Theo ông Nguyễn Phú Cường Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), dòng vốn phải xoay chuyển ở mọi góc cạnh, mọi chủ thể của nền kinh tế thì các ngành nghề mới có thể khoẻ mạnh, thông suốt.

Người Đưa Tin (NĐT): Trải qua năm 2022 “bội thu”, ngành phân bón trong quý I, II của năm 2023 bắt đầu xuất hiện khó khăn với lợi nhuận sụt giảm, thậm chí có doanh nghiệp báo lỗ. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Cường: Sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận, sản lượng tiêu thụ trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là do thị trường thế giới biến động rất lớn, ví dụ như giá URE giảm từ 910 USD quý I/2022 xuống chỉ còn khoảng 320 USD tại thời điểm tháng 5/2023. Điều này dẫn đến tình trạng thị trường biến động rất lớn, khiến các hộ tiêu thụ có tâm lý e dè, không muốn mua, chờ giá xuống.

Lý do thứ hai là do thời vụ, đặc điểm không thể bỏ qua đó là yếu tố thời tiết. Năm nay là năm nhuận theo âm lịch dẫn đến vào vào hạ muộn, mùa mưa vì thế cũng đến chậm, ảnh hưởng đến lịch nông vụ.

Bên cạnh đó, từ cuối quý IV/2022 đến quý I/2023, giá nông sản luôn duy trì ở mức thấp, từ đó không khuyến khích nông dân tạo nguồn lực để sản xuất, ảnh hưởng đến hưởng đến sức mua phân bón.

Ngoài ra, biến động tỉ giá thất thường, lãi suất ngân hàng có thời điểm ở mức cao cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến nguồn vốn của doanh nghiệp. Đại lý, doanh nghiệp muốn tích hàng để dự trữ lại không có đủ tiền để mua.

Vấn đề cuối cùng và cũng là vấn đề quan trọng nhất là nguồn vốn. Vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh được ví như máu đi nuôi cơ thể. Người thiếu máu sẽ ốm, nền kinh tế thiếu vốn sẽ yếu. Điều này gây ảnh hưởng đến tất cả ngành hàng do mối quan hệ hữu cơ liên kết của nền kinh tế.

Nếu có vấn đề về dòng vốn ở một khâu nào đó dẫn đến thiếu hoặc tắc nghẽn, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có ngành sản xuất công nghiệp và có ngành sản xuất phân bón.

NĐT: Theo dự báo và thực tế 5 tháng đầu năm đã ghi nhận, dòng vốn đối với doanh nghiệp là thách thức rất lớn. Theo ông, đâu là vai trò của đảm bảo dòng vốn trong sản xuất kinh doanh? Trước bối cảnh khó khăn trên, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã chuẩn bị kịch bản kinh doanh như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Cường: Vai trò của đảm bảo dòng vốn kịp thời trong các doanh nghiệp của nền kinh tế vô cùng quan trọng. Tất nhiên, phải thừa nhận trong giai đoạn vừa qua yếu tố ngoại cảnh, đặc biệt là kinh tế thế giới ảnh hưởng rất nhiều đến Việt Nam, khi nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất lớn. Đây là bài toán khó trong công tác điều hành.

Vốn không phải để cho doanh nghiệp cụ thể nào mà ngành vốn cần phải được khơi thông cho toàn bộ nền kinh tế.

Thời gian trước, khi thị trường ổn định, hàng tồn kho cố gắng làm sao ở mức thấp nhất, nguyên vật liệu sản xuất ở mức thấp nhất có thể, để đảm bảo có vốn để làm những việc khác. Nhưng bài học của cuộc khủng hoảng vừa qua khiến không chỉ ngành phân bón mà nhiều ngành hàng khác phải tăng dự trữ nguyên vật liệu, hàng tồn kho.

Trong quý II cũng như các quý tiếp theo, nhờ có các chính sách chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ cũng các chính sách ưu đãi của Ngân hàng Nhà nước, hy vọng rằng dòng vốn sẽ được lưu thông. Từ đó, nền kinh tế sẽ được rộng mở, thoát khỏi những khó khăn, giảm thiểu các động để các ngành nghề, trong đó có ngành phân bón sẽ đi lên.

