Một cuộc trò chuyện bất ngờ nơi trại giam giữa “hai màu áo” đã diễn ra gần gũi, hồn hậu, khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Không khó để cảm nhận một mùa Xuân yên bình luôn hiện hữu giữa mảnh đất đậm tình người này, nơi có những chiến sĩ luôn tròn sứ mệnh “đánh thức” sự thiện lương một cách thầm lặng.
Trong chuyến công tác tại trại giam Xuân Phước (bộ Công an), chúng tôi tình cờ chứng kiến một câu chuyện thật bình dị, đời thường nhưng cũng không kém phần cảm động.
Khi vừa bắt đầu cuộc trò chuyện với Thượng tá Trần Văn Dũng, Giám thị trại giam Xuân Phước về tình hình hoạt động của đơn vị thì một phong thư tay được chuyển đến vị Giám thị, cắt ngang bầu không khí.
Cầm chiếc phong thư, Thượng tá Trần Văn Dũng chậm rãi mở ra xem, đó là một lá đơn trình bày nguyện vọng, hay cũng có thể xem như một bức “tâm thư” bày tỏ nỗi lòng, mong mỏi của phạm nhân.
Vị Giám thị tạm biệt chúng tôi rồi đứng dậy khỏi chiếc bàn gỗ, với tay lấy chiếc mũ sau khi đọc “tâm thư” của phạm nhân Nguyễn Nhật Trí, với nguyện vọng được tham gia vào hội đồng tự quản, cầu nối trực tiếp của Ban Giám thị với phạm nhân. Thấy vậy, chúng tôi ngỏ ý muốn đi cùng.
Trong một gian phòng nhỏ, cuộc trò chuyện giữa “hai màu áo” diễn ra thật bình dị và đời thường. Trực tiếp lắng nghe tâm tư của Trí, Thượng tá Trần Văn Dũng đặt tay lên vai người đàn ông với gương mặt gai góc đã trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, khẽ vỗ nhẹ như gửi gắm một niềm tin mà động viên: “Bây giờ, anh Trí muốn xin làm đội tự quản, thì phải ráng làm cho thật tốt, để sớm được trở về bên gia đình, để ăn cơm má nấu, đón những cái Tết quây quần, và đặc biệt là báo hiếu cho ba má…”.
Trí cũng không ngờ, vừa nhận được đơn bày tỏ nguyện vọng được tham gia vào đội tự quản, Giám thị đã đến gặp Trí để lắng nghe, trao đổi.
“Tôi rất vui mừng vì Giám thị Dũng rất tận tụy, tận tâm với phạm nhân chúng tôi. Điều đó khiến tôi vô cùng cảm động... Và một điều nữa mà tôi nhận ra rằng, hôm nay mái tóc của Giám thị đã bạc đi nhiều so với mấy năm về trước”, nam phạm nhân bỗng cúi mặt ngậm ngùi.
Sau cuộc trò chuyện ân cần giữa Thượng tá Trần Văn Dũng và phạm nhân Nguyễn Nhật Trí, chúng tôi xin phép vị Giám thị được trò chuyện riêng với nam phạm nhân này. Lúc đầu, Trí cũng hơi “lạ” khi tiếp xúc với chúng tôi, nhưng sau vài câu chuyện, người đàn ông 34 tuổi cũng thuận lòng chia sẻ.
Ký ức của Trí những ngày đầu nhập trại là chuỗi ngày gây rối, đánh lộn, tìm đủ chiêu trò để phản kháng, để bày tỏ nỗi bất mãn, vì: “Nghĩ đến án mình còn dài, không biết có cơ hội để trở về hay không, nên tôi suy nghĩ và biểu hiện rất tiêu cực”.
Những bồng bột của tuổi trẻ dường như sẽ không thể chấm dứt ở con người này, nếu không gặp được những sự uốn nắn tinh tế. Ấn tượng đặc biệt trong Trí, có lẽ là những cuộc gặp đầy ân tình với Giám thị trại giam, những cuộc gặp đã thay đổi con người với quá khứ bất hảo.
Lục lại ký ức, Trí trải lòng: “Tôi từng được tiếp xúc với Giám thị Trần Văn Dũng nhiều lần, Giám thị là người hết sức lắng nghe tâm tư của phạm nhân, thường hỏi han hoàn cảnh phạm tội, hoàn cảnh gia đình từng phạm nhân để động viên, tạo điều kiện cải tạo tốt. Những nguyện vọng chính đáng của phạm nhân đều được Giám thị giải quyết thấu đáo”.
Trí tiếp tục câu chuyện với một nụ cười khe khẽ: “Tôi còn nhớ, vào một ngày Giám thị trực tiếp ra khu lao động để kiểm tra, chỉ đạo, đó là lần gặp đầu tiên. Vừa đi lao động về, nhìn thấy Giám thị Trần Văn Dũng ngoài khu xưởng sản xuất, tôi đã xin phép gặp để trình bày những vấn đề thắc mắc, cũng như nguyện vọng của mình. Sau khi lắng nghe, hỏi tỉ mỉ từng vấn đề và giải quyết thấu tình đạt lý, Giám thị còn động viên tôi phải cải tạo cho tốt, dặn dò không được vi phạm quy định của trại giam nữa.
Sau cuộc gặp ấy, tôi có cảm giác như những bức bối, suy nghĩ luẩn quẩn trong lòng bấy lâu nay đã được giải tỏa. Tôi thầm nghĩ, người đứng đầu trại giam dù rất bận rộn nhưng vẫn dành thời gian cho mình trình bày nguyện vọng, hỏi han tận tình, khuyên mình những điều thực tế và nhân văn, khiến mình nhận ra lỗi lầm. Kể từ đó, tôi có suy nghĩ tích cực hẳn lên, không vi phạm kỷ luật nữa. Lúc đó, tôi mới càng hiểu vì sao nhiều phạm nhân lại tin tưởng, cảm động khi bày tỏ nguyện vọng với Giám thị đến vậy...”.
