Cát tặc không phải ai cũng làm những điều xấu xa, hung hãn và manh động, cuối cùng cũng chỉ vì thứ trần trụi nhất - miếng cơm, manh áo. Họ có nhiều số phận khác nhau nhưng đa phần nghèo khổ, yếu đuối, đánh đổi và sống bấu víu, lênh đênh trên những chiếc thuyền cát - vô định.

Cát tặc – Vì sao nên nỗi?

Cảnh người viết cùng nhóm người “ép-phê” thuyền cát của cha con nhà anh Lê Văn Thìn

Đêm vắng, những chiếc tàu công suất lớn chở hàng tấn cát trái phép chuẩn bị cập bờ. Tiếng xì xèo cập bến, tiếng mỏ neo va vào kè đê lập cập xen cùng mùi tiền giao dịch trong màn đêm.

Dĩ nhiên ai cũng hiểu, muốn làm cái nghề có lợi nhuận bội lần này, trên bến dưới thuyền phải có bảo kê, phải có máu mặt…thế nhưng sự thật...

Cũng chỉ vì tò mò muốn biết độ hung hãn của cát tặc như thế nào nên vào một ngày đầu tháng 4/2019, phóng viên đã chấp nhận lời mời đi “săn” cát tặc xuyên đêm cùng người dân ở thôn Thanh Lương 2, phường Hương Xuân - những người luôn bức xúc đến mất ăn, mất ngủ vì nạn khai thác cát trái phép đã lên đỉnh điểm.

Những ngày cuối tháng 3/2019, liên tiếp ở Thừa Thiên- Huế xảy ra nhiều vụ các đối tượng khai thác cát trái phép, có hành vi hung hãn khi người dân tổ chức đẩy đuổi.

Cụ thể, vào khoảng 19h ngày 26/3, ông Hoàng Trọng Niệm (SN 1956, trú tại tổ dân phố 15, khu vực Trung Thượng, phường Thủy Biều, TP. Huế) khi đang cùng 8 người hàng xóm đi kiểm tra dọc bờ sông Hương, đoạn chảy qua địa bàn thì phát hiện 2 tàu công suất lớn đang hoạt động khai thác cát trái phép gần bờ. Thấy vậy, ông Niệm cùng những người đi cùng vội hô hoán, đẩy đuổi thì bị các đối tượng dưới tàu cát ném đá, đồng thời xông lên bờ dùng dao rựa chống trả. Ông Niệm vì bỏ chạy chậm nên đã bị các đối tượng này chém trúng đầu.

ông Hoàng Trọng Niệm

Ông Hoàng Trọng Niệm thời điểm bị nhóm đối tượng chém rách đầu.

Cách đó không lâu, vào khoảng 4h ngày 21/3, ông Võ Văn Lẹ (57 tuổi, trú thôn Thanh Lương 2, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nghe tiếng tàu hút cát ngay trên sông Bồ, đoạn chảy qua sau nhà nên bơi thuyền ra nhắc nhở. Lúc này, phát hiện thấy người, một đối tượng trên tàu hung hãn lấy gậy đánh vào người ông Lẹ. Cú đánh trúng ngay vào mắt phải, khiến ông Lẹ mất nhiều máu, bất tỉnh và rơi khỏi thuyền.

May mắn, ông Lẹ được người dân phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Tại bệnh viện, ông Lẹ được điều trị tích cực vì vết thương ở mắt bị rách sâu.

Chính vì sau những sự việc ấy, những người khai thác cát trái phép trong mắt dư luận ở Thừa Thiên-Huế hiện lên không chỉ là những kẻ tham lam, bất chấp pháp luật mà còn cực kỳ hung hãn và manh động.

2 rưỡi sáng hôm ấy, sau một đêm thức trắng chờ đợi, phát hiện hoạt động hút cát đã bắt đầu, nhóm chúng tôi lặng lẽ lướt nhẹ thuyền cole men dọc bờ sông Bồ, đoạn chảy qua phường Hương Xuân.

