Trong không gian tĩnh mịch đến nao lòng tiếng “À ơi…” dịu ngọt vỗ về giấc ngủ êm say của những đứa trẻ ngây thơ. Một nhà trẻ thật đặc biệt với hai người bà và sáu cháu nhỏ chưa đầy 36 tháng tuổi, ở đó, sáu đứa trẻ có thể ăn chung, ngủ chung, mặc chung, thậm chí có sáu người mẹ chung

Trong chuyến công tác gần đây, chúng tôi ghé thăm nhà trẻ đặc biệt, nơi chăm sóc những đứa trẻ dưới 36 tháng tuổi, con của các nữ phạm nhân theo mẹ vào trại giam Quyết Tiến (bộ Công an).

Nhà trẻ đặc biệt sau song sắt - Nơi tiếng trẻ thơ “lặng lẽ” vươn mầm

Thấy người lạ, một vài ánh mắt e dè khẽ hé nhìn chúng tôi, tay vẫn bám chặt vào hai người bà chăm sóc. Chỉ có một bé lớn nhất mạnh dạn khoanh tay chào chúng tôi thật to, còn lại các bé nhỏ hơn vẫn đang bập bẹ tập nói “mẹ… mẹ” hay “bà… bà”.

Ở đây, sáu đứa trẻ có thể ăn chung, ngủ chung, mặc chung quần áo và thậm chí có sáu người mẹ chung cùng yêu thương. Những đứa trẻ ở đây cũng theo nền nếp sinh hoạt của mẹ, thường thức dậy lúc 5h sáng, sau những “thủ tục” vệ sinh cá nhân, các mẹ sẽ gửi vào nhà trẻ để yên tâm đi lao động cải tạo.

Nhà trẻ đặc biệt chẳng mấy khi nghe tiếng “o oe” hờn khóc như những nhà trẻ khác, vì các con đều tự chơi rất ngoan, hết ăn lại lăn ra ngủ, nô đùa với đồ chơi, với bậu cửa, hay với chính chiếc bóng in trên nền nhà khi nắng vàng hắt xuống. Có lẽ, vì đi nhà trẻ từ sớm nên bé nào cũng ngoan, không quá quấn mẹ, đòi mẹ, cũng chẳng biết “ăn vạ” bao giờ.

Đến 11h30, sáu bà mẹ hết giờ lao động sẽ đến nhà trẻ đón con về nghỉ trưa, chiều lại gửi con lúc 14h để tiếp tục công việc. Thời gian mẹ con dành cho nhau nhiều nhất có lẽ là vào buổi tối, 17h là mẹ đã có thể đón con về tắm giặt, ăn tối và ôm con vào lòng.

Khi chúng tôi bước vào căn phòng khoảng 20m vuông, đồ chơi trải kín trên hai chiếc chiếu, mỗi bé tự chọn đồ chơi và thỏa sức bò ngang dọc mà chơi. Cậu bé Hạ Mí Chơ, lớn nhất lớp, mạnh dạn nhất và cũng là cậu bé lanh miệng nhất, cứ chốc chốc lại chạy lại ôm chúng tôi, thể hiện tình cảm.

Buổi sáng, chúng tôi mang theo chút bánh kẹo và bim bim cho các bé, đến buổi chiều khi vừa xuất hiện ở khoảnh sân trước, mấy bé đã đứng vịn ở cửa lớp, cậu bé Hạ Mí Chơ tíu tít vẫy gọi: “Bộ… bộ vào đây chơi Chơ đi… Yêu bộ!” (ý là “Cán bộ vào đây chơi với Chơ đi… Yêu cán bộ!” - PV).

Những gương mặt bầu bĩnh lớn lên cùng mẹ sau song sắt, không được gia đình bế ẵm nhiều, không được tung tăng dạo phố phường hay đi chơi công viên, nhưng bù lại, các con có một tuổi thơ hồn nhiên và “lành mạnh” đúng nghĩa, không “dán mắt” vào màn hình ti vi, máy tính hay điện thoại thông minh để xem phim hoạt hình hay biếng ăn và nũng nịu…

Những đôi mắt đen láy vẫn bình yên sau cánh cửa nhưng dường như chẳng mấy khi biết “mít ướt”, “ăn vạ”, nhà trẻ đặc biệt chẳng mấy khi nghe được tiếng khóc vì các con tự chơi rất ngoan, ăn ngủ đủ “cữ”. Các con lớn lên trong vòng tay của mẹ lúc bắt đầu một ngày mới; trong giọng “À ơi” của các bà bảo mẫu khi ở nhà trẻ; trong sự sát sao, quan tâm đầy tình cảm của các cô quản giáo lúc ghé thăm và trong cái ôm ấm áp lúc trở về vòng tay mẹ.

Những bàn chân lẫm chẫm đang tập đi từng bước, một thoáng e dè vì gặp người lạ vụt tan sau khi các cô quản giáo và bà bảo mẫu vỗ về, khẳng định là “Các cô vào chơi với các con!”. Nhiều bé xúm xít lại, vòng tay ôm và ghé đầu lại thơm má, biểu hiện tình cảm thật ngọt ngào.

Những khi mẹ vừa xuất hiện ở bậu cửa, chỉ cần chìa hai cánh tay và khe khẽ gọi, những bạn nhỏ nhoẻn miệng cười tươi, ùa về phía mẹ, mấy bạn bé nhất còn đi chưa vững nhưng cũng bò thật nhanh về phía cửa.