“Kỷ niệm lần thứ hai mà tôi nhớ là lúc tôi bị xuất huyết dạ dày, đang nằm ở trạm xá, tôi đã viết đơn xin gặp Giám thị để trình bày tâm tư nguyện vọng, muốn ra Phân trại số 2 để lao động cải tạo, làm lại từ đầu (trước đó, Trí ở Phân trại số 1 trại giam Xuân Phước - PV).
Giám thị đã trực tiếp hỏi thăm sức khỏe, động viên tôi ăn uống tốt để nhanh lấy lại sức. Sau đó, Giám thị đã gọi điện cho cán bộ y tế, đề nghị quan tâm đến sức khỏe của phạm nhân Nguyễn Nhật Trí, giúp chữa trị thật tốt, sớm ổn định sức khỏe”, nam phạm nhân nhớ lại.
Kể từ ngày được chuyển về Phân trại số 2, Trí không còn vi phạm kỷ luật, luôn tích cực lao động, thậm chí còn động viên các phạm nhân khác có hoàn cảnh tương tự, cùng chấp hành nội quy để hưởng sự khoan hồng.
Không chỉ riêng Nguyễn Nhật Trí, dường như phạm nhân nào cũng có những thay đổi rõ rệt khi vào đây. Phạm nhân Lê Quang Cường (SN 1983), từng “náo loạn” cả trại giam với 5 lần kỷ luật liên tiếp chỉ sau vài tháng nhập trại, cũng được “cảm hóa” từ sự ân tình của quản giáo và đặc biệt là của Giám thị Trần Văn Dũng.
Với tâm niệm, biện pháp “cứng rắn” không hẳn hiệu quả với phạm nhân, từ khi trở thành Giám thị trại giam Xuân Phước năm 2013, Thượng tá Trần Văn Dũng vẫn luôn luôn gần gũi với phạm nhân, dùng đạo lý để giảng giải, dùng mong mỏi của từng gia đình phạm nhân để khuyên răn và “cảm hóa” những con người “lạc lối”. “Đôi lúc, một lời nói có lý, có tình còn có “sức nặng” hơn vạn lần kỷ luật”, vị Giám thị giải thích.
Chiều hôm đó, chúng tôi tiếp xúc với khá nhiều phạm nhân với nhiều tội danh và mức án khác nhau, nhưng dường như, đã vào trại giam Xuân Phước, ai cũng có chung một cảm nhận.
Từng ra vào nhiều trại giam ở khắp các vùng miền, nhưng phạm nhân Phạm Anh Hoàng (SN 1969) đã phải thốt lên: “Tôi đã từng được chuyển qua nhiều trại khác nhau từ Nam chí Bắc, nhưng ngày đầu tiên khi đặt chân đến trại giam Xuân Phước từ năm 2014, tôi phải thực sự giật mình vì trại quá “nghèo khó” so với nơi khác. Tuy nhiên, ở đây được cái giàu tình cảm. Chính sự gần gũi, ân cần của các cán bộ quản giáo đến Ban Giám thị khiến phạm nhân chúng tôi nhận ra lỗi lầm, quyết tâm cải tạo thật tốt.
Suốt 6 năm gắn mình ở đây, tôi cũng cảm nhận được sự thay đổi từng ngày, điều kiện cải tạo, điều kiện sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe cũng ngày một cải thiện rõ rệt hơn”.
Có lẽ, chuỗi ngày gian khó của tập thể cán bộ chiến sĩ nơi đây đã và đang dần dần lùi xa, khi diện mạo đang ngày một thay đổi tích cực hơn. Những con đường được mở rộng thẳng tắp, khu hành chính, khu sinh hoạt, giao lưu của cán bộ chiến sĩ… được xây dựng, tôn sửa khang trang với cảnh quan xanh vừa thẩm mỹ vừa nâng cao sức khỏe.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự “chuyển mình” mãnh liệt trong khu sinh hoạt và sản xuất của phạm nhân. Bước vào khu sinh hoạt của phạm nhân, được tận mắt chứng kiến, chúng tôi nhận thấy sự ngăn nắp và rất nền nếp, không gian sạch sẽ, thông thoáng, khác hẳn với tưởng tượng của chúng tôi trước đó.
Giám thị Trần Văn Dũng chia sẻ: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chúng tôi chủ trương môi trường sinh hoạt cho cán bộ chiến sĩ và phạm nhân phải thật tốt, sạch sẽ, chứ sinh hoạt tập thể mà một người đổ bệnh thì nhiều người ảnh hưởng, đặc biệt là trong khu giam giữ. Lúc đó, sẽ khó khăn gấp bội…”.
Các cán bộ chiến sĩ ở đây vẫn luôn gần gũi và phát huy hết khả năng để mang những tình cảm thật ấm áp đến với phạm nhân, xóa bớt những khoảng cách và vơi đi nỗi nhớ nhà da diết. Năm nào, trại cũng tổ chức những trò chơi dân gian như kéo co hoặc cầu lông, bóng chuyền… vừa để rèn luyện thể lực, nâng cao tinh thần đoàn kết sẻ chia, vừa thắp lên những tiếng cười sảng khoái, phạm nhân tạm quên đi những suy nghĩ bộn bề…
Chúng tôi chia tay trại giam Xuân Phước, ngay lúc ánh chiều vừa kịp ghé, khép lại những tâm tư của người Giám thị cùng tập thể cán bộ, quản giáo với sứ mệnh “đánh thức sự thiện lương”, ngày mai sẽ lại là một ngày “Xuân bình yên” chào đón!