Khi khoảng cách từ bờ ra chỗ đội quân cát tặc đang quần thảo còn khoảng 50m, người lái thuyền bất ngờ giật nổ cole hơn 10 mã lực liều lĩnh xông vào "ổ kiến lửa" ấy. Lúc này, có khoảng 6 thuyền hút cát đang nổ máy phành phạch, hút rầm trời mà trên tay mỗi người trong nhóm chỉ là mái chèo, gậy tre và... mũ bảo hiểm. Một phần cũng vì “hơi run” nên cả nhóm chọn chiếc thuyền ít người nhất, gần bờ nhất và quyết định “ép-phê” xông lên thuyền, “lấy thịt đè người” để khống chế trọn gói.

Cứ nghĩ sẽ có một cuộc ẩu đả kịch tính với sự hung hãn chống trả của các đối tượng cát tặc, thế nhưng, trước mắt tôi là một cảnh tượng hoàn toàn khác: 3 con người, họ đang run rẩy, sợ hãi, yếu thế trông đến tội nghiệp. Họ là 3 cha con. Người cha dáng người gầy, quần ống cao ống thấp, 2 thằng con trai đứa lớn 17 tuổi, đứa nhỏ hơn mới 15 tuổi. Chưa biết chúng tôi là ai nhưng họ vẫn lặng lẽ van xin và không hề chống cự.

Dáng người gầy gò, khắc khổ và rung lẩy bẩy thời điểm anh Thìn bị lập biên bản

Liếc mắt nhìn xung quanh một lượt, các thuyền hút cát khác đã tháo chạy, chúng tôi quyết định bốc máy gọi xin hỗ trợ từ lực lượng công an thị xã Hương Trà. Ít phút sau, các đồng chí công an đã có mặt, lập biên bản để xử phạt.

Giữa ánh đèn neon lờ mờ sáng của bác trưởng thôn Thanh Lương 2, vẫn có thể thấy rõ hình ảnh người cha gầy gò, khuôn mặt khắc khổ, tay chân vẫn còn run lẩy bẩy vì không giấu nổi sự sợ hãi, lo lắng, bỗng tôi lặng người.

cát tặc

Hai đứa con của anh Thìn trong đêm cát tặc bị người dân dẫn vào bờ.

Khoảng 15 phút sau, một thuyền cole khác chở 2 người phụ nữ đến chỗ chúng tôi. Trong đó có một người là vợ của người đàn ông khắc khổ kia. Thấy chồng mình đang run lẩy bẩy, chị tiếp tục van xin đừng lập biên bản. Giữa không gian mờ ảo của sương sớm và ánh đèn neon lờ mờ, trên con thuyền chứa đựng cả một gia đình trông nghèo khổ ấy, giữa mớ hỗn độn tình ngay lý gian ấy… bản thân tôi tự hỏi: Mình đang làm gì thế này?

Trong một cuộc trò chuyện thân tình giữa tôi và Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Thiên Định, ông nói: “Có những người vợ, người mẹ của một số người làm cát đã đến tận nhà anh để xin cho họ “trộm” vài đò. Một bà mẹ khác mong anh cố gắng “khuất mắt trông coi” giúp gia đình họ với, bởi có ba đứa con thì một đứa đã phải nghỉ học, hai đứa kia chắc tới đây cũng phải cho nghỉ thêm một đứa nữa vì không có tiền cho nó học. Lời năn nỉ ấy cứ ám ảnh mãi trong anh. Thế hệ bố mẹ đã khổ, chẳng lẽ không có lối thoát cho thế hệ tương lai…”.

Trăn trở của người lãnh đạo tâm huyết ấy càng thôi thúc tôi tìm gặp những người hành nghề khai thác cát, mà người đời vẫn gọi họ bằng cái tên xấu xí - “cát tặc” để hiểu họ hơn.