Ở đây, cả sáu bà mẹ đều xưng “mẹ”, gọi sáu đứa trẻ là con và coi như con ruột của mình. Mẹ nào đi lao động về sớm hơn thì ghé vào chơi cùng các con một chút, ôm từng đứa một để các con có “hơi mẹ” sớm nhất sau một buổi ở nhà trẻ. Có lẽ, cử chỉ nhỏ nhưng cũng góp thành hơi ấm, tạo nên một niềm hạnh phúc cho những mầm non đang “lặng lẽ” chờ mẹ về.

Những đứa trẻ đã phải theo mẹ vào đây, thường do ở nhà chẳng còn ai chăm sóc, nương tựa. Ông bà già yếu, không đủ sức chăm cháu nhỏ, bố cũng bị bắt hoặc đi “cai”.

Có những đứa trẻ chưa một lần có bố vào thăm hay thậm chí có đứa trẻ chưa từng đừng nằm trong vòng tay bố.

Mẹ của sáu đứa trẻ phải bước vào trại giam vì những lầm lỡ không giống nhau nhưng cũng quẩn quanh cái “vòng xoáy bạc tiền” từ ma túy và mua bán người.

Nữ phạm nhân Thào Thị Giang (SN 1974, mẹ của Mùa Công Mành) trở về sau buổi lao động, nhẹ nhàng áp con vào bầu sữa nóng hổi tâm sự về quãng thời gian hoãn thi hành án 7 năm liên tục: “Tôi đã trải qua 9 lần sinh nở, con đầu lòng đã 18 tuổi. Đến khi sinh con bé thứ 9 được khoảng một tháng thì bị bắt, thi hành án tính đến nay vào trại đã được hơn nửa năm.

Vào đây rồi cũng khổ tâm lắm cán bộ ơi, vì còn cả đàn con nheo nhóc ở nhà. Hai mẹ con chưa được một lần người nhà vào thăm. Chồng thì nghiện hút, không ai chăm nom các con ở nhà được, chỉ chờ đứa lớn trông đứa nhỏ. Không được ở nhà nuôi con, nhớ con lắm nên chỉ mong cải tạo tốt để sớm trở về chăm sóc các con ở nhà”.

Ngồi ngay sát đó, nữ phạm nhân Mùa Thị Cu (SN 1990, mẹ của Thào Thị May) cũng đầy trăn trở: “Tôi biết mình sai lắm, nên mới phải vào đây, lại làm khổ lây đến con, cũng phải theo mẹ vào, vì ở nhà chẳng ai chăm nom. Ông bà già cả, bố cũng đang đi “cai” hơn một năm nay rồi. Chẳng có ai lên thăm hai mẹ con cả.

Nhưng bố nó hết sang năm “cai” được là được về rồi, sẽ lên đón con về chăm nom thôi. Án tôi còn dài lắm, 9 năm 6 tháng mà tôi mới chấp hành được 1 năm, giờ nghĩ sợ lắm rồi, chỉ hy vọng cải tạo tốt để sớm ngày trở về làm ăn lương thiện mà chăm con”.

Nằm gọn trong lòng mẹ, bé May cười khúc khích khi mẹ trêu, giả bộ lùa ngón tay vào lưng ngọ nguậy. Bé Thiện Anh cũng “yên vị” trên tay mẹ, đôi mắt thiu thiu đi vào giấc ngủ. Hai bé Từ Lim và Quốc Kiên cũng ngồi ngay gần đó, tay mân mê mấy món đồ chơi, trong lúc hai bà bảo mẫu bón cháo cho kịp bữa trưa mẹ về đón…

Đại úy Trần Thị Thanh Hoa, quản giáo phân trại số 1, trại giam Quyết Tiến cho biết: “Trại chọn những bà bảo mẫu theo tiêu chí án ngắn, lớn tuổi, có kinh nghiệm trông trẻ và đặc biệt là yêu quý trẻ em.

Tất cả các trẻ đều được hưởng chế độ bằng một phần chế độ của mẹ, ngay trong những ngày bình thường, các trẻ cũng được quan tâm, chăm sóc đảm bảo chế độ sinh hoạt, chăm sóc y tế thật tốt… Bên cạnh đó, vào những dịp lễ, Tết cũng được hội Phụ nữ của phân trại quan tâm nhiều hơn, gửi những món quà nho nhỏ, bù đắp một phần và cố gắng tạo một môi trường tốt nhất cho trẻ”.

Những đứa trẻ cứ dần lớn lên từng ngày trong vòng tay của những người mẹ đang nỗ lực sửa lỗi lầm, những người bà bảo mẫu hiền từ, những cô quản giáo đầy yêu thương. Nhiều nữ quản giáo còn may quần áo mới, gom góp quần áo ấm mang vào cho những đứa trẻ mỗi dịp mùa đông giá lạnh trở về.

Không được đủ đầy như những đứa trẻ ngoài kia, nhưng những gương mặt ngây thơ ấy vẫn đang được bảo bọc và nuôi dưỡng một cách trọn vẹn nhất có thể, mặc dù thiếu tình thương của bố, nhưng các con lại có những người mẹ, người bà nhất mực thương yêu.

Nép mình trong một góc rợp bóng cây của phân trại K1, trại giam Quyết Tiến, nhà trẻ đặc biệt vẫn ngày ngày vang lên tiếng bi bô tập nói, tiếng cười trong trẻo của những mầm xanh chúm chím, chờ đợi một ngày mai tươi sáng cho những cặp mẹ con.