noi-mien-nhiem-voi-khung-hoang-nang-luong

noi-mien-nhiem-voi-khung-hoang-nang-luong-video.mp4

Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày nay đang gây ra một cú sốc với quy mô và mức độ phức tạp chưa từng có. Những chấn động lớn nhất được cảm nhận trên thị trường khí đốt, than đá và điện - cùng với sự hỗn loạn đáng kể trên thị trường dầu mỏ.

Ở châu Âu, các nhà sản xuất kim loại, giấy, phân bón và các sản phẩm khác cần nhiều khí đốt và điện để chuyển đổi nguyên liệu thô thành các sản phẩm, từ cửa xe hơi đến hộp bìa các tông, đều phải “thắt lưng buộc bụng” đối với tiêu thụ năng lượng.

Không những vậy, ngay cả hệ thống chiếu sáng Tháp Eiffel - biểu tượng nổi tiếng của thủ đô Paris (Pháp) - cũng được tắt sớm hơn 1 giờ so với bình thường để giảm lượng điện năng tiêu thụ.

noi-mien-nhiem-voi-khung-hoang-nang-luong

Tháp Eiffel lúc chạng vạng. Ảnh: IEA

Chính phủ các quốc gia như Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp đã phải chi nhiều tiền hơn để trợ cấp hóa đơn năng lượng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Mùa Giáng sinh vừa rồi ở khắp thế giới phương Tây cũng thiếu đi phần nào ánh sáng lung linh vì khủng hoảng năng lượng.

Ở châu Á, các quốc gia như Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi đối với thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm qua khi châu Âu tăng cường nhập khẩu loại nhiên liệu siêu lạnh được chở bằng tàu biển để bù đắp cho thiếu hụt nguồn cung từ Nga.

noi-mien-nhiem-voi-khung-hoang-nang-luong

Cảng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) GATE ở Rotterdam, Hà Lan. Ảnh: Valvetight

Trong khi cuộc chiến năng lượng giữa Moscow và phương Tây vẫn dai dẳng, thị trường dầu mỏ cũng sẽ tiếp tục biến động, với việc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Australia áp trần giá dầu Nga, việc Trung Quốc nới lỏng hơn nữa các hạn chế về đại dịch có thể thúc đẩy nhu cầu gia tăng và đẩy giá dầu lên, hay việc OPEC+ nhất trí giữ nguyên mức sản lượng thắt chặt đang duy trì hiện nay.

Năm qua còn chứng kiến sự trỗi dậy của than đá, đặc biệt là ở “lục địa già”, khi giá khí đốt bị đẩy lên cao, buộc các công ty điện lực phải tìm các giải pháp thay thế rẻ hơn.

noi-mien-nhiem-voi-khung-hoang-nang-luong
noi-mien-nhiem-voi-khung-hoang-nang-luong

Cơ sở xuất khẩu LNG Sabine Pass của Cheniere Energy Inc., Mỹ. Ảnh: Power Engineering

Thị trường năng lượng bắt đầu bị thắt chặt kể từ năm 2021 do nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch, điều kiện thời tiết không thuận lợi, sụt giảm đầu tư trong dài hạn vào các dự án dầu khí, tài chính công từ chối đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, cũng như các chính sách năng lượng trên toàn thế giới.

noi-mien-nhiem-voi-khung-hoang-nang-luong

Một nhà máy lọc dầu ở Novokuibyshevsk, vùng Samara, Nga. Ảnh: Bloomberg

Tình hình đã leo thang nghiêm trọng thành một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu theo sau xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2/2022. Giá khí đốt tự nhiên đạt mức cao kỷ lục và hệ quả là giá điện ở một số thị trường cũng tăng theo. Giá dầu đạt mức cao nhất kể từ năm 2008.

noi-mien-nhiem-voi-khung-hoang-nang-luong

Một nhà ga tiếp nhận khí đốt từ Nord Stream 1. Ảnh: DW

Giá năng lượng cao hơn đã góp phần khiến lạm phát tăng cao, đẩy nhiều hộ gia đình vào cảnh khốn khó, buộc một số nhà máy phải cắt giảm sản lượng hoặc thậm chí đóng cửa, và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế đến mức một số quốc gia đang tiến tới suy thoái nghiêm trọng. Châu Âu, nơi đặc biệt dễ bị tổn thương do quá phụ thuộc vào Nga về nguồn cung khí đốt, vẫn là tâm điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng.

noi-mien-nhiem-voi-khung-hoang-nang-luong

Người dân tuần hành yêu cầu tiếp tục chuyển sang các nguồn NLTT, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bất chấp khủng hoảng năng lượng, ở Berlin, Đức, ngày 22.10.2022. Ảnh: TIME

Biến động giá cả, thiếu hụt nguồn cung, các vấn đề an ninh và bất ổn kinh tế đã góp phần gây ra điều mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gọi là “cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên, với những tác động sẽ được cảm nhận trong nhiều năm tới”.