Ngoài ra, quý II và quý III tới đây sẽ là thời điểm vào vụ, bà con thu hoạch một số cây trồng của vụ trước sẽ bắt đầu có dòng tiền. Giá thành sản phẩm từ gạo, cà phê,.. đều tăng lên giúp người nông dân có nguồn thu và có tiềm lực để chuẩn bị vật tư cho mùa vụ tiếp theo. Đó cũng là cơ hội sắp tới cho ngành sản xuất phục vụ cho nông nghiệp.

Bên cạnh cơ hội, tới đây toàn ngành sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Các cơ quan khí tượng của trong nước, nước ngoài đều dự đoán năm nay hạn hán sẽ ở mức cao. Hiện giờ rất nhiều hồ thuỷ điện, đặc biệt là ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, nước xuống dưới mực nước chết.

Ngoài ra, khi nhiệt điện huy động cao sẽ dẫn đến sức ép về nhu cầu than sẽ tăng lên. Dẫn đến cạnh tranh trong việc sử dụng than với các ngành khác, trong đó có ngành phân bón, hoá chất, xi măng, xây dựng.

Như vậy để thấy, ngoài câu chuyện về vốn, các doanh nghiệp sẽ phải ứng phó với một yếu tố đầu vào mới là thiếu nước cho tưới tiêu và thuỷ điện. Ngoài ra, cạnh tranh các nguồn sơ cấp như than và khí tại các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu trên cũng tăng lên. Thậm chí, nếu nguồn than trong nước không đủ, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu với mức giá rất cao.

NĐT: Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, là một người lãnh đạo doanh nghiệp, theo ông các doanh nghiệp cần làm thế nào để duy trì được dòng vốn ổn định, không bị đứt gãy?

Ông Nguyễn Phú Cường: Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp hóa chất vẫn được vay vì hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi vẫn ổn định. Tuy nhiên, như tôi đã chia sẻ, vốn trong kinh doanh như máu trong cơ thể người, có thể nó tốt ở một chỗ nhưng nhìn tổng quan cả cơ thể vẫn có vấn đề.

Ví dụ như tôi sản xuất được hàng nhưng đại lý không có vốn để mua hàng dự trữ. Điều này thể hiện quan hệ hữu cơ của một chuỗi cung ứng có vấn đề dẫn đến tình trạng chung của ngành suy yếu.

Dòng vốn phải xoay chuyển ở mọi góc cạnh, mọi chủ thể của nền kinh tế thì các ngành nghề mới có thể khoẻ mạnh, thông suốt. Cụ thể, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ luôn có các cuộc họp nhằm đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Có giải ngân thì nguồn vốn mới có thể đi vào cuộc sống, đi vào nền kinh tế.

Với Vinachem, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường nhưng điều quan trọng là chuỗi cung ứng phía trước có chạy hay không. Nếu nông dân không mua, hay thay đổi cơ cấu cây trồng, chúng tôi buộc phải đưa ra những kế hoạch thích ứng. Nếu cứ mãi cứng nhắc sẽ không thể trụ vững được.

Với dự báo thời tiết trong thời gian tới sẽ hạn hán, chúng tôi đã phải lập tức chỉ đạo các đơn vị sản xuất thay đổi phương án. Hiện nay chúng tôi có 2 loại phân bón dành cho mùa mưa và mùa khô. Nếu trong mùa mưa, phải dùng loại phân bón tan chậm, còn nếu mùa khô, phải dùng loại dễ tan. tan nhanh. Để đảm bảo cây trồng vẫn phát triển đầy đủ.

Dẫn tới, cơ cấu sản phẩm phải điều chỉnh phù hợp. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong sản xuất với lượng vốn vừa đủ.

NĐT: Ông vừa đề cập đến việc linh hoạt trong quá trình sản xuất kinh doanh, xin ông chia sẻ cụ thể vấn đề này, cụ thể là tại Vinachem?