Lênh đênh, vô định…

Tôi tìm về thôn Vạn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền tìm gặp anh Lê Văn Thìn, là người cha khắc khổ trên chiếc thuyền đã bị lập biên bản đêm hôm ấy. Thôn Vạn Hạ Lang vốn có tên cũ là Hạ Lang, sau khi xuất hiện khu tái định cư dành cho những người chuyên sống bằng ngư nghiệp trên sông Bồ, Hạ Lang thêm chữ Vạn thành thôn Vạn Hạ Lang. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn quen gọi thôn này với cái tên là Xóm Mới. Xóm Mới có khoảng 100 hộ, đa phần họ sống bằng nghề khai thác cát, đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng.

Tìm về nhà anh Thìn, khi vợ anh, chị Lê Thị Tâm đang nấu bữa trưa cho cả nhà. Vợ chồng anh Thìn có 3 đứa con, 2 trai, 1 gái. 2 đứa con trai đầu thường đi hút cát đêm với cha là Thịnh và Dũng.

Nhấp một ngụm nước, người đàn ông vừa bước qua tuổi 40 với mái tóc đã điểm bạc ấy kể về cuộc đời mình xen lẫn với những tiếng thở dài. Trước đây, anh Thìn làm nghề khai thác gỗ. Thời điểm ấy, khi dòng sông Bồ chưa ngăn để làm thủy điện, anh với đám trai làng vẫn ngược dòng lên Hương Điền khai thác gỗ rồi theo dòng chảy con sông đưa về xuôi tiêu thụ. Khi sông Bồ bị ngăn, thấy một số người sắm thuyền hút cát làm ăn được, vợ chồng anh quyết định vay ngân hàng, đóng một thuyền gần 250 triệu đồng.

Trước gánh nặng cơm áo gạo tiền, sự cám dỗ của lợi nhuận bán cát hút trộm, anh Thìn tự biến mình thành cát tặc lúc nào không hay.

“Vì thiếu nhân công lao động nên 2 thằng con Thịnh và Dũng học hết lớp 5 cũng bỏ học để theo ba nó đi hút cát. Lúc ấy, hút cát dễ, nhiều tiền nên vợ chồng tôi cũng không ngăn cản”, chị Tâm tiếp chuyện.

Chị Tâm cho hay, ngày trước, với thuyền sức chứa khoảng 20 khối, mỗi đêm 3 cha con nếu chịu khó, lì lợm cũng hút được hơn 10 khối cát. Đến tờ mờ sáng nhập vô các bãi với giá 120 nghìn đồng/khối thì cũng kiếm được gần 2 triệu đồng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc tình trạng khai thác cát sạn trái phép trên các con sông ở Thừa Thiên-Huế nên gia đình anh Thìn và nhiều hộ không dám hoạt động.

Cầm tờ biên bản xử phạt ở thôn Thanh Lương trước đó, anh Thìn phân trần: “Từ sau đêm bị lập biên bản phạt 6 triệu, tôi về neo thuyền luôn. Thi thoảng vì khó khăn quá nên 3 cha con có dùng thuyền nhỏ chèo ra sông ngụp lặn múc cát bằng tay để kiếm thêm. Mỗi đêm cũng được khoảng 3-4 khối, với giá cát cao như hiện nay thì kiếm tầm được gần 1 triệu đồng. Giờ không làm cát thì cũng chẳng biết làm gì, nợ nần rồi miếng ăn cho cả nhà, không làm không được!”.

Những chiếc thuyền của người dân tổ 2, phường Hương Hồ neo đậu dưới chân cầu Long Hồ nhiều tuần nay.

“Mà làm thì luôn sợ hãi, bị người dân sống bên bờ sông chửi rủa. Có cậu xóm trên vừa bị người dân ném đá trúng đầu đang nằm trên viện. Anh trai tôi đợt trước vì chống trả mà đánh người dân nhập viện giờ không biết sẽ như thế nào”, anh Thìn kể tiếp.