Như thường lệ, các nước nghèo hơn – phần nhiều vẫn đang phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19 – sẽ gánh chịu hậu quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng năng lượng, với ít nhất 70 triệu người trên thế giới mất khả năng chi trả hóa đơn điện, và 100 triệu người có thể không còn khả năng tạo đun nấu thức ăn bằng nhiên liệu sạch, thay vào đó là sử dụng sinh khối (như rơm rạ, bã mía…), IEA cho biết.

Đối với các quốc gia giàu nhiên liệu, như Mỹ, hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang đến năm 2023 sẽ rất phức tạp.

noi-mien-nhiem-voi-khung-hoang-nang-luong

Các hầm chứa khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại nhà ga Yukonhaven ở Cảng Rotterdam, Hà Lan. Ảnh: Bloomberg

Một mặt, cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 đã mang lại lợi nhuận kỷ lục cho các công ty xăng dầu, và điều này sẽ tiếp tục diễn ra chừng nào tình trạng thiếu nhiên liệu vẫn còn. Sự gia tăng đột biến trong xuất khẩu LNG của Mỹ có nghĩa là lợi nhuận khổng lồ cho các công ty xăng dầu tư nhân của nước này, chẳng hạn như Exxon.

Điều này cũng đúng với Na Uy. Xuất khẩu khí đốt của Na Uy vào EU tăng 8% so với năm trước, khiến nước này trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho EU kể từ khi nguồn cung khí đốt từ Nga biến động và bị gián đoạn. Equinor, tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Na Uy, dự kiến kiếm được 82 tỷ USD doanh thu năng lượng trong năm 2022 và 2023, tăng từ 27 tỷ USD vào năm 2021.

noi-mien-nhiem-voi-khung-hoang-nang-luong

Sản xuất điện năng là một trong những lĩnh vực phát thải nhiều khí nhà kính nhất. Ảnh: RT

Ngay cả Venezuela cũng có thể kiếm được tiền khi Nhà Trắng xem xét nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với đất nước Nam Mỹ để cho phép công ty Chevron của họ mang dầu thô Venezuela vào cuộc chơi.

Mặt khác, hậu quả kinh tế vĩ mô và chính trị từ cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ được cảm nhận ở khắp mọi nơi, ngay cả ở các nước xuất khẩu năng lượng ròng.

Giá năng lượng kỷ lục gần như chắc chắn đã đẩy châu Âu và các nước khác vào suy thoái. Điều này sau đó sẽ gây ảnh hưởng tới Mỹ, Canada, các nước OPEC và những nơi khác. Ngay cả ở Na Uy, lạm phát đã tăng gấp 3 lần, từ mức trung bình 20 năm là 1,84% lên gần 7% vào tháng 9/2022. Các nền kinh tế hiện đã quá liên kết với nhau đến mức các vấn đề ở một lục địa không thể không ảnh hưởng đến mọi nơi khác.

Lượng phát thải CO2 từ các nhà máy lọc dầu trên thế giới có thể đạt 16,5 tỷ tấn trong giai đoạn 2020-2030. Ảnh: Financial Times

Trong bối cảnh duy trì an ninh năng lượng trở thành ưu tiên hàng đầu của các chính phủ trên thế giới, theo IEA, có được một cơ cấu năng lượng mạnh mẽ và đa dạng sẽ là trọng tâm chính sách, và có thể cuộc khủng hoảng này sẽ đẩy nhanh việc chuyển đổi sang các loại nhiên liệu bền vững hơn.

“Các thay đổi về chính sách và thị trường năng lượng không chỉ được thấy trong thời điểm hiện tại mà còn trong nhiều thập kỷ tới”, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết.

“Ngay cả với các thiết lập chính sách ngày nay, thế giới năng lượng đang thay đổi đáng kể trước mắt chúng ta. Phản ứng của các chính phủ trên khắp thế giới hứa hẹn sẽ biến điều này thành một bước ngoặt lịch sử và kiên định, hướng tới một hệ thống năng lượng sạch hơn, giá cả phải chăng hơn và an toàn hơn”.

noi-mien-nhiem-voi-khung-hoang-nang-luong

“Hành trình hướng tới một hệ thống năng lượng bền vững và an toàn hơn có thể không suôn sẻ, nhưng cuộc khủng hoảng ngày nay cho thấy rõ ràng lý do tại sao chúng ta cần phải tiến về phía trước”, người đứng đầu IEA bổ sung.

Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới phải vật lộn với hóa đơn điện leo thang, ở Đức có một nơi “miễn nhiễm” với khủng hoảng năng lượng.

