở.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, căn tin và bên ngoài trường học vẫn còn tồn tại.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh.
“Với thời tiết nắng nóng kèm độ ẩm cao kéo dài như hiện nay là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, đẩy nhanh quá trình phân hủy thức ăn. Trong khi đó, nhiều người có thói quen sơ chế, nấu và bảo quản thực phẩm chưa đúng. Thức ăn để bên ngoài không khí nóng quá lâu có thể gây nguy cơ ngộ độc lớn”, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan cảnh báo.
Chưa kể, nhiều người bán hàng còn chưa có kiến thức, cũng như ý thức về an toàn thực phẩm. Chẳng hạn như họ chế biến lẫn lộn giữa thực phẩm sống và chín. Thậm chí, có những người mua nguyên liệu giá rẻ không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thành phẩm hoặc ham lợi nhuận nên bỏ qua các quy trình đảm bảo an toàn.
Thống kê sơ bộ của Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra, hiện thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố, trong đó tập trung khá nhiều bên ngoài các trường học.
Cán bộ Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kiểm tra thực phẩm trên địa bàn.
Việc kiểm soát, quản lý nhóm này vẫn còn nhiều thách thức. Bởi người kinh doanh thường buôn bán nhỏ lẻ, hoạt động thời gian ngắn và không cố định. Việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Vì vậy, điều quan trọng nhất là vẫn nhận thức của người dân.
Lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm, cơ quan này sẽ tăng tần suất kiểm tra đột xuất đối với những bếp ăn tập thể, bếp ăn trong trường học và các điểm bán thức ăn bên ngoài trường học ở tất cả 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh sẽ không thanh, kiểm tra theo kế hoạch, mà tập trung nhiều hơn vào thanh, kiểm tra không báo trước. Cùng với đó, đơn vị cũng xử lý nghiêm các trường hợp chưa bảo đảm an toàn thực phẩm dù đã nhắc nhở nhiều lần.
Cán bộ Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kiểm tra thực phẩm trên địa bàn.
Trước đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức thành Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh theo quyết sách mới của Quốc hội, HĐND thành phố Hồ Chí Minh.
Cuối tháng 6/2023, được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2023.
HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã biểu quyết thành lập Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị quyết 98 nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Đến giữa tháng 7/2023, tại kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa X được tổ chức để thảo luận và chính thức thông qua Nghị quyết về triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.
Tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu nhận định, kỳ họp diễn ra trong thời điểm toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi đón nhận, chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để triển khai Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
“Nghị quyết thí điểm là nghị quyết hành động, có những vấn đề có tính đột phá, vượt trên quy định bình thường, một số vấn đề mới theo yêu cầu phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, của đất nước, một số vấn đề không phù hợp theo quy định hiện hành hoặc chưa có trong quy định hiện hành, mới gọi là thí điểm”, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Một trong những “vấn đề có tính đột phá” mà người đứng đầu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh nhắc đến là việc thành lập Sở An toàn thực phẩm, mô hình đầu tiên trên cả nước.
Đến tháng 9/2023, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa X tổ chức kỳ họp thứ 11 để xem xét nhiều nội dung chuyên đề. Trong đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã trình HĐND thành phố Hồ Chí Minh về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh và được biểu quyết thông qua.
Từ quyết sách của Quốc hội và HĐND thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 12/2023, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm, từ đó kỳ vọng thống nhất đầu mối quản lý, khắc phục các bất cập trong cơ chế phối hợp, tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2024. Tiền thân của Sở An toàn thực phẩm là Ban Quản lý An toàn thực phẩm.
Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là cấp thiết cho một đô thị đặc biệt như thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội và cũng là thách thức đối với địa phương, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm tình trong hình mới.
Mô hình này là một bước đột phá trong tiến trình phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân làm kim chỉ nam cho hành động; phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương đang hướng phát triển.
Việc Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh được chính thức thành lập nhận được sự quan tâm của người dân, cũng như các doanh nghiệp thực phẩm trên địa bàn.
Cử tri Võ Trọng (ngụ huyện Bình Chánh) bình luận: “Người dân cả nước nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng rất quan tâm vấn đề quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình phức tạp nhiều cơ quan chồng chéo nhau nhưng không ai chịu trách nhiệm. Công tác quản lý an toàn thực phẩm cần được nâng cao, đổi mới cách kiểm tra, ứng dụng chuyển đổi số để người dân dễ tiếp cận thông tin hơn”.
Còn cử tri Nguyễn Thị Mai Châu (ngụ quận Tân Bình) đề nghị: “Khi phát hiện việc sản xuất, lưu thông , buôn bán thực phẩm đồ uống không an toàn, cơ quan chức năng phải xử lý kịp thời, nghiêm minh, không chỉ dân sự, hành chính mà thậm chí truy tố hình sự. Sức khỏe con người là trên hết nên phải kiến nghị phạt tù đối với hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn”.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết: “Chúng tôi mong muốn Sở An toàn thực phẩm sẽ hoạt động ngày càng hiệu quả, để sự liên kết giữa các doanh nghiệp thực phẩm với cơ quan chức năng tốt hơn. Trước đây chúng tôi phải đi tìm, kết nối nhiều đầu mối, có khi là cũng một sự việc đó mà chúng tôi phải kết nối khi thì Sở này, khi thì Sở kia. Khi thành lập Sở An toàn thực phẩm, doanh nghiệp chỉ cần kết nối với một đầu mối duy nhất nên sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm”.
Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh trăn trở: “Không quốc gia nào chỉ trông cậy vào việc thanh tra, kiểm tra rồi phát hiện vi phạm. Sự nghiệp nâng cao an toàn thực phẩm cho người Việt không chỉ phụ thuộc vào cơ quan chức năng mà rất cần sự chung tay của người dân. Mỗi người tiêu dùng hãy trở thành một thanh tra, phản ánh những cơ sở buôn bán thực phẩm không đảm bảo chất lượng”.
NGUOIDUATIN.VN | Thứ 4, 10/07/2024 | 22:30