Hóa ra, người đàn ông khai thác cát trái phép đánh trúng mắt ông Võ Văn Lẹ ở thôn Thanh Lương trước đó là anh trai của anh Thìn – anh Lê Văn Lanh (SN 1972), trú cùng thôn Vạn Hạ Lang.

Tìm về nhà anh Lanh lúc người đàn ông này đang ăn bát cơm dở. Anh Lanh cho hay, từ ngày xảy ra sự việc, anh cho thuyền về đậu bờ luôn. Vợ anh Lanh là chị Lê Thị Thúy nhớ lại, sáng sớm hôm đó, hai vợ chồng tranh thủ ra chỗ sông Bồ chảy qua gần nhà ông Lẹ hút cát. Khi đang hút thì bị ông Lẹ phát hiện và chèo đò ra quát nạt, đẩy đuổi.

“Lúc ấy, tôi có van xin ông Lẹ cho hút ít cát để về tô nhà đang xây dở nhưng ông Lẹ vẫn vung sào đánh vào tay tôi. Giữa lúc trời đang tối, nghe tôi bị đánh, chồng tôi chạy đến vung sào đánh lại thì trúng vào mắt ông Lẹ”, chị Thúy nói.

Anh Lê Văn Lanh đang ăn dở bát cơm, tỏ ra lo lắng về sự việc hành hung ông Võ Văn Lẹ.

Anh Lanh nói trong lo lắng, tiền thuốc thang, viện phí dù gia đình đã gửi một phần cho ông Lẹ nhưng vẫn chưa được gia đình đồng ý bãi nại, không chỉ vậy, công an còn nhiều lần mời lên làm việc nên giờ không biết sẽ bị xử lý như thế nào…

Trên quãng đường rời thôn Vạn Hạ Lang, chứng kiến cảnh nhiều người dân ở đây đang độ tuổi lao động ngồi tập trung nhiều góc xóm hay nép mình trong những căn nhà cấp 4 đang xây dở dang, tôi nhận ra cát tặc không phải ai cũng xấu xa và hung hãn như nhiều người nghĩ. Điều cuối cùng cũng chỉ vì thứ trần trụi nhất, đó là miếng cơm, manh áo.

Ông Lê Công Thành, Trưởng Công an xã Quảng Phú thông tin, hiện tại trên địa bàn xã có khoảng hơn 30 chiếc thuyền khai thác cát, tập trung chủ yếu ở thôn Vạn Hạ Lang. Việc các mỏ cát có phép trên sông Hương, sông Bồ đóng cửa, tạm ngưng, khiến giá cát đang tăng đột biến dẫn đến nạn khai thác cát trái phép ngày càng rầm rộ. Trước thực trạng này, Công an xã cũng đã mời các chủ thuyền trên địa bàn lên làm việc. “Ngoài tuyên truyền về mặt pháp luật, công an xã cũng yêu cầu các chủ hộ này ký cam kết không hoạt động khai thác cát trái phép ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn”, Trưởng Công an xã Quảng Phú cho biết.

Ngoài chuyển sang đánh bắt cá, nhiều người làm nghề khai thác cát giờ chỉ biết trông cậy vào các lồng nuôi cá.

“Vậy nếu giờ không hút cát thì những người dân ở Vạn Hạ Lang phải làm gì để mưu sinh?”, tôi đặt câu hỏi.

“Đó là một câu hỏi khó. Tôi cũng đã ý kiến nhiều lần với lãnh đạo cấp trên về chuyện này”, ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú ngồi cùng đó trả lời.