Nằm cách thủ đô Berlin chỉ khoảng 60km về phía Tây Nam, làng Feldheim nổi tiếng với khả năng tự cung tự cấp năng lượng trong hơn một thập kỷ qua. Câu chuyện bắt đầu với một thử nghiệm táo bạo được đưa ra vào giữa những năm 1990. Những tua-bin gió đầu tiên đã được lắp đặt để cung cấp điện cho ngôi làng.

noi-mien-nhiem-voi-khung-hoang-nang-luong

Các tua-bin gió lặng lẽ hoạt động gần làng Feldheim, bang Brandenburg, Đức, ngày 28.9.2022. Ảnh: AP

Sau đó, dân làng cho xây dựng một lưới điện địa phương, các tấm pin mặt trời, bộ lưu trữ pin và nhiều tuabin gió hơn. Tiếp theo, một công trình khí sinh học được xây dựng - vốn ban đầu để giữ ấm cho heo con - đã được mở rộng, mang lại lợi ích cho nền nông nghiệp địa phương và cung cấp nước nóng qua hệ thống trung tâm tỏa đi toàn làng. Một cơ sở sản xuất hydro cũng đang được xây dựng.

Ngôi làng nhỏ khiêm tốn thuộc vùng nông thôn bang Brandenburg, với chỉ 130 nhân khẩu, giờ đây có 55 tuabin gió hoạt động ngày đêm trong lặng lẽ. Dân làng đang sử dụng điện năng với mức giá thuộc dạng rẻ nhất nước Đức.

“Tất cả mọi người ở làng đều có thể ngủ ngon vào ban đêm”, ông Kathleen Thompson, một người dân địa phương, biết. “Chúng tôi không có gì phải lo ngại vì giá năng lượng ở đây sẽ không thay đổi, ít nhất là trong tương lai gần”.

Feldheim - ngôi làng được cung cấp 100% năng lượng tái tạo ở bang Brandenburg, Đức. Ảnh: NEF Feldheim

Cách tiếp cận thực hành của làng Feldheim với hệ thống sản xuất năng lượng thân thiện với môi trường của riêng mình đã thu hút hàng nghìn du khách từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm, và trái ngược với tình trạng trên toàn nước Đức nói chung về phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu cho nhiều nhu cầu của mình.

Chính khủng hoảng năng lượng đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy việc triển khai các nguồn năng lượng tái tạo bền vững và sạch hơn như điện gió và điện mặt trời, giống như cách những cú sốc về dầu mỏ trong thập niên 1970 đã thúc đẩy những tiến bộ lớn về hiệu quả năng lượng, cũng như năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời (quang năng) và năng lượng gió (phong năng).

Theo IEA, thế giới sẽ xây dựng 2.400 gigawatt (GW) công suất phát điện mới chủ yếu từ quang năng và phong năng trong 5 năm tới, bằng toàn bộ công suất phát điện hiện tại của Trung Quốc và cao hơn 30% so với dự đoán được đưa ra hồi năm 2021.

Tốc độ gia tăng đó sẽ khiến năng lượng tái tạo trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất thế giới vào năm 2025, vượt qua than đá. Đến năm 2027, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 38% cơ cấu nguồn điện, tăng từ mức 28% hiện nay.

Tiến bộ quan trọng đối với năng lượng tái tạo đến từ 3 sáng kiến lập pháp chính. Đầu tiên là Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, kêu gọi giảm cường độ phát thải carbon trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Thứ hai là kế hoạch của Ủy ban Châu Âu nhằm làm cho châu Âu độc lập khỏi nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030 (RePowerEU). Tháng 5/2022, EU thông qua kế hoạch RePowerEU, ràng buộc các quốc gia thành viên phải tạo ra 45% tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030. Để đạt được điều này, họ phải tạo ra ít nhất 2/3 lượng điện từ năng lượng tái tạo.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), phát triển điện gió ngoài khơi là một xu hướng tương lai, đồng thời là một giải pháp chống biến đổi khí hậu hiệu quả.

Một báo cáo gần đây từ các tổ chức tư vấn năng lượng E3G và Ember cho thấy sản lượng điện từ năng lượng tái tạo ở EU đã tăng kỷ lục 13% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2022, khi các quốc gia thành viên đẩy nhanh các dự án đã sẵn sàng và nâng cao mục tiêu giảm phát thải vào năm 2030.

Thứ ba là Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, được thông qua vào tháng 8/2022, trong đó đầu tư 370 tỷ USD vào năng lượng tái tạo trong 10 năm. Đây là khoản đầu tư công lớn nhất của nền kinh tế số 1 thế giới vào năng lượng sạch.

Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và năng lượng carbon thấp mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, châu Âu và các nơi khác trên thế giới đang thúc đẩy là cần thiết. Nếu ví con đường từ nhiên liệu hóa thạch đến năng lượng tái tạo như một cây cầu, thì cây cầu này đang bị “thiếu một vài nhịp”. Do đó, nó có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng chóng mặt cho đến khi các nguồn năng lượng xanh được phổ biến rộng rãi.

Các vấn đề năng lượng của thế giới không bắt đầu với xung đột Nga-Ukraine, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng theo sau nó đã tạo ra một số thay đổi địa chấn đối với ngành năng lượng. Một số thay đổi sẽ là tạm thời, một số sẽ là lâu dài, nhưng các quyết định được đưa ra ngày hôm nay sẽ định hình lại cơ cấu năng lượng toàn cầu ngày mai và mãi mãi.

Năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất thế giới vào năm 2025. Ảnh: Green Queen

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 2, 23/01/2023 | 16:00