Ông Nguyễn Phú Cường: Ngay từ khi về Tập đoàn, tôi đã trao đổi và đưa ra quan điểm đó là trong sản xuất kinh doanh, khó khăn lúc nào cũng thường trực, không phải lúc nào mọi thứ thuận lợi như xe bon bon chạy trên xa lộ. Nhìn rộng ra một nền kinh tế cũng như vậy.

Khi đã xác định quan điểm rõ ràng vậy, chúng tôi sẽ có chuẩn bị, thái độ để ứng phó với những khó khăn. Chúng tôi cũng đã chia sẻ với người lao động về bối cảnh thường trực để người lao động đồng hành, tin tưởng vào những quyết sách của Tập đoàn.

Như vậy, điều đầu tiên là tạo được sự đoàn kết, thống nhất ở các công ty con, sau đó lên dần tới quy mô của cả Tập đoàn. Từ những bài học đã xảy ra, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, trong bất cứ hoàn cảnh nào Tập đoàn cũng có thể giải quyết được, quan trọng nhất là có được sự đồng thuận của tập thể.

Trước đây, chúng tôi thường xây dựng kế hoạch sản xuất theo năm, theo tháng nhưng bây giờ phương án phải cực kỳ linh hoạt, để đáp ứng được mọi thứ biến đổi nhanh chóng như hiện nay.

Với vai trò dẫn dắt, điều phối chung, chúng tôi phải tổng hợp được các thông tin để từ đó chỉ đạo các đơn vị thành viên có phương án sản xuất hợp lý nhất để giảm thiểu các tác hại do yếu tố bất lợi mang đến. Để thấy, mỗi một thời điểm, một giai đoạn cần có những quyết sách, hướng giải quyết khác nhau.

Theo tôi, việc các bên liên quan có kịch bản chủ động có giải pháp linh hoạt sẽ giảm thiểu được các tác hại của các yếu tố khách quan bất lợi như tôi vừa nêu để đạt được kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023.

Vì rõ ràng chúng ta phải chấp nhận thực tế có những điều kiện trong quá khứ là đúng nhưng đến hiện tại lại không còn phù hợp.

Chốt lại, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề theo hướng: Trong sản xuất kinh doanh lúc nào cũng có những khó khăn; luôn sáng tạo, linh hoạt kế hoạch với hoàn cảnh thì mới có thể ổn định và phát triển được.

NĐT: Hiện nay, dù có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng có vẻ như vẫn chưa được đi sâu đến nhiều nhóm ngành, dẫn đến tình trạng ách tắc. Theo ông, trong thời gian tới, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ gì cho thị trường vốn?

Ông Nguyễn Phú Cường: Tôi cho rằng một loạt các giải pháp được đưa ra trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, để có tác động với thị trường thì phải có độ trễ chính sách, qua quá trình giải ngân, hấp thụ vốn. Không thể hôm nay ra quyết định cho ngày mai thị trường đã tốt lên.

Bên cạnh đó, các chính sách được đưa ra cũng bị ảnh hưởng yếu tố bên ngoài như tỉ giá USD, ngoại tệ. Tôi nghĩ đây là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng được kịch bản phù hợp. Tôi tin rằng với quyết tâm đó sẽ đem lại những chuyển biến tích cực.

Khơi thông dòng vốn không chỉ là tiền, tôi lấy ví dụ, hàng hoá có sản xuất ra mà bị tồn đọng ở cảng biển thì cơ hội cũng theo đó mà trôi trượt đi mất. Hạ tầng giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Do đó, nếu hạ tầng giao thông tốt, hàng hóa được luân chuyển nhanh, chúng tôi bán được nhiều hàng mà vẫn giảm chi phí vận tải. Vậy nên chủ trương thời gian qua Chính phủ thúc giục các bộ ngành, địa phương giải ngân nhanh vốn đầu tư công, trong đó tập trung vào hạ tầng giao thông vận tải tạo ra tác động rất lớn. Dòng vốn thông phần nào đó là nhờ mạch máu giao thông.

NĐT: Cảm ơn những chia sẻ của ông!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 5, 20/07/2023 | 11:26