Ông Lợi chia sẻ, các hộ có thuyền khai thác cát chủ yếu xuất thân từ làm ngư nghiệp. Nay không làm cát thì chỉ có thể chuyển sang đánh bắt thủy sản hoặc nuôi cá lồng nhưng những nghề này cũng rất bấp bênh. Những người còn trẻ ở lứa tuổi thiếu niên thì có thể cho học thêm các nghề như may mặc rồi làm công nhân, còn những người đã già ở lứa tuổi trung niên thì rất khó để chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có khoảng 300- 350 hộ sống bằng nghề khai thác cát sạn; trong đó, lưu vực sông Hương khoảng 100 hộ chủ yếu sống ở khu định cư Kim Long (TP. Huế), xã Quảng Phú, Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), Phú Mậu (huyện Phú Vang), Hương Hồ, Hương Thọ (TX. Hương Trà). Các khu vực còn lại tập trung ở các con sông lớn như sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi…

Ông Lê Quang Hiền trò chuyện với PV.

Ông Lê Quang Hiền, Tổ trưởng tổ dân phố 2, phường Hương Hồ, TX.Hương Trà, nơi tập trung khoảng 25 thuyền hút cát cho biết, hiện quy mô khai thác không như trước đây. Trước sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, các thuyền hút cát công suất lớn hầu như “đắp chiếu”.

“Giờ đa số họ chủ yếu dùng thuyền nhỏ rồi khai thác bằng tay. Mỗi đêm các cặp vợ chồng thường mang theo thúng, mủng ra chỗ sông cạn rồi ngụp lặn giữa đêm múc cát lên thuyền kiếm khoảng 3-4 khối. Số còn lại, người có của để dành trước đây thì lấy tiền ăn dần, có số cho con đi xuất khẩu lao động, có số dùng tiền để đi buôn... Một bộ phận người dân hằng ngày mưu sinh bằng nghề này đang đối mặt với “thất nghiệp”, thu nhập khó khăn khi không có chỗ để khai thác. Hiện có thể chưa thấy hậu quả nhưng vài ba năm nữa xem, không nghề nghiệp sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy…”, ông Hiền chia sẻ.

Trở lại câu chuyện với anh Lê Văn Thìn ở thôn Vạn Hạ Lang, vợ anh Thìn cho hay, trước mắt không làm gì, sẽ cho đứa con trai đầu là Thịnh vào Nam học nghề đóng giày để làm cùng với một người họ hàng. Còn Dũng sẽ cho ở lại bấu víu mưu sinh qua ngày cùng ba mẹ. Bé út, vợ chồng anh Thìn quyết tâm dù nghèo đến mấy cũng cho ăn học đến nơi đến chốn.

Trong cuộc trò chuyện với vợ chồng anh Thìn, tôi vô tình thông tin về kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra mới đây, khi chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ chấm dứt tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông vào năm 2020 và định hướng sẽ chuyển đổi dần nghề nghiệp cho những người có tàu thuyền khai thác cát, anh Thìn thở dài: “Ở cái tuổi này thì còn làm được nghề gì nữa…” rồi ôm bé Cẩm Vy trong lòng nhìn xa xăm, vô định…

Chủ một bãi cát vật liệu xây dựng ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế) cho biết, giá cát xây dựng hiện tại tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, theo đó giá nhập vào khoảng 300 nghìn đồng/ khối, bán ra từ 350 nghìn – 400 nghìn/ khối tùy vào cước vận chuyển. Dù giá cao vậy nhưng nguồn cung vẫn không đủ cho cầu, các bãi cát ở Thừa Thiên-Huế phải nhập thêm cát ở tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam.

Ở một diễn biến khác, theo ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế, từ đầu năm 2019 đến nay, Sở này đã xử phạt 55 trường hợp với số tiền hơn 121 triệu đồng liên quan đến khai thác cát, sỏi trái phép.

Tỉnh cũng đã xử phạt hơn 4 tỉ đồng và rút 5 giấy phép khai thác mỏ cát của 4 công ty. Ngoài ra, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã xử phạt hơn 1,7 tỉ đồng với 652 trường hợp khai thác cát trái phép.

Để hạn chế việc khai thác cát, sỏi lòng sông, theo ông Thông, hiện Sở đang hướng dẫn các đơn vị tiến hành sản xuất cát xay nhân tạo để thay thế vật liệu xây dựng cát, sỏi.